Mỹ muốn gửi thông điệp gì tới châu Á qua tàu sân bay 100.000 tấn?

Ngày đăng: 07:22 25/07/2017 Lượt xem: 602

Mỹ muốn gửi thông điệp gì tới châu Á qua tàu sân bay 100.000 tấn?

 
                                                              Nguồn:Báo Điện tử InfoNet


“Hoa Kỳ vừa mới gửi “thông điệp 100.000 tấn tới thế giới””, đó là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi lễ bàn giao hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford cho hải quân tại căn cứ Norfolk, bang Virginia cuối tuần qua.

Với trị giá 13 tỷ USD, Tổng thống Trump khẳng định: “Bất cứ nơi đâu mà USS Gerald R. Ford đi qua, các đồng minh của chúng ta sẽ được nghỉ ngơi một cách dễ dàng và kẻ thù của chúng ta sẽ run lên sợ hãi bởi tất cả mọi người đều biết rằng nước Mỹ đang tới và đang tới một cách cực kỳ mạnh mẽ”.

Theo CNN, mặc dù việc đưa USS Gerald R. Ford vào hoạt động vẫn còn xa vời và chưa được ấn định, song sự xuất hiện chính thức của tàu sân bay này trong kho vũ khí quân sự của Hoa Kỳ là thông điệp cho thấy Washington đang cố gắng để đối mặt với những thách thức mới ngày càng tăng ở khu vực Bắc Á.

ADVERTISING

Hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford. Nguồn: Hải quân Hoa Kỳ
 

Cụ thể, Trung Quốc vừa hạ thủy chiếc tàu sân bay thứ hai và tàu khu trục hiện đại nhất của  nước này tính tới nay. Động thái này diễn ra sau khi Bắc Kinh đưa tàu sân bay Liêu Ninh tới Hong Kong để phô diễn sức mạnh cũng như cử nhiều tàu chiến khác tới châu Âu để thể hiện ý chí quân sự của mình.

Trong khi đó, Triều Tiên đã thử thành công vũ khí được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên của nước này, với tầm bắn có thể đạt tới Alaska và Hawaii.

Với tất cả những thách thức đó, hãy cùng CNN đánh giá lại sức mạnh quân sự, điểm mạnh, điểm yếu của những “người chơi” trong khu vực phía bắc châu Á.

Hoa Kỳ

Hiện Mỹ vẫn là cường quốc quân sự nổi bật nhất thế giới và ở khu vực Thái Bình Dương, Mỹ đã đặt một số lượng lớn các loại vũ khí công nghệ tiên tiến.

“Hạm đội chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu ngay trong tối nay với những công nghệ hiện đại nhất của tất cả các lực lượng trên hành tinh”, Đô đốc Harry Harris, chỉ huy của 340.000 binh lính Mỹ ở Thái Bình Dương, khẳng định trong bài phát biểu hồi tháng 2.


Các căn cứ quân sự Hoa Kỳ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguồn: CNN
 

Mỹ sở hữu 11 tàu sân bay đang hoạt động và một số  khác đang trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, Trung Quốc mới cho ra đời tàu sân bay thứ hai, song con tàu này vẫn chưa sẵn sàng hoạt động trong một vài năm tới.

Dù chỉ có duy nhất một hàng không mẫu hạm của Mỹ là USS Ronald Reagan đang neo đậu tại châu Á, song với tốc độ di chuyển nhanh chóng, tàu sân bay 97.000 tấn với hơn 60 chiến đấu cơ này có thể đi tới những điểm nóng trên toàn cầu chỉ trong một vài tuần.

Lầu Năm Góc cũng tiến hành đặt một số vũ khí mới nhất ở châu Á, đáng chú ý nhất là các chiến đấu cơ F-35B trong lực lượng thủy quân lục chiến ở Nhật Bản và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD ở Hàn Quốc. Ngoài ra, Hoa Kỳ vẫn duy trì những lực lượng phản ứng nhanh tại các căn cứ ở Nhật Bản và Australia.


Chiến đấu cơ F-35B. Nguồn: CNN
 

Căn cứ không quân Kadena ở đảo Okinawa, Nhật Bản là nơi hoạt động của Không đoàn 18 Không quân Hoa Kỳ, được mệnh danh là một trong những đoàn bay sẵn sàng chiến đấu lớn nhất. Hơn 50 chiến đấu cơ F-15 cũng được đặt tại Kadena, cùng với sự hỗ trợ của nhiều xe tăng, máy bay kiểm soát và chỉ huy AWACS.

Tại Hàn Quốc, Hoa Kỳ duy trì hai căn cứ không quân chính, là Osan với các chiến đấu cơ F-16 và A-10 “diệt tăng” và căn cứ Kunsan cũng được trang bị bằng các máy bay chiến đấu F-16. Ngoài ra, các không hạm hiện đại, hạng nặng hơn có thể được điều chuyển từ đảo Guam, nơi Mỹ thường đặt máy bay ném bom B-52, B-1 và B-2.

Trong khi đó, hải quân Mỹ đang đặt 10 tàu khu trục và tàu tên lửa dẫn đường ở Nhật Bản. Các tàu chiến này được trang bị tên lửa Tomahawk nhằm mục đích phòng vệ và hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis có thể dùng để đánh chặn các vụ tấn công tên lửa từ Bình Nhưỡng.

Triều Tiên

Nếu chỉ tính riêng số lượng binh lính nghĩa vụ thì quân đội Triều Tiên là một đội quân rất lớn. Bình Nhưỡng có gần 1,2 triệu quân nhân cả nam và nữ, chỉ đứng sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ và trong top 5 những lực lượng quân sự lớn nhất thế giới.


Triều Tiên sở hữu lượng binh lính hùng hậu. Nguồn: CNN
 

Tuy nhiên, xét về khía cạnh vũ khí, việc bị cô lập đã khiến Triều Tiên bị tụt hậu về công nghệ, có nghĩa là Bình Nhưỡng không thể so sánh về chất lượng với các vũ khí của Hàn Quốc, Mỹ hay Nhật Bản. Song điều này không có nghĩa là vũ  khí Triều Tiên không thể gây tổn thất lớn cho kẻ thù.

 

“Một trong những công vụ uy lực nhất của quân đội Triều Tiên là pháo binh”, Stratfor, công ty phân tích địa chính trị có trụ sở ở Texas nhận xét.


Một loại xe tăng của quân đội Triều Tiên. Nguồn: CNN
 

Theo Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, Triều Tiên sở hữu 21.000 đơn vị pháo binh. Rất nhiều trong số đó có tầm bắn đạt đến khu vực đô thị Seoul nơi có 25 triệu người dân Hàn Quốc sinh sống, điều này có nghĩa là Bình Nhưỡng có thể tiến hành tấn công pháo binh tiêu diệt hàng nghìn người và nhiều hơn thế.

Hàn Quốc

Seoul sở hữu một số loại vũ khí hiện đại nhất thế giới, chủ yếu là để bảo vệ an ninh quốc gia trước mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế chỉ ra rằng Hàn Quốc có trong tay những vũ khí tiên tiến bao gồm một phi đội máy bay tàng hình F-35, tên lửa hành trình cho chiến đấu cơ F-15 và các loại tàu ngầm mới nhất.


Tàu khu trục tên lửa dẫn đường King Sejong. Nguồn: CNN
 

Xe tăng K2 của quân đội Hàn Quốc. Nguồn: CNN
 

Ngoài ra, Seoul cũng chuẩn bị thêm vào hạm đội tàu chiến của mình tàu khu trục tên lửa dẫn đường Sejong, được coi là tàu chiến hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Trên mặt đất, lực lượng của Hàn Quốc gồm có 100 xe tăng “Báo đen” K2 sản xuất trong nước, cũng được các nhà phân tích đánh giá là một trong số các xe tăng tốt nhất thế giới.

Nhật Bản

Các nhà phân tích nhận xét, Nhật Bản là đại diện của một trong những quân đội công nghệ hiện đại và mạnh nhất thế giới. “Phi công đấu phi công, tàu chiến đấu tàu chiến, Nhật Bản có thể mặt đối mặt với bất kỳ lực lượng nào trên thế giới”, John T. Kuehn, giáo sư lịch sử quân sự trường sĩ quan và chỉ huy quân đội Mỹ, nhận định.



Tàu ngầm Oyashio của hải quân Nhật Bản. Nguồn: CNN

 


Tàu khu trục trực thăng Nhật Bản. Nguồn: CNN

Lực lượng hải quân của Tokyo đặc biệt mạnh và tinh thông mọi cuộc chiến chống ngầm. “Việc dò tìm, phát hiện và phản ứng dưới mặt nước là một thế mạnh của Nhật Bản, cả về kỹ thuật lẫn chiến thuật”, Corey Wallace, nhà phân tích an ninh ĐH Freie ở Berlin cho biết.

Xương sống của lực lượng này là 19 tàu ngầm và 3 tàu khu trục trực thăng, giống với tàu sân bay hơn là một tàu khu trục bình thường.

Trung Quốc

Bắc Kinh sở hữu lực lượng binh lính lớn nhất thế giới về số lượng với hơn 2,1 triệu người. Trên bề mặt hay dưới mặt nước biển, Trung Quốc cũng sở hữu một số lượng tàu ngầm ấn tượng gồm 64 tàu và lượng lớn tàu chiến mặt nước (82 chiếc). Tuy vượt hẳn về số lượng song các nhà phân tích cho rằng hạm đội tàu chiến của Trung Quốc còn đi sau về mặt chất lượng.

Tuy nhiên, cuối tháng 6 vừa qua, Bắc Kinh vừa hạ thủy khu trục hạm Type 055 đầu tiên mà theo các chuyên gia tàu mới này hiện đại hơn bất kỳ đối thủ nào trong khu vực.


Chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc. Nguồn: CNN
 

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 tham gia diễu binh. Nguồn: CNN

Về không quân, Trung QUốc cũng sở hữu một lượng lớn các vũ khí chiến đấu, gồm hơn 800 máy bay chiến đấu và 150 máy bay ném bom. Dù phần lớn trong số đó bị coi là sử dụng công nghệ cũ, song các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 như J-20 hay J-31 cũng có thể đối đầu với F-35 hay F-22 của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, tài sản lớn nhất của Trung Quốc là lực lượng tên lửa. Theo một báo cáo năm 2016 của Ủy ban an ninh và kinh tế Trung – Mỹ, tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Bắc Kinh có thể giúp nước này tấn công tới đảo Guam, nơi đặt căn cứ Không quân Andersen rất lớn của Mỹ.

Trung Quốc cũng “khoe” về loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất mới được phát triển, có thể khai hỏa từ phi đội máy bay ném bom tầm xa H-6K của quân đội nước này.

 


tin tức liên quan