Bị trừng phạt nặng, Triều Tiên vẫn thản nhiên, vì họ thừa hiểu động cơ thật sự của Nga, TQ
Bị trừng phạt nặng, Triều Tiên vẫn thản nhiên, vì họ thừa hiểu động cơ thật sự của Nga, TQ
Nguồn:Báo Điện tử Thời Đại
Dự thảo trừng phạt Triều Tiên do Mỹ soạn thảo được cả Nga, TQ tán thành nhưng chưa có đảm bảo rằng nghị quyết được thực hiện đầy đủ bởi các bên vẫn tồn tại đối kháng lợi ích.
Ông Kim Jong-un cùng các quan chức Triều Tiên vỗ tay mừng thành công của vụ phóng thử tên lửa Hwasong-14 hôm 4/7.
Dự thảo trừng phạt Triều Tiên do Mỹ soạn thảo được cả Nga, TQ tán thành nhưng chưa có đảm bảo rằng nghị quyết được thực hiện đầy đủ bởi các bên vẫn tồn tại đối kháng lợi ích.
Lần thứ 8, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết về trừng phạt Triều Tiên do Mỹ soạn thảo, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành hai vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Mỹ lần này phải chủ động và phải thương thảo trước với Trung Quốc vì hai lẽ.
Thứ nhất, Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa, tức là tiếp tục kiên định phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa bất chấp vấp phải khó khăn mới từ phía Mỹ, Liên hợp quốc và cả từ phía Trung Quốc, tức là mọi sức ép và răn đe, dọa dẫm từ phía Mỹ đều vô tác dụng.
Thứ hai, tên lửa của Triều Tiên vừa được phóng có khả năng vươn tới lãnh thổ nước Mỹ, tức là mức độ đe dọa thực tế đối với Mỹ đã tăng lên đáng kể.
Nghị quyết mới này của HĐBA LHQ có 3 điều đáng được chú ý đến hơn những lần trước. Thứ nhất, nó được cả Trung Quốc lẫn Nga tán đồng. Mỹ đã tham vấn Trung Quốc trước khi đưa dự thảo nghị quyết ra biểu quyết trong HĐBA, tức là Mỹ đã lôi kéo Trung Quốc vào cuộc ngay từ đầu, biến Trung Quốc thành đồng tác giả gián tiếp của dự thảo nghị quyết.
Thứ hai, nó nhằm gần như hoàn toàn vào nguồn thu từ xuất khẩu của Triều Tiên. Nếu được thực thi đầy đủ và nghiêm chỉnh, nó sẽ làm Triều Tiên bị thất thu khoảng 1 tỷ USD hàng năm. Theo số liệu thống kê, thu nhập của Triều Tiên từ xuất khẩu năm ngoái là 3 tỷ USD. Trên phương diện này, nghị quyết mới gây khó khăn lớn cho Triều Tiên.
Thứ ba, Mỹ muốn nhưng Trung Quốc và Nga không đồng tình nghị quyết này bao hàm cả nội dung cấm cung ứng lương thực, thực phẩm và dầu lửa cho Triều Tiên. Nếu bị cấm vận về lương thực, thực phẩm và dầu lửa, Triều Tiên sẽ gặp khó khăn và phức tạp nhiều nhất, bị hạn chế khả năng hoạt động quân sự nhiều nhất.
Cho nên mới nói là nghị quyết này đưa lại tác động mới, nhưng vẫn bao hàm hạn chế cũ.
Tham vấn Trung Quốc trước khi đưa dự thảo trừng phạt Triều Tiên ra biết quyết, Mỹ đã biến Trung Quốc thành đồng tác giả gián tiếp. Ảnh: The New York Times
Tác dụng mới, hạn chế cũ
Tác động mới là gia tăng áp lực quốc tế đối với Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể không hài lòng khi lần đầu tiên có được một nghị quyết với nội dung và mức độ như vậy về Triều Tiên.
Trên Twitter, ông Trump không giấu diếm cảm nhận đó. Trên danh nghĩa, Mỹ đã buộc được cả Nga lẫn Trung Quốc phải thể hiện đồng hành với Mỹ. Trong thực chất, Mỹ đã thuyết phục được Trung Quốc và Nga làm găng hơn trước với Triều Tiên.
Tác động mới là LHQ thể hiện sự nhất trí về quan điểm và quyết tâm phối hợp hành động để ngăn cản Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa.
Nhưng nó vẫn bao hàm những hạn chế như ở 7 nghị quyết trước đó. Chẳng có gì đảm bảo rằng nghị quyết sẽ được thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh. Nghị quyết gây khó thêm nhưng không làm Triều Tiên kiệt quệ hoàn toàn. Xưa nay trên thế giới và trong quan hệ quốc tế, chính sách bao vây cấm vận và trừng phạt của quốc gia này, của nhiều nước và cả của LHQ đúng là gây khó khăn lớn nhưng chưa lần nào giúp các tác giả của chúng đạt được mục tiêu đề ra như mong muốn.
Chúng có hai mặt, có cái phản tác dụng của chúng. Một mặt, Triều Tiên đến hiện tại đã quá quen với tình trạng bị bao vây, cấm vận và trừng phạt. Mặt khác, Mỹ, Trung Quốc và Nga có lợi ích chung là không để Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và không muốn nước này tiếp tục chương trình hạt nhân, tên lửa nhưng bên cạnh đó khác biệt, thậm chí cả đối kháng lợi ích cũng rất rõ.
Trung Quốc và Nga sẽ không để việc xử lý vấn đề hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên ảnh hưởng bất lợi đến cuộc cạnh tranh chiến lược giữa họ và Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi các đối tác liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đến vấn đề Triều Tiên đều tỏ thái độ hài lòng và thể hiện quyết tâm cùng nhau thực hiện nghị quyết mới nói trên thì Triều Tiên lại làm như không có chuyện gì xảy ra. Nước này không những không chỉ bác bỏ đề nghị đối thoại của Hàn Quốc mà còn mạnh lời hơn trước với việc dọa dẫm Mỹ.
Một mặt, phản ứng của Triều Tiên thường lấy cương chế cương sau mỗi lần bị đối tác bên ngoài nào đó gia tăng áp lực.
Mặt khác, Triều Tiên không thể không nhận ra rằng ở lần này, Trung Quốc và Nga, đặc biệt là Trung Quốc, dùng nghị quyết ấy để tỏ ra nhượng bộ Mỹ và làm ông Trump hài lòng nhiều hơn là chủ ý gia tăng áp lực với Triều Tiên hoặc vì nhận thức thật sự cần làm thế để đối phó Triều Tiên.
Hạn chế cũ ở nghị quyết này là hoàn toàn không bao hàm chiến lược kèm theo cho thời kỳ sau trừng phạt và cấm vận. Cho nên từng bên đưa ra đề nghị riêng của mình. Chúng đều không được Triều Tiên chấp nhận vì là bằng chứng của sự bất đồng quan điểm giữa các đối tác bên ngoài này, cho thấy họ tuy cùng thuyền nhưng thực sự chưa cùng hội. Cho nên Trung Quốc lại nhắc lại đề nghị đã từng được đưa ra.
Ông Trump có thêm được chút thời gian trong vấn đề Triều Tiên. Chỉ cần Triều Tiên lại phóng tên lửa chứ không cần lại thử hạt nhân, nghị quyết này có ngay bằng chứng về hiệu lực và tác dụng rất hạn chế. Rất có thể khi ấy, Mỹ sẽ không trừng phạt Triều Tiên nữa mà trừng phạt tất cả những tổ chức, tập đoàn và cá nhân có quan hệ hợp tác với Triều Tiên. Khi ấy, Trung Quốc sẽ thuộc diện bị tác động nhiều nhất và mạnh nhất.