Phát hiện bất ng Phát hiện bất ngờ của ông bí thư và chuyện ‘chủ động, tích cực’
Phát hiện bất ngờ của ông bí thư và chuyện ‘chủ động, tích cực’
Nguồn:Báo Điện tử
Thật mong trong cuộc sống hàng ngày phát hiện và thực thi nhiều ví dụ bất ngờ như thế, để có thể giảm dần, giảm thiểu những “bất ngờ”, “bị động” trước mọi diễn biến của thời tiết, thiên tai!
Mưa không thuận, gió không hòa và vô vàn hậu quả do thiên tai gây ra là điều không mới, không bất ngờ ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có đất nước ta. Điều đáng nói lâu nay là ở chỗ, biết rồi, biết rõ mà vẫn… bất ngờ, bất thần (!); chủ động phòng chống mà rốt cuộc vẫn cứ là… bị động, lúng túng; hậu quả không thể lường trước!
Vì sao vậy?
Theo chỗ tôi biết, bất cứ địa phương, cơ sở nào, hàng năm đều phải hoàn thành phê duyệt phương án chủ động phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, trong đó có việc thành lập và vận hành ban chỉ huy, bộ phận thường trực, công tác đôn đốc, kiểm tra, các phương án ứng cứu… Nghĩa là, mọi việc cứ tuần tự, lớp lang theo kế hoạch, theo chỉ đạo, răm rắp mà làm, không thể tìm ra sai sót, thiếu trách nhiệm (nếu như… trời yên, bể lặng?).
Trước mùa mưa bão có các đoàn kiểm tra, trước trong và sau mỗi cơn bão cũng thấy thật rõ hình ảnh các vị lãnh đạo mũ cối, áo bạt bì bõm lội nước. Các phương tiện thông tin đại chúng luôn phát đi các thông tin dự báo, cao hơn là cảnh báo, thậm chí phát liên tục, trực tiếp từ hiện trường nếu cần thiết, cấp bách.
Mỗi đợt mưa lớn, kéo dài, luôn có cảnh báo lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá ở các vùng miền núi, như tỉnh Nghệ An thống kê hẳn bao nhiêu điểm cụ thể, nguy cơ cao nhất ở đâu, lúc nào…
Báo chí cũng nói nhiều về các công trình khoa học cảnh báo sớm được đặt ở đâu đó (không/chưa phát huy tốt, thậm chí cảnh báo sai khiến dân không tin?), các công trình kè chắn chống sạt lở, bồi lún, các chương trình tái định cư, di dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao, các loại công trình/nhà cho dân vùng lũ…
Nói tóm lại là không thiếu tiền của, công sức đã và đang được bỏ ra một cách xứng đáng, cần thiết cho công việc quan trọng bậc nhất này.
Nhưng tích cực, chủ động là thế mà sao vẫn có rất nhiều thiệt hại đau xót về người, về cơ sở vật chất như lâu nay từng xảy ra?
Cơn bão số 2 mới đây, tâm bão xộc thẳng vào vùng cuối hai bờ sông Lam, việc để xảy ra tàu chìm ở khu vực Đảo Hòn Ngư là điều cần phải rút kinh nghiệm xương máu. Nhưng đáng nói hơn là ở các vùng ngoài cơn bão, hoàn lưu bão lại để xảy ra thiệt hại về người và cơ sở vật chất, như chết người do sập mái tôn ở Hoàng Mai, rồi tàu bè chìm ở tận Quảng Bình… tức là ở những nơi tưởng như “vô sự” thì lại là “hữu sự”. Bất ngờ, bị động hay lơ là, chủ quan chính là chỗ đó?
Chuyện lũ quét, lũ ống sau bão số 2 ở Kỳ Sơn (Nghệ An) hay sau bão số 4 ở Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng… mới đây thực sự là những bài học lớn cho thấy tất cả những gì được coi là “chủ động, tích cực” lâu nay là hoàn toàn chưa đủ, không đủ trước mọi diễn biến khó lường, ngày càng phức tạp của thiên tai, thời tiết. Vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa vốn khó khăn về nhiều mặt càng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong điều kiện hiện nay.
|
Căn nhà tan hoang sau lũ dữ vừa qua tại bản Kháo Giống (xã Kim Nọi, thị trấn Mù Cang Chải, Yên Bái). Ảnh: Đoàn Bổng
|
Có ý kiến cho rằng, “ban chỉ huy phòng chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai” với chức “trưởng” là người đứng đầu cấp chính quyền, bộ máy giúp việc thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn liệu có nên được nâng cấp thành cơ quan chuyên trách “tình trạng khẩn cấp” như thế giới từng làm có hiệu quả?
Việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu như lâu nay là đúng, nhưng trên thực tế có “trúng”, có “truy” được ai khi nhiều nơi vẫn để xảy ra tình trạng bất ngờ, bị động, lúng túng, để xảy ra hậu quả đáng tiếc rồi “quy” do khách quan, do “ông trời” còn mình đã làm hết sức?
Tâm lý chủ quan, lơ là vô cùng phổ biến trong nhiều người, nhiều ngành, nhiều cấp khi coi đó như “cha chung”, mưa bão còn ở xa, cứ kê cao gối ngủ, dột đến đâu che đến đó, nước đến chân nhiều khi chưa biết hay biết mà không báo, không lo cho người khác?
Lo việc lớn, việc khó là cần nhưng cũng đừng quên việc nhỏ, việc dễ.
Ông Bí thư Nghệ An dạo nào lội sông, vượt suối vào vùng Nậm Giải - Quế Phong bị lũ ống chia cắt, bỗng phát hiện ra một điều thật bất ngờ: ở nơi núi cao, vực sâu này, chỉ cần một đoạn dây là có thể giúp từng người, cả đoàn người vượt lũ an toàn!
Thật mong trong cuộc sống hàng ngày phát hiện và thực thi nhiều ví dụ bất ngờ như thế, để có thể giảm dần, giảm thiểu những “bất ngờ”, “bị động” trước mọi diễn biến của thời tiết, thiên tai!