Kênh liên lạc bí mật "ngoài nóng trong lạnh" giữa Mỹ và Triều Tiên

Ngày đăng: 07:56 22/08/2017 Lượt xem: 1.077




Kênh liên lạc bí mật "ngoài nóng trong lạnh" giữa Mỹ và Triều Tiên


                                                                    Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin


Mặc dù đưa ra những tuyên bố đe dọa hùng hồn gửi đến nhau, kênh đối thoại ngầm giữa Mỹ và Triều Tiên có vẻ diễn ra hết sức nghiêm túc.



Giải mã "kênh New York"

Mỹ đã sử dụng các kênh thảo luận hành lang ngầm với Triều Tiên trước đây, trong đó có các thỏa thuận về thả tự do cho công dân Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia hoài nghi việc Bình Nhưỡng sẵn sàng cho cuộc đàm phán nghiêm túc về phi hạt nhân hóa.

"Mỹ và Triều Tiên từng có các kênh đối thoại hành lang và tôi nghĩ mọi thứ vẫn tiếp tục", Andrew Scobell, nhà khoa học chính trị cao cấp tại viện Nghiên cứu Rand ở Washington cho hay. "Chắc chắn Ngoại trưởng Rex Tillerson từng bóng gió về việc các hoạt động ngoại giao hậu trường đang tiếp diễn. Chúng ta sẽ chờ đợi và xem kết quả mang lại gì", ông Andrew nói.

Hồ sơ - Kênh liên lạc bí mật ''ngoài nóng trong lạnh'' giữa Mỹ và Triều Tiên

Các kênh đối thoại hành lang là công cụ giúp công dân Mỹ Otto Warmbier được Triều Tiên trả tự do, tuy nhiên anh này đã qua đời không lâu sau đó.

Theo AP, đàm phán ngầm giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn diễn ra trong suốt vài tháng qua, trong đó bao gồm các thảo luận dẫn đến sự trả tự do cho sinh viên Mỹ Otto Warmbier.

Sau khi bị giam giữ vì tội chống phá Nhà nước và bị tuyên án tù 15 năm, Bình Nhưỡng đã thả tự do cho công dân này trong tình trạng hôn mê.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên bộ Ngoại giao từ chối bình luận về sự tồn tại của kênh đối thoại bí mật giữa hai nước.

"Các kênh trao đổi hậu trường là công cụ hữu ích để gửi thông điệp qua lại, nhưng không tạo nên nền tảng để thiết lập cuộc đàm phán chính thức giúp giải quyết mọi thứ", James Carafano, Phó Chủ tịch nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Heritage Institute cho biết.

Theo CNBC, những cuộc đàm phán hành lang hiện nay tập trung chủ yếu thông qua cái gọi là kênh New York ở Liên Hiệp Quốc.

Theo đó, đại diện đặc biệt của Mỹ về chính sách Triều Tiên Joseph Yun và nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên, Choe Son-hui - người đứng đầu văn phòng khu vực Bắc Mỹ thuộc bộ Ngoại giao Triều Tiên là hai đầu dây chính.

Chính nhờ kênh này mà Washington biết về tình trạng sức khỏe của công dân Warmbier và dẫn đến quyết định của Ngoại trưởng Tillerson cử ông Yun tới Bình Nhưỡng thảo luận điều kiện trả tự do.

"Kể từ diễn biến đó, kênh New York đã hồi sinh và có sự liên lạc định kỳ", Robert Einhorn, một cựu quan chức bộ Ngoại giao bình luận.

Einhorn cho biết, "kênh New York” đã bị gián đoạn khoảng một năm trước, khi chính quyền Obama áp đặt lệnh trừng phạt Triều Tiên về vi phạm nhân quyền, đồng thời chỉ đích danh nhà lãnh đạo Kim Jong-un là một trong những cá nhân có trong danh sách.

"Người Triều Tiên đã trả đũa bằng cách cắt đứt các kênh New York, dẫn đến việc không có kênh liên lạc chính thức giữa Mỹ và Triều Tiên”, ông nói. "Tuy nhiên, mọi thứ được kết nối trở lại vào mùa xuân năm nay ở Oslo".

 

Hồ sơ - Kênh liên lạc bí mật ''ngoài nóng trong lạnh'' giữa Mỹ và Triều Tiên (Hình 2).


Quan điểm của Triều Tiên là không có ý định phi hạt nhân hóa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Đối thoại ngầm: Ánh sáng cuối đường hầm

 

Giới quan sát kỳ vọng các kênh đối thoại ngầm có thể khiến tần suất các vụ thử tên lửa chậm lại. Nó có thể mở cánh cửa đối thoại vô điều kiện dẫn đến sự phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Nhưng điều này được cho là không xảy ra, bất chấp lời đề nghị hòa bình đến từ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Cùng với đó, Triều Tiên cũng bỏ ngoài tai tuyên bố Mỹ đã sẵn sàng mở cuộc đối thoại chính thức với Bình Nhưỡng để nói về phi hạt nhân hóa của Ngoại trưởng Tillerson, khi chỉ vài ngày sau, chính quyền Kim Jong-un cảnh báo sẽ phóng tên lửa về phía vùng biển thuộc đảo Guam của Mỹ.

"Có vẻ như người Triều Tiên không háo hức cho một cuộc đối thoại như vậy. Trước khi cuộc đàm phán bắt đầu, Bình Nhưỡng có lẽ sẽ còn phải làm nhiều điều để chứng minh thiện chí của mình”, chuyên gia Einhorn nhận định.

Trên thực tế, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói với các phóng viên tuần trước, Mỹ "sẵn sàng ngồi xuống và nói chuyện" với Triều Tiên nhưng thừa nhận đó là triển vọng không dễ xảy ra trong "một sớm một chiều".

Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo, trong khi nhiều người tin rằng, chính quyền Kim Jong-un đang chuẩn bị thử vụ hạt nhân lần 6.

"Người Triều Tiên đã nhiều lần công khai từ chối ý tưởng cuộc đàm phán tập trung đến vấn đề hạt nhân và tên lửa của họ. Lập trường này có thể sẽ vẫn duy trì để trì hoãn cuộc đàm phán cho đến khi họ đạt được mục tiêu quan trọng trong chương trình của mình”, Einhorn chỉ ra.

“Đó có thể là một nỗ lực để gia tăng vị thế mặc cả trên bàn đàm phán”, cựu quan chức ngoại giao Mỹ nêu quan điểm.

Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1960 với Liên Xô, đã có các cuộc thương thảo sau hậu trường dẫn đến việc Moscow đồng ý dỡ bỏ vũ khí của mình ở Cuba, để đổi lấy việc Mỹ tháo dỡ tên lửa Jupiter ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu James Carafano cho rằng, trong tình hình Triều Tiên hiện tại, các kênh đàm phán như vậy chỉ mang lại "hiệu quả hạn chế" và có lẽ sẽ không giải quyết bất cứ điều gì mặc dù nó là một điều tốt.

“Ngay cả trong thời gian cao điểm của Chiến tranh Lạnh với Liên Xô, hai nước vẫn tiếp tục hoạt động đối thoại hậu trường. Dù là hai quốc gia có mâu thuẫn với nhau, chúng ta vẫn có nhiều chuyện để nói”, Carafano bình luận.

 


tin tức liên quan