Nếu ai quan tâm đến giải thưởng Sách Việt Nam 2015 của Hội Xuất bản Việt Nam sẽ biết bộ sách “Lịch sử Việt Nam” gồm 15 tập được đánh giá cao: Là bộ thông sử Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay, có giá trị lớn về học thuật, thực tiễn, xã hội, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập nên đã ẵm giải sách hay. Nhưng giải sách hay, sách đẹp bao mùa trôi qua vẫn không lôi kéo được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Chỉ đến khi bộ “Lịch sử Việt Nam” tái bản lần thứ nhất, có chỉnh sửa, bổ sung ra mắt, dư luận mới ào lên.
Ít đọc nên thấy lạ
Khi phóng viên hỏi ý kiến nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về bộ sử đồ sộ này, thoạt đầu ông từ chối: “Chỉ là cuốn sách của Viện Sử thôi, có gì mà ồn ào, giời ạ!”. Tuy nhiên, ông cũng kịp chia sẻ cái nhìn của mình về bộ sách mới tái bản: “Có gì mới đâu”.
Nhà nghiên cứu Dương Quốc Đông, Viện Sử học cũng đồng quan điểm: “Khi tôi về Viện thì bộ sử đang triển khai. Bộ sử này đã được tái bản chứ không phải in lần đầu, được hoàn thành trên cơ sở chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp bộ (cấp Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Trong lần tái bản này có bổ sung lớn nên nhận được sự quan tâm của dư luận”. Ông nói: “Có thể do nhiều người ít đọc sử, chưa bao giờ thấy bộ sử 15 tập nên phần nào tò mò”. Ông cũng đánh giá: “Những vấn đề đưa ra không hề mới. Độc giả ít đọc nên thấy lạ, còn thực tế người ta nói từ lâu rồi, chẳng có gì mới”.
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng xác nhận: “Bộ sử được viết lâu rồi. Nhiều người chưa đọc tưởng cuốn này trình bày kỹ lắm, không có gì đâu, thoáng tí thôi. Do cách diễn đạt khi họp báo thôi, chứ còn chưa có gì”.
Một độc giả có chuyên môn bình luận khách quan: Những điều được coi là mới không phải mới vì đã được thừa nhận qua các hội thảo khoa học lịch sử, chỉ mới ở chỗ đã được đưa vào bộ thông sử chính thức. GS.TSKH Vũ Minh Giang giải thích tại sao sách sử trước đây để lộ “khoảng trống”: “Có những nội dung do chưa nghiên cứu đầy đủ hoặc là do chưa có thời điểm thích hợp thì chưa đưa vào sách”.
Nhà sử học Lê Văn Lan: Bộ sử có tiếng vang là do thủ thuật tuyên truyền.
Hiệu ứng tuyên truyền
Vì sao bộ sử 15 tập được những người có chuyên môn đánh giá không mới vẫn thu hút dư luận? Lý do được các nhà sử học giải thích tương đối giống nhau. Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết: “Tôi không theo dõi bộ sử này, mặc dù tôi biết có nó từ lúc nó in thử từ mấy năm rồi. Bây giờ nếu nó có hiệu ứng, có tiếng vang thì là do thủ thuật tuyên truyền, thế thôi”. Ông giải thích, những người làm sách đã học được cách để thu hút dư luận. Nhà nghiên cứu Dương Quốc Đông cũng công nhận sức mạnh của truyền thông: “Bộ sách ra bao lâu chẳng ai biết. Lần này rầm rộ vì họp báo lớn”.