Lo nhất là thiếu người tài trong bộ máy
Nguồn:Báo Điện tử Tiền Phong
Trao đổi với PV Tiền Phong về đợt khảo sát chuẩn bị cho Nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Khâu yếu nhất lâu nay là phát hiện và đánh giá cán bộ.
Ông Thông cho hay: Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lý luận chính trị. Theo Chương trình làm việc toàn khoá, Hội nghị Trung ương 7 khoá XII dự kiến họp vào tháng 5/2018 bàn về đề án rất hệ trọng là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ. Hiện nay, Hội đồng Lý luận Trung ương đang cử đoàn công tác khảo sát tại nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành về thực trạng công tác cán bộ nghiên cứu lý luận để xây dựng báo cáo tư vấn chuẩn bị cho Nghị quyết quan trọng này.
Thiếu vắng cán bộ trẻ ở cơ sở
Từ thực tiễn khảo sát tại các địa phương, ông có thể cho biết, công tác cán bộ thực trạng ra sao?
Để xây dựng báo cáo tư vấn chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Hội đồng đã đi khảo sát tại gần chục tỉnh, thành phố và đợt này sẽ đi khảo sát một số tỉnh, thành phố và bộ, ban, ngành Trung ương. Tôi cho rằng phải đổi mới từ khâu phát hiện, đánh giá, nhận xét, quy trình bổ nhiệm, sử dụng và chế độ chính sách. Người thực sự đủ đức, tài thì không muốn làm việc trong nhà nước. Cán bộ muốn làm bên chính quyền, làm quản lý nhà nước hơn là làm ở cơ quan Đảng. Chúng ta phải nhìn thẳng thực tế này để điều chỉnh. Ngay như ngành sư phạm trước đây được ưu đãi như học sư phạm không phải nộp học phí, lương của giáo viên được xếp cao hơn trong thang lương hành chính, sự nghiệp nên nhiều người đã vào sư phạm. Những năm gần đây, những ưu ái trên gần như đã hết động lực. Năm nay có tình trạng 9 điểm 3 môn đỗ cao đẳng sư phạm. Đây là điều rất lo lắng vì hỏng người thầy là hỏng nhiều thế hệ.
Thực tế nữa cần quan tâm đó là phải xem bây giờ lương của cán bộ, công chức, viên chức có sống bằng đồng lương được không? Quá trình khảo sát tại các địa phương tôi thấy một số cán bộ xã, cán bộ thôn hiện không muốn làm. Lý do vì lương cán bộ xã hiện thấp và họ có thể làm nhiều việc khác để có thu nhập cao hơn. Cán bộ xã cho biết kể từ khi làm cán bộ thì nghèo đi trông thấy. Đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, nhũng nhiễu với người dân để có thêm thu nhập. Một số người trong bộ máy bỏ nhà nước ra ngoài làm tư nhân.
Một vấn đề nữa là chủ trương thì khẳng định cơ sở là quan trọng nhưng hiện nay đáng suy nghĩ cơ sở ở nông thôn, lớp trẻ học xong không quay về quê hương mà ra thành phố làm việc. Cán bộ cơ sở đáng lo ngại vì không có nguồn để đào tạo. Tôi lo nhất là cán bộ ở nông thôn, tại nhiều xã không còn người trẻ. Vậy làm sao để người trẻ về quê hương cống hiến nếu cứ theo chế độ chính sách hiện nay. Vậy những năm tới ai về nông thôn làm cán bộ, phát triển nông thôn mới?
PGS.TS Nguyễn Viết Thông.
Dụng nhân như dụng mộc
Ngay từ khi lập quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Cách dùng người của Bác có điều gì để chúng ta soi chiếu với thực tế hiện nay, thưa ông?
Như chúng ta đã biết công tác cán bộ luôn quan trọng và đội ngũ cán bộ luôn là yếu tố quyết định. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định, cán bộ là gốc của mọi công việc; sự nghiệp cách mạng thành hay bại là do đội ngũ cán bộ tốt hay xấu.
Công tác cán bộ có nhiều khâu nhưng tập trung vào các khâu chủ yếu sau: Phát hiện nguồn cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng, chính sách cán bộ. Sinh thời Bác Hồ là người lãnh đạo hết sức tài tình trong công tác cán bộ. Bác đã phát hiện ra những người tài năng để đưa vào đội ngũ cán bộ. Những cán bộ do Bác Hồ phát hiện và đào tạo đã phát huy tác dụng, ví dụ các đồng chí lãnh đạo tiền bối như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Bác cũng tổ chức đào tạo cán bộ rất sớm, ngay trước khi thành lập Đảng. Từ năm 1927 Bác Hồ đã mở nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Trung Quốc.
Đúng là như ông cha ta nói “dụng nhân như dụng mộc”, Bác Hồ đã sử dụng cán bộ rất tài tình. Nhiều trí thức Việt kiều đã nghe theo lời kêu gọi của Bác trở về làm việc cho Chính phủ. Bác đã mời những người không phải là đảng viên về làm lãnh đạo, kể cả những người trong chế độ cũ tham gia Chính phủ lâm thời.
Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta đã có chiến lược, có một số nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ. Trên thực tế công tác cán bộ đã đạt được những kết quả nhất định. Nếu không thì làm sao chúng ta có thể đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử hơn 30 năm đổi mới. Chúng ta phải rất khách quan, tránh tình trạng có người vừa qua thấy sai sót khuyết điểm thì phủ nhận sạch trơn thành quả của công tác cán bộ.
Vậy theo ông, hạn chế lớn nhất trong công tác cán bộ hiện nay là gì?
Bên cạnh những thành quả như đã nêu, công tác cán bộ còn nhiều hạn chế và trong nhiều văn kiện của Đảng cũng khẳng định điều này như Văn kiện Đại hội VI. Sau khi chỉ ra sai lầm, khuyết điểm, văn kiện Đại hội VI đã nêu rõ: “Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do công tác tư tưởng và công tác tổ chức cán bộ”. Các đại hội tiếp theo, Đảng ta cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong công tác tổ chức cán bộ. Khâu yếu nhất lâu nay đó là khâu đánh giá cán bộ. Bởi vì chúng ta chưa đưa ra được hệ tiêu chí đánh giá cụ thể mà tiêu chí còn định tính, thiếu định lượng và cái “tâm” của người đứng đầu. Tôi ví dụ: “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” nhưng chúng ta chưa xác định rõ vị trí việc làm hay chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ. Nguyên nhân nữa là do người Việt vốn sống trọng tình, nể nang, dĩ hoà vi quý và thậm chí là xuê xoa cho xong. Cũng vì vậy mà khi phân loại đánh giá cán bộ, đảng viên hằng năm, tỷ lệ hoàn thành tốt nhiệm vụ thường chiếm rất cao mà không gắn liền với hiệu quả công việc. Đánh giá tổ chức Đảng cũng trong tình trạng như vậy. Chứng tỏ rằng đánh giá cán bộ, chưa đi vào thực chất.
Công tác quy hoạch đã được đặt ra và có ý nghĩa như thế nào trong xây dựng bộ máy, nhất là cán bộ cấp cao, thưa ông?
Dư luận cán bộ, đảng viên đang rất lo cho công tác cán bộ, bao gồm cả cán bộ cấp chiến lược. Hội nghị Trung ương 4 khoá XI đã chỉ ra ba vấn đề cấp bách, trong đó chỉ rõ: Đội ngũ cán bộ chiến lược cấp trung ương nhưng chưa được quy hoạch. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI lần đầu tiên Đảng ta xây dựng được quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Đó là ưu điểm trong thực hiện Nghị quyết và chúng ta đã làm được quy hoạch cán bộ Trung ương, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư.
Việc bổ nhiệm cán bộ như Vũ Đình Duy, Hồ Thị Kim Thoa, Trịnh Xuân Thanh... khiến dư luận dậy sóng.
Làm sao sử dụng người tài
Thưa ông, từ thực tế việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, bổ nhiệm Vụ trưởng tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ hay cán bộ tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá và hàng loạt các vụ việc khác cho thấy dường như quy trình thì nhiều mà tại sao vẫn lọt vào bộ máy những cán bộ tha hoá?
Trong những năm gần đây khi phát hiện ra những cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cao cấp và thấy rằng công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Bổ nhiệm người nhà đúng quy trình, cả họ làm quan đúng quy trình. Chỗ nào cũng đúng quy trình. Vấn đề ở chỗ là quy trình đó chặt chẽ chưa? Nếu xét về bản chất thì quy trình không có lỗi mà vấn đề là ai thực hiện quy trình. Tôi ví dụ cấp huyện, cấp tỉnh khi xảy ra chuyện thì đều đúng quy trình vì người lãnh đạo ở đó nắm quyền lực đã chi phối quá trình thực hiện quy trình ấy.
Như tôi đã nói về lý thuyết, quy trình đều được quy định nhưng vẫn lọt những người không đủ đức, tài. Nguyên nhân sâu xa là người làm công tác cán bộ chưa trong sạch, vẫn bị “đồng bạc đâm toạc tờ giấy”. Văn kiện Đại hội Đảng cũng đã nêu rõ có nhiều thứ “chạy”: Chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy huân chương. Ma lực của đồng tiền ở chỗ đó. Một cái không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền. Vì bị mua chuộc nên những người làm tổ chức cán bộ đã lách, đã giúp cho ông Trịnh Xuân Thanh, kể cả lý lịch cũng được làm cho đẹp hơn.
Những cử nhân tài năng, nguồn lực cho tương lai.
Như vậy theo ông, Nghị quyết Trung ương 7 sắp tới về công tác cán bộ cần tập trung giải quyết vấn đề gì? Ông sẽ góp ý gì vào dự thảo nghị quyết quan trọng này?
Từ thực tế đó cho thấy công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước phải có đổi mới căn bản và phải đổi mới từ gốc là phát hiện cán bộ. Từ thời phong kiến chúng ta đã có cơ chế tiến cử người tài nhưng hiện nay còn hạn chế. Ngay cả bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhưng người dân có được tiến cử đâu? Dư luận vẫn cho rằng là Đảng cử, dân bầu. Thời cha ông ta đã có tiến cử rồi nhưng hiện nay không làm được. Bây giờ phải có cơ chế để người dân tiến cử người có đức, tài. Hiện nay làm chưa tốt và hầu hết vẫn là sử dụng cán bộ trong bộ máy, người ngoài bộ máy thì rất khó tham gia.
Việt Nam ta không thiếu người hiền, tài. Vấn đề là cơ chế phát hiện người đủ đức, đủ tài và trọng dụng người đủ đức, đủ tài.
Trong chủ trương nhất thể hoá, bí thư cấp uỷ đồng thời làm chủ tịch UBND. Tôi đi thực tế và thấy không phải ai cũng làm được. Nếu như cán bộ được đào tạo có trình độ thì mới làm được cả hai nhiệm vụ này. Cán bộ phải được đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng, nhất là kỹ năng mềm chứ không phải là lý luận chính trị.
Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII theo tôi cần tập trung làm rõ những hạn chế trong công tác cán bộ, vì sao còn nhiều hạn chế. Vì sao đội ngũ cán bộ chưa ngang tầm nhiệm vụ? Vì sao đội ngũ cán bộ hiện nay về trình độ học vấn cao hơn các bậc tiền bối rất nhiều nhưng hiệu quả công việc thì còn kém? Bây giờ Phó GS, GS, TS nhiều nhưng hiệu quả thấp. Cán bộ quản lý nhà nước có cần phải là GS, TS không? Rất nhiều cán bộ xã là thạc sỹ, có cần thiết không? Có nhiều cán bộ có bằng thạc sỹ mà năng lực thực tế không bằng người tốt nghiệp lớp 12. Chúng ta đừng quá coi trọng bằng cấp trong bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.
Cảm ơn ông.
“Như tôi đã nói về lý thuyết, quy trình đều được quy định nhưng vẫn lọt những người không đủ đức, tài. Nguyên nhân sâu xa là người làm công tác cán bộ chưa trong sạch, vẫn bị “đồng bạc đâm toạc tờ giấy””.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương