Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi: Vẫn loay hoay kiểm soát tài sản, thu nhập
Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi:
Vẫn loay hoay kiểm soát tài sản, thu nhập
Nguồn:Báo Điện tử Tiền Phong
Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi được xây dựng với nhiều điểm mới. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là, khi luật được đưa vào cuộc sống, thì hiệu quả phòng, chống tham nhũng sẽ ra sao?
So với luật cũ, dự thảo luật sửa đổi lần này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý. Mặt khác, dự thảo luật còn đưa ra điểm rất mới khi quy định áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đối với cả tổ chức xã hội, doanh nghiệp. Nghĩa là, quy định này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả khu vực ngoài nhà nước.
Đừng quá kỳ vọng
Một trong những điểm mới khác của dự thảo luật là bổ sung thêm mục xây dựng chế độ liêm chính, trong đó có quy định về quy tắc ứng xử đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mặc dù dự án luật đã mở rộng đối tượng “người thân”, song dự thảo luật vẫn “vắng” anh chồng, em chồng. Việc em chồng không thuộc diện “người thân” được quy định trong luật cũng là vấn đề được quan tâm, xuất phát từ trường hợp em chồng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là Phó Giám đốc Công ty VN Pharma.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng dự thảo luật tuy mở rộng nhưng vẫn thiếu trường hợp là anh chồng, em chồng, như vậy đã thực sự bao quát chưa? Rồi việc mở rộng phạm vi đối với cả khu vực ngoài nhà nước có phù hợp hay không?
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định dự án luật cho rằng, ban soạn thảo cần bổ sung, tăng tính thuyết phục hơn khi đánh giá tác động, chẳng hạn với đề xuất quy định các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư nhân. Đây là những chính sách có tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp. Chính bởi vậy, Hội đồng thẩm định đề nghị phải cân nhắc, lấy ý kiến của chính các đối tượng bị tác động trực tiếp.
Với rất nhiều điểm mới quy định trong dự thảo, một câu hỏi đặt ra là, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi khi có hiệu lực thi hành thì hiệu quả phòng, chống tham nhũng ra sao? Trả lời câu hỏi này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền, một trong hai tác giả soạn Luật PCTN hiện hành cho rằng, đừng quá kỳ vọng luật ra đời sẽ khắc phục được tình trạng tham nhũng. Bởi theo ông Quyền, bất kể kẽ hở của văn bản pháp luật nào đều có liên quan đến vấn đề tham nhũng, từ giáo dục, y tế, đến tuyển dụng cán bộ, công chức…
“PCTN tốt thì cả hệ thống pháp luật phải tốt chứ không phải chỉ Luật PCTN. Luật này chỉ đóng vai trò rất nhỏ, góp phần vào PCTN. Chúng ta cứ loay hoay, rằng làm Luật PCTN cho thật tốt để hi vọng có sự đột biến. Suy nghĩ vậy là không đúng”, ông Quyền.
Cách nào kiểm soát tài sản?
Với hẳn một chương riêng cùng nhiều quy định mới, dự thảo đã đưa ra rất nhiều quy định, từ kê khai tài sản, thu nhập, đến quản lý, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập… “Minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính”, dự thảo luật do Thanh tra Chính phủ soạn thảo nêu.
Ads by AdAsia
Error loading player: No playable sources found
Learn More
Mục tiêu thì rất rõ, thế nhưng vì sao qua nhiều lần sửa đổi đến nay vẫn hình thức, hiệu quả thấp? Mấu chốt của vấn đề nằm ở khâu kiểm soát tài sản. Đây cũng là khó khăn lớn nhất không chỉ ở nước ta mà còn của nhiều nước trên thế giới. Chính bởi điều này, ở nhiều nước không có Luật PCTN nhưng có Luật Kiểm soát tài sản.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng, biện pháp đầu tiên để PCTN phải là sự công khai, minh bạch của nhóm chủ thể có nguy cơ và liên quan nhiều đến tham nhũng. Thế nhưng, dự thảo lại quy định chủ thể quá rộng, không nhằm đúng mục tiêu đặt ra.
Thậm chí, ông Chiến còn cảnh báo, nếu không cẩn thận, luật sẽ không đảm bảo nguyên tắc của Hiến pháp về quyền của mỗi người dân. Theo vị luật sư này, muốn công khai minh bạch, muốn người dân có quyền giám sát thì phải đưa ra quy định “quyền của người dân và nghĩa vụ cung cấp thông tin của cơ quan”.
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, nếu không kiểm soát được tài sản thì “vô phương” PCTN. Tham nhũng là tội phạm ngầm, tội phạm ẩn, nhưng các nước kiểm soát được tài sản, nên khi có sự chuyển dịch họ biết ngay. Còn chúng ta xây dựng luật này trong điều kiện không kiểm soát được tài sản. “Chúng ta luôn nói tham nhũng là tội phạm ẩn, nhưng tất cả các biện pháp của chúng ta lại không phải là biện pháp đặc biệt, mà hết sức thông thường, thanh tra thông thường, điều tra thông thường”, ông Quyền nói.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp nhìn nhận, kê khai và xác minh tài sản hiện này còn nhiều bất cập, hình thức. “Trong các vụ án liên quan đến tranh chấp tài sản, điều tra đi điều tra lại, mấy vòng tố tụng còn chưa xác định được tài sản của ai. Nhưng bây giờ lại giao việc đi xác minh cho mấy anh làm tổ chức cán bộ không có chuyên môn điều tra, thì chúng ta đang kỳ vọng vào những cái không tưởng. Chúng ta chỉ quy được trách nhiệm của người kê khai không trung thực, còn xử lý tài sản thế nào, dự án luật cũng bỏ ngỏ. Vấn đề xác minh, thu hồi tài sản phải đưa vào tố tụng”, ông Quyền nói.
Điều 3 dự thảo Luật PCTN sửa đổi, quy định 12 hành vi tham nhũng. Như vậy, dự thảo cơ bản giữ nguyên quy định về các hành vi tham nhũng như luật hiện hành, tuy nhiên có chỉnh lý, làm rõ cho phù hợp và đồng bộ với quy định của Bộ Luật hình sự về tội phạm tham nhũng. Theo đó, hành vi tham nhũng bao gồm 12 hành vi trong đó có 7 hành vi thuộc nhóm tội phạm tham nhũng, 4 hành vi thuộc nhóm tội phạm khác theo quy định của Bộ Luật hình sự và 01 hành vi (nhũng nhiễu) được quy định trong luật này.