Bác sĩ gác chân lên ghế và giới hạn của sự thù hằn, công kích

Ngày đăng: 08:39 15/09/2017 Lượt xem: 497



Bác sĩ gác chân lên ghế và giới hạn của sự thù hằn, công kích



                                                                                       Nguồn:Báo Điện tử


Khi nhận thức của mỗi con người còn giới hạn trong sự thù hằn và công kích, thì bảo vệ quyền riêng tư của mỗi con người vẫn còn là “sự lạ lẫm” mà thôi.



1. Tôi thực sự xúc động khi xem đi xem lại đoạn clip dài hơn 7 phút, ghi lại hình ảnh nữ bác sĩ Nguyễn Thị Minh (Bệnh viện Mắt Trung ương) ngồi co chân lên ghế trong bốn bức tường bê tông, từ tốn giải thích cho một người đàn ông đang gây sự ầm ĩ.

Người đàn ông ấy chính là bố bệnh nhân nhi 8 tuổi mà chị vừa khám xong. Anh hoặc một người đàn ông khác đi cùng, đã quay đoạn clip ấy, rồi xuất bản nó trên Facebook. Hệ quả là bác sĩ Minh đã nhanh chóng rơi vào địa ngục và bị quấy rối, mà chiếm ưu thế là những lời nhục mạ.

Đoàn clip đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, không phải vì người quay đã chớp được khoảnh khắc sâu sắc của một nghề đầy rủi ro vất vả, càng không phải vì nó cho thấy thực tế những góc khuất cảm xúc của bác sĩ mà người thường không thể nhìn thấy.
 


Hình ảnh BS M. gác chân đối thoại với người nhà bệnh nhân. Ảnh cắt từ clip


Nhưng lí do để đoạn clip lan truyền, không gì khác ngoài sự mỉa mai chửi bới, cùng những lời kêu gọi hủy diệt nhằm đuổi việc bác sĩ Minh, qua đó dằn mặt cả ngành y.

Tôi đã từng khám cho hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày, từng mệt mỏi đến mức mất hết phản xạ giữ gìn hình ảnh cá nhân. Nhớ lại sinh viên năm thứ 3 đi trực ngoại ở Saint Paul, phụ mổ cả ngày mệt quá, đêm muộn tôi nằm ngủ như chết. Một nữ sinh viên Y6 phụ mổ sau tôi, khi trở về phòng không có giường để nghỉ, cũng vì quá mệt mà bạn phải chấp nhận tráo đầu đuôi, lấy cái chăn chèn vào giữa để nằm chung cái giường một với tôi.

Giả sử một ai đó bên ngoài với chiếc điện thoại thông minh trên tay, có lẽ bộ phim nóng đã được tạo nên trên Facebook, nó đủ thu hút hàng triệu người lạ vào ném đá!

Điều 32 của Bộ luật dân sự 2015 qui định:

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Các bác sĩ không được phép mệt mỏi. Đó là lí do để bác sĩ dù đã kiệt sức nhưng vẫn phải cố nở nụ cười với người bệnh, cố nghe những lời chửi bới, cố nhẹ nhàng giải thích cho gia đình bệnh nhân hiểu.

Hành động co chân lên ghế của bác sĩ Minh cũng thế, tôi rất thấu cảm với chị, người phụ nữ hơn tôi gần 10 tuổi, chỉ còn 2 năm nữa chị sẽ nghỉ hưu.

2. Bệnh nhân hoặc người nhà có quyền chụp ảnh hoặc quay clip bác sĩ không? Bác sĩ có quyền yêu cầu họ dừng chụp ảnh hoặc quay clip không? Giả sử bác sĩ mệt mỏi quá mà gác chân lên bàn làm việc, người nhà quay clip rồi đưa lên mạng, khiến bác sĩ bị đuổi việc thì sao?

Nói chung, cá nhân nào cũng có quyền quay phim chụp ảnh bất cứ người nào khác ở nơi công cộng, mà chủ thể bị quay phim chụp ảnh không có quyền ngăn cấm. Bệnh viện cũng được coi là nơi công cộng, ngay cả bệnh viện tư nhân.

Tìm hiểu pháp luật các nước, tôi cũng thấy quy định tương tự như ở Việt Nam. Tuy nhiên, bệnh viện ở nước ngoài vẫn có thể ban hành những quy tắc liên quan đến tài sản và con người của họ, như việc cấm quay phim chụp ảnh.

Một lần đến Bệnh viện Lund của Thụy Điển, tôi xin phép chụp ảnh nhưng chỉ được chụp cảnh quan bên ngoài, bắt đầu từ cửa vào hành lang cho đến buồng bệnh đều bị cấm. Qua mấy bệnh viện ở thành phố Kobe và thành phố Osaka của Nhật Bản cũng thế, những bức ảnh tôi chụp đều bị kiểm soát chặt chẽ, họ ra điều kiện chỉ chụp để ngắm chứ không được đưa lên mạng.

Bản thân tôi làm bác sĩ, đã không ít lần người nhà bệnh nhân quay phim, chụp ảnh, hay ghi âm những lời tôi nói. Những lúc như vậy, tôi đã yêu cầu họ dừng lại, nếu tin tưởng thì tôi mới tiếp tục thăm khám, bằng không tôi xin chuyển người khác. Bởi các lẽ:

Thứ nhất,  người quay phim chụp ảnh xâm phạm quyền riêng tư của bác sĩ. Quyền riêng tư là quyền bất khả xâm phạm của bất cứ ai, được ghi rõ trong Điều 21 Hiến pháp 2013.

Có thể coi hành vi xâm phạm quyền riêng tư, là người quay phim chụp ảnh cố ý xâm nhập vào phòng riêng của bác sĩ, sử dụng camera ẩn, quay phim chụp hình khi bác sĩ nữ cúi xuống để hở ngực, các tư thế nhạy cảm, hay trong nhà vệ sinh, thậm chí là khi bác sĩ đang khám bệnh.

Rõ ràng trong câu chuyện ở Bv Mắt Trung ương, cháu bé 8 tuổi đã được bác sĩ Minh khám xong, bác sĩ đang khám tiếp cho một cháu bé khác, nhưng hai người đàn ông vẫn xông vào gây sự.

Điều dưỡng đã làm đúng chức năng khi mời hai người đàn ông ra ngoài, đợi khám xong bệnh nhân sẽ mời vào giải quyết sự việc, nhưng họ không đồng ý và tiếp tục gây rối, cố tình sử dụng camera ẩn để quay lại cảnh bác sĩ Minh gác chân lên ghế.

Hành động ấy có thể coi là cố ý xâm phạm quyền riêng tư của một bệnh nhi khác đang được bác sĩ Minh khám. Đó cũng là hành động cố ý xâm phạm quyền riêng tư của bác sĩ Minh, bởi việc quay clip bác sĩ Minh không hề hay biết.

Thứ hai, là việc quay phim chụp ảnh với mục đích thương mại mà không được sự đồng ý của bác sĩ.

Thứ ba, là quay phim chụp ảnh với nội dung sai lệch. Ví dụ quay cảnh bác sĩ khám ngực, thăm âm đạo nhưng lại chú thích sang những câu chuyện sàm sỡ, lạm dụng bệnh nhân.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Nếu bệnh nhân hoặc người nhà tự ý thực hiện hành vi quay chụp không được sự đồng ý của bác sĩ, rồi sử dụng hình ảnh ấy để phát tán, thì tùy vào mức độ có thể bị xử lý hành chính bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự 2015, hoặc xử lí hình sự Tội làm nhục người khác tại khoản 1 Điều 121 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Việc bác sĩ Minh gác chân lên ghế trong lúc người nhà bệnh nhân điều qua tiếng lại, chỉ là hành động có tính chất riêng tư. Đồng ý rằng đó là hành động không đẹp và không chuyên nghiệp, nó cần chấm dứt, nhưng nó không vi phạm đạo đức và quy chuẩn ứng xử giao tiếp, nên không thể đuổi việc bác sĩ Minh.

Rõ ràng, bố bệnh nhân có thể hợp tác để nghe bác sĩ Minh giải thích thêm về tình trạng bệnh tật của con, có thể góp ý nhẹ nhàng với hành vi gác chân của bác sĩ, thay vì quay clip rồi phát tán trên mạng với mục đích tiêu cực, để sự việc bị đẩy đi quá xa, vượt khỏi tầm kiểm soát.

Cuối cùng, đây là một vấn đề xã hội, bởi luật pháp chúng ta đã có đủ, nhưng khi nhận thức của mỗi con người còn giới hạn trong sự thù hằn và công kích, thì bảo vệ quyền riêng tư của mỗi con người vẫn còn là “sự lạ lẫm” mà thôi.



                                                                                                                            Bác sĩ Trần Văn Phúc
tin tức liên quan