Nguồn:Báo Điện tử Dân Trí
Không thể để tồn tại “qui trình cong mềm mại” với “5C”, “4 ệ” bởi đất nước sẽ về đâu nếu “con sãi ở chùa” dù tài giỏi mấy cũng đành cam phận “quét lá đa” trong khi qui trình thì: “Chao ôi! Hai chữ qui trình – Con quan cứ bất thình lình lên quan”.
Chủ trương tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ trên phạm vi cả nước vừa được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị với Chính phủ ngay lập tức nhận được sự đồng tình của đông đảo quần chúng nhân dân và đại biểu Quốc hội.
Lý do, đây là việc làm cần thiết và cấp bách bởi hiện nay ở nhiều nơi, nhiều ngành, nhiều cấp, qui trình bổ nhiệm đã bị làm “cong mềm mại”, từ việc “đa quan, tàn dân”, một sở có 42/44 người là lãnh đạo cho đến tình trạng 5C (con cháu các cụ cả), 4 ệ (hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ) đã khiến công tác cán bộ, một công tác “then chốt của then chốt”, có tính quyết định thành bại ít nhiều méo mó.
Điều này không chỉ khiến “cỏ dại” là những đối tượng thiếu tâm, thiếu tầm lấm lướt “lúa” (nơi nào lúa tốt thì sẽ không còn chỗ cho cỏ dại) mà tạo nên sự lệch lạc trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, thậm chí làm tha hóa đội ngũ cán bộ, mất niềm tin trong nhân dân.
Vì thế, trao đổi với phóng viên Pháp Luật TP.HCM, trong bài “Ủng hộ tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ” các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất này. Trong đó, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là bằng cấp “rởm”.
GS-TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH nói: “Nội dung kiểm tra tập trung vào chất lượng cán bộ có đáp ứng không, có đủ tiêu chí không. Như trường hợp bằng cấp thì tiến sĩ nhưng tiến sĩ dởm, sau này mới phát hiện chẳng hạn”.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội bức xúc: “Trước tiên phải tập trung vào các đối tượng hiện đang bị tố cáo, tố giác về vấn đề bằng cấp, học hàm, học vị. Tiếp đến là các đối tượng có dấu hiệu làm trái, vi phạm điều lệ Đảng, điều lệ của tổ chức, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng: “Trước hết là rà soát lại lý lịch cán bộ, đảng viên xem có sự man trá trong kê khai bằng cấp, tài sản hay không”.
Công bằng, chuyện bằng cấp không hẳn đã mang tính quyết định bởi không ít người bằng cấp khiêm tốn nhưng làm việc rất tốt, thậm chí, không ít bác nông dân chẳng được học hành bao nhiêu lại có hết phát minh này, sáng chế nọ. Trong khi cũng không ít vị bằng cấp đầy mình nhưng chỉ giỏi… quay quắt dự án, cả đời không có một sáng kiến nào dù là… “bằng cái móng tay”.
Song, ở đây nó lại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng bởi yếu tố thuộc về phạm trù đạo đức, đó là man khai, là không trung thực. Nhất là với cán bộ, đảng viên thì trong các bản lý lịch đều có dòng chữ: “Tôi cam đoan…”. Đặc biệt là gần đây, Bộ Chính trị vừa ban hành qui định về tiêu chuẩn cán bộ thì trung thực là một trong những yêu cầu hàng đầu.
Vì thế, có lẽ việc tổng rà soát nên bắt đầu từ việc xác minh bằng cấp bởi đây là vấn đề đang rất nóng và cũng không khó phát hiện.
Cách đây hơn một tháng (18/8), Blog Dân trí đăng bài “Từ “thần tốc”, “kỳ ảo” đến “qui trình cong mềm mại”…!” đã phản ánh trong cùng một cơ quan là Cục Hàng hải Việt Nam cả Cục trưởng và Phó Cục trưởng đều bổ nhiệm sai qui trình liên quan đến bằng cấp.
Cụ thể, ông Cục Phó Nguyễn Đình Việt đã được bổ nhiệm khi chưa có bằng đại học và ông Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng được bổ nhiệm khi thi trượt chuyên viên chính.
Khi được bổ nhiệm và cả hiện tại, ông Việt chỉ mới tốt nghiệp Đại học ngắn hạn hệ Cao đẳng (thời gian học 3,5 năm, đại học Hàng hải thời gian đào tạo 5 năm).
Trong khi tại Công văn số 2480/ĐH hướng dẫn cấp phát văn bằng tốt nghiệp cho hệ “đại học ngắn hạn” của Bộ GD&ĐT ghi rõ bằng “đại học ngắn hạn” và bằng tốt nghiệp cao đẳng do Bộ GD-ĐT phát hành từ năm 1991 trở đi có giá trị hoàn toàn như nhau.
Về Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang, trước khi được bổ nhiệm một năm (2014), ông Sang dự kỳ thi chuyên viên chính do bộ Nội vụ tổ chức và trượt. Tuy nhiên sau đó một năm (2015), ông Sang vẫn được bổ nhiệm làm Cục trưởng để năm tiếp theo (2016), ông Sang thi mới đỗ .
Cùng một cơ quan cục mà Cục trường và Cục phó người thì chưa có bằng đại học, người thì trượt chuyên viên chính là rất có vấn đề. Hi vọng đây sẽ là những “khúc củi” đầu tiên trong cuộc tổng thanh tra mà UB Tư pháp vừa đề xuất.
Trở lại với việc tổng rà soát việc bổ nhiệm, có thể nói đây chỉ là giải quyết phần ngọn. Cái gốc của vấn đề vẫn là làm gì để ngăn chặn tình trạng này.
Có lẽ trong tình hình hiện nay, ý kiến của GS-TS Trần Ngọc Đường là tương đối thuyết phục: “Do quan hệ, do lợi ích dẫn đến ưu ái, rồi lợi dụng quy trình tập thể để bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Quy trình cũng đầy đủ đấy, cũng giới thiệu, cũng bàn bạc tập thể nhưng cuối cùng cũng là thực hiện ý muốn của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu không công tâm, không vì cái chung sẽ dẫn đến tình trạng đó thôi”.
Tóm lại, làm gì và làm thế nào chăng nữa thì cũng không thể để tồn tại “qui trình cong mềm mại” với “5C”, “4 ệ” bởi đây chính là “nút thắt” trong công tác cán bộ hiện nay.
Đất nước sẽ về đâu nếu “con sãi ở chùa” dù tài giỏi mấy cũng đành cam phận “quét lá đa” trong khi qui trình thì: “Chao ôi! Hai chữ qui trình – Con quan cứ bất thình lình lên quan”?