Từng khiến TQ phải "ngả mũ", ông Kim Jong Un làm gì để đưa Triều Tiên về thời hoàng kim?
Từng khiến TQ phải "ngả mũ", ông Kim Jong Un làm gì để đưa Triều Tiên về thời hoàng kim?
Nguồn:Báo Điện tử Thời Đại
Một nước bé nhỏ, kinh tế bị cô lập như Triều Tiên lại có sự phát triển mạnh mẽ về lĩnh vực vũ khí hạt nhân và tên lửa. Đây thực sự là điều bí ẩn và làm thế giới kinh ngạc.
(Ảnh: AP)
Số liệu thống kế cho thấy, từ năm 1998, Triều Tiên phóng tên lửa thành công, kể từ đó tới nay liên tục phóng thử tên lửa, riêng năm 2017 đã tiến hành 15 lần, trong đó vụ mới nhất vào ngày 15/9/2017 bắn qua đảo Hokkaido của Nhật Bản ra Thái Bình Dương.
Tới nay Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử vũ khí hạt nhân, trong đó có thử 3 lần thử vũ khí nhiệt hạch, vụ mới nhất ngày 3/9/2017.
Theo các chuyên gia, để phát triển vũ khí hạt nhân phải hội tụ nhiều nhân tố, nhưng có hai yếu tố quan trọng là trình độ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực này và có tiềm lực kinh tế. Tuy nhiên, tiềm lực kinh tế của Triều Tiên lại rất mỏng yếu so với các nước.
Theo báo cáo của ngân hàng Hàn Quốc, GDP thực tế của Triều Tiên năm 2016 là 32.000 tỷ won (khoảng 28.5 tỷ USD), đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 17 năm, bất chấp các lệnh cấm vận. GDP cùng năm của Hàn Quốc đạt 1.508,3 nghìn tỷ won (khoảng 1.34 nghìn tỷ USD), cao hơn Triều Tiên rất nhiều.
Thu nhập bình quân đầu người ở Triều Tiên năm 2016 là hơn 1.300 USD, thấp hơn so với nhiều nước châu Á đang phát triển.
Một nước nhỏ bé với dân số khoảng 24 triệu, diện tích chừng 120.540 Km2, kinh tế kém phát triển nhưng lại sở hữu vũ khí hạt nhân ngang hàng với nhiều nước tiên tiến khác, quả là nhiều bí ẩn.
Do Triều Tiên đóng cửa với thế giới bên ngoài, nên các nước ít hiểu biết về đất nước và con người của họ. Hầu hết mọi người cho rằng đây là đất nước còn đói nghèo và dân chúng bị quản lý nghiêm ngặt.
Trung Quốc dù là nước láng giềng, có quan hệ lâu đời, thường xuyên trao đổi với Triều Tiên, nhưng cũng không hiểu hết về Triều Tiên.
In this Friday, July 21, 2017, photo, Người lao động nghỉ ngơi trên công trường ở ngoại ô Hamhung, thành phố lớn thứ hai Triều Tiên, ngày 21/7/2017 (Ảnh: Wong Maye-E/AP)
Triều Tiên trong mắt một người Trung Quốc
Tháng 3/2016, trên mạng xã hội Wechat của Trung Quốc chia sẻ khá nhiều bài viết của một du khách nước này là Lưu Hoán đi du lịch từ biên giới Trung-Triều tới các thành phố trong nội địa Triều Tiên.
Ông Lưu chứng kiến và mô tả về cuộc sống của dân chúng Triều Tiên như sau:
"Trước khi sang đất nước Triều Tiên, chúng tôi được nhắc nhở điện thoại di động, sách báo, tạp chí và những ấn phẩm của Trung Quốc và nước ngoài không được mang theo, nếu không sẽ bị tịch thu.
Ấn tượng sâu sắc khi đặt chân sang mảnh đất này là cuộc sống của dân chúng gặp nhiều khó khăn. Người hướng dẫn du lịch nói: 'Chỉ nhìn cây lúa và hoa màu bên đường, các bạn nhận biết ngay đây là đất nước Triều Tiên, vì nó chỉ tốt bằng nửa những cây cùng loại ở Trung Quốc.'
Khi xe chúng tôi dừng lại bên đường, thì những đưa trẻ trong bộ quần áo cũ tới hỏi xin tiền, nhưng người bạn Triều Tiên liền cảnh cáo không được cho tiền, nếu cảnh sát bắt được thì cả hai đều vạ lây.
Từ cửa khẩu biên giới sau hơn 2 tiếng đồng hồ, xe ô tô của chúng tôi đi chừng hơn 40 Km thì tới một thành phố đầu tiên, nhưng xem ra chỉ bằng một thị trấn nhỏ của Trung Quốc.
Trên đường đi, chúng tôi chứng kiến những xe ô tô đi trên phố hầu hết là những xe nhập từ Liên Xô từ thập kỷ 1950, ngoài ra những xe bò kéo đều là bánh sắt thời 1950, chứ không phải bánh lốp bằng cao su.
Bên lề phố là những quán nhỏ bán thuốc lá, bánh nhưng ít ỏi. Các nhà bên đường phố hầu hết đều là những nhà cao 4-5 tầng nhưng cũ kĩ, xây từ lâu, một số nhà thậm chí có nguy cơ sụp đổ.
Trong phố, chúng tôi không nhìn thấy các cửa hiệu, cửa hàng hay siêu thị sầm uất như ở bên kia biên giới Trung Quốc. Khi tới nhà nghỉ, chúng tôi được xem học sinh của thành phố biểu diễn văn nghệ cho du khách nước ngoài thưởng thức, hầu hết là những tiết mục ca ngợi lãnh đạo và đặc biệt có tiết mục “Toàn thế giới đều hâm mộ Triều Tiên”.
Tuy nhiên, ở gần đó chúng tôi thực sự trong thấy có những thôn làng được xây dựng khang trang, có đầy đủ tiện nghi. Các bạn Triều Tiên cho biết đây là nơi các lãnh đạo Kim Nhật Thành, Kim Jong Il từng tới thăm quan.
Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa thì mới được mở mày mở mặt, mức sống của dân chúng nâng cao rõ rệt so với dân chúng Triều Tiên. Tới nay, Triều Tiên vẫn không dám làm và tự nhốt mình cách ly với thế giới bên ngoài, ít giao lưu, vì vậy, không thấy được sự phát triển của thế giới.
Những năm trước đây, người Triều Tiên thường sang Trung Quốc mua hàng, bởi vì hai bên có quan hệ họ hàng thân thích với nhau qua biên giới, nhiều nơi chỉ cách nhau có mấy chục mét, đi bộ mấy phút là tới."
Một cửa hàng bách hóa ở khu phức hợp mới đi vào hoạt động năm 2017 ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un từng thừa nhận đất nước ông còn khó khăn.
Tháng 10/2011, tờ Tuần báo Châu Á (Asiaweek) của Hồng Kông có cuộc phỏng vấn ông Kenji Fujimoto, người Nhật Bản làm đầu bếp cho gia đình lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il tới 13 năm. Fujimoto cho biết vào tháng 8/2000, ông có dịp đi cùng 5 tiếng đồng hồ trong chuyến xe lửa trên đường về Bình Nhưỡng với ông Kim Jong Un, khi đó còn ở tuổi vị thành niên.
Trong trò chuyện, Kim Jong Un nói so với các nước ở Châu Á, cơ sở công nghiệp của Triều Tiên mỏng yếu, việc cấp điện thiếu thốn, ngay nhà khách Chính phủ cũng thường xuyên bị mất điện.
Theo đầu bếp người Nhật, lãnh đạo trẻ tuổi khen ngợi các cửa hàng của Nhật Bản "lúc nào hàng hóa cũng đầy ắp và phong phú đủ kiểu dáng". Ông Kim cũng ghi nhận bước tiến của Trung Quốc trong cải cách, giải quyết vấn đề đời sống cơ bản cho 1.3 tỉ dân là điều "đáng để Triều Tiên học tập".
Thủ đô Bình Nhưỡng về đêm (Ảnh: Business Insider)
Triều Tiên từng vượt lên trước Trung Quốc
Hai nước Trung-Triều có truyền thống hữu nghị lâu đời và có biên giới chung tới 1420 Km, trong khi đó biên giới giữa Triều Tiên với Hàn Quốc chỉ có 250 Km, với Nga là 17 Km.
Dân tộc Triều Tiên ở Trung Quốc hiện có khoảng hơn 2 triệu người, phần lớn tập trung ở hai tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm, giáp với miền Bắc Triều Tiên. Thành phố Diên Biên thuộc tỉnh Cát Lâm và thành phố Đan Đông thuộc tỉnh Liêu Ninh là hai cửa khẩu cung cấp hàng hóa vật tư lớn nhất cho Triều Tiên.
Thành phố Diên Biên thuộc tỉnh Cát Lâm là “Châu tự trị dân tộc Triều Tiên”, trong đó người Triều Tiên khoảng trên 750.000 người. Đây là thành phố tập trung đông dân tộc Triều Tiên nhất ở Trung Quốc và có mối quan hệ chặt chẽ lâu đời với Triều Tiên vì họ chung tiếng nói và tập quán, hơn nữa có quan hệ họ hàng thân thích với nhau, nên thường xuyên qua lại thăm hỏi nhau.
Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm để động viên người dân tộc Triều Tiên, được cho là động thái khẳng định quan hệ song phương không có gì thay đổi.
Đan Đông là thành phố lớn nhất trên biên giới hai nước và cũng là thành phố có nhiều người dân tộc Triều Tiên sinh sống, đặc biệt có cửa khẩu qua sông Áp Lục buôn bán với Triều Tiên. Đây cũng là nơi mà những người Triều Tiên ở Trung Quốc thường xuyên hỗ trợ người Triều Tiên bên kia biên giới.
Sau khi chiến tranh Triều Tiên tạm khép lại vào năm 1953, nền kinh tế Triều Tiên phát triển nhanh chóng nhờ nguồn viện trợ lớn từ Liên Xô, Trung Quốc.
Đời sống của người dân còn cao hơn mức sống của Trung Quốc. Kinh tế Triều Tiên phát triển mạnh mẽ, thậm chí được ví như “Thiên lý mã” khiến người Trung Quốc cũng phải nể phục. Người dân tộc Triều Tiên tại Trung Quốc khi đó mới là những người nhận được giúp đỡ từ bên kia biên giới.
Lãnh đạo Kim Jong Un cắt băng khánh thành khu phức hợp cao tầng hơn 230m ở Bình Nhưỡng, tháng 4/2017 (Ảnh: Reuters)
Nỗ lực của ông Kim Jong Un
Ngoài du khách Trung Quốc, thời gian qua, những người Hàn Quốc có dịp tới thăm quan Triều Tiên đều khẳng định, mặc dù cuộc sống của dân chúng thiếu thốn, nhưng họ vẫn được chính phủ cung cấp thực phẩm, nhà ở và cuộc sống ổn định, bình yên. Trong khi đó, lãnh đạo Kim Jong Un đang nỗ lực thúc đẩy cải cách, phát triển kinh tế đất nước.
Trong bài “1 năm biến đổi bằng 10 năm” đăng trên tờ Korea Today vào cuối tháng 8/2013, ông Park Seong Chyun, người Mỹ gốc Hàn làm chủ hai doanh nghiệp ở Triều Tiên là Nhà máy ôtô Hòa Bình và Khách sạn Đại Chúng, đánh giá sau gần 2 năm ông Kim Jong Un nắm quyền (từ cuối năm 2011), Triều Tiên thay đổi bằng cả 10 năm trước đó.
Theo ông Park, nhà lãnh đạo mới đã tiến hành các công trình tu sửa các đường phố thủ đô Bình Nhưỡng sạch đẹp, trật tự, ngăn nắp hơn. Các công trình giao thông công cộng được nâng cấp và mở rộng thêm phục vụ đi lại thuận tiện cho dân chúng.
Các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ - điều trước đây hiếm thấy - mọc lên rất nhiều, như khách sạn, thẩm mỹ viện, sàn nhảy, quán karaoke, trung tâm thương mại, thậm chí cả các phòng massage.
Ông Kim Jong Un còn lập kế hoạch phát triển ba khu du lịch lớn ở Wonsan, Kum Gang và Ma Xea, trong đó Ma Xea sẽ trở thành một khu thể thao trượt băng, trượt tuyết lớn cho du khách và vận động viên các nước tới tham gia.
Ông Park Seong Chyun cho biết một số quan chức thân cận với ông Kim Jong Un hầu như đều du học ở nước ngoài về, nên tư duy của họ phù hợp với tư duy lãnh đạo cởi mở hơn của ông. Đây cũng là điều giúp ông Kim nhận được nhiều sự ủng hộ từ người dân Triều Tiên.
Triều Tiên có diện tích không lớn, dân số chỉ bằng nửa Hàn Quốc, nền kinh tế bị cô lập bởi các lệnh cấm vận trong nhiều năm, nhưng ban lãnh đạo nước này hành động hiệu quả trong nỗ lực tập hợp dân chúng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, biến nó trở thành sức mạnh tinh thần to lớn.
Đây có thể là một nhân tố làm Triều Tiên có khả năng tăng tốc lộ trình phát triển vũ khí hạt nhân như thời gian qua.