Quảng Ninh dò đá qua sông, chấp nhận vấp để tinh gọn bộ máy
Nguồn:Báo Điện tử
Đi trước như người dò đá qua sông, có thể bị vấp ngã và uống nước, có thể phải hy sinh vẫn phải làm. Bởi đường dù gần không đi thì không đến, việc dù dễ không làm thì không xong.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng chia sẻ với VietNamNet về đề án xây dựng cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện được tỉnh thí điểm 2 năm qua.
Đây là một trong những nội dung vừa được Nghị quyết 18 của hội nghị TƯ 6 yêu cầu tổng kết, mở rộng thí điểm ở cấp tỉnh và thực hiện ở cấp huyện những nơi có đủ điều kiện.
Đề án của Quảng Ninh được Ban Bí thư chấp thuận và Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt vào tháng 11/2015.
|
Sơ kết 2 năm thực hiện đề án. Ảnh: Báo Quảng Ninh
|
Giảm 24 trưởng phòng
Phó bí thư Quảng Ninh kể, để có được đề án hoàn chỉnh, tỉnh nghiên cứu trong 7 tháng, làm việc thêm liên tục từ 7h tối đến 2h sáng tất cả các ngày trong tuần.
Qua rà soát lại bộ máy, tổng số cán bộ công chức, viên chức của cơ quan cấp tỉnh lên 157 người, 32 trưởng phòng, 39 phó phòng.
Nếu xây dựng cơ quan tham mưu mới theo mô hình dùng chung thì tối đa chỉ đến 8 phòng. Tức là rút gọn được 24 phòng, thì 24 trưởng phòng sẽ tổ chức như thế nào, 39 phó phòng chưa kể ủy viên thường trực, các phó chủ tịch cơ cấu lại như thế nào là 1 lộ trình khá vất vả.
Vừa giải quyết về cơ chế chính sách, vừa công tác tư tưởng, làm thế nào vẫn động viên, khích lệ để cùng chung tay làm là bài toán không dễ.
Thế nhưng Quảng Ninh đã làm được và sau 2 năm thí điểm, tỉnh đã tiết kiệm được 12,58% biên chế, là 37 người của khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đáng chú ý là việc này đã giúp thay đổi quy trình giám sát theo hướng trực tiếp, thường xuyên, không báo trước để đảm bảo khách quan, minh bạch và góp ý kịp thời đến các cơ quan chức năng, chỉ đạo khắc phục. Nhờ đó, số cuộc kiểm tra, giám sát không chồng chéo mà tập trung hơn.
Cùng thoát ra khỏi “cái bóng” của mình
Bà Đỗ Thị Hoàng cho biết, sắp tới Quảng Ninh sẽ mở rộng mô hình này lên cấp tỉnh. Bởi quan điểm của tỉnh là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cái gì đã rõ thì mạnh dạn làm, cái gì thực tiễn thấy đúng rồi thì thí điểm rồi bổ sung lý luận.
Kể lại hành trình “dò đá qua sông” trong 2 năm qua, bà không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại đôi lần gặp phải sự phản ứng khắt khe từ những người trong cuộc.
Khi mô hình này được đưa ra, có ý kiến cho rằng các đoàn thể đều có chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên mình, họ đâu phải tổ chức cấp dưới của Mặt trận mà xây dựng cơ quan chung để Mặt trận là thủ trưởng.
Để thuyết phục, chính nữ Phó bí thư đã "đơn thương, độc mã" lên Hà Nội giải thích tường tận từng câu chữ. Bà nhắc lại 3 chức năng của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và câu chuyện đoàn ĐBQH Quảng Ninh đã thuyết phục QH như thế nào để Hiến pháp 2013 bổ sung cụm từ “góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” chứ không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích của tổ chức mình.
“Nếu chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên mình thì hội nào cũng làm được chứ hà cớ gì Hiến định. Cái mà các tổ chức cần làm là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, của quốc gia, dân tộc.
Vì vậy nếu như từ bỏ quyền và lợi ích nhỏ để bảo vệ quyền lợi ích lớn trong đó có lợi ích của mình thì đấy là điều nên làm. Và cũng vì lý lẽ đó mà Quảng Ninh mong muốn chúng ta cùng nhau thoát ra khỏi 'cái bóng' của mình để làm điều tốt lành cho nhân dân và đất nước”, bà thuyết phục.
Với lý lẽ ấy, Quảng Ninh đã thuyết phục được những người trong cuộc.
Có những lúc thấy cay sống mũi, cay mắt
Không chỉ thuyết phục bằng lý lẽ, mô hình cơ quan dùng chung của Quảng Ninh còn thuyết phục được cả cấp trên và người dân bằng việc thường xuyên sơ kết, đánh giá thẳng thắn từ thực tiễn.
Tại hội nghị sơ kết 2 năm mới đây, chính những cán bộ thực hiện mô hình này, khi phát biểu đều đứng lên để TƯ, tỉnh chất vấn cho ra nhẽ.
Để đi đến sơ kết, tỉnh đã làm một cuộc điều tra xã hội học. Kết quả cho thấy, chính người dân ủng hộ nhiều hơn những người trong hệ thống chính trị.
“Hệ thống chính trị của mình sợ mất quyền lợi nhưng dân thì lại thấy mô hình như thế tốt hơn. Rào cản nằm ở đó. Vì suy cho cùng mọi thứ đều đụng chạm đến lợi ích”, bà Hoàng thẳng thắn nói và chia sẻ: “Có những lúc tôi thấy cay khóe mắt”.
Bà nhìn nhận: “Chúng tôi thí điểm bắt đầu từ những mô hình nho nhỏ, cùng nhau rút kinh nghiệm, cùng nhau hướng dẫn, điều chỉnh, vừa làm sao cho phù hợp với thực tiễn cũng như đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước".
Chính vì vậy, Quảng Ninh chọn đi trước, làm trước và có thể sẽ vấp và bị uống nước, có thể phải hy sinh nữa.
“Nhưng nếu không có sự đổi mới thì không bao giờ mong được điều tốt lành cho nhân dân, cho đất nước. Đường dù gần không đi thì không đến, việc dù dễ mà không làm thì cũng không xong", bà Hoàng nói.
Theo đề án của Quảng Ninh, cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện gọi là cơ quan Khối. Trưởng Khối là uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch uỷ ban MTTQ cấp huyện, là thủ trưởng, chủ tài khoản cơ quan Khối.
Cơ quan Khối được bố trí tập trung trong cùng trụ sở, cơ sở vật chất tương đối gọn, tiết kiệm biên chế, sử dụng chung tài khoản, bộ phận tài vụ, kế toán, văn thư, thủ quỹ, lái xe... Các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh) cũng sinh hoạt chung.