Vương Hỗ Ninh: Nhà tư tưởng hay 'Kissinger mới' của Trung Quốc?
Nguồn:Báo Điện tử Zing.vn
Vương Hỗ Ninh, gương mặt mới của Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc, là học giả được kính trọng với tư tưởng ảnh hưởng đến nhiều đời tổng bí thư đảng.
|
Ông Vương Hỗ Ninh trong buổi ra mắt Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19. Ảnh: AFP. |
"
Gương mặt ông ấy có thể xa lạ với công chúng, những lời ông ấy nói thì không".
Đó là cách South China Morning Post nhận định về Vương Hỗ Ninh, Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách TW đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Vương là một trong những người đứng sau khái niệm "Giấc mơ Trung Quốc", hình ảnh được Chủ tịch Tập Cận Bình liên tục đề cập trong tham vọng chấn hưng vị thế Trung Quốc trên trường quốc tế.
Hôm 25/10 vừa qua, ông Vương được bầu làm ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị TW đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan lãnh đạo tối cao của nước này.
Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị thường kinh qua vị trí quản lý tại các địa phương lớn, trong khi đó sự nghiệp chính trị của ông Vương chủ yếu ở Văn phòng Nghiên cứu Chính sách TW. Trong 15 năm qua ông là người đứng đầu văn phòng này, đảm nhận vai trò của một cố vấn chính sách quốc gia, người viết diễn văn cho lãnh đạo và một nhà lý luận.
Nhà tư tưởng của 3 đời chủ tịch
Vương Hỗ Ninh sinh năm 1955 tại thị xã Lai Châu, tỉnh Sơn Đông. Ông học chuyên ngành tiếng Pháp ở đại học rồi lấy bằng cao học ngành quan hệ quốc tế. Trước khi tham gia vào chính trường, ông nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) và nổi tiếng là phó giáo sư trẻ nhất tại Trung Quốc ở tuổi 30. Ông Vương từng tham gia trao đổi học thuật ở Mỹ, người vợ đầu tiên của ông cũng là chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung.
Năm 1995, ông Vương rời vị trí trưởng Khoa Luật của Đại học Phúc Đán và vào làm việc tại Văn phòng Nghiên cứu Chính sách TW. Trong hơn 20 năm sau đó, sự nghiệp chính trị của ông được xây dựng từ đây.
Trước "Giấc mơ Trung Quốc", ông Vương được cho đã đóng vai trò lớn trong xây dựng thuyết Ba Đại Diện của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, thuyết Quan điểm Phát triển Khoa học của Hồ Cẩm Đào. Cả 2 học thuyết này đều được viết vào điều lệ đảng.
"Ông ấy được biết đến là một nhà tư tưởng và một người hướng nội", South China Morning Post dẫn lời Chen Daoyin, một nhà khoa học chính trị tại Thượng Hải.
New York Times miêu tả ông Vương là một người tỏ ra "lạnh lùng và xa cách" trong lần ông tháp tùng Chủ tịch Tập đến Mỹ. Một người từng làm việc cùng cũng kể về ông như một người "im lặng, tài năng và thích kín kẽ" trong thời gian còn làm học giả.
|
Ông Vương là người thân cận với Chủ tịch Tập và thường tháp tùng ông Tập trong nhiều chuyến đi quan trọng. Ảnh: AFP. |
Ủng hộ sự lãnh đạo tập trung
Guardian cho biết ông Vương nổi tiếng với thuyết "Tân Chuyên chính", phản đối hệ thống lãnh đạo tập thể được thiết lập sau khi ông Mao Trạch Đông từ trần. Ông đề cao sự lãnh đạo mạnh mẽ, tập trung và rất căm ghét các hành vi tham nhũng của quan chức cấp cao.
Trong tự truyện Cuộc đời Chính trị xuất bản năm 1994, trước khi tham gia chính trị, ông Vương nói rằng mục tiêu của cuộc đời ông là tiếp tục viết sách và giảng dạy. Hạt mầm của tư tưởng của ông Vương đã xuất hiện trong những bài viết thời trẻ của ông.
Vào thập niên 1980, ông tỏ ra ủng hộ một chính quyền tập trung để duy trì ổn định và thúc đẩy tăng trưởng trong khi mở rộng các thành tố dân chủ từ bên trong.
Bài viết Phân tích về Các cách thức Lãnh đạo Chính trị trong Quá trình Hiện đại hóa, xuất bản lần đầu năm 1986, đã khiến cựu chủ tịch Giang chú ý đến ông Vương.
"Vào thời điểm này, quyền lực và quá trình hiện đại hóa tập trung sẽ 'đạt hiệu quả chính trị cao hơn'", ông viết. Sự lãnh đạo tập thể "có thể ngăn ngừa những xung đột không cần thiết giữa những ý tưởng khác nhau" và "phản ứng nhanh chóng trước mọi tình huống khẩn cấp và bất ngờ".
"Mô hình này đạt được thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc nhưng cũng bị chỉ trích vì mức độ dân chủ thấp", ông thừa nhận.
Ông kết thúc bài viết dài 7 trang này bằng quan điểm rằng một xã hội với tốc độ tăng trưởng và hiện đại hóa cao sẽ chứng kiến nhiều xung đột phát sinh và nhu cầu cho dân chủ cũng tăng cao.
"Khi xã hội đạt đến giai đoạn này, cải cách chính trị là không thể tránh khỏi", ông viết.
Ông Vương không nói rõ cải cách chính trị cần thiết ở đây là gì nhưng ý tưởng của ông đã cung cấp nền tảng ý thức hệ cho chương trình cải tổ tham vọng của ông Tập về sau.
|
Ông Vương là gương mặt duy nhất trong Thường vụ mới chưa có kinh nghiệm ở địa phương. Ảnh: New York Times. |
Ý thức hệ cho 'Kỷ nguyên mới'
Trong báo cáo đọc trong ngày khai mạc Đại hội đảng khóa 19 vừa qua, ông Tập nhấn mạnh nhu cầu "trang bị lý thuyết cho chính mình" cũng như "khẩn trương phát triển triết học và khoa học xã hội mang đặc tính Trung Hoa" nhằm phục vụ mục tiêu vươn đến một "kỷ nguyên mới" cho Trung Quốc.
Báo chí phương Tây nhận định sự có mặt của ông Vương trong Thường vụ Bộ Chính trị cho thấy ông Tập muốn có một người chịu trách nhiệm về ý thức hệ để bổ trợ cho chương trình cải cách của ông.
Người ta nhiều lần thấy ông Vương tháp tùng Chủ tịch Tập trong các chuyến công tác vào năm nay, như hội nghị khối BRICS tại Hạ Môn, hội nghị G20 ở Đức hay chuyến đi Hong Kong nhân kỷ niệm 20 năm đặc khu này được trả về Trung Quốc. South China Morning Post nhận định ông Vương sẽ có tiếng nói quan trọng trong cách ứng xử của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Ông Vương thậm chí có thể trở thành gương mặt mới của đối ngoại Trung Quốc. Người tiền nhiệm của ông, Lưu Vân Sơn đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và là chính trị gia Trung Quốc cuối cùng gặp ông Kim cho đến lúc này.
Guardian so sánh ông Vương với Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Mỹ và là người có ảnh hưởng lên chính sách đối ngoại của nước này trong thập niên 1970.