Giảm cấp trung gian để tinh gọn biên chế
Nguồn:Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân
Ngày 30-10, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Sắp xếp lại bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả
Cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo, kém hiệu lực, hiệu quả là nhận định của nhiều đại biểu Quốc hội khi đánh giá về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiện nay. Các đại biểu kiến nghị rà soát quy định về tổ chức các bộ ngành, giảm cấp trung gian để giảm đầu mối, biên chế.
Nêu ý kiến đầu tiên, đại biểu Phùng Đức Tiến cho rằng chất lượng đội ngũ làm việc trong bộ máy hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu. “Với hơn 2 triệu cán bộ công chức, viên chức trong số 8 triệu người ăn lương, hằng năm ngân sách phải bỏ ra lượng tiền lớn để trả lương nhưng hiệu quả làm việc chưa cao”, đại biểu nhận xét. Ngoài ra, theo đại biểu này, tinh giản biên chế cũng không đạt mục tiêu, năm 2016 tổng biên chế tăng gần 4,8% so với 2011, bình quân mỗi năm tăng gần 1% mỗi năm.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) thì lo ngại với bộ máy hành chính cồng kềnh hiện nay thì ngân sách dù có là “nồi cơm thạch sanh” cũng khó bao bọc nổi. Đại biểu cho rằng, việc tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn nhiều chồng chéo, tổ chức biên chế phình to, tăng biên chế.
Đại biểu kiến nghị, cần khẩn trương giảm gánh nặng biên chế cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo đại biểu, không đơn thuần khi tăng đầu mối là tăng biên chế hay nhập tổ chức sẽ giúp giảm người ăn lương mà “việc tách hay nhập phải phụ thuộc vào tình hình thực tế; vấn đề là tính toán tổng thể để tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy với tinh thần không khoan nhượng", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: CTTĐT Quốc hội.
Nhắc lại chất vấn Bộ trưởng Nội vụ cách đây 5 năm về tinh giản biên chế, sau đó bộ máy không gọn lại mà phình ra, số lượng vụ, viện tăng lên, ở nhiều bộ số lượng thứ trưởng nhiều hơn quy định, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình), nhận định quy định pháp luật ở đây "vẫn còn kẽ hở", bị lợi dụng. Điều này đã làm tăng gánh nặng tiền lương, gây lãng phí, gây ảnh hưởng đề án tiền lương của Chính phủ.
Theo đại biểu tỉnh Quảng Bình, do hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều kẽ hở, một số luật, văn bản ban hành lại kéo theo phát sinh thêm biên chế. Trong tổ chức thực hiện từ các bộ, ngành đến các tỉnh, thành phố còn tùy tiện trong bổ nhiệm, đề bạt. Điều này dẫn đến tình trạng hình thành một số chức danh không có trong quy định như "hàm Vụ trưởng", "hàm Vụ phó", hoặc là quy định các Bộ không có quá 4 Thứ trưởng nhưng thực tế đều nhiều hơn, có bộ đến 9 thứ trưởng...
Đại biểu cho rằng, điều này dẫn đến việc Trung ương làm được, tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được; tỉnh làm được thì xã, phường, huyện làm được… từ đó cấp phó tăng nhanh, không chỉ trong cơ quan nhà nước, mà còn cơ quan Đảng, đoàn thể. Thực tế có phòng ban chỉ toàn lãnh đạo mà không có nhân viên, nhưng trong thời gian dài không ai bị nhắc nhở, phê bình”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu thực tế và đề nghị việc cần làm ngay của bộ máy hành chính là "tinh giản cấp phó và các vụ, viện”.
Đại biểu cũng cho rằng, cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính còn nhiều hạn chế, chưa hợp lý, chưa xác định rõ vị trí, việc làm, phân cấp, nhiều việc trùng lặp cả ở Trung ương và địa phương, dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần sắp xếp lại bộ máy tổ chức hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng tinh giản biên chế, bộ máy là yêu cầu khách quan và cấp thiết, tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế. Đại biểu nhấn mạnh, nguyên nhân vẫn do người đứng đầu buông lỏng lãnh đạo, chưa quyết liệt thực hiện, kỷ luật công vụ chưa nghiêm...
Đại biểu Phan Viết Lượng đề xuất giải pháp khẩn trương rà soát quy định về tổ chức các bộ ngành, giảm cấp trung gian, giảm đầu mối, biên chế; kiên quyết sắp xếp lại, giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả, hợp nhất các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; kiểm điểm, xử lý nghiêm các sai phạm, công khai kết quả xử lý để nhân dân giám sát...
Việc tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất
Trước đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Ảnh: CTTĐT Quốc hội.
Báo cáo nêu rõ: Thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 đã đạt được nhiều kết quả. Đó là, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm thực hiện những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đạt nhiều kết quả quan trọng, phát huy được những kết quả của việc cải cách hành chính, sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy trong các giai đoạn trước, kế thừa và có bước phát triển.
Lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đáng chú ý, cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định, không tăng thêm đầu mối, tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực phát huy hiệu quả hoạt động, năng lực quản lý nhà nước được nâng lên, đã từng bước khắc phục được nhiều việc chồng chéo hoặc bỏ trống về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý giữa các bộ, ngành.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn vừa qua còn nhiều hạn chế. Tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; còn tồn tại nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải hội họp nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà, quy trình xử lý công việc còn chậm.
Chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của chính quyền địa phương, kết quả hoạt động được nâng lên, bước đầu thực hiện cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền nhưng vẫn chưa đồng bộ và triệt để. Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh; trung bình một cơ quan có 8,1 phòng và tương đương. Tỷ lệ người giữ chức danh lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương cũng ở mức cao, không hợp lý.
Biên chế công chức được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm, trong những năm 2014- 2016, mỗi năm bình quân giảm 4.000 người, nhưng nhìn chung, việc giao và quản lý biên chế chưa khoa học; thẩm quyền quản lý biên chế chưa thống nhất, thiếu tập trung. Việc tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, không theo đúng quy định và chưa đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo đó, tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong hai năm 2015 và 2016 khối các cơ quan hành chính là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế (mới đạt 0,83%). Cuối năm 2016, số đơn vị hành chính trực thuộc các bộ tăng từ 418 lên 446, ngoài ra còn 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian.