Thừa nhận bán khăn "made in China", ông Hoàng Khải, ông chủ hệ thống Khaisilk, cũng cho hay 50% sản phẩm được ông nhập từ làng nghề trong nước, chủ yếu ở Nha Xá (Hà Nam).
Tuy nhiên, chia sẻ với PV, người dân Nha Xá cho hay năng suất lao động làm lụa ở địa phương không đáp ứng được số lượng lớn.
Nha Xá là ngôi làng nằm sát chân đê, bên bờ hữu ngạn sông Hồng, nổi tiếng với 600-700 năm làm nghề lụa. Lụa Nha Xá nổi tiếng bởi đa số được dệt thủ công. Đến nay, làng nghề này là nơi cung cấp lụa cho rất nhiều tỉnh thành trên cả nước, xuất khẩu sang nhiều nước khác.
Đại diện làng nghề Nha Xá cho biết, sản xuất và kinh doanh lụa là nguồn thu chính của 150 hộ dân ở địa phương. Những hộ gia đình tại đây có hộ chuyên làm khăn, chuyên dệt thô. Thậm chí, có hộ chỉ sắm máy, ngồi nhà dệt thuê như một kiểu làm khoán.
Những năm gần đây, nhờ máy móc, sản lượng lụa tăng lên đáng kể. Nhưng theo người đứng đầu làng nghề thì con số trên "chưa thấm vào đâu" so với nhiều làng nghề chuyên về lụa khác.
Giá bán khăn lụa tại Nha Xá cao hay thấp tuỳ thuộc vào độ dày, mỏng, dài, ngắn cũng như tỷ lệ tơ tằm và độ cầu kỳ của hoạ tiết sản phẩm. Sản phẩm khăn lụa tơ tằm cao cấp có giá tại làng khoảng 150.000-200.000 đồng. Khi đến tay người tiêu dùng trong nước, giá có thể lên đến 300.000-500.000 đồng, còn xuất khẩu khoảng 1-1,2 triệu đồng khi quy ra tiền Việt.
Không đủ lụa để cung cấp 50% cho Khaisilk
Sau sự việc của thương hiệu Khaisilk, người dân làng nghề Nha Xá những ngày này liên tục nhận được những câu hỏi từ người quen liên quan đến câu chuyện "50% khăn của Khaisilk được nhập từ các làng nghề, nhiều nhất là Nha Xá".
Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá, ông Nguyễn Tiến Quảng, cho hay ông Hoàng Khải chỉ là một trong số rất nhiều khách hàng của làng nghề.
Lụa Nha Xá nổi tiếng vì đa số đều được làm thủ công. Ảnh: Thuỷ Tiên.
Theo lời Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá, ông Hoàng Khải mua lụa tại làng thông qua một mối hàng trung gian khác là ông Trọng.
Mối trung gian này có nhiệm vụ thu mua vải lụa từ các hộ khác trong làng, sau đó bán lại cho Khaisilk. Với năng suất hiện nay của Nha Xá thì để đáp ứng được mức gần 50% nhu cầu lụa của Khaisilk, ông Quảng cho hay khó khả thi.
Theo lời ông Quảng, hiện tại, làng nghề có 150 hộ tham gia sản xuất. Mỗi tháng, năng suất của cả làng là 20.000 mét lụa. Tuy nhiên, 80% trong số này đã phục vụ cho xuất khẩu, phân phối về các tỉnh thành khác trong nước như TP.HCM, Hội An... Số còn lại được phân phối về các chợ đầu mối, cửa hàng chuyên về lụa ở Hà Nội.
Ông Tiến, người có 25 năm kinh nghiệm sản xuất, phân phối lụa ở làng Nha Xá, cho rằng không những lụa của làng này không đáp ứng được số lượng để bán cho Khaisilk mà hình thức cũng khó đảm bảo.
Theo lời ông Tiến, lụa dùng để làm khăn của Khaisilk có hoa văn, hoạ tiết tương đối cầu kỳ, chủ yếu được in bằng công nghệ tiên tiến. Trong khi đó, với phương pháp sản xuất thủ công hiện tại của Nha Xá, khả năng đáp ứng yếu tố này là không có.
Từ năm 2012 đến nay, Khaisilk không còn nhập nhiều lụa từ Nha Xá
Ông Trọng, đầu mối trung gian nhập lụa từ Nha Xá cho Khaisilk từ năm 1992 đến nay cho hay, khoảng từ năm 2010-2012 đến hiện tại, Khaisilk không thu mua nhiều lụa Nha Xá như giai đoạn trước đó.
Nếu như những năm 1993-1994, ông Trọng gần như không thể gom đủ hàng để nhập cho thương hiệu này thì 5-7 năm trở lại đây, số hàng nhập về cho Khaisilk có chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, ông này cũng nhấn mạnh khi mua lụa ở Nha Xá, ông Hoàng Khải đều chọn lụa cao cấp, 100% tơ tằm. Những năm đầu, ông Khải về Nha Xá để tham quan và xem xét điều kiện sản xuất lụa của làng nghề song nhiều năm trở lại đây, nhân viên Khaisilk làm việc với ông Trọng và ông tự gửi hàng từ địa phương lên Hà Nội.
Hiện tại, làng nghề Nha Xá có khoảng 150 hộ làm nghề. Ảnh: Thuỷ Tiên.
Đánh giá sự việc vừa qua của thương hiệu Khaisilk, ông Trọng nói: “Nếu xét ở vị trí người tiêu dùng thì bức xúc là điều dễ hiểu nhưng trong mắt tôi, ông Hoàng Khải vẫn là doanh nhân giỏi”.
Còn ông Nguyễn Tiến Quảng, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá, chia sẻ ông và những người làm nghề cảm thấy bất công với hoạt động kinh doanh của ông chủ Khaisilk. "Chúng tôi sản xuất hàng thật nhưng đồng công và lợi nhuận không cao như người kinh doanh mặt hàng không thật, trong khi đó người tiêu dùng lại phải trả khoản tiền lớn để mua sản phẩm không như ý”, ông bày tỏ.
“Cũng thông qua sự việc lần này, tôi hy vọng lụa Nha Xá, lụa Việt Nam sẽ có tiếng nói rõ nét hơn, người tiêu dùng sẽ phân biệt được đâu là lụa Việt Nam và đâu không phải là lụa Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội nói thêm.
Theo Zing