Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng: "Gia cố lò để đốt được cả củi to, củi ướt"

Ngày đăng: 07:35 23/11/2017 Lượt xem: 440


Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng: "Gia cố lò để đốt được cả củi to, củi ướt"

 

                                                         Nguồn:Báo Điện tử VnMedia


Nhận xét việc thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng 10 năm qua như "xây một cái lò nhưng củi to, củi ướt vẫn không cháy được", ĐB Nguyễn Chiến đề nghị cái lò này phải sửa sang, gia cố đảm củi to, củi nhỏ, củi ướt, củi khô đều phải đốt cháy.



Chiều 21/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Hầu  hết các ý kiến đều cho rằng, Dự thảo luật còn nhiều vấn đề bất cập, thiếu tính khả thi và hiệu quả, cần phải xem xét kỹ và chỉ nên thông qua trong 3 kỳ chứ không phải chỉ 2 kỳ như dự tính ban đầu.

Phát biểu tại Hội trường, Luật sư Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) đánh giá, vấn đề phòng, chống tham nhũng chưa bao giờ nóng như giai đoạn hiện nay và ví von: “Qua 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng chúng ta thấy nó giống như chúng ta xây một cái lò nhưng củi to, củi ướt vẫn không cháy được”.

Vì vậy, ĐB đoàn Hà Nội đề nghị: “Bây giờ cái lò này phải sửa sang, gia cố như thế nào để bảo đảm củi to, củi nhỏ, củi ướt, củi khô đều phải đốt cháy”.

Tuy vậy, theo ĐB Chiến, “để đốt tất cả các loại củi không phải để làm cho nó giảm nhiệt” nếu sửa sang luật này không có hiệu quả.

ĐB Nguyễn Chiến cho rằng, chống được tham nhũng một cách toàn diện, hiệu quả không có nghĩa là “dàn trải, pha loãng” ra để rồi cuối cùng không chống được.

“Một lò than, chúng ta đốt một lúc tất cả các loại củi vào, củi khô, củi ướt thì không tăng nhiệt mà nó làm giảm nhiệt, tắt đi. Do vậy, chúng ta cần phải hiểu tham nhũng như dân ta vẫn thường hiểu nôm na là ăn cắp, tham ô, trục lợi, lấy tiền bạc của Nhà nước, của công làm của riêng. Vậy, hành vi tham nhũng đó phải được xác định ai mới có thể lấy được tiền bạc của nhà nước. Rõ ràng những người có chức vụ, quyền hạn là người trực tiếp được giao trách nhiệm quản lý tài sản, đó là những chủ thể đặc biệt. Nếu mở rộng ra phạm vi ngoài nhà nước thì không thuộc phạm vi chủ thể” – ĐB Chiến nêu quan điểm.
 

ĐB Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội)

ĐB Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội)

ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) nhận xét, về vấn đề kê khai tài sản, thu nhập, “cả 2 phương án mà Chính phủ trình thực chất chưa phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực, từng đối tượng, do đó tính khả thi sẽ không cao, cần phải được tính toán kỹ”.

Cùng quan điểm này, ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng, nếu theo phương án một, mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch, bao gồm là công chức xã, phường, thị trấn thì đối tượng kê khai tài sản thu nhập là quá rộng, quá lớn, còn nặng về hình thức, hiệu quả thấp, vượt quá khả năng của cơ quan có trách nhiệm kiểm soát việc kê khai tài sản thu nhập. 

Nếu theo phương án 2 là thu hẹp phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập chỉ áp dụng đối với đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên ở trung ương, từ 0,9 ở địa phương và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 cho một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Theo ĐB tỉnh Vĩnh Phúc, phương án này quy định thu hẹp đáng kể đối tượng kê khai nhưng chưa đưa ra lý do và cách thuyết phục. Nếu quy định ở địa phương những người có hệ số phụ cấp chức vụ 0,7 trở lên, tức là những người giữ chức vụ giám đốc sở và tương đương trở lên mới phải kê khai tài sản thu nhập thì số người phải kê khai rất ít, chỉ có một số người ở cấp tỉnh, còn cấp huyện trở xuống thì không có.

Về vấn đề này, trước đó, trong buổi sáng, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đặt vấn đề mở rộng đối tượng ở những chỗ cần thiết phải làm. Muốn vậy, phải xác định xem đường đi của tài sản nhà nước bị tham nhũng đi ra đường nào.

“Trong phạm vi chi tiêu hành chính của một cơ quan, ngoài chi lương và các chế độ theo lương, còn một số khoản chi chế độ hội nghị, điện thoại, xăng xe thì xin thưa là chẳng có tham nhũng gì được ở đây, có chăng chỉ vài bữa ăn thịnh soạn hơn. Còn tiền nhà nước đang lọt ra chủ yếu thông qua các dự án đầu tư, vấn đề tính thuế, giao rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản, cấp quyền”, ông Phương phân tích. Lọt ra ở đây bằng cách nào, theo ĐB Phương, đó là các DN khi chạy dự án mất đủ mọi loại chi phí bỏ ra.

Về xử lý hành vi tham nhũng sau khi bị phát hiện, cũng như đa số ý kiến của các ĐB khác, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành, theo đó “khi phát hiện hành vi tham nhũng thì cơ quan ra quyết định thanh tra, kiểm toán phải chuyển cơ quan điều tra thực hiện, không phải để xác minh làm rõ thì sẽ không loại trừ khả năng đối tượng bỏ trốn gây khó cho hoạt động thanh tra, xử lý sau này”.

Phát biểu kết luận về phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hộiUông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Tư pháp, các cơ quan tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu giải trình đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức hội nghị, hội thảo, có các hình thức thích hợp lấy  ý kiến cử tri, đối tượng chịu sự tác động của luật, đánh giá tác động của một số chế định mới để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp tới

tin tức liên quan