"Bộ tứ kim cương" sẽ là NATO châu Á khắc chế Trung Quốc?

Ngày đăng: 07:38 29/11/2017 Lượt xem: 386



"Bộ tứ kim cương" sẽ là NATO châu Á khắc chế Trung Quốc?

 

                                               Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin


Nhóm Bộ tứ: Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ trong chiến lược "Ấn Độ-Thái Bình Dương" đang trở thành bộ khung cho một liên minh chống lại sự trỗi dậy của Bắc Kinh.


Không còn được nhắc tới là “khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, thay vào đó Mỹ đang tập hợp các đồng minh thân thiết của mình để đi theo tầm nhìn “Ấn Độ -Thái Bình Dương”.

Sự thay đổi này không chỉ khác biệt về mặt hình thức, mà có sự thay đổi về bản chất khi bốn quốc gia trụ cột trong đó có tiềm năng tạo ra một sự thay đổi về bối cảnh địa chính trị khu vực, theo SCMP.

Điều này đã được chứng minh khi Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ công bố họ đã đồng ý thiết lập một liên minh sẽ gây ảnh hưởng đến tuyến đường thủy từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.

Nhóm bốn quốc gia, hay còn gọi là Đối thoại An ninh Tứ giác hay Bộ tứ lần đầu tiên được đưa ra bởi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào năm 2007, nhưng ý tưởng đã bị bỏ sau khi Bắc Kinh phản đối và cho rằng quan hệ đối tác quốc phòng với Ấn Độ là nhằm bóp nghẹt sự phát triển của Trung Quốc.
 

Tiêu điểm - ''Bộ tứ kim cương'' sẽ là NATO châu Á khắc chế Trung Quốc?

Tàu hải quân Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản trong một cuộc tập trận.

Ý tưởng này trở lại khi các quan chức cấp cao từ bốn quốc gia gặp nhau tại Manila vào ngày 11/11- bên lề Hội nghị Thượng đỉnh khu vực song song với chuyến công du đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump đến châu Á.

Rõ ràng, nhóm có một chương trình nghị sự an ninh mà Trung Quốc làm trung tâm. Sự tái sinh của Bộ tứ nêu bật những nghi ngờ và "bực bội" ngày càng tăng đến từ các nhà ngoại giao ở Washington, Tokyo, Canberra và New Delhi trước sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.

Trong một tuyên bố sau cuộc họp, bốn quốc gia cho biết, họ đã cam kết đảm bảo một khu vực “tự do và cởi mở”, “tôn trọng luật pháp quốc tế” và thiết lập “trật tự dựa trên luật pháp ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”...

Chiến lược mới để đối đầu với Trung Quốc đang tạo thành một mặt trận thống nhất nhấn mạnh cuộc đối đầu khu vực ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Washington.

Tiêu điểm - ''Bộ tứ kim cương'' sẽ là NATO châu Á khắc chế Trung Quốc? (Hình 2).

Trung Quốc và sáng kiến "Vành đai Con đường" với tham vọng vươn tầm ảnh hưởng liên lục địa.

Cuộc họp nhóm Bộ tứ được đưa ra vào thời điểm Mỹ loại bỏ di sản của chính quyền Barack Obama và chuyển trọng tâm chiến lược.

Trong chuyến thăm đầu tiên đến châu Á, ông Trump đã nhiều lần đề cập đến khái niệm “Ấn Độ-Thái Bình Dương” chứ không phải là “châu Á-Thái Bình Dương” – một đòn nhắm rõ ràng hướng vào Bắc Kinh.

Chiến lược này dường như là một phần trong chính sách ngoại giao Đông Á “cân bằng quyền lực” của vị Tổng thống 71 tuổi. Ông thấy đây là cách để giữ sự hiện diện của Mỹ trong khu vực sau khi từ bỏ chính sách “xoay trục châu Á” của người tiền nhiệm và rút khỏi hiệp định thương mại TPP.

Những động thái trên có thể được hiểu như một dấu hiệu tăng cường sự chủ động trong khu vực. Mặc dù là một cường quốc thống trị ở Thái Bình Dương, kể từ khi kết thúc Thế chiến II, ảnh hưởng về quân sự và ngoại giao của Mỹ hiếm khi kéo dài qua Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, hợp tác mới đang cho thấy cam kết của Washington - trên cả hai mặt trận ngoại giao và an ninh - đối với khu vực và nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ như một đồng minh.

Các quốc gia nhỏ hơn, chẳng hạn như Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Philippines, cũng có thể được hưởng lợi từ sự hợp tác đa cực do Mỹ đứng đầu để thử nghiệm sức mạnh của Trung Quốc.

Nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng gia tăng về “địa chính trị trên biển” trong một thế giới ngày càng xích lại gần hơn. Về kinh tế, chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương” có thể được xem như một câu trả lời cho sáng kiến “Vành đai Con đường” của Trung Quốc trong việc thiết lập một tuyến đường thương mại xuyên từ châu Á sang Địa Trung Hải.

Nhóm này cho biết, mục đích của họ là thúc đẩy tự do, dân chủ và để đảm bảo chủ nghĩa tự do chiếm ưu thế so với chủ nghĩa toàn trị trong khu vực.

Họ có chung lợi ích cạnh tranh về các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm cả các vấn đề ở Biển Đông, biển Hoa Đông và cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Nhà bình luận kỳ cựu Cary Huang của tờ SCMP cho rằng, sự bảo hộ của nhóm bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đang tạo tiềm năng để phát triển thành một “NATO châu Á”, một bộ khung có thể thay đổi hoàn toàn cảnh quan an ninh của khu vực trong tương lai.


tin tức liên quan