Phòng, chống tham nhũng: Chống ‘giặc nội xâm’ và chuyện thu hồi tài sản khủng

Ngày đăng: 07:16 07/12/2017 Lượt xem: 564

Phòng, chống tham nhũng:

            Chống ‘giặc nội xâm’ và chuyện thu hồi tài sản khủng

  
                                                          Nguồn:Báo Điện tử


Luật cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan phòng chống tham nhũng phải điều tra rốt ráo đối với các tài sản bất minh, để xác định xem chúng có phải do tham nhũng có được không.


Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng của ta hiện nay, Dự luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có thể được xem là công cụ hiệu quả nhất. Do đó, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng như cử tri cả nước đặt rất nhiều hy vọng vào đạo luật này. Đây không chỉ là quyết tâm một chiều, mà còn là nghĩa vụ mà quốc gia đã cam kết với Liên hiệp quốc (LHQ).[1]

Hiện nay, điểm vướng mắc lớn nhất của dự luật có lẽ xoay quanh việc thiếu vắng một chế tài cụ thể liên quan đến tài sản của cán bộ mà không được kê khai, hoặc kê khai không đầy đủ, hoặc không chứng minh được nguồn gốc (tài sản bất minh). Nhiều ĐBQH ví von điều này như tước đi hàm răng của “con hổ” là dự luật PCTN.

Một con số được dẫn chứng ra tại nghị trường, đó là sau 10 năm thực hiện Luật PCTN, chúng ta chỉ mới thu hồi được 4.500 tỷ đồng từ tài sản tham nhũng trên tổng số 60.000 tỷ đồng thiệt hại. Cử tri rất bức xúc và mong chờ một sự “đột phá” trong đạo luật sửa đổi lần này.

Những lo lắng này là dễ hiểu khi liên tiếp có những thông tin về biệt phủ nguy nga, tài sản “khủng” mà nguồn gốc lại khó thuyết phục dư luận. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng bất kỳ biện pháp hay sự đột phá nào cũng đều phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối nền pháp quyền. Đây đồng thời cũng là một nguyên tắc mà Liên hiệp quốc (LHQ) yêu cầu các quốc gia phải áp dụng.

Phòng chống tham nhũng,Kê khai tài sản,Tài sản bất minh,Biệt phủ quan chức,Thu hồi tài sản,Tài sản quan chức
Ảnh minh họa: Tuổi trẻ

Hiểu về “thu hồi tài sản”

“Thu hồi tài sản (có được từ tham nhũng)” là một trong những nội dung mà Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC) yêu cầu các quốc gia phải đưa vào luật nội địa của mình (Chương V). Nhưng đây là một thuật ngữ pháp lý dễ bị hiểu lầm. Cần phải hiểu “thu hồi tài sản” là việc Nhà nước tịch thu tài sản mà quan chức có được từ hành vi tham nhũng. Ví dụ, một cán bộ nhận hối lộ 10 triệu đồng, nếu Nhà nước chứng minh được hành vi nhận hối lộ đó thì có quyền tịch thu số tiền. Việc chứng minh này phải trên cơ sở luật định từ một toà án độc lập và có thẩm quyền.

Trong khi điều gây tranh cãi hiện nay lại liên quan đến việc xử lý các tài sản bất minh, là các tài sản mà cán bộ không chứng minh được nguồn gốc, khai báo sai, hoặc khai báo thiếu. Những tài sản này có thể là tài sản có được do tham nhũng, nhưng việc nghi ngờ như vậy là không đủ để tiến hành thu hồi tài sản theo quy định của Dự thảo Luật hiện nay.

Quy định như vậy tuy gặp nhiều phản ứng của dư luận nhưng không phải là không có lý do. Thực tế thì tài sản bất minh chưa hẳn là tài sản do tham nhũng có được để áp dụng các biện pháp của luật PCTN. Tài sản bất minh còn có thể đến từ những hành vi bất hợp pháp khác, như trốn thuế, gian lận thương mại, buôn lậu, buôn bán hàng hoá bị cấm… Đây là những tội phạm có chính sách xử lý hoàn toàn khác với tội phạm tham nhũng.

Trong một số tội phạm kể trên, ví dụ như gian lận thương mại hay lừa đảo, việc xử lý tài sản bất minh không chỉ giới hạn trong việc tịch thu, sung công quỹ Nhà nước, mà còn phải tính đến việc bồi thường dân sự cho các bị hại. Như vậy, nếu vội vã tịch thu tài sản bất minh có thể dẫn đến những hệ luỵ pháp lý khó giải quyết về sau.[2]

Một lý do khác đó là dường như chúng ta đang có nhầm lẫn khái niệm “thu hồi tài sản” (asset recovery) và “tịch thu tài sản” (asset confiscation). Việc thu hồi tài sản cốt không phải để bù đắp những thiệt hại của Nhà nước và nền kinh tế do tham nhũng gây ra, mà là để trao trả nó lại cho chủ sở hữu hợp pháp của nó và đền bù cho các nạn nhân. Dự thảo Luật PCTN cũng đã có đề cập đến các cam kết của Việt Nam xoay quanh vấn đề thu hồi tài sản theo UNCAC, quy định tại Chương IX.

Nếu như không có một phiên toà công khai, rõ ràng, với quy trình tố tụng minh bạch và công bằng thì rất khó để có thể xác định đúng ai là chủ sở hữu hợp pháp của khối tài sản bất minh, hoặc ai là nạn nhân của tội phạm tham nhũng. Do vậy, việc vi phạm nghĩa vụ khai báo tài sản của cán bộ không phải là lý do hợp lý lẫn hợp pháp để tiến hành thu hồi tài sản.

Kinh nghiệm các quốc gia khác cũng cho thấy việc xử lý vi phạm trong khai báo tài sản hiện chỉ dừng ở hai cấp độ: phạt tiền hoặc xử lý kỉ luật, hành chính.[3] UNCAC cũng nêu rõ là tuỳ vào pháp luật nội địa mà các quốc gia có thể áp dụng những biện pháp chế tài phù hợp với hành vi vi phạm nghĩa vụ công khai tài sản, chứ không nhắc gì đến việc thu hồi tài sản (Điều 52.5 – UNCAC). Trái lại, (Điều 53 và 57 – UNCAC).

Tất nhiên, tài sản bất minh là một chỉ dấu quan trọng để nghi ngờ một cán bộ có biểu hiện tham nhũng hay không. Nhưng không thu hồi tài sản bất minh không có nghĩa là bao che hay nhẹ tay với tham nhũng. Có rất nhiều yếu tố khác cần phải thực hiện khi một khối tài sản bất minh được phát hiện.

 

Chính vì thế, Luật PCTN cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan phòng chống tham nhũng phải điều tra rốt ráo đối với các tài sản bất minh, để xác định xem đây có phải là tài sản do tham nhũng có được hay không. Đấy mới chính là cốt lõi của công cuộc phòng chống tham nhũng, và đảm bảo được tính pháp quyền.

Bên cạnh đó, công chúng cần được tiếp cận với hồ sơ kê khai tài sản của cán bộ để việc giám sát được minh bạch hơn. Việc tôn trọng pháp quyền là cần thiết trong công cuộc phòng chống tham nhũng, vì không thể lấy một cái sai (vi phạm pháp quyền) để trừng trị một cái sai khác (tham nhũng). Như vậy sẽ khiến cho những nỗ lực đó mất tính chính danh. Cũng như hướng dẫn mà LHQ đã đưa ra trong UNCAC, bên cạnh sự nghiêm minh của pháp luật, thì pháp quyền, liêm chính và minh bạch chính là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống tham nhũng.

tin tức liên quan