Phòng, chống tham nhũng: Sợ bị trả thù, tôi có nên đứng lên tố cáo?

Ngày đăng: 07:21 08/12/2017 Lượt xem: 497


Phòng, chống tham nhũng:

                 Sợ bị trả thù, tôi có nên đứng lên tố cáo?

                                                               Nguồn:Báo Điện tử


Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, vai trò của “người thổi còi” đặc biệt quan trọng vì tính chất bí mật và phức tạp của hành vi này.

 

“Người thổi còi”

Tháng 4/2016, thế giới rúng động khi thời báo Süddeutsche Zeitung của Đức công bố loạt bài về những thiên đường trốn thuế của các nhân vật tầm cỡ thế giới, được biết dưới cái tên “Hồ sơ Panama” (Panama Papers). Loạt bài phanh phui hoạt động trốn thuế của nhiều chính khách trên thế giới, các quan chức thể thao của FIFA và UEFA, các ngôi sao bóng đá, những nhà tài phiệt… Thủ tướng của một quốc gia châu Âu đã phải từ chức và nhiều quan chức khác bị bắt giữ. “Hồ sơ Panama” là vụ cung cấp, rò rỉ thông tin lớn nhất thế giới từ đó đến nay.

Tất cả bắt đầu từ một email của nhân vật với cái tên John Doe gửi cho phóng viên của tờ  Süddeutsche Zeitung vào năm 2014. Nhưng John Doe là ai, và động cơ là gì? Đã hơn một năm rưỡi kể từ khi Hồ sơ Panama được công bố, và hơn ba năm kể từ lần đầu tiên John Doe liên lạc với báo giới, những câu hỏi trên vẫn chưa có lời giải đáp. Và không một chính quyền nào mở cuộc điều tra về thân phận của John Doe. Tất cả chỉ tập trung vào một vấn đề duy nhất: những thông tin của “người thổi còi” John Doe có chính xác hay không?

“Người thổi còi” (whistleblower) là cách gọi những người tố cáo hoặc cung cấp thông tin về một hành vi vi phạm pháp luật nào đó[1]. Thông thường, “người thổi còi” là người bên trong tổ chức hoặc có mối liên hệ mật thiết với cá nhân bị tố cáo. Những thông tin của “người thổi còi” thường rất quý giá cho các cơ quan điều tra phát hiện những sai phạm.

Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, vai trò của “người thổi còi” đặc biệt quan trọng vì tính chất bí mật và phức tạp của hành vi này. Tuy nhiên, chính vì lý do đó mà “người thổi còi” cần phải được những cơ chế bảo vệ rất đặc biệt để tránh việc họ bị trả thù vì hành vi tố cáo hay cung cấp thông tin.

Ở nhiều quốc gia, việc “người thổi còi” cung cấp thông tin trên cơ sở ẩn danh được pháp luật bảo hộ. Trong nhóm các quốc gia thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), có 59% quốc gia thành viên có luật cho phép việc cung cấp thông tin về tham nhũng một cách ẩn danh.

Ở Trung Quốc, việc cung cấp thông tin ẩn danh tuy không được quy định cụ thể, nhưng trên thực tế vẫn diễn ra và được các cơ quan phòng, chống tham nhũng xử lý rất tích cực. Ví dụ, từ tháng 9/2013, Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cung cấp một địa chỉ website nơi người dân có thể cung cấp các thông tin về hành vi tham nhũng của quan chức chính phủ. Những thông tin này có thể cung cấp mà không đi kèm với việc tiết lộ thông tin cá nhân của người cung cấp. Đến tháng 6/2015, Uỷ ban này thậm chí còn cho ra mắt một ứng dụng điện thoại để người dân cung cấp thông tin được dễ dàng hơn. Kết quả, trung bình một ngày Uỷ ban này nhận được hơn 1.000 thông tin từ người dân.
 

Phòng chống tham nhũng,Người tố cáo tham nhũng,Hồ sơ Panama,Cung cấp thông tin ẩn danh,Thanh tra chính phủ,Luật tố cáo 2012

Vai trò của “người thổi còi” - cung cấp thông tin - đặc biệt quan trọng


Nỗi sợ bị trả thù khi tố cáo

Tại Việt Nam, trong một khảo sát của Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới, có đến 62% người khảo sát trả lời rằng lý do khiến họ không tố cáo tham nhũng là “sợ bị trả thù”.[2] Còn một khảo sát khác của tổ chức Hướng tới Minh bạch (đầu mối của Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam) chỉ ra rằng chỉ có 38% số người khảo sát sẵn sàng tố cáo tham nhũng và có đến 28% người khảo sát “sợ gánh chịu hậu quả” khi tố cáo.[3]

Việc cho phép cung cấp thông tin hay tố cáo ẩn danh có thể sẽ giúp “người thổi còi” bớt được những lo sợ này và chủ động hơn. Tất nhiên, đây không phải là biện pháp duy nhất mà còn phải đi kèm với những biện pháp bảo vệ người tố cáo hay cung cấp thông tin từ phía chính quyền.

Pháp luật Việt Nam hiện hành về phòng, chống tham nhũng và tố cáo hiện lại không cho phép việc cung cấp thông tin hay tố cáo nặc danh. Điều 19 Luật Tố cáo 2011 yêu cầu người tố cáo phải cung cấp “họ, tên, địa chỉ” trong đơn tố cáo. Luật PCTN 2005 cũng yêu cầu tương tự tại Điều 64. Cả Luật Tố cáo 2012 và Luật PCTN 2005 đều quy định nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước phải giữ bí mật thông tin của người tố cáo. Đây có thể coi là một giải pháp dung hoà tại thời điểm hiện tại để giảm thiểu tối đa việc người tố cáo bị trả thù, trù dập. Dự thảo Luật PCTN hiện đang được thảo luận cũng sẽ đi theo hướng tương tự.

Tuy nhiên, đối với người cung cấp thông tin, luật hiện hành không có quy định cụ thể về nghĩa vụ của họ lẫn phương án bảo vệ những người này. Dự thảo Luật PCTN lần đầu tiên nhắc đến vai trò và nghĩa vụ của người cung cấp thông tin, song vẫn chưa quy định chặt chẽ vấn đề bảo vệ họ. Cụ thể, người cung cấp thông tin khi cung cấp thông tin liên quan đến tham nhũng sẽ phải cung cấp cả họ, tên, và địa chỉ của mình. Trong khi đó, chính quyền chỉ có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ họ và nghiêm cấm các hành vi trả thù người này.

Thiết nghĩ, quy định như vậy vẫn chưa đủ sức để khuyến khích “người thổi còi”. Khác với người tố cáo, người cung cấp thông tin không nhất thiết phải cung cấp họ, tên, địa chỉ khi cung cấp, vì làm như vậy có thể khiến họ e dè hơn. Điều quan trọng không phải là danh tính của họ mà là độ tin cậy và chính xác của thông tin được cung cấp.

Dự thảo Luật PCTN có thể học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác khi xử lý thông tin được cung cấp dưới dạng ẩn danh. Chẳng hạn, luật Brazil quy định thông tin được cung cấp có thể dưới dạng ẩn danh. Cơ quan điều tra có thể xem xét thông tin đó, nếu nó có cơ sở, cơ quan điều tra có thể tiến hành các bước điều tra sâu hơn, khác với quy trình bắt buộc phải xử lý tố cáo. Ngoài ra, cơ quan điều tra vẫn bắt buộc phải đảm bảo thông tin cá nhân của người cung cấp thông tin.

Khi đứng lên tố cáo hay cung cấp thông tin về một tội phạm, những “người thổi còi” đã thực hiện một hành vi hết sức dũng cảm. Khi John Doe liên hệ với báo giới lần đầu tiên, anh đã nói “tính mạng tôi đang bị đe doạ” nhưng anh vẫn tiếp tục công việc mình cho là đúng. Vì thế, pháp luật cần đứng về phía họ và cung cấp những bảo đảm pháp lý lớn nhất có thể để bảo vệ họ. Nếu cần thiết, việc cung cấp thông tin ẩn danh cần phải được xem xét một cách thấu đáo.

tin tức liên quan