Khởi tố hình sự ông Đinh La Thăng: Ai còn nói có “vùng cấm” nữa không?
Khởi tố hình sự ông Đinh La Thăng: Ai còn nói có “vùng cấm” nữa không?
Nguồn:Báo Điện tử VOV.VN
Ông Lê Như Tiến: "Nhân đà này, chúng ta phải làm mạnh hơn nữa để những kẻ muốn tham nhũng không thể làm được và khi đã tham nhũng rồi thì sẽ không thể thoát tội"
Việc xử lý tới cùng đối với những sai phạm của ông Đinh La Thăng, một Ủy viên Bộ Chính trị, có thể coi là minh chứng điển hình nhất cho quyết tâm xử lý cán bộ có sai phạm, quyết tâm phòng chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không loại trừ bất kỳ ai của Đảng.
|
ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Bình Minh) |
Đây là ý kiến của ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trước một vụ việc xử lý cán bộ có thể coi chưa từng có trong tiền lệ. Việc xử lý những sai phạm của ông Đinh La Thăng còn thể hiện rõ sự nghiêm minh, cũng như uy tín của Đảng, Nhà nước.
“Tôi chia sẻ và ủng hộ quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đó là “lò đã nóng rực lên, củi tươi, củi khô đều phải cháy hết”. Công tác phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”, ông Tiến nói.
“Cùng với sự ủng hộ của cử tri cả nước, chắc chắn công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta sẽ đi tới đích, tuy không thể trong một sớm một chiều có thể xử lý hết được nạn tham nhũng, nhưng những thể hiện vừa rồi qua vụ việc của ông Đinh La Thăng, cho thấy Đảng đã nói đi đôi với làm, xử lý tham nhũng không trừ một ai, không “tắm từ vai tắm xuống”, “không quét sạch cầu thang bằng cách từ dưới quét lên”. Nếu ông Đinh La Thăng có những sai phạm trong thời kỳ làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Thăng sẽ phải chịu hình thức xử lý kỷ luật đến nơi đến chốn”, ông Tiến bày tỏ quan điểm.
Vị Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội còn cho rằng, một khi chúng ta đã không ngại những vùng cấm, thì chắc chắn cũng không ngại gì những vùng né, vùng tránh. Tuy nhiên, phải luôn chú ý tới 2 yêu cầu đặt ra trong công tác phòng chống tham nhũng: đó là xử lý lợi ích nhóm và thu hồi tài sản tham nhũng. Đã là lợi ích nhóm thì phải “lôi” được cả “nhóm lợi ích” ra ngoài ánh sáng để xử lý, chứ không chỉ xử lý một người. Khối tài sản tham nhũng khổng lồ và con đường đi của số tài sản bất minh rất lắt léo, phức tạp, chúng ta không chỉ xử lý cá nhân mà phải thu hồi khối tài sản tham nhũng trả lại cho Nhà nước, nhân dân đó mới là ý nghĩa lớn của việc phòng chống tham nhũng.
Ông Lê Như Tiến cũng khẳng định, việc thu hồi tài sản tham nhũng hoàn toàn có thể làm được nếu có quy định xem xét tới cả tài sản của những người cận huyết thống với người tham nhũng. “Nguyên do nào người vừa đến tuổi thành niên chưa có cống hiến cho xã hội mà đã có trong tay nhà biệt thự, nhiều lô đất, nhiều xe sang? Đó chính là sự chuyển dịch tài sản từ những kẻ tham nhũng sang cho người thân trong gia đình”, ông Tiến lập luận.
“Tôi cho rằng nếu chúng ta không bổ sung ngay vào luật quy định phải kiểm tra, xem xét, xử lý tài sản của những người cận huyết thống với những người có tham nhũng, thì vô hình chung chúng ta đang để cho tài sản tham nhũng được chuyển dịch công khai mà không bị pháp luật phanh phui. Trên diễn đàn Quốc hội, tôi đã từng nêu quan điểm về vấn đề này, con đường đi của tài sản tham nhũng rất phức tạp, quanh co, đầy trúc trắc do vậy chúng ta cần phải có bộ máy tinh thông nghiệp vụ để có thể tiếp cận được với hành vi chuyển dịch tài sản của kẻ tham nhũng, để thu hồi về cho đất nước, cho nhân dân. Thời gian qua, chúng ta mới chỉ thu hồi được 8% trong tổng số tài sản tham nhũng là quá thấp”, ông Tiến chia sẻ.
Tham nhũng đã là “trọng bệnh” thì phải dùng “biệt dược” chứ không thể “xoa bóp ngoài da”. Đã là trọng bệnh buộc chúng ta phải có những biện pháp quyết liệt: phải loại bỏ những kẻ tham nhũng ra khỏi bộ máy Nhà nước, các tổ chức của Đảng; phải rất nghiêm minh, tỉnh táo trong xử lý khi phát hiện tham nhũng để vừa không bỏ lọt tội phạm, không làm oan sai người vô tội; các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ; các cơ quan phòng chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương phải là cơ quan tham mưu đắc lực cho công cuộc phòng chống tham nhũng; các cơ quan, tổ chức phải có những quy định cụ thể về bảo vệ người tố cáo tham nhũng, nếu không làm được điều này, người tố cáo tham nhũng có thể trở thành nạn nhân của những kẻ tham nhũng.
Theo ông Tiến, đó là những biện pháp chúng ta cần đưa vào văn bản pháp lý để có thể thực thi trong thực tiễn khi đó công cuộc phòng chống tham nhũng mới có hiệu quả. Nếu không, chúng ta chỉ xử lý phần ngọn, mà không xử lý được phần gốc chính là những văn bản pháp luật, các cơ quan thực thi pháp luật, các cơ quan tham mưu về phòng chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương, quan trọng hơn đó là tai mắt của nhân dân, cử tri phát hiện, tố cáo tham nhũng với các cơ quan có thẩm quyền.
“Chúng ta không lo ngại việc mất đi một vài cán bộ mà quan trọng khi chúng ta làm tốt việc xử lý cán bộ sai phạm, chúng ta sẽ lấy lại được lòng tin của nhân dân, sẽ làm cho công cuộc phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn. Hy vọng trong thời gian tới, nhân đà này, chúng ta có thể làm mạnh hơn nữa để những kẻ muốn tham nhũng không thể làm được và khi đã tham nhũng rồi thì sẽ không thể thoát tội”, ông Tiến nêu ý kiến./.