Đằng sau những động thái ‘chưa từng có’ của quân đội TQ
Nguồn:Báo Điện tử
“Vết chân” kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc đã dần ảnh hưởng tới chiến lược quân sự của PLA, với trọng trách đảm bảo lợi ích quốc gia đang ngày một mở rộng.
LTS: Mời độc giả theo dõi tiếp Kỳ 2 bài viết phân tích những chuyển hóa sâu sắc của Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).
“Thông tin hóa” và chiến đấu trong các cuộc chiến tương lai
Khái niệm “thông tin hóa” có nghĩa là các công nghệ thông tin - đặc biệt là các năng lực liên quan đến chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát (C4ISR) – được đặt lên hàng đầu để mở rộng tính hiệu quả của quân đội. Việc này đòi hỏi làm chủ được hình ảnh điện từ thông qua “chiến tranh điện tử mạng phối hợp”, cũng như khai thác các lợi thế công nghệ trong vi điện tử, cảm ứng, phóng phát, do thám và các vật liệu đặc biệt để trang bị cho PLA các vũ khí tấn công chính xác như tên lửa đạn đạo, chống tàu hoặc tên lửa hành trình tấn công mặt đất.
Trên thực tế, PLA, trong quá trình chuyển từ “chiến tranh bằng con người” sang “các cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện thông tin hóa”, đã tìm cách biến đổi mình thành một lực lượng mạng trung tâm, mà ở đó các đặc điểm quan trọng là sự kết nối mạng lưới giữa các nền tảng.
PLA đã bắt đầu nghĩ đến khái niệm “thông tin hóa” từ đầu thế kỷ 21, ảnh hưởng bởi cách viết của phương Tây về “cuộc cải cách các vấn đề quân đội” (RMA) và kết hợp các khái niệm “chiến tranh mạng trung tâm” (NCW). Trải qua nhiều năm, học thuyết mới nhất của PLA tiết lộ năm ngoái là “chiến tranh thông tin hóa”, nhấn mạnh đến “thông tin hóa”, coi đó là trung tâm của các khái niệm tác chiến, và nhấn mạnh đến các chiến dịch trong không gian mạng.
Vì không gian mạng đóng vai trò lớn hơn trong an ninh quân sự, Trung Quốc sẽ xúc tiến phát triển một lực lượng mạng, và tăng cường các năng lực nhận thức tình huống không gian mạng, phòng thủ mạng… và duy trì an ninh quốc gia và ổn định xã hội.
|
Ảnh: Tân Hoa xã |
Mở rộng kinh tế và lo ngại an ninh phi truyền thống
Vẫn còn quá sớm để nói rằng các năng lực đang ngày càng mạnh hơn của Bắc Kinh sẽ dẫn tới một vai trò an ninh lớn hơn của PLA giống kiểu quy mô chiến lược của Mỹ trên toàn cầu trong ngắn hạn hay trung hạn. Các hoạt động ở nước ngoài của PLA sẽ có thể là xúc tiến các chiến dịch chống khủng bố – như triển khai lực lượng tại Trung Đông. Nhưng còn một câu chuyện khác liên quan đến an ninh trong nước.
Sau mối đe dọa của các hoạt động cực đoan nổi lên từ các lực lượng ly khai, lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân (PAP), một bộ phận cấu thành của PLA, đã không kiêng dè trong việc thể hiện các năng lực chiến đấu trong các chiến dịch chống khủng bố. Tuy nhiên, cùng với sáng kiến “vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa” và “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” được khởi động, PLA sẽ phải giảm nhẹ các nguy cơ an ninh, vốn đi kèm với việc Trung Quốc “vạch áo cho người xem lưng”, và mối đe dọa khủng bố.
Khi Bắc Kinh ngày càng hội nhập quốc tế và tiếp tục củng cố quan hệ kinh tế toàn cầu, PLA đã tiến hành thảo luận nội bộ về nhiệm vụ tối quan trọng là đảm bảo các lợi ích kinh tế ở nước ngoài của Trung Quốc và cuộc sống của các công dân Trung Quốc ở nước ngoài trong các bối cảnh mà họ dự báo là sẽ ngày càng đầy thách thức. Nói cách khác, “vết chân” kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc đã dần ảnh hưởng tới chiến lược quân sự của PLA, vốn phải đảm bảo các lợi ích quốc gia đang ngày một mở rộng.
Quyền lực mềm và ngoại giao quân sự
Những nỗ lực như các phái bộ hộ tống và cứu hộ, hay động thái chưa từng thấy của PLA là vận chuyển công dân nước ngoài khỏi Yemen, đều là nhằm để tạo ra một hình ảnh tốt đẹp cho quân đội Trung Quốc. PLA bắt đầu nhận thức rõ hơn về giá trị của các tương tác với các đối tác nước ngoài.
Những sự kiện như mời các quân đội nước ngoài tham gia lễ diễu binh và vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, lời kêu gọi của ông Tập về “một giai đoạn mới trong ngoại giao quân sự” cũng chính là để nhấn mạnh đến việc phô trương sức mạnh của PLA. Thực vậy, việc PLA tăng cường các trao đổi ngoại giao cũng là nhằm tăng cường sự minh bạch bằng cách gieo rắc cách hiểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc về “giấc mộng Trung Hoa” và giảm những tin đồn không mong muốn về các động cơ chiến lược của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, dù giới chức PLA không thừa nhận rằng các nhà hoạch định chính sách quốc phòng khác trong khu vực đang nhìn nhận sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc một cách tiêu cực, họ cần sớm hóa giải các lo ngại an ninh của các nước này trong sáng kiến “vành đai và con đường” liên quan đến các ý định dài hạn của Trung Quốc. Nếu không làm được vậy, có thể dẫn tới hiểu nhầm về đại chiến lược của Trung Quốc.
Rõ ràng, một loạt thách thức cần vượt qua trước khi lợi ích của ngoại giao quân sự có thể “đơm hoa kết trái”, ví dụ như thông điệp gây xung đột của việc Bắc Kinh quyết tâm bảo vệ yêu sách trong “đường 9 đoạn” phi lý. Nếu không giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, khả năng PLA tiếp tục là “sức mạnh vững chãi để duy trì hòa bình thế giới” như nước này mô tả, sẽ bị xem lại.
Vấn đề đặt ra là trong khi vị Tổng tư lệnh quân đội hiện nay có thể muốn một quan hệ đối tác hơn là đối đầu giữa lực lượng quân đội của ông với các đối tác nước ngoài, nhưng giới lãnh đạo PLA có thể lại theo đuổi những con đường hành động hiếu chiến hơn khi đối mặt với các thách thức an ninh thực sự từ bên ngoài.
Khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc được cho là đang ngày một củng cố qua quá trình hiện đại hóa mới nhất, câu hỏi đặt ra là liệu ông Tập (cũng như những người sẽ kế nhiệm ông) có thể trung thành với các lợi ích chiến lược dài hạn của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh phải giải quyết các mối lo ngại chiến thuật trước mắt. Đây là một trong những vấn đề của sẽ được theo dõi kỹ lưỡng bởi những chuyên gia về PLA trong cộng đồng quốc tế./.