Ông Lê Phước Hoài Bảo bị yêu cầu xóa tên trong danh sách Đảng viên. (Ảnh: IT)
Xem xét trách nhiệm Đoàn công tác Bộ Nội vụ
Liên quan đến vụ việc của ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Nam, trong thông báo kết luận kỳ họp thứ 20 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận việc bổ nhiệm ông Hoài Bảo không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục. Ngoài việc yêu cầu xóa tên khỏi danh sách Đảng viên với ông Hoài Bảo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn yêu cầu hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Hoài Bảo.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, vụ việc này đã gây xôn xao dư luận cách đây hơn 2 năm. Đến nay cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban chấp hành Trung ương phải vào cuộc. Quá trình thực hiện sẽ rất thận trọng, khách quan, đảm bảo đúng các quy định. “Kết luận vụ việc liên quan đến ông Lê Phước Hoài Bảo là thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc xử lý sai phạm trong công tác cán bộ”, đại biểu Hồng nói.
Cách đây hơn 2 năm, Bộ Nội vụ cũng đã vào cuộc kiểm tra việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo. Tuy nhiên, Đoàn công tác của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn làm trưởng đoàn đã cho rằng, việc bổ nhiệm với ông Lê Phước Hoài Bảo là đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn.
Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, trong vụ việc này cần phải xem xét trách nhiệm của Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ. “Việc kiểm tra trước đó có sự bao che hay không, hay do năng lực của cán bộ yếu kém dẫn đến kết luận việc bổ nhiệm ông Hoài Bảo đúng quy trình. Quy định của pháp luật như vậy tại sao cán bộ đi kiểm tra lại có cách hiểu và vận dụng khác, phải làm rõ vấn đề bất thường này”, đại biểu Vân cho biết.
Năng lực yếu không phát hiện sai phạm thì cho nghỉ
Đại biểu Vân so sánh, trong hoạt động tố tụng, cấp xét xử cao hơn có quyền hủy án của cấp dưới, tuyên kết quả xét xử của cấp dưới không đúng và tuyên lại. Trong công tác kiểm tra thì cấp trên cũng có quyền làm như thế. Trong quá trình xét xử những vụ việc xử oan sai thì thẩm phán phải chịu trách nhiệm, tùy theo mức độ mà xử lý như mất thi đua, thậm chí chịu trách nhiệm hình sự. Trong công tác thanh tra cũng cần xem xét một mức xử lý nào đấy đối với những cán bộ thanh tra, kiểm tra trước đó nhưng không phát hiện vi phạm, trong khi đoàn kiểm tra sau lại phát hiện.
“Cần phải làm rõ khi đi kiểm tra việc bổ nhiệm ông Hoài Bảo, người cán bộ tâm có trong sáng hay không, có cố ý bao che hay không hay là do năng lực yếu kém? Nếu năng lực yếu kém thì nên cho họ nghỉ việc, còn bao che thì cần xử lý nghiêm”, đại biểu Vân nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với đại biểu Vân, TS Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cũng cho rằng, cần phải xem xét trách nhiệm của Đoàn công tác Bộ Nội vụ trước đây khi kiểm tra việc bổ nhiệm ông Hoài Bảo. “Trước hết phải rút kinh nghiệm, nếu kiểm tra thấy có sự bao che, dung túng, nể nang thì phải xử lý”, TS Nhưỡng bày tỏ.
Vẫn theo TS Nhưỡng, cá nhân ông Lê Phước Hoài Bảo vi phạm nghiêm trọng, rồi công tác cán bộ liên quan đến ông này cũng có những vi phạm mà không bị xử lý phải đợi tới khi Trung ương vào cuộc thì chứng tỏ có vấn đề.
Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, có thể Đoàn công tác chỉ xem xét trình tự thủ tục, nhiều khi không rà soát kỹ các tiêu chuẩn, nếu rà soát thấy vi phạm tiêu chuẩn phải đề nghị xử lý.
Theo ông Phúc, qua vụ việc của ông Lê Phước Hoài Bảo là bài học trong hoạt động kiểm tra công tác cán bộ. Khi đã vào cuộc, ngoài kiểm tra quy trình, phải kiểm tra việc thực hiện dân chủ trong đánh giá cán bộ, rà các quy chuẩn thì công tác kiểm tra mới hoàn chỉnh.