Bộ Tổng Tham mưu trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Ngày đăng: 09:30 31/01/2018 Lượt xem: 741

Bộ Tổng Tham mưu trong Cuộc Tổng tiến công
và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Thứ Tư, 31/01/2018, 03:28:51
 
         Vào thời điểm Tết Mậu Thân 1968, quân và dân ta ở miền nam đã mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đồng loạt đánh vào 4/6 thành phố lớn, 37/44 thị xã, 64 thị trấn, chi khu, quận lỵ, sân bay, căn cứ hậu cần... của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trên chiến trường miền nam. Ðây là cuộc tập kích chiến lược của ta có quy mô rộng lớn nhất, cường độ mãnh liệt nhất từ trước đến thời điểm đó; làm cho quân Mỹ, quân đội Sài Gòn và quân đồng minh của Mỹ thiệt hại nặng nề (1), gây kinh hoàng cho nước Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ.
 
       
         Thế trận chiến lược của Mỹ ở chiến trường miền nam bị đảo lộn từ thế chủ động phản công chiến lược, buộc phải chuyển vào phòng ngự bị động chống đỡ ngay tại địa bàn thành phố, thị xã… Thắng lợi nêu trên là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố, trong đó, vai trò của Bộ Tổng Tham mưu trong giai đoạn tiến công địch, có ý nghĩa quan trọng, được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, tổ chức hoạt động tác chiến nghi binh, tạo lập thế trận, nắm chắc thời cơ đồng loạt nổ súng tiến công địch.
         Tính đến tháng 12-1967, so sánh tương quan lực lượng, địch vẫn mạnh hơn ta. Các cơ quan chỉ huy đầu não trọng yếu của địch, như: Sài Gòn - Gia Ðịnh, Ðà Nẵng, Huế và các thành phố, thị xã trên chiến trường miền nam, được bố trí lực lượng bảo vệ nhiều lớp, nghiêm ngặt, do đó, việc ta đưa lực lượng vào tiếp cận, tạo lập thế trận đồng loạt tiến công các mục tiêu là vấn đề rất khó khăn. Ðể giải quyết vấn đề này, trên cơ sở quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các lực lượng của ta tổ chức một số hoạt động tác chiến nhằm nghi binh, thu hút, giam chân chủ lực địch, kéo sự chú ý của chúng về một hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng cơ động tiếp cận, áp sát mục tiêu, hình thành thế trận đồng loạt tiến công... Trong đó, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với nước bạn Lào mở Chiến dịch Nậm Bạc và chỉ đạo Mặt trận Ðường 9 - Bắc Quảng Trị mở Chiến dịch Ðường 9 - Khe Sanh tiến công nghi binh, thu hút, giam chân địch. Cùng với đó, Bộ Tổng Tham mưu chủ động phối hợp Tổng cục Chính trị, Bộ Ngoại giao và các phương tiện truyền thông, tập trung tuyên truyền hoạt động tác chiến của ta trên các hướng nghi binh, hạn chế tuyên truyền trên hướng thành phố, thị xã. Ðồng thời, chỉ đạo các sư đoàn chủ lực của ta từ miền bắc vào, đang đứng chân trên chiến trường miền nam, cơ động tập kết, hình thành thế bao vây, uy hiếp địch ở Khe Sanh. Trước hoạt động nghi binh của ta, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn bị dồn hết tâm trí về hướng nghi binh, chủ quan bỏ hở vùng thành phố, thị xã, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng của ta cơ động, áp sát mục tiêu, tạo lập thế trận đồng loạt tiến công địch.
         Thực tế đã chứng minh, ngay sau khi Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo mở Chiến dịch Nậm Bạc và Chiến dịch Ðường 9 - Khe Sanh, Tổng thống Giôn-xơn đã chỉ thị cho tướng Tay-lo thành lập ngay "Phòng tình hình đặc biệt" tại Nhà Trắng. Theo đó, Tổng thống Mỹ đích thân theo dõi chiến sự ở Ðường 9 - Khe Sanh và chỉ thị tướng Oét-mo-len phải hành động ngay, đồng thời yêu cầu Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ "ký tên bằng máu" cam kết bảo vệ Khe Sanh bằng bất cứ giá nào (2). Bị trúng đòn nghi binh chiến lược của ta, Lầu Năm Góc và Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ và Sài Gòn buộc phải hủy kế hoạch phản công chiến lược vào miền đông Nam Bộ. Ðồng thời, điều động Sư đoàn kỵ binh không vận số 1, cùng hai lữ đoàn dù thuộc Sư đoàn 101 Mỹ, sử dụng máy bay B52 ném bom 15 đến 20 lần/ngày và điều động nhiều lực lượng, phương tiện quân sự chi viện cho lực lượng của chúng ở Ðường 9 - Khe Sanh. Trong khi đó, cơ quan chỉ huy đầu não và căn cứ quân sự của địch ở các thành phố, thị xã trên chiến trường miền nam bị buông lỏng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các sư đoàn, trung đoàn chủ lực Miền, đơn vị binh chủng tổ chức từng bước rời căn cứ cơ động áp sát mục tiêu, tạo lập thế trận đồng loạt tiến công một cách thuận lợi.
         Thời khắc giao thừa Tết Mậu Thân 1968 đã đến, trong khi quân Mỹ thực hiện nghiêm mệnh lệnh cấm trại, sẵn sàng chiến đấu, thì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và quân đội Sài Gòn vẫn về nghỉ Tết cùng gia đình. Lực lượng trực của quân đội Sài Gòn ở các mục tiêu trong thành phố, thị xã trên khắp chiến trường miền nam chỉ còn 50%, các tuyến ra vào thành phố có nhiều sơ hở. Nắm chắc thời cơ đó, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các lực lượng đồng loạt nổ súng tiến công vào các mục tiêu của địch ở thành phố, thị xã trên khắp chiến trường miền nam, làm cho Mỹ và Sài Gòn hoàn toàn bị bất ngờ, tê liệt chỉ huy, rối loạn hiệp đồng, lúng túng, bị động chống đỡ. Quân chủ lực của địch ở Ðường 9 - Khe Sanh, từng giờ phải phân tán lực lượng, vắt sức, tìm mọi cách đối phó với đòn vây ép, giam chân của ta, không còn khả năng chi viện, ứng cứu giải tỏa cho lực lượng của chúng đang bị tiến công ở thành phố, thị xã.
         Hai là, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng điều chỉnh lực lượng và thế trận trong quá trình tác chiến.
         Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được tiến hành đồng loạt trên phạm vi rộng, mục tiêu tiến công là các trung tâm đầu não chỉ huy trọng yếu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở Sài Gòn-Gia Ðịnh, Ðà Nẵng, Huế..., trong chỉ đạo, Bộ Tổng Tham mưu thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng điều chỉnh lực lượng, thế trận tác chiến.
         Ðối với chiến trường Sài Gòn - Gia Ðịnh, đây là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế lớn nhất của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở miền nam, là trọng điểm quan trọng nhất của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Sau khi các lực lượng nổ súng tiến công, đánh chiếm được một phần Dinh Ðộc Lập, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, Tòa Ðại sứ Mỹ, Tổng nha Cảnh sát..., địch tổ chức phản kích mạnh. Bộ Tổng Tham mưu đã tổ chức Tiểu đoàn 6 Bình Tân, vừa đánh địch, vừa củng cố lực lượng. Ở hướng nam, Tiểu đoàn 1 Ðồng Nai tiến công địch ở thị xã Tân An, cơ động về Hưng Long, phối hợp các lực lượng chiến đấu. Ở các vùng phụ cận, ngoại vi thành phố Sài Gòn và đồng bằng Nam Bộ, Bộ Tổng Tham mưu kịp thời chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh lực lượng, thế trận, xử trí các tình huống tác chiến, giữ vững địa bàn, bảo toàn lực lượng, tạo thế, tạo lực cho các hoạt động tác chiến tiếp theo.
       Do hiệp đồng tác chiến giữa các đội biệt động và tiểu đoàn tiến công mũi nhọn, cùng quần chúng nổi dậy ở một số hướng nội đô Sài Gòn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chiến đấu không cao, Bộ Tổng Tham mưu đã đề xuất cấp trên kịp thời điều chỉnh lực lượng, thế trận để đánh địch. Trong đó, chỉ đạo lực lượng từng hướng, khắc phục khó khăn, kiên quyết giữ vững mục tiêu chiếm được…; kết hợp cùng quần chúng nổi dậy, hình thành thế trận bao vây nhiều tầng, nhiều lớp, thực hiện đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn, tiêu hao, tiêu diệt quân địch.
      Ðối với chiến trường Huế, là một trọng điểm của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, do làm tốt công tác chuẩn bị nên các lực lượng vũ trang phối hợp quần chúng nổi dậy phát triển tiến công thuận lợi, đánh chiếm được nhiều mục tiêu quan trọng của địch. Ðể nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu còn lại, Bộ Tổng Tham mưu đề xuất Bộ Quốc phòng cho Bộ Tư lệnh Mặt trận Ðường 9 - Bắc Quảng Trị sử dụng pháo binh tập kích vào các mục tiêu, căn cứ địch ở Ðông Hà và phía đông và tây Ðường 9. Theo đó, chỉ đạo Bộ Tư lệnh Trị - Thiên sử dụng một lực lượng nhỏ tiêu diệt quân địch trong thành phố, lực lượng lớn còn lại nhanh chóng củng cố mọi mặt, sẵn sàng cơ động đánh địch phản kích trên các hướng, giữ vững mục tiêu và mở rộng địa bàn tác chiến.
         Trong tác chiến, địch tổ chức phản kích với lực lượng lớn, một số hướng của ta gặp khó khăn, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân khu Trị - Thiên và các lực lượng tập trung sức mạnh đánh gãy cánh quân địch ở phía bắc, phát động nhân dân đánh cắt giao thông, phá cầu vào thành phố Huế; động viên bộ đội khắc phục khó khăn, tiết kiệm đạn, tích cực đánh địch phản kích, giữ vững trận địa. Ðồng thời, chỉ đạo Quân khu điều chỉnh lực lượng, thế trận, cơ động lên nam Phú Bài đánh địch phản kích... Ðể tiêu diệt đồn Mang Cá nhanh, hiệu quả, Bộ Tổng Tham mưu đã điều chỉnh lực lượng, tăng cường Trung đoàn 8 cho Quân khu 5, chỉ đạo các lực lượng dùng thuốc nổ mạnh và sử dụng đặc công, súng phun lửa đánh địch. Cùng với đó, đề xuất Bộ Quốc phòng điều Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Mặt trận Ðường 9 tăng cường cho Mặt trận Trị - Thiên… Bên cạnh đó, chỉ đạo Ðoàn 559 tích cực vận chuyển đạn, làm thông đường 12, đưa xe tăng PT76 và pháo nòng dài Ð74 vào vị trí; Quân chủng Phòng không - Không quân sử dụng máy bay tiếp tế vật chất cho ta và ném bom vào căn cứ của địch ở Phú Bài; thống nhất với Tổng cục Hậu cần bảo đảm phương tiện vận tải cho lực lượng tác chiến ở Huế… Do vậy, lực lượng của ta nhanh chóng tiến công giải phóng TP Huế, trụ bám các mục tiêu trong thời gian dài.
         Ðối với chiến trường Ðà Nẵng, là một trong ba trọng điểm của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, sau khi nổ súng đánh chiếm được một phần các mục tiêu quan trọng, lực lượng của ta bị địch chặn đánh quyết liệt, sức tiến công giảm, Bộ Tổng Tham mưu đã đề xuất Bộ Quốc phòng tăng cường cho Quân khu 5 một trung đoàn; đồng thời điều động Ðại đội Ðặc công 25 Ðà Nẵng tiến công phá hủy trạm ra-đa của địch ở Phước Tường, cắt đứt sự quan sát, phát hiện của chúng. Trên hướng nam TP Ðà Nẵng, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) trong tiến công bị địch sử dụng hỏa lực không quân, pháo binh ngăn chặn. Ðể hạn chế tổn thất Sư đoàn 2 tạm lui về phía sau, củng cố lực lượng, sẵn sàng cơ động đánh địch ứng cứu giải tỏa. Ở thị xã Hội An, địch tổ chức đánh chặn quyết liệt, ta phải điều chỉnh Tiểu đoàn 2 Quảng Ðà và Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 31 tạm chuyển sang bám đánh địch ở ven thị xã, vừa đánh, vừa củng cố lực lượng, sẵn sàng chi viện cho các bộ phận. Những hướng tác chiến thuận lợi như: Quảng Ðà, Tây Nguyên, Ðồng bằng Khu 5..., tiếp tục phát huy khí thế tiến công, mở rộng các mục tiêu chiếm được, chuẩn bị đánh địch phản kích, thực hiện tốt công tác binh vận, đưa lực lượng ra chốt, cắt giao thông đường 14, 19, 21 để cô lập địch.
         Tuy nhiên, đến tháng 3-1968, công tác hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng biệt động, tiểu đoàn mũi nhọn tiến công và quần chúng nổi dậy trên các hướng thiếu chặt chẽ, lực lượng của ta bị tiêu hao nhiều, sức tiến công trên các hướng giảm dần; trong khi quân địch từng bước phục hồi, dồn lực lượng co về giữ các thành phố, thị xã… và mở các cuộc hành quân lớn, càn quét. Căn cứ vào chủ trương của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng và kết quả phân tích, đánh giá tình hình, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các lực lượng kết thúc Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đồng thời đề ra chủ trương hoạt động tác chiến tiếp theo.
         Thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân miền nam đã giáng một đòn chí tử, đánh sập ý chí xâm lược Việt Nam và Ðông Dương của giới cầm quyền Mỹ, làm thay đổi cục diện cuộc chiến tranh có lợi cho ta…; để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật quân sự, trong đó, vai trò chỉ đạo tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ chỉ huy cơ quan, đơn vị các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, vận dụng linh hoạt, sáng tạo những bài học này, nâng cao chất lượng huấn luyện, chiến đấu sát chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược của kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Thượng tướng, TS Phan Văn Giang
Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Tham mưu trưởng QÐND Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng
---------------------------------------------------------------------
(1) Quân đội Sài Gòn bị thương vong gần 21.000 người; quân Mỹ cùng đồng minh bị thương vong hơn 24.000 người; gần 2.500 máy bay, 1.700 xe tăng, bọc thép, 350 khẩu pháo, 280 tàu xuồng và 1.368 tấn vật tư chiến tranh của Mỹ và quân đội Sài Gòn bị phá hủy, chiếm 34% tổng số dự trữ chiến tranh ở Việt Nam.
(2) Quân đội nhân dân Việt Nam - Bộ Tổng Tham mưu: Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), tập 3 (1965-1968), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, Tr331.

PS st Theo Nhân dân Điện tử
tin tức liên quan