Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vụ Khaisilk

Ngày đăng: 09:55 01/02/2018 Lượt xem: 415



   Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vụ Khaisilk

 

                                                      Nguồn:Báo Điện tử Dân trí


Thủ tướng nhận định, trường hợp vi phạm của Công ty Khaisilk, thiệt hại không chỉ là của bản thân doanh nghiệp mà lớn hơn là ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu các sản phẩm của Việt Nam, tổn hại đến lòng tin của người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước với hàng Việt…

 

Quyết loại bỏ tình trạng “phạt cho tồn tại”

Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội cuối tháng 11/2017, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sự cần thiết để xây dựng Chính phủ kiến tạo, cần thiết phải từng bước loại bỏ hình thức “phạt cho tồn tại”, một vấn đề tưởng nhỏ nhặt nhưng lại có sức gậm nhấm phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật và làm hư hỏng bộ máy công chức, là nguyên nhân tệ nạn hối lộ và tham nhũng vặt.

Đại biểu liên hệ vấn đề này với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động cách đây đã 17 năm. “Trong khi các rào cản giám sát của các nền kinh tế tiên tiến của thế giới buộc chúng ta phải làm ăn đàng hoàng mà vụ “rút thẻ vàng” của EU đối với ngành đánh bắt cá của chúng ta là một điển hình, thì việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam khiến thị trường trong nước bị một số doanh nghiệp lợi dụng tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mà tình trạng mất an toàn thực phẩm hay vụ Khaisilk là điển hình” – ông Quốc đề cập.

Mặt khác, theo đại biểu, trên thực tế, năng lực và chất lượng sản phẩm Việt đã có nhiều thay đổi tích cực, bằng chứng là hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường “khó tính” ngày càng nhiều và có hiện tượng hàng nước ngoài phải gắn mác Việt Nam để tiêu thụ ở Việt Nam. Ông Quốc cho rằng, đã tới lúc chuyển cuộc vận động thành “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” để chinh phục ngay cái thị trường ngót trăm triệu dân đang bị nhiều doanh nghiệp nước ngoài chinh phục.

Đại biểu Đồng Nai đặt câu hỏi: “Liệu Thủ tướng có coi đó là một định hướng thay đổi trong nhiệm kỳ của mình không?”.

Thủ tướng trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bằng văn bản

Thủ tướng trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bằng văn bản

Phúc đáp đại biểu Dương Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, kỷ cương, liêm chính và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân là những mục tiêu, quan điểm nhất quán của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Để đạt được điều đó, Chính phủ xác định phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực thi pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thủ tướng xác nhận, “phạt cho tồn tại” là một thực tế đã và vẫn còn xảy ra trong xử lý vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực của quản lý nhà nước như quản lý đất đai, xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải… Chính phủ và chính quyền nhiều địa phương đã có các văn bản chỉ đạo và các biện pháp để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nghiêm cấm việc “phạt cho tồn tại” nên tình trạng này đã từng bước được hạn chế như trong lĩnh vực quản lý đê điều, giao thông vận tải… nhưng vẫn là chưa triệt để, nhất là trong lĩnh vực xây dựng đô thị.

Tình trạng này, theo Thủ tướng, có cả nguyên nhân khách quan nhưng chủ yếu vẫn do nguyên nhân chủ quan, trong đó không loại trừ nguyên nhân liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức như Đại biểu quốc hội đã đề cập.

Chính vì vậy, để xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, kỷ cương, liêm chính và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân thì phải kiên quyết đấu tranh, loại bỏ mọi biểu hiện phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật, làm hư hỏng bộ máy công chức, nhất là những điều kiện làm nảy sinh tệ nạn hối lộ, tham nhũng, trong đó nhất thiết phải từng bước loại bỏ tình trạng không xử lý nghiêm các vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật mà “phạt cho tồn tại” là một biểu hiện.

Để làm được điều này, trước hết các cấp, các ngành phải tăng cường tính minh bạch, tính nghiêm minh trong thực thi nhiệm vụ, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý để sớm phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm xảy ra; chú trọng thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm hành chính để kịp thời phát hiện những trường hợp xử lý không kiên quyết, không dứt điểm đối với vi phạm hành chính; mặt khác cũng cần phải tăng cường lực lượng cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức tốt và trang bị đầy đủ phương tiện làm việc để bảo đảm cán bộ có đủ điều kiện thi hành các biện pháp xử phạt hành chính theo quy định.

Thiệt hại vụ Khaisilk không chỉ của bản thân doanh nghiệp

Thủ tướng cũng phân tích, chủ trương toàn cầu hóa, tự do thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế đang trở thành một xu thế mạnh mẽ trên toàn thế giới. Tuy nhiên gần đây, một số quốc gia đang có xu hướng quay lại tập trung vào củng cố và phát triển thị trường trong nước thông qua việc tạo những rào cản với mậu dịch tự do. Xu hướng này có thể làm dấy lên một cuộc chiến tranh thương mại mới, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việt Nam với tư cách là nền kinh tế theo đuổi tự do thương mại và đầu tư, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới, sẽ đối mặt với không ít thách thức từ xu hướng này.

Thị trường thương mại nội địa Việt Nam tính đến hết tháng 11/2017 có tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3.600.658 tỷ đồng, tăng 10,73% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó các nhóm lương thực, thực phẩm, lưu trú ăn uống, du lịch đều đạt mức tăng khá (từ 10,4-16,2%); các nhóm còn lại tăng từ 8,16-9,6%.

Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ 11 tháng năm 2017 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016, đây là mức tăng trưởng khá so với các năm gần đây (năm 2016 tăng 8,9%, năm 2015 tăng 8,3%). Riêng giai đoạn từ 2006-2015, dù ngân sách nhà nước đầu tư không đáng kể nhưng đóng góp bình quân của thương mại nội địa trong GDP đạt khoảng 10,6%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 6,7 triệu người năm 2015, tương đương với 12% tổng lao động xã hội (đứng thứ ba sau ngành công nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo).

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vì thế, theo Thủ tướng, có ý nghĩa tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và tâm lý tiêu dùng, ngày càng đánh giá cao và ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam. Trong hệ thống siêu thị, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng lớn từ 70-80% trong hệ thống bán lẻ hiện đại.

Cuộc vận động không hẳn là nhằm bảo vệ người sản xuất, cũng không phải chủ trương bảo hộ hàng hóa trong nước mà chính là vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng để nâng cao tinh thần phát hiện hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu hàng Việt Nam.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, giúp các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam dần chinh phục được người tiêu dùng Việt. Qua đó, nội dung của Cuộc vận động đã bao hàm “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.

Dù vậy, Thủ tướng cũng xác nhận hiện tượng một số doanh nghiệp lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng, lợi dụng cơ chế chính sách, đã có hành vi gian dối, vi phạm pháp luật. Trường hợp vi phạm của Công ty Khaisilk, thiệt hại ở đây không chỉ là của bản thân doanh nghiệp mà lớn hơn là ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu các sản phẩm của Việt Nam, tổn hại đến lòng tin của người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước đối với các sản phẩm hàng hóa nói chung của Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, để thúc đẩy phát triển thị trường trong nước cho hàng Việt Nam, nhóm giải pháp về đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường được quan tâm chú trọng nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, niềm tin, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam.

tin tức liên quan