Tiền vẫn tan theo khói vàng mã
Nguồn:Báo Điện tử Người Lao Động
Đến rằm tháng giêng, người dân tại nhiều nơi lại ùn ùn đốt vàng mã. Tiền tan theo khói và nguy cơ hỏa hoạn luôn chực chờ
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn yêu cầu bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Thế nhưng, thói quen của tập tục này đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều người, khó bỏ được.
Nơi đốt, nơi bỏ
Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện, cho hay dịp lễ Tết, mùa Vu lan hằng năm, giáo hội đều khuyến cáo không đốt vàng mã ở nơi thờ tự của Phật giáo. Trước Tết 2018, giáo hội tiếp tục đăng tải lên trang điện tử nhằm tuyên truyền mạnh hơn. Việc không đốt vàng mã sẽ được đưa vào các bài thuyết giảng, nghi lễ để các tăng ni, phật tử biết, thực hiện và qua đó lan tỏa toàn xã hội.
Nhiều người đến đốt vàng mã ở chùa Trấn Quốc (Hà Nội) vào sáng 1-3 Ảnh: HUY THANH
Ghi nhận tại Hà Nội ngày 1-3, trong khuôn viên nhiều chùa như: Trấn Quốc, Vạn Niên, Tảo Sách…, người dân vẫn đốt vàng mã bình thường. Trên các mâm lễ, vàng mã vẫn là vật không thể thiếu. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp - Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học, Công nghệ - cho rằng: "Việc đốt vàng mã đã có từ bao đời nay, đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ người Việt Nam như vật không thể thiếu mỗi khi vào chùa làm lễ. "Ba đinh tiền, ba đinh vàng" xưa nay lễ tiết ở đâu cũng đều phải có nên việc thay đổi là điều gần như không thể".
Trong các chùa, việc đốt vàng mã cũng khác nhau, ở chùa Trấn Quốc người dân có thể thoải mái hóa vàng ở những nơi đã được quy định nhưng ở chùa Vạn Niên thì nhà chùa lại khuyến khích người dân gom lại một chỗ rồi nhà chùa sẽ hóa lúc nào phù hợp để tránh làm ảnh hưởng đến người dân vì khói vàng mỗi khi hóa sẽ rất khó chịu.
Trái lại, ở TP HCM nhiều ngôi chùa hầu như không có việc người dân đốt vàng mã mà chủ yếu chỉ đến thắp nhang, dâng hoa, cầu an cho năm mới. Tại chùa Ưu Đàm (quận Thủ Đức), không khí tại đây trong buổi chiều cùng ngày khá vắng lặng, chỉ lác đác vài người tới thắp nhang. Phía hông chùa, khu vực được hướng dẫn là nơi cho đốt vàng mã nhưng cũng khá vắng vẻ, không có người tới đốt. Một sư cô tại đây cho biết từ nhiều năm qua, vẫn có việc người dân đến đốt vàng mã nhưng chỉ là nhỏ lẻ và thưa thớt.
Xử phạt đốt và rải vàng mã
Bà Phạm Quỳnh Dao, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết từ năm 2009, TP Huế đã ban hành Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn. Đến năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chủ trương đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, đặc biệt là hạn chế dần, tiến tới xóa bỏ nạn đốt vàng mã tại các khu vực di tích, lễ hội, danh lam thắng cảnh và nơi công cộng. Tại TP Huế được xác định có 7 tuyến đường thí điểm hạn chế rải vàng mã khi đưa tang.
Năm 2016, UBND TP Huế đã ban hành quy định về đốt và rải vàng mã trên địa bàn thành phố và điều chỉnh trực tiếp 2 hành vi: cấm rải vàng khi đưa tang và hạn chế đốt vàng mã, việc đốt vàng mã phải thực hiện theo đúng quy định. "Chúng tôi đã phát hành bản cam kết thực hiện quy định về đốt và rải vàng mã đến 100% hộ dân và giao trách nhiệm cho các phường thường xuyên kiểm tra, thực hiện. Thành ủy Huế cũng đã tổ chức hội nghị triển khai quy định đến cán bộ cốt cán từ thành phố đến cơ sở" - bà Dao cho biết.
Theo bà Dao, từ khi có quy định đến nay, Công an TP Huế đã xử lý 2 trường hợp, phạt tiền 2 triệu đồng về hành vi rải vàng mã khi đưa tang; các phường đã tổ chức gọi hỏi, nhắc nhở, cảnh cáo, yêu cầu cam kết không tái diễn. Đối với các ban quản lý di tích, lễ hội tổ chức duy tu, xây dựng mới địa điểm cho phép đốt vàng mã để hạn chế tình trạng đốt không đúng nơi quy định.
Ông Trần Hữu Ân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế, cho biết trong hợp đồng đưa tang, đơn vị này yêu cầu người thuê cam kết không được rải vàng mã dọc đường. Nếu người thuê không đồng ý thì công ty không ký hợp đồng.
Hãy dành tiền làm việc thiện
Sư thầy Thích Thiện Chiếu (trụ trì chùa Kỳ Quang 2, quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết nhiều người Việt quan niệm "dương sao âm vậy" nên trong dịp lễ, Tết thường đốt vàng mã các loại từ nhà lầu, xe hơi đến giấy tiền âm phủ cho người đã mất. Việc đốt vàng mã vừa gây ô nhiễm vừa lãng phí. Theo tinh thần Phật giáo thì đạo hiếu là biết lo lắng cho tất cả mọi người xung quanh, giàu lòng vị tha và chăm sóc cho nhau và tâm phải luôn hướng thiện. Trong các dịp lễ, Tết, mọi người nên tập trung vào mâm cúng, hoa quả và thắp nén nhang để tưởng nhớ những người đã khuất, nhớ về ông bà, tổ tiên. Thay vì bỏ tiền ra mua vàng mã để đốt thì hãy làm việc thiện, giúp đỡ những người khó khăn.