Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đề xuất 64 con đường mang tên 64 chiến sỹ Gạc Ma đã anh dũng hy sinh
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đề xuất 64 con đường mang tên 64 chiến sỹ Gạc Ma đã anh dũng hy sinh
Nguồn:Báo Điện tử An Ninh Thủ Đô
“Thơ tình người lính biển”, một trong những bài thơ hay nhất viết về biển và người chiến sỹ đã được nhà thơ Trần Đăng Khoa sáng tác năm 1981. Dù ra đời trước đó 7 năm nhưng bài thơ mang nhiều dự cảm về sự kiện Gạc Ma năm 1988.
PV: Những vần thơ trữ tình của bài “Thơ tình gửi người lính biển” ấy đã được ông sáng tác trong hoàn cảnh như thế nào?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi và nhạc sỹ Thế Dương đã có chuyến đi cùng nhau tới các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đi tới đâu, tôi cũng có thơ sáng tác ngay tại chỗ để đọc cho lính đảo nghe. Nói thật, bài thơ lãng mạn thế nhưng thực tế trên đảo lại rất khắc nghiệt. Các chiến sỹ của ta sống kham khổ lắm! Ở những hòn đảo chìm, họ dựng chòi bạt trên biển để giữ đảo.
Đấy là những túp lều hoang sơ, như lều vịt mà ông chủ đãng trí nào đó đã bỏ quên trên cánh đồng đang cày vỡ. Mái lều trũng xuống vì những vệt phân chim lâu ngày trắng xóa. Và người lính nào cũng mang theo một chuyện tình.
Anh em bảo tôi: “Anh cứ “vôi ve” cho chúng em một tí”. Tôi và nhạc sĩ Thế Dương bảo nhau, có lẽ chúng mình phải làm một khúc tình ca cho lính đảo. Tôi viết lời, anh phổ nhạc. Và thế là, “Thơ tình gửi người lính biển” đã ra đời.
Phần lời tôi đưa in trong một chùm thơ về biển ở trên báo văn nghệ. Sau nhạc sĩ Thế Dương, nhạc sĩ Đăng Nước phổ cũng rất hay. Rồi sau đó nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thì thành bài hát nổi tiếng.
PV: Hai câu thơ “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng” trong tác phẩm dường như mang nhiều dự cảm về sự kiện Gạc Ma năm 1988, thưa nhà thơ?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Với những gì quan sát và trải nghiệm trong những năm tháng làm lính hải quân với nhiều lần có mặt ở Trường Sa, tôi biết đất nước nếu có những biến động thì chắc chắn sẽ bắt đầu từ quần đảo bão tố này.
Và rồi sự kiện Gạc Ma đã xảy ra năm 1988. Tôi cũng đã có lần nói rằng, Tổ quốc Việt Nam trên bản đồ thế giới trông như một bà mẹ gày gò đội nón lá. Tấm lưng còng gập của mẹ quay ra biển Đông.
Cái phên giậu giữ cho tấm lưng còng ấy khỏi lạnh chính là Trường Sa, Hoàng Sa. Đấy là đất đai của chúng ta đã được tổ tiên gìn giữ qua rất nhiều thế hệ. Hiện Trung Quốc còn chiếm giữ trái phép nhiều đảo của ta, trong đó có Gạc Ma.
Bản đồ nhà Thanh do chính người Trung Quốc vẽ năm 1904 chỉ đến đảo Hải Nam là hết. Tuyệt không có một hòn đảo nào trong quần đảo này. Điều đó thì cả thế giới đều biết.
PV: Với chất liệu dày dạn ấy qua những năm tháng trong quân ngũ, Trường Sa sẽ luôn là một mảng sáng tác không thể thiếu của nhà thơ Trần Đăng Khoa?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi viết rất nhiều về Trường Sa. Viết đủ các thể loại. Thơ, Tiểu thuyết, phóng sự, Ký sự. Một phần những sáng tác ấy đã được tập hợp in thành cuốn Trường Sa, Đảo Chìm, Đảo Chìm và Trường Sa. Có cuốn đã tái bản đến 37 lần. Tôi sẽ còn tiếp tục viết nữa…
PV: Nổi tiếng với các tác phẩm thơ, văn viết về đảo và người lính, lần gần đây nhất ông trở lại Trường Sa là khi nào?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Năm 2012, tôi có dịp trở lại Trường Sa trong chuyến công tác của Đảng ủy khối các cơ quan trung ương. Khi đó, Trường Sa đã thay đổi nhiều. Bây giờ, Trường Sa đẹp như một công viên sinh thái giữa biển Đông. Cây cối tươi tốt, có điện nhờ năng lượng gió.
Ngay cả ở hòn đảo gian nan nhất, Đảo Chìm, một căn nhà vững chãi như pháo đài thép hai tầng bằng bê tông cốt thép đã được dựng lên. Bên cạnh cái “pháo đài” sừng sững ấy, cách đây hơn hai chục năm, Bộ Tư lệnh Hải quân vẫn giữ lại cái lều bạt hoang sơ mà những người lính biển chúng tôi đã ở, như một bảo tàng ngoài trời, lưu giữ dấu ấn của những ngày gian khổ chưa xa.
Nhưng dù chúng ta có nâng niu gìn giữ thế nào thì sắt thép cũng hoen gỉ trong nước mặn. Bây giờ, cái lều bạt ấy cũng không còn nữa. Biển đã xóa hết dấu vết. Vì thế, tôi trân trọng ghi lại tất cả những gì mình thấy, làm một cái “bảo tàng” nho nhỏ theo kiểu của riêng tôi, để cho những người đến sau, được thấy những gì tôi đã thấy.
PV: Cái “bảo tàng” nho nhỏ theo kiểu của nhà thơ có sự tri ân dành cho các chiến sỹ?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đúng vậy.Tôi rất cảm động khi các bạn An ninh Thủ đô đã luôn nhớ đến những người đồng đội của tôi. Đặc biệt là 64 chiến sĩ trên đảo Gạc Ma. Gần đây, nhờ những thước phim tư liệu, chúng ta mới biết các chiến sĩ của chúng ta dũng cảm như thế nào. Họ đã quấn lá cờ Tổ Quốc vào thân thể mình rồi hiên ngang ngăn chặn những luồng đạn tàn bạo của kẻ thù.
Đấy là 64 anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong những khoảnh khắc linh thiêng nhất. Ước gì trong các tỉnh thành trên cả nước có 64 con đường mang tên 64 người anh hùng đã hy sinh trên đảo Gạc ma. Cần lưu giữ lại hình bóng của họ cho hậu thế. Họ chỉ chết khi chúng ta quên họ. Nhưng chúng ta có quên họ đâu. Bạn đang hỏi tôi về họ đó thôi...
Nếu chúng ta vẫn luôn nhớ đến họ thì họ sẽ còn sống mãi. Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ quan đoàn thể ở các địa phương, hãy rà soát lại ở địa phương mình, đừng để bố mẹ, vợ con họ phải đói rét, bần hàn, đặc biệt các con họ, không để các cháu phải thất học. Đấy là trách nhiệm của chúng ta, những người đang sống hôm nay.
Xin cảm ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa về cuộc trò chuyện xúc động này!
Thơ tình người lính biển
Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng
Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên
Biển ồn ào, em lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên
Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn
Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc
Thăm thẳm nước trời, nhưng anh không cô độc
Biển một bên và em một bên
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng
Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng
Biển một bên và em một bên
Vòm trời kia có thể sẽ không em
Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ
Cho dù thế thì anh vẫn nhớ
Biển một bên và em một bên...
Hải Phòng, 1981