The New York Times ngày 26/3 đưa tin, một đoạn video về chiếc tàu hỏa đặc biệt từ Triều Tiên hiện diện tại Trung Quốc đang dấy lên những đồn đoán về việc Chủ tịch Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên bí mật đến Bắc Kinh hôm thứ Hai 26/3.
Chuyến tàu bí ẩn
Không có tuyên bố chính thức nào từ Trung Quốc hay Triều Tiên về chiếc tàu hỏa này và hành khách trên đó. Báo chí Hàn Quốc theo dõi chặt chẽ và thận trọng, Nhà Trắng không thể xác nhận thông tin này.
Nhưng đài truyền hình NTV của Nhật Bản cho rằng, chiếc tàu hỏa sơn màu xanh lá cây với 2 sọc vàng đã từng chở ông Kim Jong-il sang thăm Trung Quốc năm 2011, đang xuất hiện tại Trung Quốc;
Điều này dấy lên những đồn đoán, hoặc là ông Kim Jong-un, hoặc là một quan chức cấp cao Triều Tiên đang có mặt ở Bắc Kinh.
|
Hình ảnh chiếc tàu hỏa đặc biệt đến từ Triều Tiên nghi chở ông Kim Jong-un sang Trung Quốc. Ảnh: The New York Times. |
Ngoài ra, đài truyền hình NHK của Nhật Bản trích dẫn nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết, chuyến tàu hỏa này đến từ Bắc Triều Tiên.
Trong khi truyền thông Bắc Kinh cũng phát hiện đội quân danh dự đón một đoàn xe hơi vào nhà khách Điếu Ngư Đài càng làm tăng những đồn đoán.
Một số cư dân Bắc Kinh cũng chia sẻ hình ảnh khoảng 20 chiếc xe máy cảnh sát dẫn đường cho một số chiếc xe hơi lao nhanh trên đường phố, nhưng hình ảnh này không thể xác minh.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết: "Chúng tôi theo dõi chặt chẽ bất kỳ động thái nào có liên quan và sử dụng các kênh khác nhau để xác nhận thông tin."
Không có hoạt động chính thức nào của ông Kim Jong-un được truyền thông nhà nước Bắc Triều tiên loan báo kể từ hôm 5/3 ông tiếp các đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc đến nay.
Ông Kim Jong-un đồng ý gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Bàn Môn Điếm vào cuối tháng Tư.
Đặc sứ Hàn Quốc sau đó sang Mỹ ngày 9/3 để chuyển lời đề nghị của ông Kim Jong-un muốn gặp Tổng thống Donald Trump.
|
Đội quân danh dự Trung Quốc hiện diện ở cổng Điếu Ngư Đài đón một đoàn xe "lạ" càng làm tăng tin đồn, ảnh: The New York Times. |
Chủ nhân Nhà Trắng đã chấp nhận đề nghị này tại chỗ, và đồng ý (với gợi ý của phía Hàn Quốc, rằng) sẽ gặp ông Kim Jong-un trong tháng Năm.
Trong cơn lốc ngoại giao đột ngột này, Trung Quốc chủ yếu đứng ngoài, không có vai trò trực tiếp nào. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoan nghênh các động thái nới lỏng căng thẳng trên bán đảo.
Nhưng các chuyên gia đã nói rằng, Bắc Kinh muốn đảm bảo, bất kỳ cuộc đàm phán nào (về bán đảo Triều Tiên) cũng phải bảo vệ được lợi ích của Trung Quốc.
Chuyến thăm của ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh nếu xảy ra, sẽ là một bất ngờ nữa trong một cơn lốc xoáy ngoại giao gần đây về vấn đề hạt nhân trên bán đảo, đông thời làm dịu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa bao giờ gặp ông Kim Jong-un và hai ông chưa bao giờ viếng thăm quốc gia nhau kể từ khi nhậm chức. [1]
Trung Quốc dường như đã thay đổi lập trường
Giới quan sát và phân tích quốc tế lâu nay vẫn cho rằng, Bắc Kinh xem Triều Tiên như "phên dậu quốc gia" để ngăn Hoa Kỳ tiến sát biên giới. Một số người gọi quan hệ Trung - Triều là đồng minh.
|
Chủ tịch Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: NK News. |
Cùng với lo ngại về làn sóng tị nạn đổ sang lãnh thổ Trung Quốc nếu xảy ra biến động lớn ở Bình Nhưỡng, nhiều quan điểm tin rằng dù muốn dù không, dù ông Kim Jong-un có "ngang ngạnh" đến mấy, Bắc Kinh vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" để hà hơi thổi ngạt cho Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên xu hướng này có dấu hiệu thay đổi kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012.
Hành động và phát ngôn của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên, quan hệ Trung - Triều đã cho thấy rõ, Bắc Kinh xem mối quan hệ với Bình Nhưỡng như "quan hệ bình thường giữa 2 quốc gia", thay vì đồng minh chung ý thức hệ, chung kẻ thù là Mỹ như trong chiến tranh.
Việc Trung Quốc tuân thủ các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã khiến Bình Nhưỡng rơi vào thế cực kỳ khó khăn.
Rất có thể, đó mới là động lực chính để ông Kim Jong-un tạo ra các cơn lốc ngoại giao như vừa qua.
Tổng thống Hoa Kỳ đã cảm ơn ông Tập Cận Bình và đánh giá cao vai trò của Trung Quốc sau những thay đổi bất ngờ từ Bình Nhưỡng là có căn nguyên, chứ không phải ngẫu nhiên.
Trong khi tuân thủ lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc vẫn chừa lại một khe hẹp để tiếp tục "hà hơi thổi ngạt" cho quốc gia láng giềng này, đó là loại trừ điện năng khỏi các mặt hàng chịu lệnh trừng phạt.
Số liệu của hải quan Trung Quốc được The Wall Street Journal dẫn lại cho thấy, điện năng Trung Quốc nhập từ Triều Tiên năm 2017 đã tăng 91% cao nhất kể từ năm 2000, đồng thời điện năng Trung Quốc xuất khẩu qua Triều Tiên năm ngoái đã giảm 96%.
Đây chính là nguồn tài chính cung cấp cho Triều Tiên trong bối cảnh bị bao vây, trừng phạt, cho dù điện sản xuất ra chưa đủ dùng, vẫn phải ưu tiên xuất khẩu để đổi lấy ngoại tệ. [2]
Bởi vậy, giả sử ông Kim Jong-un có bí mật thăm Bắc Kinh trước hội nghị thượng đỉnh 2 miền bán đảo hay thượng đỉnh Mỹ - Triều, cũng không có gì khó hiểu.
Mặt khác, dù Trung Quốc không đóng vai trò trực tiếp nào về mặt ngoại giao trong các động thái con thoi xung quanh bán đảo Triều Tiên vừa qua, nhưng nó không có nghĩa là Bắc Kinh không còn trọng lượng hay tiếng nói gì với đối với Bình Nhưỡng.
Ngược lại, Trung Quốc thực sự vẫn là một tay chơi có hạng, giữ vai trò quan trọng trong cục diện an ninh bán đảo Triều Tiên. Có điều, cách chơi của Bắc Kinh hiện nay đã hoàn toàn khác trước.