Nghề dạy học trở thành "Nghề nguy hiểm"...? - Bài của Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 06:26 01/04/2018 Lượt xem: 580
 

 
 
NGHỀ DẠY HỌC
TRỞ THÀNH “NGHỀ NGUY HIỂM”…?

        Chiều 27 tháng 3 trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam có nói đến vụ việc một cô giáo Mầm non ở Thái Nguyên bị Phụ huynh đến lớp đánh ngất sỉu phải đưa đi viện cấp cứu... Phát thanh viên nói: Một số người cho rằng nghề dạy học hiện nay là một “NGHỀ NGUY HIỂM”.
       Tôi đã từng là Thầy giáo, Vợ và con gái tôi là Cô giáo, nhiều người thân là Thầy Cô giáo, nghe mà sững sờ, xót xa, đau đớn… Tuy nhiên tôi không tin và mãi mãi không thể tin điều mà một số người đã “cho rằng” nói trên…

         Mấy tháng nay xảy ra liên tiếp các vụ việc về Giáo dục. Ở Long An một phụ huynh bắt cô giáo quỳ 40 phút, ở Nghệ An một phụ huynh đánh cô giáo đang mang thai bị thương, rồi ở Thái Nguyên lại cũng phụ huynh đánh cô giáo trọng thương phải đi viện cấp cứu. Nguyên nhân chung là các phụ huynh bênh con mình, do cô giáo phạt con hoặc nghi cô giáo đánh con mình rồi họ có quyền tự phán cử như thế vv . Không có nơi nào trên hành tinh diễn ra những sự việc như thế này, chỉ có ở nước ta.
       Rất nhiều trường hợp phụ huynh chửi bới, đe doạ, đánh thầy cô giáo đã diễn ra ở khắp các địa phương trong những năm gần đây, ngày càng tăng.
       Học sinh chửi mắng, đe doạ, đánh thầy cô giáo diễn ra ở cả cấp 2,3, đại học khắp nơi cũng đang diễn ra và tăng dần.
       Liên tiếp trên mạng xã hội, không ngày nào không có các vụ học sinh đánh nhau trong lớp, đánh nhau ngoài đường, nữ sinh lột cả quần áo bạn ra giữa đường để đánh hội đồng, học sinh đánh bạn trong lớp thật dã man. Điều đáng buồm là rất đông học sinh đứng xem bạn đánh bạn mà không can ngăn, không hề có phản ứng gì, tình bạn, tình người đi đâu mất rồi? Thật là xót xa khi nghe, xem các vụ việc đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng xã hội.
       Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền Giáo dục của nước ta đã đạt được những thành quả rất quan trọng, truyền thống tôn sư trọng đạo được kế thừa và phát huy. Tuy vậy trong những năm gần đây đã có những biểu hiện sa sút yếu kém về mặt này mặt khác, nhất là Giáo dục Đạo đức. Thậm chí có việc không nơi nào trên thế giới diễn ra như vậy.

GIÁO DỤC
Nhân tài là Nguyên khí Quốc gia
Chủ trương đường lối của Đảng ta 
Giáo dục hàng đầu là quốc sách
Tôn sư - Trọng đạo đẹp như hoa
Thành quả Giáo dục những năm qua
Bao điều tốt đẹp đã tạo đà
Sánh vai bè bạn cùng vươn tới
Một thời được thế giới ngợi ca
Giờ đây nơi nào như nước ta
Cô giáo bị quỳ, đánh lăn ra
Phụ huynh, học sinh là thủ phạm
Bao điều trông thấy thật xót xa



I. VẤN ĐỀ

       Trên kênh VTV1 truyền hình Trung ương nói : Nghề dạy học hiện nay là một “ Nghề nguy hiểm”. Tôi cho rằng không nên đưa thông tin như vậy, nó tác động xấu đến tâm tư, tình cảm, lòng yêu nghề của hàng triệu giáo viên, đến cả xã hội. Một nỗi ám ảnh nặng nề, một dư luận lan truyền mãi tác động xấu đến nghề “TRỒNG NGƯỜI”.
     Thực tế nghề dạy học hiện nay cũng có những nguy hiểm thật. Rất nhiều trường hợp học sinh cấp 2, cấp 3, cao đẳng, đại học, chửi mắng, đe doạ, đánh thầy cô giáo, có trường hợp gây thương vong. Rất nhiều trường hợp phụ huynh chửi mắng, làm nhục, đánh thầy cô giáo. Những vụ việc trên không còn cá biệt mà đã xảy ra không hiếm ở mọi cấp học, mọi nơi trên đất nước ta .
     Các vụ học sinh, sinh viên ra tay đánh thầy giáo, cô giáo chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ như bị thầy cô nhắc nhở về việc ăn mặc, làm bài tập, bị phạt với hình thức này, hình thức kia… xảy ra ngày càng nhiều trong thời gian qua, khiến nhiều người lo sợ về việc văn hóa học đường đang xuống cấp trầm trọng, những giá trị đạo đức cốt lõi bị đảo lộn, truyền thống tôn sư trọng đạo đang bị mai một.

II. NHÌN NHẬN
       Đây là biểu hiện SUY THOÁI VỀ ĐẠO ĐỨC NGHIÊM TRỌNG đáng báo động. Vị thế của người thầy đang bị suy giảm.
       Sự suy thoái về đạo dức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết của Đảng đã lây lan sang các lĩnh vực khác và đang lan ra trong xã hội. Trong đó nó đang tác động vào lĩnh vực giáo dục, đến phụ huynh và học sinh.
       Truyền thống TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO đang mai một dần trong xã hội Việt Nam ngày nay. Hành động bắt giáo viên quỳ gối, đánh giáo viên đã hủy hoại từ nhân cách của mình tới nhân cách con cái, hủy hoại nền tảng đạo lý cơ bản nhất trong các mối quan hệ cha mẹ - con cái, thầy cô - học trò, con người - con người; hủy hoại truyền thống tôn sư trọng đạo hàng nghìn năm nay của dân tộc Việt Nam.

III. NGUYÊN NHÂN
       Các nguyên nhân chính dẫn tới hành động nguy hiểm của các trường hợp học trò, phụ huynh đánh thầy, cô giáo tôi thấy như sau:
1. Khách quan: 
       Nền kinh tế thị trường đã hình thành và đang từng bước hoàn thiện ở nước ta. Thị trường là nơi diễn ra các hoạt động MUA - BÁN, thuận mua vừa bán, điều này đã tác động đến lĩnh vực giáo dục. Những người nhiều tiền họ coi tiền là trên hết, mọi thứ mua bán, kể cả cho con đi học. Từ nhận thức sai lầm của một số phụ huynh về mối quan hệ giữa giáo viên với người học. Họ cho rằng mối quan hệ giữa thầy và trò, nhà trường với gia đình như siêu thị để mua và bán theo cơ chế thị trường. Nghĩa là giáo viên có chữ thì bán, phụ huynh có tiền mua.
       Nhận thức sai lầm đó dẫn đến hành động không đúng. Phụ huynh nghĩ dùng đồng tiền chi phối mọi hoạt động của cuộc sống, không thỏa mãn sẽ phản ứng.
       Việc dạy thêm học thêm của các thầy cô giáo cũng vận hành theo cơ chế thị trường, sự tôn trọng thầy cô mai một dần cùng với số tiền đóng học tăng lên.
       Một hôm có trường quốc tế ở Hà Nội về thăm Bảo Tàng Đồng Quê, khi lên xe trở về Hà Nội, cô giáo lên ghế trên ngồi. Một học sinh nữ leo lên kéo cô giáo xuống mắng sa xả: cô có đóng tiền đâu mà cô đòi ngồi ghế trên. Tôi chứng kiến mà sững sờ đau nhói trong tim mình, thương cho cô giáo trẻ dạy cấp ba.
       Tôi là thầy giáo dạy toán lý của trường cấp 2 xã Giao Tân - Giao Thuỷ - Nam Định năm 1969 - 1970, lương 38 đồng hai hào rưỡi một tháng, trong khi cái xe đạp Phượng Hoàng giá 700 đồng. Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo các thầy cô giáo hàng tuần bố trí một buổi tối đến thăm các gia đình học sinh học yếu, có hoàn cảnh khó khăn để động viên giúp đỡ các em học tập, nâng cao chất lượng của lớp. Những em học yếu được tổ chức bồi dưỡng thêm, làm gì phải đóng tiền.
       Khi tôi học lớp 7 trường cấp 2 Giao Hoan - Giao Thuỷ - Nam Định, chuẩn bị thi tốt nghiệp: thầy Nghinh dạy toán, thầy Nhương dạy văn, cô Tuất dạy Hoá tổ chức bồi dưỡng chung, bồi dưỡng thêm cho học sinh yếu, thầy cô hết sức tận tuỵ với tấm lòng TẤT CẢ VÌ HỌC SINH THÂN YÊU, có ai bồi dưỡng cho thầy cô đâu.
       Thầy Nghinh có sáng kiến tuyệt vời là tổ chức các "thầy nhỏ". Mỗi bạn học tốt được giao kèm bồi dưỡng một bạn học yếu trong quá trình ôn thi. Năm ấy lớp tôi tốt nghiệp 100%.
       Bây giờ học thêm phải có tiền, quan hệ MUA - BÁN. Các thày cô dạy thêm đa số là do cuộc sống khó khăn nên phải lấy tiền.
2. Chủ quan:
       Đối tượng của Giáo dục là học sinh, sản phẩm của giáo dục là học sinh, đó là kết quả của sự kết hợp ba yếu tố :
- Nhà trường
- Gia đình 
- Xã hội

+ Về phía nhà trường: 
       Mấy chục năm nay ngành Giáo dục cuốn vào dòng xoáy cải cách triền miên, luẩn quẩn. Chương trình, sách giáo khoa còn đang rối bời, thay đổi liên tục, tác đông rất lớn đến giáo viên và học sinh. Chương trình học nặng nề gây áp lực lớn đối với học sinh, nhất là học sinh có nhận thức chậm.
       Phương pháp giáo dục có vấn đề, bắt học sinh học nhiều quá, nặng nề, gò bó. Hãy xem các nước xung quanh ta.
* Cách giáo dục của Nhật Bản : 
- Suy nghĩ tự do
- Hành động khuân khổ
* Cách giáo dục của Việt Nam : 
- Suy nghĩ khuôn khổ
- Hành động tự do
      Bây giờ có những vấn đề đã đi ngược lại quy luật giáo dục:
- Học không chấm điểm
- Không được nhận xét ... học sinh ..vv Nhiều thứ xa lạ lắm. 
      Sao không xem học các nước xung quanh ta?

Tôi là học sinh từ lớp vỡ lòng cho đến đại học, rồi qua các học viện của quân đội, đã làm thầy và rút ra rằng :
     Chỉ có thầy nghiêm khắc mới có học sinh ưu tú.
     Chỉ có thầy giỏi mới có học sinh giỏi.
     Chỉ có thầy giỏi, nghiêm khắc mới được học sinh kính trọng mãi mãi.      
 
       Học thầy dễ dãi, cho mở vở chép bài, mua điểm , không kiểm tra, không nhắc nhở, không mắng mỏ , không nghiêm túc vv , học sinh chỉ thích khi học. Xong cả đời coi thường thậm chí là coi khinh. 
       Thực tế Giáo dục cho học sinh chưa toàn diện. Giáo dục đạo đức chưa được coi trọng đúng mức, phương pháp có thể chưa được điều chỉnh, chưa theo kịp nền kinh tế thị trường. Tiên học lễ, hậu học văn đang mai một dần.
       Chỉ thiên về học văn hoá, chưa chú trọng bồi dưỡng nhân cách, chưa chú trọng dậy làm người. Học sinh bây giờ không được lao động, mọi việc trong trường đều có lao công thực hiện. Tôi xem TV học sinh bên Nhật Bản, Hàn Quốc tự quét dọn trường lớp, tự làm vệ sinh khu WC, không có lao công. Có như vậy chúng mới quý sức lao động làm ra, mới trân trọng người lao động, mới hình thành nhân cách con người.


       Bệnh thành tích ở nhiều nơi cũng có tác động tiêu cực đến giáo dục, đến mối quan hệ thầy trò, phụ huynh và thầy cô giáo. Đua nhau tìm cách đạt chuẩn này chuẩn nọ, có thực chất không? có giữ được không. Cho học sinh lên lớp hết mà một số trường hợp kiểm tra HS có biết gì đâu vv
       Vấn đề nhức nhối của xã hội liên quan tới đạo đức, phẩm chất của nhà giáo, như tình trạng ép học sinh học thêm, bạo lực, chạy điểm, chạy trường, gây bức xúc cho xã hội.
       Truyền thống "Tôn sư trọng đạo" đang mai một dần. Điều đáng nói là: "TÔN SƯ - TRỌNG ĐẠO" ĐANG ĐI VÀO DĨ VÃNG.
       Ngày xưa thầy cô là số một, là chân lý, không thầy đố mày làm nên. Học sinh nghe lời thầy cô còn trên cả cha mẹ,thầy cô bảo gì thì nghe đấy. Nhưng bây giờ xã hội đã hiện đại, tôn trọng cái tôi cá nhân của mỗi người, thế nên một số học sinh thổi phồng cái tôi của mình quá mức và làm thui chột đi giá trị tôn sư trọng đạo.
       Đối với thầy cô giáo: Chất lượng tuyển sinh, đào tạo giáo viên những năm gần đây thấp, ba môn chưa đầy mười điểm cũng vào Trường Sư phạm, sau này họ ra dạy như thế nào? Không có thầy giỏi không có học sinh giỏi. Thầy dạy kém sẽ làm ức chế học sinh.
       Cách ứng xử của một số thầy cô giáo cũng chư đúng mực khiến hình ảnh thầy, cô giáo trong mắt học sinh không còn đẹp như trước nữa.
       Học sinh tốt nghiệp các Trường sư phạm ra đều phải chạy rất nhiều tiền mới vào biên chế dạy học, điều này đã được đại biểu Quốc Hội phát biểu công khai trên TV. 
       Trong khi tiền lương của giáo viên thấp phải xoay sở rất khó khăn trong cuộc sống. 
        Với cách tuyển dụng, đãi ngộ như vậy làm sao có những người thầy tận tuỵ với nghề, làm sao có tấm lòng “ Tất cả vì học sinh thân yêu”, làm sao tận tâm tìm tòi nghiên cứu phương pháp dạy tốt với thầy, học tốt với học sinh vv.
+ Về phía Gia đình:
       Đây là nhân tố quan trọng thứ hai trong giáo dục tạo nên nhân cách cho học sinh. Ngày nay sinh ít con, kinh tế tăng trưởng, các bậc cha mẹ quan tâm đến học hành của con cái nhiều hơn. Chọn trường, chọn lớp, ép con học thêm rất nhiều, ép con phải đạt kết quả cao bằng mọi giá. Học sinh đi học thêm quá nhiều, trở thành những cái máy học, nhiều cháu chán học nên có những biểu hiện bức xúc dễ bột phát hành động xấu. Có một số cháu đã tìm đến cái chết khi thi trượt bị cha mẹ mắng mỏ. Có nhiều cháu đã viết thư thổ lộ nói lên nỗi khổ khi đi học, luôn bị cha mẹ thúc ép, mắng mỏ, không còn hồn hiên của tuổi thiếu niên, chán ghét học hành. vv
       Một số bậc phụ huynh lại bênh vực con thái quá, ứng xử với thầy cô kém dẫn tới những hành động không tốt, tôn sư trọng đạo trong cha mẹ học sinh cũng mai một dần.
       Nhiều bậc phụ huynh chưa biết cách giáo dục con mình, lao vào công việc, làm ăn, khoán trắng con cho nhà trường, cho thày cô giáo. Thậm chí nhiều trường hợp còn mượn người đi họp phụ huynh thay, năm có hai lần. Mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình, giữa giáo viên và phụ huynh không được quan tâm đúng mức mới dẫn tới những hiện tượng đáng trách như vừa qua.
       Một nguyên nhân nữa là không ít cha mẹ quá nuông chiều trẻ, ai đụng vào con mình liền dùng quyền lực và sức mạnh phản kháng. Nhiều người không tôn trọng nhà trường, coi đây như "cái chợ" và hành động rất bản năng. Hơn nữa, nhận thức về mặt pháp luật của một số cha mẹ còn non kém.
+ Về phía xã hội :
       Những tiêu cực của xã hội tác động vào Giáo dục, trách nhiệm của xã hội đối với giáo dục học sinh nhiều nơi chưa được coi trọng. Cũng chính từ môi trường xã hội tác động đến học sinh. Từ xưa đã thế, lứa tuổi mới lớn rất dễ có hành động bột phát do hưng phấn thần kinh mạnh. Cộng hưởng với việc thiếu chín chắn trong suy nghĩ, thiếu kinh nghiệm trong phản ứng nên hành động rất mạnh mẽ bất ngờ. Giới trẻ bây giờ cái tôi phát triển rất sớm trong điều kiện nền kinh tế thị trường. Học sinh ít được dạy về kỹ năng kiềm chế cảm xúc và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Cảm xúc bản năng chưa được thuần dưỡng, mâu thuẫn với thầy cô chưa biết cách giải quyết. Thế nên học sinh khi tự ái, khi bức bối là phản ứng một cách rất “bản năng”.
       Từ những thực tế diễn ra liên tiếp ở mọi miền, cần phải bàn đến vấn đề lớn hơn, tinh tế hơn, đó là văn hóa ứng xử trong đời sống cộng đồng hiện nay. Khi có khúc mắc nảy sinh, chưa biết rõ sự thật để phân tích, giải quyết thấu đáo các bất đồng, người ta đã dùng đến các hành động bạo lực, bất nhân. Đây là thật sự là vấn đề suy thoái về văn hoá xã hội.

IV. GIÁO DỤC là sự nghiệp của toàn dân, cần có tiếng nói của toàn xã hội để xây dựng một nền Giáo dục tiên tiến sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới.
       Cần thấy rõ nguyên nhân dẫn tới những hành vi xấu, côn đồ, manh động của một số học sinh, phụ huynh học sinh đã và đang diễn ra, để tìm cách đầy lùi tình trạng nguy hiểm này.
       Cần quan tâm đầy đủ, thực sự để NGHỀ DẠY HỌC là nghề cao quý trong các nghề cao quý, là sự nghiệp TRỒNG NGƯỜI, nghề KỸ SƯ TÂM HỒN chứ không phải là “NGHỀ NGUY HIỂM”.


V.HÃY THAM KHẢO NỀN GIÁO DỤC PHẦN LAN
VÌ SAO CÁC NƯỚC KHÁC LẠI NGƯỠNG MỘ NỀN GIÁO DỤC CỦA PHẦN LAN:


       Ngày nay, tại Việt Nam có rất nhiều học sinh và sinh viên đi du học Phần Lan. Nhưng một số các học sinh và sinh viên lại đắn đo về vấn đề: “Nếu miễn học phí 100% như vậy liệu chất lượng dạy có tốt tương đương với những nước khác không?”
       Bài viết (trích) dưới đây sẽ giải đáp một phần nào thắc mắc đó.
        Sự khuyến khích học tập và coi trọng giáo dục của chính phủ Phần Lan là rất lớn. Bằng chứng là các phương pháp giảng dạy luôn được xem xét, cân nhắc ký lưỡng và thay đổi sao cho bộ máy giáo dục được hoàn thiện nhất. Học sinh, sinh viên đến trường đều được miễn phí 100% học phí.
Theo bà Tuula Haatainen - Bộ trưởng giáo dục Phần Lan: “Chính phủ Phần Lan đầu tư mạnh vào giáo dục và đào tạo vì tin rằng đây chính là chìa khóa của sự sống sót và phát triển trong kinh tế. Giáo dục là tiên phong trong việc tạo ra việc làm, tại đất nước chúng tôi luôn cần những nguồn nhân lực có tay nghề chính vì thế việc đầu tư cho giáo dục là việc thiết yếu”.
  ..."Khi nhìn vào những nghiên cứu và so sánh quốc tế trên quy mô lớn về các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới, tất cả mọi người luôn nhắc đến Phần Lan. Phần Lan dường như thiết lập nên tiêu chuẩn cho giáo dục trên toàn thế giới. Các chuyên gia giáo dục nước ngoài, đoàn tham quan của giáo viên và chính trị gia về giáo dục đổ xô đến các phòng ban đào tạo giáo viên trong những trường đại học của Phần Lan, cũng như trường học. Vậy nền giáo dục của quốc gia này có gì đáng học hỏi và tại sao họ liên tục đứng đầu những bảng xếp hạng?
+Trẻ em Phần Lan dành ít thời gian tại trường so với trẻ em ở nhiều quốc gia khác. So với các nước OECD khác, Phần Lan không dành phần đầu tư đặc biệt lớn trong ngân sách vào giáo dục. Xét về tiền bạc, thời gian giảng dạy và những kết quả tốt, hệ thống giáo dục này thực sự đạt hiệu quả cao.
+Phần Lan thường được mô tả như là một quốc gia có niềm tin vào sức mạnh của giáo dục mạnh mẽ. Giáo dục đã có và sẽ vẫn có một vị thế quan trọng ở đất nước với khoảng 5,4 triệu dân này...

Ngày 29/3/2018
Thiếu tướng - Nguyên Thầy giáo - Hoàng Kiền

( Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam)

tin tức liên quan