Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin
Một nền giáo dục vẫn ru mình trong bức rèm nhung đỏ sợ mất thành tích, sợ mất thi đua đổ tội lỗi cho người dám đấu tranh vì sự thật. Nền giáo dục không tạo cho học sinh niềm tin vào lẽ phải sẽ không có điểm tựa cho sự phát triển nhân cách.
Thưa Bộ trưởng, một nửa nhiệm kỳ đã trôi qua, trong khi thầy dồn tâm lực với những chiến lược cải cách lớn lao thì dường như những “căn bệnh” của ngành vẫn còn đó nhức nhối mà không có đơn thuốc nào được kê hữu hiệu.
Môi trường giáo dục bị ô nhiễm, thầy trò không còn theo đạo lý tôn sư, sự gian dối thắng thế... mong Bộ trưởng đừng bỏ qua nỗi đau của bao người lo lắng tới sự nghiệp trăm năm của đất nước? Cải cách sẽ được kỳ vọng nếu có một hướng đi đúng đắn, chỉ ra sự bất cập để hoàn thiện chỉ mong thầy đừng vội phủ nhận xoay lưng 180 độ.
Lo lắng vẫn còn đó như chuyện “nhập khẩu giáo dục”, bỏ biên chế giáo viên, loay hoay siết, buông ngành sư phạm mà không thể tìm ra nút thắt.Vâng thưa thầy, tôi nghĩ nút thắt của giáo dục chính là con người nhưng dường như các nhà giáo dục đã quên chủ thể mà đang biến trường lớp thành môi trường kinh doanh.
Thương mại hóa giáo dục đi vào từng ngóc ngách từ những bậc học thấp nhất với những chủ trương xã hội hóa, trường công chất lượng cao phân tầng giáo dục, trường đại học như công ty khiến các trường bung ra tuyển sinh với những nhóm thi lạ chẳng liên quan gì tới nghề nghiệp. Giáo dục như sự chắp vá, mạnh ai người ấy thu vén cho lợi ích của riêng mình.
Giáo dục con người đầu tiên phải là học làm người theo đúng nghĩa. Nhưng thầy hãy nhìn lại nền giáo dục đang dạy gì cho lớp trẻ, đối xử như thế nào với chủ thể của giáo dục. Ở mỗi sự việc “xâm phạm” chủ thể đều thấy Bộ sốt sắng chỉ đạo nhưng dường như... chỉ để đấy.
Tôi đã mừng khi việc em Phạm Song Toàn dám đấu tranh, chia sẻ sự thật về cô giáo “quyền lực” nhận được sự chỉ đạo của Bộ, của các cấp, Sở, ban ngành. Nhưng giờ thì sao? Em phải xin chuyển trường vì bị cô lập, bị ném đá.
Một học sinh bằng sự thật thà của mình dám đấu tranh lại nhận được bài học cay đắng đầu đời. Một nền giáo dục như vậy làm sao tìm được những con người dám hiến thân bảo vệ chân lý. Một nền giáo dục vẫn ru mình trong bức rèm nhung đỏ sợ mất thành tích, sợ mất thi đua đổ tội lỗi cho người dám đấu tranh vì sự thật. Nền giáo dục không tạo cho học sinh niềm tin vào lẽ phải sẽ không có điểm tựa cho sự phát triển nhân cách.
Dường như em Toàn cũng bị xoáy vào "vết xe đổ" của thầy Đỗ Việt Khoa...
Còn nhớ thầy Đỗ Việt Khoa dám đấu tranh vạch trần bệnh thành tích trong thi cử, thầy được tung hô như người hùng. Nhưng rồi, người hùng ấy cũng “chết” vì chính viên đạn mình bắn ra dội ngược trở lại bởi bức tường bê tông thủ cựu.
Người hùng ấy chán nản mà nghỉ dạy vì sự ghẻ lạnh của đồng nghiệp, khi trường bị tụt thi đua coi người dám đấu tranh cho lẽ phải thành tội đồ. Em Toàn cũng đã bị xoáy vào vết xe đổ ấy.
Trong cái vòng xoáy vô hình, xóa nhòa sự trung thực, thẳng thắn ấy, tôi chợt thấy lo cho em bé dám mở mắt nhìn cô phạt bạn súc miệng bằng nước giặt giẻ lau khi mà cả lớp sợ hãi che mắt lại. Và, chính em lại dám nói ra sự thật bênh vực cho bạn trước các cơ quan báo chí. Dù rằng cô giáo bị chấm dứt hợp đồng, nhưng sự thật liệu có được tôn vinh hay tâm hồn non nớt lại thành nơi trút giận.
Thầy ạ, khi giáo dục không hướng học sinh đến Chân- Thiện- Mỹ sẽ thất bại. Sự thất bại ấy nó sẽ là hệ lụy cho những thế hệ tương lai.
Cái vòng luẩn quẩn ấy có thể hiện hữu hôm nay là “chuyến tàu vét” mang số hiệu 174 với những Giáo sư, Phó giáo sư không đạt chuẩn, thậm chí không ít người gian dối kê khai sai hồ sơ, kê khống thời gian giảng dạy... Loại bỏ sự gian dối ra khỏi nền giáo dục là cần thiết, nhưng điều đó cần “bàn tay sạch”. Những người “tay đã nhúng chàm” làm sao có thể dậy người khác sống trung thực?!
Chúng ta đã ký kết những biên bản ghi nhớ, mở ra cơ hội hợp tác, “nhập khẩu” những điểm tiên tiến của những nền giáo dục như Đan Mạch, Thụy Điển hay Phần Lan. “Nhập khẩu giáo dục” hy vọng tiếp cận được giáo dục tiên tiến của các nước Bắc Âu vào trong nước như chuyến đi của Bộ trưởng trong nhiệm kỳ này.
Nhưng chúng ta sẽ được gì, nếu như nền giáo dục vẫn xây trên một nền móng không điểm tựa, mất niềm tin cho lớp trẻ và Tư lệnh ngành người đi sau vẫn phủ nhận người đi trước để tìm một dấu ấn nhiệm kỳ nhằm thỏa mãn cái tôi, cái tư duy nhiệm kỳ?!