Người có nhà hơn 700 triệu đồng sẽ bị thu thuế?
LTS: Để rộng đường dư luận, kể từ hôm nay báo điện tử Dân Việt sẽ đăng tải những ý kiến, trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý liên quan đến nội dung này để bạn đọc có cái nhìn thấu đáo về một chính sách dự báo sẽ ảnh hưởng tới nhiều gia đình nếu được thông qua.
|
Để góp thêm một cách nhìn Dân Việt xin được giới thiệu với bạn đọc ý kiến của TS. Đinh Thế Hiển.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, thuế vào nhà trên 700 triệu đồng, khoan nói đúng hay sai, sẽ là vặt lông con ngỗng hoặc con đại bàng, vì người có nhà trị giá trên 700 triệu đồng, không phải là vịt (dù mua trả góp)!
Với cách tính này, một căn hộ có giá trị khoảng 1,7 tỷ đồng thì chủ sở hữu phải nộp 4 triệu đồng một năm thuế tài sản cho phần một tỷ đồng vượt ngưỡng chịu thuế. Ngay sau khi công bố, phương án tính thuế của Bộ Tài chính đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Người có nhà trị giá trên 700 triệu đồng, không phải là vịt!
Theo TS. Đinh Thế Hiển, thuế quan trọng, cần phải thực hiện để đáp ứng công bằng cho mọi người dân (70% là người thu nhập trung bình và nghèo) và phát triển cho Quốc gia và an sinh xã hội (ở các nước phát triển, đó là nguồn thuế ổn định và lớn để ngân sách chi cho phát triển hạ tầng và an sinh xã hội).
Các sắc thuế đang được ví von như là vạch lông vịt. Đúng, có những thuế phí như thu BOT không đúng chỗ, thuế môi trường vào xăng dầu quá cao đang vặt lông vịt là chính (đa số người trung bình và nghèo bị ảnh hưởng nặng nhất); còn thuế vào nhà trên 700 triệu đồng, khoan nói đúng hay sai, sẽ là vặt lông con ngỗng hoặc con đại bàng, vì người có nhà trị giá trên 700 triệu, không phải là vịt (dù mua trả góp)!
Đưa ra những lập luận sắc bén bảo vệ quan điểm trên, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, thuế quan trọng nhất cho công bằng và phát triển: Thuế tài sản (chủ yếu vào sở hữu bất động sản); Nếu không ra sắc thuế này, Việt Nam có thể bị kéo giật về thời Phong kiến kiểu mới, ở đó không phải những nhà sáng tạo, sản xuất kinh doanh tài giỏi chân chính là nhóm dẫn dắt; mà chính là những người có nhà đất lớn, những địa chủ, lãnh chúa đời mới là nhóm cầm chịch!
Tình trạng giá nhà đất tăng mọi địa phương, sẽ có lúc đóng băng nhưng rồi sẽ tăng tiếp. Ban đầu sẽ không thấy tác hại, vì tăng giá thì người có đất được lợi. Nhưng lâu dài sẽ làm những người trẻ muốn mua nhà sẽ không mua nổi, người ra kinh doanh sẽ không chịu nổi mặt bằng, mọi nguồn vốn sẽ không đổ vào sản xuất kinh doanh chân chính, mà có phần lớn mà đổ vào bất động sản vì an toàn và hiệu quả hơn (hiện nay đã bắt đầu)… dần dần quốc gia sẽ kiệt quệ trên đống nhà đất quy ra tiền khổng lồ hơn bất cứ nước nào, nhưng sản xuất kinh doanh, tiêu dùng đều mất lửa, đa số người lao động sẽ nghèo khổ; một ít người có đất sẽ “ngồi mát ăn bát vàng”… Nhật Bản đã gánh chịu đợt tăng giá BĐS thập niên 1980, đến nay hậu quả vẫn còn tác động, dù đó là quốc gia siêng năng lao động, sáng tạo và giàu có bật nhất.
Nguyên nhân cốt lõi nào khiến nhà đất cứ tăng, và sẽ tăng. Đó là vì luôn luôn có lực mua của mọi người dân; tại sao người dân cứ yên tâm mua đất rồi chờ tăng giá, mà các nước phát triển giàu tiền hơn không (dám) làm? Đó chính là Việt Nam chưa áp dụng thuế tài sản (chủ yếu là BĐS) điều đó đang làm kinh tế Việt nam đi lùi về thời Phong kiến, ở đó địa chủ và lãnh chúa thời mới, tức là những người sở hữu nhà đất sẽ sống ung dung; còn tá điền thời mới (công nhân, nhân viên) phải làm cật lực mà không có được cuộc sống xứng đáng như đáng lẽ phải có của người lao động siêng năng như các nước phát triển. Quan sát các nước phát triển cho thấy những nước có thuế suất tài sản (bất động sản) cao, không hề làm đa số người dân bị “vặt lông vịt”; mà ngược lại, đều có mức sống của số đông tốt hơn.
Thuế quan trọng nhất cho công bằng và phát triển
Cũng theo TS Đinh Thế Hiển, có lẽ đây là sắc thuế đánh động vào rất nhiều người dân; ngay cả rất nhiều người không sở hữu 1 căn nhà giá 700 triệu đồng cũng lo lắng sợ bị vặt lông vịt; còn một số người có nhà trên 700 triệu đồng (không có căn nhà thứ 2) thì thấy mỗi tháng mình bị mất đi một số tiền.
Để nhận định việc đánh thuế này là đúng hay sai, chúng ta không nên lao vào tranh luận theo dạng cảm tính; mà lần lượt nhận định từng câu hỏi, và chọn lựa quan điểm để rút ra nhận định riêng cho mình. Các câu hỏi phải đi từ dạng nguyên lý (triết học, Kinh tế học vĩ mô); đến hoàn cảnh quốc gia (có nên áp dụng ?) và kỹ thuật thực hiện (áp dụng như thế nào ?).
Ở các nước phát triển, đặc biệt là các nước có xu thế theo CNXH như Bắc Âu đã chọn: người giàu phải góp nhiều hơn.
Người dân các quốc gia này rất khinh ghét người khá giả trốn thuế, xem ngang với kẻ trộm cắp và tham nhũng; những người giàu đóng thuế đủ (cao hơn người nghèo) được khen ngợi mà không cần làm từ thiện; một số người giàu như W.Buffet còn kêu gọi tăng thuế cho họ; các Bác sĩ Canada lương quá cao yêu cầu giảm lương họ để tăng cho nhóm Điều dưỡng, y công…
Đối với một quốc gia hiện đại; thuế là cách đóng góp chính của người dân; những cách khác là bất hợp lý hoặc muốn làm hay không thì tùy.