Cán bộ cấp chiến lược là ai?
Nguồn:Báo Điện tử Dân trí
Hôm nay (7/5), Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XII sẽ được khai mạc tại Hà Nội. Một trong những nội dung chính của hội nghị được đưa ra thảo luận là công tác nhân sự của Đảng. Nhân dịp này, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân đã có bài viết gửi tới Dân trí. Ban biên tập báo Dân trí xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội đã có nhiều ý kiến xác đáng về công tác nhân sự của Đảng
Nói đến cán bộ cấp chiến lược (hay chiến lược gia, chính trị gia) là nói đến lực lượng tinh hoa trong xã hội, có trí tuệ, năng lực và phẩm hạnh vượt trội, đại diện cho hồn cốt, tinh tuý dân tộc, là nguyên khí của quốc gia, đủ tầm dẫn dắt đất nước phát triển bằng tiềm năng, lợi thế sẵn có. Ở nước ta hiện nay, Đại hội toàn quốc của Đảng, BCH Trung ương và Quốc hội là những cơ quan hoạch định chủ trương, đường lối chiến lược. Tuy nhiên, một bộ phận thành viên của các cơ quan này chưa hẳn đã hội đủ các tiêu chuẩn của cán bộ cấp chiến lược. Việc xác định và phân loại cán bộ trên thực tiễn còn có sự nhầm lẫn ở từng lĩnh vực cụ thể, trong đó có cán bộ cấp chiến lược và cấp chiến thuật.
Vậy, cán bộ cấp chiến lược là ai?
Từ thực tiễn, có thể khái quát ra đây năm tiêu chí nổi bật, thường có của cán bộ cấp chiến lược thời nay:
Trước hết, họ là những người có năng lực tư duy vượt trội. Đó là khả năng thấu hiểu quy luật vận động của tự nhiên - xã hội, cảm nhận được những biến thiên của đất, trời, thấu tỏ muôn triệu nhân tâm, để dự báo được quá trình hình thành, phát triển, diệt vong và sự tuần hoàn sinh, tử của vạn vật. Đây được coi là tiêu chuẩn hàng đầu của các chính trị gia, là nền tảng tri thức để họ tự mình khởi xướng, hoạch định được đường lối, chính sách chiến lược đúng đắn. Điều này cũng đồng nghĩa họ chính là những lý thuyết gia, nhưng không phải là lý thuyết suông, ngẫu hứng phát ngôn tuỳ tiện, mà thiếu đi những luận chứng, luận cứ thuyết phục.
Để đạt được tố chất ấy, ngoài trí tuệ thiên bẩm, họ phải có quá trình học tập, rèn luyện hà khắc, trải qua quá trình “nấu sử, sôi kinh” và được thừa nhận qua các kỳ thi, sát hạch nghiệt ngã. Xưa kia, các vị trạng nguyên đã đăng quang từ các kỳ thi “tam trường” và ngày nay, các chính trị gia xuất lộ qua những đợt vận động tranh cử ở các quốc gia phát triển. Bằng con đường căn bản ấy, lịch sử nhân loại và lịch sử nước nhà đã có những chính trị gia kiệt xuất.
Thứ hai, họ là những người có khả năng tổng kết thực tiễn, tường minh thực trạng, biết rõ được, mất và phải biết làm gì để đạt được mục tiêu đặt ra. Để có được tố chất này, thì ngoài năng lực tư duy vượt trội, họ phải biết nắm bắt, quan sát toàn diện những diễn biến của thời cuộc, biết lắng nghe tiếng nói chung của hàng triệu trái tim. Có như vậy, mới kịp thời điều chỉnh đường lối, chính sách chiến lược, thậm chí cả những sai lầm, từ đó, đưa ra các giải pháp hữu hiệu, phù hợp với xu hướng vận động của thực tiễn, trúng với ý chí, nguyện vọng của muôn dân, để dẫn dắt xã hội đi theo con đường đã chọn.
Thứ ba, họ là những người có khả năng tổ chức lực lượng vật chất, sức mạnh tinh thần của cộng đồng xã hội một cách khoa học, hợp lý để triển khai đường lối, chính sách chiến lược trong thực tiễn. Để đạt được tố chất ấy, họ phải có năng lực phân tích, đánh giá chính xác các nguồn lực vật chất hiện có, hiểu được công năng, lợi thế tiềm tàng của từng nguồn lực để sắp xếp, bố trí theo trật tự ưu tiên. Từ đó, tìm ra được điểm kích hoạt hợp lý, làm “bùng nổ” có tính dây chuyền sức mạnh tự nhiên của các nguồn lực ấy.
Với sức mạnh tinh thần, họ chính là người có khả năng thuyết phục muôn người bằng chính tấm gương về trí tuệ và phẩm hạnh đạo đức của bản thân, làm ngọn cờ dẫn dắt các lực lượng xã hội đi theo. Đó chính là năng lực tổ chức, vận hành bộ máy, khả năng khai thác triệt để nguồn lực và biết trọng dụng nhân tài. Có minh quân, ắt có chiêu hiền, đãi sĩ. Tài kinh bang, thế thế của thủ lĩnh chính trị là biết thực bồi nguyên khí, chấn diệu hồng đồ, để muôn dân ngưỡng vọng và vạn sĩ hàm đan, mà đi theo.
Thứ tư, với vị thế lương đống của quốc gia, xã tắc, họ là những người có lòng tự trọng và liêm sỉ. Phàm ở đỉnh cao quyền lực, họ thực sự là người hội đủ các phẩm chất của Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Với bản thân, thì hết mực liêm chính, khiêm cung, biết đề cao lòng tự trọng của kẻ sĩ. Với công việc, thì họ coi trọng danh dự, nhân phẩm của cá nhân và tập thể; biết tiến, thoái đúng thời, không ham hố hư danh. Trong từng hành xử, họ biết bảo vệ cái đúng, lên án cái sai; bao dung, độ lượng, nhưng rất mực nghiêm khắc với các hành vi trái đạo. Với họ, địa vị và quyền lực chỉ là điều kiện thực hành chính sự và cao hơn cả là uy tín cá nhân. Đó chính là quyền uy, được hình thành từ sự tự giác phục tùng của thuộc cấp và họ chỉ sử dụng quyền lực như là hành xử cuối cùng, khi đối tượng không còn khả năng giáo dục, thuyết phục.
Thứ năm, họ là những người chí thành tâm huyết, dốc lòng, dốc sức đem hết khả năng cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc và nhân dân mà không màng đến lợi ích cá nhân và gia đình. Đây chính là phẩm hạnh vượt trội tạo nên ảnh hưởng sâu rộng của những bậc hiền tài đối với xã hội và hệ thống chính trị. Và phẩm chất này thường chỉ có ở những “bậc nhân kiệt, thế thiên hành đạo”, biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; biết khoan hoà, cơ mưu, quyền biến trong các mối quan hệ bang giao với ngoại quốc để bảo vệ bằng được lợi ích dân tộc.
Những phẩm chất của cán bộ cấp chiến lược vừa kể trên, rõ ràng khác xa với tiêu chuẩn của cán bộ cấp chiến thuật, vốn dĩ là cấp triển khai, thực thi đường lối, chính sách lớn bằng các giải pháp cụ thể. Bởi thế, không thể vì thành tích nổi bật của cán bộ cấp chiến thuật, mà dễ dàng đồng nhất với cán bộ cấp chiến lược để bố trí nhầm vai. Một cán bộ năng động trong chỉ huy, điều hành chưa hẳn trở thành chính trị gia; một cán bộ có năng lực nghiên cứu khoa học chưa hẳn trở thành nhà quản lý; một cán bộ giỏi trong công tác phong trào chưa hẳn trở thành chính khách. Dụng nhân như dụng mộc là vậy!
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đã có những vị thánh đế, minh quân xuất chúng, vì việc nước và dựa trên thực đức, thực tài tương xứng của cá nhân mà chọn người giữ các vị trí rường cột quốc gia, như Lý Thái Tổ, Hưng Đạo Đại Vương, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, cùng nhiều bậc tiên liệt khác, và thời đại chúng ta có Bác Hồ.
Khi Lễ phong quân hàm cấp tướng được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên phương Tây đã hỏi Hồ Chủ tịch vì sao một lúc phong nhiều tướng, nhiều tá như vậy? Việc phong cấp này được tiến hành dựa theo những tiêu chuẩn nào? Bác đã trả lời giản dị: “Đánh thắng Đại tá phong Đại tá; đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng; thắng Trung tướng phong Trung tướng; thắng Đại tướng phong Đại tướng”. Không chỉ vậy, Bác đã tiến cử, bổ nhiệm nhiều nhân sĩ, trí thức không phải là Ủy viên Trung ương Đảng để giữ chức vụ bộ trưởng trong Chính phủ ở ngay thời kỳ chế độ dân chủ cộng hoà mới được khai sinh.
Đất nước lúc này cần lắm một thế hệ cán bộ cấp chiến lược hội đủ những tiêu chuẩn căn bản của Đức, Tài để dẫn dắt sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh. Hiền tài của quốc gia thời nào cũng có và ngày nay không thiếu. Điều quan trọng là cách thức nhận diện ra họ là ai, ở đâu và bằng cách nào? Nếu cứng nhắc, rập khuôn, khép kín và thiếu cái tâm trong sáng, thì khó lòng xây dựng được lực lượng rường cột của hệ thống chính trị và của bộ máy nhà nước.
Đó chính là một trong những chủ đề chính của “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" mà Hội nghị lần thứ 7, BCHTW khoá XII sẽ xem xét, quyết định.
Hy vọng vào sự sáng suốt, anh minh của Hội nghị này!
ĐBQH Lê Thanh Vân