Xã hội pháp quyền phải quản lý bằng pháp luật, không phải bằng nghĩa khí
Xã hội pháp quyền phải quản lý bằng pháp luật, không phải bằng nghĩa khí
Nguồn:Báo Điện tử Vietnamnet
Việc cổ vũ các "hiệp sỹ" rồi nhân rộng điển hình thành phong trào, sẽ khiến cho người ta có cảm giác xã hội quay về thời kỳ chưa có nhà nước khi công lý và trật tự trông chờ vào cá nhân xuất chúng...
Vụ trọng án khiến cho 3 người tử vong , 4 người bị thương vì phát hiện và chống trả một băng nhóm trộm xe máy ngay tại trung tâm TPHCM tối qua làm mọi người dân bàng hoàng.
Không thể phủ nhận họ là những con người dũng cảm, dám xả thân vì người khác. Điều đó đặc biệt đáng trân trọng trong một xã hội mà sự ích kỷ và vô cảm trở nên phổ biến.
|
Truy bắt trộm cướp, 2 hiệp sĩ và 1 dân thường ở Sài Gòn bị đâm tử vong. Ảnh: VietnamNet. |
Tuy nhiên theo quy định của pháp luật, không một người dân nào có thể thay thế vai trò của cảnh sát. Và cao hơn cả là nguyên tắc, một xã hội pháp quyền phải luôn được quản lý bằng pháp luật chứ không phải bằng nghĩa khí.
Nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trấn áp tội phạm là của các cơ quan chuyên nghiệp. Các lực lượng này hưởng lương từ ngân sách, từ tiền thuế dân để bảo vệ an ninh trật tự cho xã hội và đảm bảo an toàn cho cư dân. Họ được đào tạo bàn bản, được huấn luyện và có trang bị vũ khí cần thiết. Hơn nữa, họ được phép bắt kẻ gian và được pháp luật bảo hộ.
Còn nếu cơ quan chuyên nghiệp chưa hoàn thành vai trò đó, xã hội cần đòi hỏi họ phải làm tốt hơn, bằng việc tuyển dụng những con người có trách nhiệm tốt hơn nữa, trang bị và huấn luyện tốt hơn nữa, giám sát thực hiện tốt hơn nữa thay vì cổ xúy cho các nhóm hiệp sĩ trấn áp tội phạm tự phát.
Người dân hoàn toàn có thể tham gia hỗ trợ các cơ quan chức năng qua việc cũng cấp thông tin, hỗ trợ cảnh sát hay trong một số tình huống tham gia bắt cướp nhưng không thể thay thế cơ quan an ninh, cảnh sát.
Trấn áp tội phạm là một việc cực kỳ nguy hiểm, đòi hỏi có nghiệp vụ và có vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện phù hợp.Các nhóm Hiệp sỹ đường phố này rất dễ bị thương vong khi trộm cướp manh động, quay trở lại tấn công họ trong khi họ không hề có vũ khí. Nếu khi Hiệp sĩ đường phố bắt cướp mà làm cướp thương tật hay tử vong thì họ có thể bị ra Tòa, bị kết tội. Việc không có chuyên môn và không nằm trong tổ chức dễ khiến các nhóm Hiệp sỹ đường phố phạm luật khi theo dõi một vài công dân nào đó mà họ tưởng lầm là cướp. Đó là chưa kể tới việc lạm quyền, bắt tay với trộm cướp và bảo kê có thể xảy ra vì không minh bạch.
Một người bạn của tôi là người Canada gốc Việt kể rằng, có một người Canada gốc Việt mà anh biết, một lần ra ngân hàng giao dịch bằng chi phiếu. Đang giao dịch dang dở thì có bọn cướp xông tới. Anh bèn giữ chặt một tên cướp để bảo vệ mấy tấm chi phiếu, mặc cho cướp bắn anh trúng vai. Khi cảnh sát tới, cướp bị bắt, nhưng cảnh sát không khen anh mà nói “Lần sau ông đừng làm vậy, nguy hiểm lắm. Việc bắt cướp là của chúng tôi.”
Trong khi ở ta, ví dụ ở Bình Dương, có cả một văn bản của UBND tỉnh khuyến khích thành lập các CLB Phòng chống tội phạm từ 2006 với các quy chế riêng. Không ít Hiệp sỹ được tặng bằng khen vì thành tích bắt cướp. Ví như anh Trần Văn Hoàng, trưởng nhóm Hiệp sỹ Tân Bình, nhóm vừa theo dõi và bắt cướp tại quận 3 tối hôm qua ở TPHCM . 20 năm qua anh đã tham gia công việc này và nổi tiếng được khen vì đã bắt được 500 tên trộm cướp.
Bởi vậy ông Đinh Thế Hưng, Viện Nhà nước và Pháp luật, từng bày tỏ quan điểm trong một bài viết trên Tuần Việt Nam rằng, sự lộng hành của tội phạm, máu yêng hùng, sự thờ ơ vô cảm của một số người có trách nhiệm kết hợp với cổ vũ quá đà của dư luận sinh ra "hiệp sỹ" hiện đại
Ông Hưng cũng nhấn mạnh, việc cổ vũ các "hiệp sỹ" rồi nhân rộng điển hình thành phong trào, sẽ khiến cho người ta có cảm giác xã hội quay về thời kỳ chưa có nhà nước khi công lý và trật tự trông chờ vào cá nhân xuất chúng và rất gần với cách hành xử theo kiểu tự xử hoang dã.
Và thực tế đã có không ít Hiệp sỹ đường phố bị đe dọa, bị đánh, và lần này sự việc đã đi quá xa, 2 hiệp sỹ bị đâm chết, 1 người bị thương nặng. Đã đến lúc cần xem lại cách quản trị xã hội theo đúng tinh thần và quy định của luật pháp. Nếu tình trạng tự xử trong dân chúng diễn ra phổ biến thì chính quyền các cấp cũng nên giật mình xem lại trên phương diện hiệu quả hoạt động và niềm tin của dân chúng, ông Đinh Thế Hưng kết luận.
Một báo cáo hồi tháng 1/2018 của Công an TPHCM cho thấy năm 2017, cơ quan này đã triệt phá 443 băng nhóm tội phạm. Các loại tội phạm trên địa bàn TP.HCM được kiềm chế, tỷ lệ tội phạm được kéo giảm nhưng phức tạp hơn. Công an một số quận ở TPHCM cũng hợp tác với dân khi khuyến khích người dân lắp camera an ninh và thông báo thông tin tội phạm nhanh chóng qua Zalo, qua mạng xã hội.