"Thế thượng phong" của ông Kim Jong-un trên bàn đàm phán hạt nhân
Nguồn:Báo Điện tử Dân trí
Giới phân tích cho rằng lời đe dọa hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với Mỹ không phải là hành động “trở mặt” của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, mà là cách Bình Nhưỡng cho thấy ai thực sự là người “cầm trịch” trong cuộc chơi .
Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên xuất hiện trong bản tin phát trên truyền hình Hàn Quốc tại nhà ga Seoul (Ảnh: AP)
Vào thời điểm cả thế giới đang chờ đợi những động thái ngoại giao của chính quyền Kim Jong-un trước khi cam kết phi hạt nhân hóa được thực hiện, Triều Tiên bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp cấp cao với Hàn Quốc dù chương trình nghị sự đã được lên kế hoạch từ trước. Thậm chí, Bình Nhưỡng còn dọa sẽ hủy tiếp hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều, dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore.
Trong lịch sử hàng chục năm qua, các chính quyền Triều Tiên từng nhiều lần tự ý rút lui, xoay chiều hay cho thấy sự “tiền hậu bất nhất” trong các cơ chế ngoại giao song phương và đa phương. Tuy nhiên, lời đe dọa hủy họp lần này khác với những lần trước đó. Theo giới phân tích, đây không phải là “trò trở mặt” hay là hành động lặp lại chiến thuật từng được Bình Nhưỡng vận dụng nhiều lần khi nước này thường xuyên đổi ý trong các cuộc đàm phán với nước ngoài.
Lần này, những gì Triều Tiên đã làm hoàn toàn phù hợp với các tuyên bố mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các trợ lý của ông đưa ra trong những tuần gần đây. Những hành động của Bình Nhưỡng cũng được đánh giá là “chấp nhận được” theo tiêu chuẩn của một quốc gia “bình thường”.
Lập trường trái ngược
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các chuyên gia về hạt nhân của Triều Tiên (Ảnh: AFP)
Ngay sau khi ý tưởng về cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un xuất hiện, các quan chức Triều Tiên đã tuyên bố rõ ràng rằng mục tiêu của bất kỳ thỏa thuận nào đều là “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, chứ không chỉ đơn thuần là phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Ngoài ra, giới chức Triều Tiên cũng mong muốn đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa thông qua “các biện pháp đồng bộ và theo từng giai đoạn”. Nói cách khác, Bình Nhưỡng kỳ vọng sự nhượng bộ dần dần đồng thời của cả hai bên trong khoảng thời gian dài.
Tuy vậy, cả Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người từng thực hiện 2 chuyến đi tới Bình Nhưỡng để gặp ông Kim Jong-un và chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Singapore, đều không ủng hộ những kỳ vọng của Triều Tiên. Thậm chí, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, ông John Bolton, còn lên tiếng phủ nhận cách tiếp cận của Bình Nhưỡng.
Trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Bolton tuyên bố chỉ sau khi Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, cũng như tên lửa đạn đạo, vũ khí hóa học và các cơ sở vũ khí của nước này, Mỹ mới đưa ra các khoản viện trợ kinh tế và đầu tư để giúp Bình Nhưỡng phát triển thịnh vượng. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump thậm chí còn mong muốn áp dụng mô hình phi hạt nhân hóa kiểu Libya hồi năm 2004 đối với Triều Tiên.
Lập trường của Mỹ hoàn toàn trái ngược với Triều Tiên. Theo định nghĩa của Bình Nhưỡng, việc phi hạt nhân hóa sẽ phải áp dụng đối với toàn bộ lực lượng trên bán đảo Triều Tiên, nghĩa là bao gồm các lực lượng quân sự của Mỹ tại và xung quanh lãnh thổ Hàn Quốc. Trong tuyên bố hôm 16/5, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-Gwan cũng chỉ trích “mô hình Libya” của ông Bolton và gọi đây là ý tưởng “hoàn toàn lố bịch”.
Đồ họa các lực lượng quân sự Mỹ xung quanh Triều Tiên (Đồ họa: BBC)
“Tôi không thường nói ra điều này, nhưng những gì ông Kim Kye-Gwan, nhà đàm phán cấp cao kỳ cựu của Triều Tiên về hạt nhân cũng như các vấn đề khác, là chính xác”, cây bút Fred Kaplan viết trên Slate.
Thứ nhất, Libya chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này, đồng ý chuyển toàn bộ trang thiết bị tới phòng thí nghiệm Oak Ridge tại bang Tennessee của Mỹ trước khi các nhà khoa học Libya chế tạo thành công một quả bom hạt nhân hoặc một đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Triều Tiên đã chế tạo được và thử nghiệm một vài vũ khí hạt nhân cũng như tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Thứ hai, như Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đề cập, Libya đã gánh “một số phận đau khổ” khi nhà lãnh đạo nước này là Muammar Gaddafi bị sát hại trong cuộc nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn, không lâu sau khi ông đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Do vậy, bất kỳ ai nhìn vào “tấm gương” của Libya, hay của nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein, đều sẽ khó chấp nhận việc phi hạt nhân hóa để đổi lấy viện trợ kinh tế hay bất kỳ lời hứa hẹn nào tương tự. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un không phải là ngoại lệ.
Theo Thứ trưởng Kim Kye-Gwan, những tuyên bố của ông Bolton không thể hiện thiện chí muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, mà là ý đồ xấu xa của Mỹ nhằm biến Triều Tiên thành quốc gia mang số phận tương tự Iraq hoặc Libya - những nước bị sụp đổ do sức ép từ “các cường quốc”.
Vai trò của ông Kim Jong-un
Bằng việc đưa ra những yêu cầu mà giới quan sát cho rằng ông Kim Jong-un sẽ không bao giờ chấp thuận, Tổng thống Trump đang rơi vào vòng xoáy chiến lược của Triều Tiên. Nếu cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bị hủy hoặc kết thúc với kết quả tồi tệ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể giải thích rằng, bản thân ông đã thể hiện thái độ hòa hoãn chân thành, đề xuất những biện pháp phù hợp với các cơ chế đàm phán toàn cầu (phi hạt nhân hóa đồng bộ theo từng giai đoạn), nhưng Tổng thống Trump lại là người hoàn toàn vô lý.
Trong trường hợp Triều Tiên không tìm được tiếng nói chung với Mỹ và Tổng thống Trump nhất quyết đi theo lập trường cứng rắn của cố vấn an ninh Bolton, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ theo đuổi chiến dịch đàm phán hòa bình riêng rẽ với quốc gia láng giềng - điều mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang chờ đợi.
Việc Triều Tiên quay lưng với Mỹ và xích lại gần Hàn Quốc có thể sẽ khoét thêm hố sâu ngăn cách trong mối quan hệ đồng minh giữa Washington và Seoul. Tổng thống Moon sẽ khó có thể để ông Trump thực hiện lời đe dọa trút “hỏa lực và thịnh nộ” vào Triều Tiên vì lo ngại rằng cuộc chiến này sẽ cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân Hàn Quốc.
Trong bất kỳ trường hợp nào, một điều có thể dễ dàng nhận thấy là nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang ngồi ở vị trí làm chủ cuộc chơi, không chỉ trong cuộc gặp với Tổng thống Trump, mà còn trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng như mối liên kết phức tạp với Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo đó, chính quyền Kim Jong-un có thể đang truyền tải một thông điệp ngầm rằng: Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và không ai có thể thay đổi điều đó bằng những viễn cảnh mơ hồ.