Đề nghị thanh tra dự án 'nở' vốn từ 72 lên 2.600 tỉ ở Ninh Bình
Nguồn:Báo Điện tử Thanh Niên
Sau khi đại biểu Ninh Bình tranh luận về việc đội vốn 36 lần của dự án nạo vét sông Sào Khê, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị thanh tra dự án này để minh bạch với cử tri và “các đồng chí Ninh Bình khỏi thắc mắc”.
Chiều 28.5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề cập đến hiện tượng “đầu chuột đuôi voi” của kinh phí đầu tư của các dự án, đặc biệt dự án nạo vét sông Sào Khê ở Ninh Bình, vừa được Kiểm toán Nhà nước kết luận.
“Cử tri giật mình về dự án nạo vét sông Sào Khê với vốn phê duyệt ban đầu là 72 tỉ, sau đó cứ nở dần, nở dần lên đến gần 2.600 tỉ. Quả là quá sức tưởng tượng. Có thể nói, cả thế giới khó có thể tìm ra một loại "bột nở" nào để làm nở kinh phí đầu tư lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau là con voi mà là voi ma mút như vậy”, đại biểu ví von.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trí, ở Việt Nam "rất lạ là không ít dự án nở dần như vậy, trong tất cả những lĩnh vực đường sá, cầu cống, nhà máy, trường, tượng đài, bệnh viện,... cả vật thể và phi vật thể, mà toàn là trăm, ngàn tỉ cả. Chúng tôi cứ nghĩ vậy Chính phủ lấy kinh phí ở đâu để bù vào, khi ngân sách hàng năm đã được Quốc hội phân bổ hết?”.
Ngay sau đó, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) đã đứng lên tranh luận, “giải tỏa băn khoăn của cử tri về dự án”.
Theo đại biểu Phương, trước khi có luật về đầu tư công, các dự án đầu tư có sự điều chỉnh là "hiện thực", nhưng không phải các dự án điều chỉnh tổng mức đầu đầu tư đều là "sai, có mờ ám".
“Nếu chỉ nhìn con số từ 72 tỉ lên gần 2.600 tỉ đồng thì người dân sẽ đặt nhiều câu hỏi băn khoăn, nhưng dự án bắt đầu từ 2011 với mục tiêu nạo vét sông phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, nhưng do dòng sông chạy qua lõi di sản thế giới Tràng An, Ninh Bình là vùng đất du lịch, nên dự án được điều chỉnh lại với 4 mục tiêu: sản xuất nông nghiệp, tôn tạo cố đô Hoa Lư, phục vụ giao thông thuỷ, phục vụ công trình du lịch”, đại biểu Phương lý giải.
Nguồn lực làm dự án này, theo đại biểu, không phải hoàn toàn là vốn nhà nước, mà chỉ hơn 1.400 tỉ đồng vốn ngân sách, còn lại là xã hội hóa.
“Có dự án ngày hôm nay góp phần đưa Ninh Bình có di sản Tràng An, thì việc điều chỉnh là hợp lý”, đại biểu Phương nêu quan điểm.
Phản biện lập tức, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, không có biện luận nào hợp lý cho việc dự án đội vốn lớn đến như vậy. Theo ông Nghĩa, dự án đội vốn 36 lần, từ 72 tỉ lên gần 2.600 tỉ, đồng thời Ninh Bình cũng là nơi có nợ đọng lớn lên đến 5.900 tỉ, trong khi số vốn bố trí chỉ có 2.000 tỉ, tức là có trên 65% chưa có phương án bố trí nguồn.
"Có một dự án đầu tư phát triển mà tăng vốn đến ba mấy lần như thế thì ta không có giải thích gì thêm được, vì đầu tư phát triển quan trọng nhất là hiệu quả. Dự án kéo dài đã không hiệu quả, thì sẽ tác động ngược trở lại nền kinh tế, nó là gánh nặng của nền kinh tế”, đại biểu Nghĩa nói thẳng.
Do đó, đại biểu này đề nghị “tốt nhất là thanh tra dự án này, đi đến kết luận đâu là khách quan, đâu là chủ quan. Nếu như đáng khen thưởng thì ta khen thưởng, chỗ nào đáng sửa chữa, phải rút kinh nghiệm thì ta rút kinh nghiệm, còn giải trình ở đây không thể nào giải trình hết. Trong trường hợp thế này, tôi kiến nghị thanh tra để các đồng chí Ninh Bình khỏi thắc mắc, mà cử tri cũng thấy minh bạch rõ ràng”.
Tiếp tục tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, dù đại biểu Phương nói vốn nhà nước chỉ có 1.400 tỉ đồng, nhưng con số đó đã là quá nhiều.
“Các đồng chí nói rằng dự án đó quan trọng vì đó là nơi vua ở, thì các đồng chí không thương người dân Tây Bắc không có cơm ăn, không thương những đoạn đường Tây Bắc, Tây Nam rất khó đi lại. Chúng tôi chỉ cần có 1.000 tỉ đồng thôi thì sẽ có biện pháp giải quyết một căn bệnh có thể cải thiện giống nòi, nhưng chúng tôi không dám xin, mà xin cũng không có”, đại biểu Trí nêu.