Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội với 3 nhóm vấn đề nóng dư luận đang quan tâm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Trong buổi trả lời chất vấn sáng nay có tới hơn 80 đại biểu đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Nhạ dẫn tới nghẽn hệ thống.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: "Ngành Giáo dục với hơn 22 triệu học sinh sinh viên cả nước và 1,4 triệu thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục có ảnh hưởng, liên quan mọi người, mọi nhà. Ý thức được trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân ngành Giáo dục đã quyết tâm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, Nghị quyết về đổi mới SGK và các nghị quyết, nghị định khác. Trong thời gian qua, ngành với nhiều nỗ lực, ngành có những kết quả bước đầu, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nước nhà.
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rộng lớn cần có thời gian để phát huy kết quả đổi mới. Bản thân ngành Giáo dục còn nhiều yếu kém, hạn chế, thiếu sót. Trong thời gian qua, còn nhiều việc hạn chế tồn tại gây bức xúc dư luận, nhiều vấn đề chưa đáp ứng kì vọng của nhân dân. Chúng tôi xin chịu trách nhiệm và có chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ các vấn đề.
Giáo dục đang ở giai đoạn nào trên con đường quá độ?
Đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) chất vấn: "Cá nhân tôi rất trân trọng đánh giá cao nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Bộ trưởng trong thời gian qua. Tôi nhớ Bộ trưởng từng nói, Giáo dục của chúng ta đang trong giai đoạn quá độ. Xin hỏi chúng ta mất bao lâu để đi hết con đường này? Hiện nay chúng ta đã đi đến giai đoạn nào trên con đường quá độ đổi mới. Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng sẽ đạt bao nhiêu kết quả?"
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời: Giáo dục liên quan đến mọi người, đụng chạm đến toàn xã hội, nên đổi mới phải có lộ trình, có bước đi. Đổi mới giáo dục đào tạo không nóng vội được, trước khi đổi mới có tuyên truyền, ghi nhận ý kiến. Quá độ là cần thiết chứ không phải thấy bí, thấy vướng thì làm ngay mà phải quá độ, có lộ trình.
"Ngay thi cử cũng vậy, từ việc tổ chức hai kỳ thi trong năm chúng ta tổ chức lại một kỳ thi, rồi chỉnh sửa dần cho phù hợp. Bộ cũng nghiên cứu cùng với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, chứ không thể đổi mới ngay được", ông Nhạ khẳng định.
"Chúng ta đang ở đâu? Báo cáo đại biểu là chúng ta đang ở giai đoạn đổi mới và đạt nhiều hiệu quả. Ví dụ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, giáo dục tiểu học, kết quả PISA... chúng ta làm tốt, được quốc tế đánh giá cao".
Tư lệnh ngành Giáo dục cũng bày tỏ mong muốn cử tri, nhân dân, các vị đại biểu chia sẻ với những khó khăn của ngành.
"Chúng tôi tin rằng trong từng mốc thời gian sẽ có kết quả. Trong nhiệm kỳ của mình, chúng tôi tin rằng việc đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa phải đạt kết quả. Về đại học thì đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) nêu thực trạng 200.000 sinh viên thất nghiệp gây bức xúc trong xã hội và lãng phí nguồn lực, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết giải pháp của ngành Giáo dục trong thời gian tới. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đó là thực trạng có thật và nhấn mạnh để giải quyết vấn đề "cái gốc vẫn là chất lượng".
Chất lượng phải được chuẩn kiểm định quốc tế và thị trường. Giải pháp của Bộ là phối hợp giữa nhà trường với các doanh nghiệp, thị trường lao động. Bộ chỉ đạo ngành công nghệ thông tin và du lịch được đào tạo theo hướng trực tiếp gắn với phân bổ việc làm sau tốt nghiệp.
"Chúng tôi sẽ thực hiện các giải pháp về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tự chủ đại học để nâng cao chất lượng. Từng trường đại học phải chủ động nghiên cứu thị trường trước khi mở ngành đào tạo.
Mặc dù được tự chủ tuyển sinh nhưng không phải thích mở ngành gì thì mở, chúng tôi kiểm soát rất chặt vấn đề này. Nhà trường phải có trách nhiệm với lao động và xã hội. Chứ không phải khi tuyển sinh thì chào mời, chất lượng đầu ra thì không bỏ mặc".
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đặt vấn dề: Chúng ta đều biết hiện nay, các gia đình Việt gửi con em đi nước ngoài học rất nhiều, cả diện học bổng và tự túc. Một số nước có học phí khá cao, có nơi học phí 400-500 triệu đồng/ 1 năm . Bộ trưởng nghĩ gì về vấn đề này và có giải pháp gì để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này?
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc cho con cái đi du học không chỉ nói về vấn đề giáo dục mà có cả vấn đề về văn hóa, môi trường kinh tế... Hiện nay, việc các gia đình đưa con đến các nước phát triển học để nhận được điều kiện giáo dục tốt hơn là xu hướng. Trong thực tế, Nhà nước ta đã dành 20% ngân sách xây dựng giáo dục, tuy nhiên vai trò đóng góp của các thành xã hội, đặc biệt doanh nghiệp là rất lớn. Đây cũng là bài học thành công của Hàn Quốc, Trung Quốc về huy động nguồn lực cho giáo dục.
"Theo thống kê chưa chính thức, mỗi năm phụ huynh Việt bỏ chi phí đến 3-4 cho con đi du học. Bây giờ, chúng ta phải làm sao thu hút được các gia đình có điều kiện không chỉ lựa chọn cho con ra nước ngoài mới có nền giáo dục chất lượng tốt mà trong nước cũng có. Chúng tôi đã tham mưu Chính phủ khuyến khích các tập đoàn lớn đầu tư cho giáo dục.
Giáo dục phân khúc chất lượng cao, Nhà nước vẫn có trách nhiệm nhưng các doanh nghiệp sẽ có vai trò không nhỏ. Giải pháp là xây dựng chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng quốc tế, tăng đóng góp của tư nhân trong giáo dục chất lượng cao. Tới đây, trong Luật giáo dục chúng tôi sẽ khuyến khích tăng cường xã hội hóa giáo dục", ông Nhạ cho hay.
Bệnh thành tích đang trở lại!
Đại biểu Bùi Thị Thuỷ (Thanh Hoá) chất vấn: "Giấy khen hiện nay ở nhà trường đang dần mất giá trị do việc trao tặng quá dễ, thêm vào đó tình trạng học sinh giỏi hiện nay quá nhiều. Đó là biểu hiện rõ nhất của bệnh thành tích trong giáo dục, xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân gốc rễ của căn bệnh này và giải pháp chữa dứt điểm nó trong thời gian tới.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đáp: "Bệnh thành tích không phải bây giờ mới có mà đã xuất hiện từ lâu rồi. Bộ đã cố gắng nói không với bệnh thành tích. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đây là vấn đề không chỉ dừng lại ở quy định mà còn có những yếu tố về văn hóa, thói quen. Chúng tôi đã rất tích cực để làm sao hạn chế cái này, Bộ có nhiều văn bản bỏ/ hạn chế các cuộc thi và cũng có văn bản hướng dẫn không tích thành tích đó vào thi đua của trường lớp.
Tới đây, thông qua Luật Giáo dục chúng tôi đã đưa kế hoạch để làm sao kết quả phải phản ánh thật, có tính hậu kiểm. Những thầy cô nào thực hiện tốt đổi mới sáng tạo, có sản phẩm tích cực thì cơ sở và Bộ sẽ biểu dương chứ hạn chế đăng ký thi đua. Chính đăng ký thi đua mới là gốc gác khiến thầy cô phải chạy theo thành tích, chúng tôi rất hiểu điều này. Hiện nay, bệnh thành tích vẫn đang có dấu hiệu mạnh trở lại nhưng tới đây chúng tôi sẽ làm kiên quyết. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề này.
Chưa thỏa đáng với trả lời của Bộ trưởng Nhạ, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, Bộ trưởng nói gắn thành tích với việc đăng ký thi đua của các thầy cô giáo như vậy là chưa thoả đáng, thứ nhất như vậy là mâu thuẫn với luật Thi đua khen thưởng; thứ hai, đăng ký thi đua là đưa ra mục tiêu phấn đấu, cũng là cơ sở để đánh giá công tác của các thầy cô giáo. Tôi cho rằng đó không phải là lí do cốt lõi, cần phải tìm căn nguyên cốt lõi để khắc phục bệnh thành tích".
Bộ trưởng Nhạ đáp lời: Đăng ký thi đua là tốt nhưng thi đua không thực chất dẫn tới thầy cô bị áp lực trong thi đua. Thi đua không đúng tinh thần với chỉ đạo của Bộ, trong đó có việc chạy theo bảng điểm đẹp để con cái vào được lớp chọn trường chuyên thì Bộ không khuyến khích và đang khắc phục vấn đề này.
Giáo viên bị áp lực quá lớn?
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương chất vấn, vấn đề chuẩn trong giáo dục không chỉ gắn với nông thôn mới mà ngay ở đô thị, không phải ở đâu xa mà chỉ cách hội trường Quốc hội 5-7 phút. Trường đạt chuẩn quốc gia mà không có gì là chuẩn cả. Trường đạt chuẩn quốc gia mà không có sân trường đủ cho học sinh sinh hoạt, trường THCS mà bàn ghế tiểu học.
Thứ hai là vấn đề đạo đức xã hội, các đại biểu đã nhắc đến rất nhiều trong kì họp này. Bố mẹ học sinh nộp tiền cho các cháu đạt chuẩn để con được thi. Còn học sinh sẽ nghĩ về thầy cô như thế nào?
Bộ trưởng Nhạ trả lời, chuẩn nông thôn mới là một phần, còn nhiều chuẩn khác về trường đạt chuẩn như là sân chơi, bãi tập, sĩ số học sinh... Ngay thành phố Hà Nội có rất nhiều trường chưa đạt chuẩn vì sĩ số quá đông. Ở đây chúng tôi muốn nêu rằng trong quá trình để đạt chuẩn nông thôn mới, có những địa phương xin nợ chuẩn, chúng tôi đã nhắc nhở các địa phương để không cho phép tình trạng này tiếp diễn.
Thứ 2, liên quan tới đạo đức, không chỉ với học sinh mà các phụ huynh đã có những hoạt động vô tình khiến cho con em nhìn thấy là không đúng. Tới đây chúng tôi cũng đang nhắc nhở các nhà trường và phụ huynh để giải quyết tình trạng này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn.
Đại biểu, Đặng Hoàng Tuấn (Long An) đặt câu hỏi, có nhiều trường hợp cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau, cô giáo đánh học sinh... gây bức xúc trong dư luận xã hội. Phải chăng thầy cô giáo ngày nay đang phải chịu quá nhiều áp lực? Bộ trưởng có giải pháp gì?
Bộ trưởng Nhạ đáp lời, có rất nhiều thầy cô yêu nghề mến trẻ, xuất hiện một số thầy cô tiêu cực, gây ảnh hưởng tới xã hội, đạo đức... Nguyên nhân có nhiều, nhưng trong đó có trách nhiệm của ngành, trong đào tạo, kiểm soát, khiến cho một số thầy cô chưa đạt chuẩn.
Trong thực tế giáo viên chưa đạt chuẩn như thế chắc chắn còn nhiều hơn báo chí nêu tên. Đây là cảnh tỉnh đối với hiệu trưởng các trường. Trước hết là trách nhiệm của hiệu trưởng ở đâu. Gần đây cộng đồng giáo viên áp lực rất lớn cả về vật chất và tinh thần. Nhưng đây là con số nhỏ, không đại diện cho tất cả nhưng kiên quyết là phải loại bỏ.
Trong phần giáo dục phổ thông mới chúng tôi chú trọng giáo dục đạo đức và chất lượng giáo viên. Đồng thời, Bộ cũng tham mưu cho Chính phủ nâng cao chế độ dành cho giáo viên để giảm tải áp lực đời sống.
Tiếp lời Bộ trưởng Nhạ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các đại biểu và nhân dân bức xúc với các trường hợp giáo viên sử dụng bạo lực, giáo viên đến lớp không giảng bài là đúng nhưng đây chỉ là những trường hợp cá biệt, không phải phổ biến.
“Đừng nhìn vào đó để đánh giá chung các nhà giáo. Nhưng đại biểu nói về trách nhiệm của những người quản lý. ĐBQH mong muốn ngành giáo dục và các địa phương, các cấp phải vào cuộc, chứ không chỉ Bộ Giáo dục. Để xảy ra như thế, các cơ quan, các địa phương có biết, có trách nhiệm hay không?” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Chấm dứt tình trạng "phân luồng bắt buộc"
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đặt câu hỏi về chủ trương phân luồng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, nhằm tránh những bất cập hiện nay là tỉ lệ vào đại học quá lớn trong khi học nghề lại ít.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) chất vấn về vấn đề phân luồng giáo dục chưa tốt.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Đây không phải là vấn đề mới. Trung ương và Chính phủ đều có đề án chỉ đạo về vấn đề này nhưng thời gian qua, kết quả chưa tốt. Nguyên nhân có nhiều, nhưng nguyên nhân của ngành giáo dục thì căn cốt là nội dung, chương trình.
Học sinh chúng ta nặng học kiến thức, phần kỹ năng năng lực thực hành chưa tốt. Chúng ta cũng đã đưa ra một hệ thống giải pháp để phân luồng. Bộ sẽ thực hiện bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hướng nghiệp chuyên nghiệp, thời gian vừa qua đội ngũ này còn kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp.
Nhóm giải pháp căn cơ cho vấn đề này là tạo ra sự yêu thích đam mê chứ không phải giải pháp tình huống là thi đỗ đâu thì học đó. Trong chương trình phổ thông chúng tôi sẽ thiết kế tạo đam mê, đẩy mạnh phong trào giáo dục STEM.
Ngay từ khi học phổ thông thì phải làm tốt công tác hướng nghiệp, xây dựng một đội ngũ tư vấn hướng nghiệp thật tốt.
Tiếp theo là điều kiện để các em tiếp cận thị trường lao động, tiếp cận nghề nghiệp mới, đặc biệt là hiện nay là cuộc cách mạng 4.0. Đây là những tiếp cận rất quan trọng, chúng ta cần bồi dưỡng để giáo viên làm tốt công tác hướng nghiệp.
Hiện nay phân luồng giáo dục ở bậc phổ thông chủ yếu mang tính bắt buộc, tức là học sinh thi đại học không đỗ thì vào học nghề. Nếu kéo dài tình trạng phân luồng bắt buộc thì không ổn. Bộ thực hiện giải pháp một bên hướng nghiệp, một bên tạo sự hấp dẫn, khơi dậy đam mê, yêu thích, chủ động lựa chọn nghề nghiệp ở học sinh. Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung để có giải pháp tốt cho vấn đề phân luồng", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
Giáo dục đại học thực sự đứng đâu ở bảng xếp hạng của khu vực, châu Á và thế giới?
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đặt vấn đề, báo cáo kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước và tổ chức quốc tế ghi nhận đánh giá cao, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam là 7-10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó có sự phát triển đặc biệt ấn tượng của hệ thống giáo dục Trung Quốc và Việt Nam. Chúng tôi cũng vui mừng về sự đánh giá này của Ngân hàng thế giới.
Tuy nhiên, về giáo dục đại học thì tôi rất băn khoăn bởi vì trong báo cáo của Bộ cũng đã thể hiện chất lượng giáo dục đại học chưa thực sự cao, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng còn hạn chế. Việt Nam có gần 300 trường đại học nhưng chỉ có 5 trường có tên trong bảng xếp hạng 500 trường đại học châu Á. Bộ trưởng có ý kiến gì về đánh giá của WB? Nền giáo dục đại học của chúng ta thực sự đứng ở đâu trong bảng xếp hạng của khu vực, của Châu Á và thế giới? Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao thứ hạng của giáo dục đại học VN?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn thừa nhận: Về chất lượng giáo dục đại học thì có một số trường, một số nhóm ngành tốt, nhưng về cơ bản, giáo dục đại học chúng ta thấp, chưa đạt yêu cầu, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Nhạ, nguyên nhân trước tiên là chương trình đào tạo còn lạc hậu, vẫn chủ yếu là do thầy cô xây dựng, chứ chưa nghiên cứu xây dựng căn cứ vào nhu cầu của thị trường. Chúng tôi so sánh các nước có nghiên cứu thì tỉ lệ tiến sĩ ở các trường đại học 40-50%, thậm chí 60-70% (trong khi đó ở ta mới chỉ 22-23%). Cơ sở vật chất ở các trường đại học của chúng ta còn hạn chế, chưa đủ để nghiên cứu chất lượng cao; học phí còn rất thấp so với các nước. Với chi phí có thể gọi là thấp thì chất lượng đại học rất khó mong đợi.
Tới đây chúng tôi sẽ phân loại các trường đại học chứ không bình quân, dàn trải mà sẽ cơ cấu lại, những trường chất lượng cao thì giữ lại, những trường chất lượng thấp thì phải nâng cao chất lượng, thậm chí phải giải thể. Tự chủ là một trong những "điểm nghẽn" khiến các trường không phát huy được nội lực, tâm điểm của Bộ là sẽ thực hiện hiệu quả tự chủ đại học.
So với thế giới thì chất lượng đại học của chúng ta đạt thấp. Gần đây, chúng ta có 5 trường được xếp hạng trong số 500 trường đại học ở châu Á, chúng ta cũng có những trường được xếp vào số 150 trường đại học châu Á. Gần đây, theo thông tin tôi được biết, bắt đầu có 2 trường lọt vào top 1000 trường tốt nhất thế giới. Tới đây sẽ tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại trường đại học, Bộ cũng sẽ tham mưu Chính phủ đầu tư vào những trường trọng điểm, những ngành trọng điểm vào những trường, những ngành xuất sắc.
Bức xức mầm non: Phòng ngừa hơn xử lý
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chất vấn: "Bộ trưởng nói giáo dục mầm non của Việt Nam được UNICEF đánh giá cao. Ai đánh giá cao tôi không rõ, vì đây là khu vực đang nóng, gây bức xúc nhất? Thực tế cho thấy, quy mô phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, chất lượng đào tạo không ổn định, nguồn lực đầu tư thấp nhất trong ngành, cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên, công tác quản lý chưa bảo đảm nhu cầu. Nhà nước đóng góp 39%, còn phụ huynh đóng góp 63% cho thấy, các cháu khi vào học có mức đóng góp cao nhất trong các bậc học. Chúng ta cũng chưa có đề án để phát triển giáo dục mầm non. Bức xúc của xã hội với mầm non rất nhiều, Bộ trưởng có giải pháp
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Thực hiện chính sách từ dân lập chuyển sang công lập, nên nhiều trường mầm non chưa được phát triển đúng tầm. Nhất là huy động trẻ mầm non đến trường, chúng ta chưa chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên dẫn đến việc bạo hành trẻ em”.
Bộ trưởng cho rằng, đây là câu chuyện rất đáng tiếc. Bộ đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng môi trường an toàn, thân thiện chống bạo lực trẻ em, đồng thời mong các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường giám sát cùng với Bộ để phòng ngừa là chính và khi xảy ra rồi phải xử lý.
"Quan điểm của tôi là phải tăng cường phòng ngừa, hơn là việc xử lý”, ông Nhạ nhấn mạnh.
Về giáo dục mầm non, Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) tranh luận: "Theo luật, nhóm trẻ từ 3-6 tháng tuổi được vào mầm non, nhưng thực tế trường công không ai nhận nhóm trẻ này và đây cũng là nhóm trẻ dễ bị bạo hành nhất. Bộ trưởng nói là do khó khăn về kinh tế, điều kiện nên chỉ phổ cập mầm non với trẻ 5 tuổi. Xin hỏi Bộ trưởng, một quy định của pháp luật nhiều năm nay không thực hiện được, bộ trưởng có giải pháp gì?"
Trả lời nữ đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Qua thực tế, không có nhà trẻ nào nhận bé dưới 3 tháng tuổi vì nhiều rủi ro nhưng lại có nhiều công nhân trong khu công nghiệp có nhu cầu gửi con dưới 3 tháng tuổi. Sau khi Quốc hội ban hành Luật Giáo dục năm 2018, mặc dù luật pháp như vậy nhưng trong quy hoạch khu chế xuất, công nghiệp vẫn có thiết có cho nhà trẻ, mẫu giáo. Và chúng tôi có chỉ thị 09 để các trường mầm non trong khu chế xuất quan tâm đến vấn đề này... Bộ báo cáo Chính phủ cùng với các địa phương có khu công nghiệp chế xuất thực hiện tốt vấn đề này".
Đồng ý với Bộ trưởng về giải pháp tăng cường đầu tư, kiểm tra, giám sát hệ thống giáo dục mầm non, nhưng Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng sự phân cấp thì chưa rõ ràng, điều kiện các địa phương cũng rất khác nhau.
Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: "Tôi cũng đề nghị, đã phân công, phân cấp thì vai trò lãnh đạo ở các phường, xã phải rất cao. Còn về chất lượng giáo viên mầm non thì chúng tôi có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng", ông Nhạ nói.
Nhóm PV thực hiện
PS st Theo Dân trí