Tải sản nhà nước và trụ sở cơ quan công quyền tỉnh Bình Thuận đã bị đám đông gây rối đốt phá, hủy hoại. Ảnh: VGP.
Ông Lê Như Tiến cho rằng, đối với những hành vi kích động, quá khích dẫn đến phá hoại tài sản nhà nước, đập phá trụ sở công quyền là không thể chấp nhận được: “Trong khi Quốc hội đã lùi việc xem xét thông qua Dự Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt.
Thủ tướng cũng đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và người dân để xem xét thời gian cho thuê đất theo đúng Luật Đất đai và đã thực hiện rồi. Vậy mà, vụ việc vừa qua, thậm chí người dân còn đập phá trụ sở, hủy hoại tài sản công quyền thì đó là hành động quá khích.
Nếu người dân có thông tin sớm hơn về việc lùi thời hạn thông qua Dự Luật Đặc khu vào kỳ họp sau và thời gian cho thuê đất không phải là 99 năm như ban đầu nữa thì chắc hẳn sẽ không nghe theo lời xúi giục hoặc kích động của những phần tử xấu”.
Theo ông Lê Như Tiến, để xảy ra những sự việc đáng tiếc như vừa qua còn có trách nhiệm của nhà nước trong việc chậm thông tin và tuyên truyền các hoạt động, quyết định của Quốc hội, chậm tuyên truyền về chủ trương, chính sách mới của Nhà nước.
“Một mặt, chúng ta phải tuyên truyền sâu rộng đối với người dân, giải thích cho người dân hiểu. Mặt khác, cơ quan chức năng cần phải điều tra, nghiêm trị đối với những kẻ cầm đầu gây rối, kích động. Kẻ gây rối dùng bạo lực, đốt xe, đập phá các cơ quan công quyền...là những hành động không thể chấp nhận được trong một xã hội có trật tự, có pháp luật.
Chúng ta cũng cần phân tích rõ cho bà con hiểu là lòng yêu nước phải đúng chỗ, nếu để bị lợi dụng sẽ lại thành vi phạm pháp luật.
Đảng và Nhà nước luôn luôn lắng nghe ý kiến người dân bằng nhiều cách khác nhau. Có thể kiến nghị lên các cấp qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang chính thống của Chính phủ, Quốc hội cũng như nhiều hình thức khác nhau”, ông Tiến nêu quan điểm.
Ông Lê Như Tiến cho rằng, vụ việc vừa qua để lại nhiều bài học đắt giá: “Bài học sâu sắc nhất chính là đối thoại trực tiếp với người dân. Các cấp địa phương sở tại phải trực tiếp đứng ra đối thoại với nhân dân, vì chờ cho các cấp trung ương về đối thoại thì sẽ rất lâu và mất rất nhiều thời gian,
Một số đối tượng gây rối tại Bình Thuận bị cơ quan chức năng tạm giữ. (Ảnh: VGP)
Người dân của chúng ta rất tốt, khi hiểu được sự thật vấn đề, họ sẽ hoàn toàn đồng cảm chia sẻ, ủng hộ Nhà nước. Thậm chí, có những người dân tự nguyện hiến cả hàng nghìn mét vuông đất để Nhà nước làm đường, làm trường học hay các công trình công cộng khác.
Chúng ta không ngại gì cả, đối thoại với dân là cách tháo gỡ hiểu nhầm nhanh nhất. Các cấp chính quyền sở tại hãy đối thoại với dân. Đối với bà con nhân dân, cán bộ phải thường xuyên gần gũi, phải có tầng lớp báo cáo viên đến các cấp cơ sở. Hiện nay, báo cáo viên của chúng ta mới chỉ dừng lại ở cấp trung ương với cấp tỉnh thôi, còn báo cáo viên tới cấp cơ sở để người ta cung cấp thông tin, giải thích cho bà con nhân dân hiểu.
Ở ta, các cấp cơ sở như huyện, xã phải đào tạo để có những người am hiểu pháp luật, để họ sẽ là những báo cáo viên đối thoại với nhân dân. Khi xảy ra các sự việc như vừa qua, chúng ta mới thấy rằng các cấp chính quyền cơ sở của chúng ta hiện nay là rất yếu.
Bài học tiếp theo đó là công tác thông tin tuyên truyền phải kịp thời để người dân có được đầy đủ thông tin để tránh nghe theo lời xúi giục của những kẻ xấu."