Bản Sáng Tùng chỉ có 28 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Thế nhưng, vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 4h sáng ngày 27/6 với hàng nghìn m3 bùn đất đã phá huỷ nhà ở của 24 hộ dân và vùi lấp nhiều tài sản, vật dụng, lương thực, gia súc, gia cầm. May mắn là 300 con người ở đây đã được di dời và… thoát chết.
Trước đó, vào chiều 26/6, một thước phim ghi lại cảnh hai chiếc máy xúc đang trong quá trình khắc phục hậu quả mưa lũ ở xã Pa Tần cũng đã bất ngờ bị cuốn xuống vực sâu cùng hàng tấn đất đá bị sạt lở bên đường. Phải nhìn tận mắt mới thiên tai khủng khiếp dường nào!
Theo thống kê chưa đầy đủ, mưa lũ, sạt lở đất tại miền núi phía Bắc những ngày qua đã làm 19 người chết (Hà Giang 5 người chết do sập nhà; Lai Châu 14 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi); 11 người mất tích ở Lai Châu do lũ cuốn; 12 người bị thương. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính 440 tỷ đồng.
Trên những bức ảnh báo chí ghi lại là những gương mặt thất thần, đờ đẫn vì lo lắng, bàng hoàng. Giữ được tính mạng đã quý, nhưng họ biết phải xoay xở ra sao với tương lai phía trước, khi mà cuộc sống vốn dĩ đã quá vất vả, khó khăn rồi? Họ sẽ vực dậy kinh tế gia đình như thế nào với những gì còn sót lại chỉ là chậu, nồi, mâm, bát…
Phần lớn những người dân ở đó không thể ngờ được rằng, có ngày họ rơi vào bước đường màn trời chiếu đất như vậy, dẫu rằng, năm này qua năm khác, ở nơi này, nơi nọ, các đợt sạt lở vẫn liên tục xảy ra, với tần suất ngày một dày thêm.
Chỉ mới chưa đầy một năm trước, một vụ sạt lở đất tương tự cũng đã xảy ra ở xóm Khanh (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hoà Bình). Nửa quả đồi sạt xuống vùi lấp 18 người…
Trận sạt lở đất, lũ quét kinh hoàng tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) và huyện Mường La (Sơn La), huyện Nậm Pồ (Ðiên Biên), Lai Châu tháng 8/2017 làm 33 người chết và mất tích, 240 ngôi nhà bị sạt lở, cuốn trôi.
Hay ngay như miền Tây Nghệ An, nơi người viết đang đặt chân tới, cũng không ít lần đã phải chứng kiến các trận sạt lở nghiêm trọng sau mưa lũ. Hồi tháng 10 năm ngoái là ở Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Đô Lương. Đến tháng 3 vừa rồi là ở Kỳ Sơn…
Trong khi công tác dự báo, cảnh báo được cải thiện, việc quy hoạch dân cư dần được tiến hành, thì nguyên nhân sâu xa cũng đã được các nhà khoa học lý giải: Bởi chúng ta phá rừng đầu nguồn, khai thác khoáng sản lâm sản không theo quy hoạch, nhiều hầm mỏ được đào bới lung tung đã gây tác động tiêu cực đến môi trường.
Vấn đề là chẳng ai chịu trách nhiệm cho những nguyên nhân đó. Tất cả tại “ông trời”.
Dù không ít địa phương vẫn sẵn sàng đổi đất rừng lấy dự án. Dù nhiều lãnh đạo bình chân khi chứng kiến người dân ở địa bàn bế tắc kế sinh nhai nên lấy việc “trộm rừng” làm nghề kiếm sống… Họ còn bận xin ngân sách “xoá đói giảm nghèo”.
Dù thỉnh thoảng dư luận lại được dịp trầm trồ, xôn xao về những dinh thự đẳng cấp với phản gỗ nguyên khối, với những bộ bàn ghế, sàn, cửa… độc “gỗ quý”, còn chủ nhà thì luôn miệng nói về quan niệm “muốn sống giản dị, gần với thiên nhiên”.
Dù đâu đó lại có những vị ưa thú điền viên, muốn trồng cả những đại thụ trong vườn làm cảnh.
Dù như thế, thì cuối cùng cũng chẳng một ai trong số họ bị thiệt hại trước những cơn giận dữ của mẹ thiên nhiên, ngoại trừ những người dân nghèo khổ vẫn đang bần thần trước đống đổ nát, hoang tàn kia.
Bích Diệp
PS st Theo Dân trí