Chuộc ghế
Nguồn:Báo Điện tử VnExpress
Ở xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, năm 2012 từng nổi lên một vụ việc nóng. Người dân gửi đơn thư khắp nơi, kiện Bí thư Đảng ủy xã lúc đó là ông Nguyễn Bá Lý, chuyên quyền độc đoán, đưa họ hàng người thân vào bộ máy lãnh đạo xã - “gia đình trị” theo cách gọi của người dân - lạm chi ngân sách và lạm thu thuế dân.
chuộc ghế
Những tố cáo của người dân Thanh Hương, sau này khi cấp trên về thanh tra, gần như hoàn toàn chính xác. Nhưng câu chuyện khiến lãnh đạo tỉnh Nghệ An, thậm chí cấp cao hơn nữa phải giật mình, đó là ông Nguyễn Bá Lý đã ôm ghế chủ tịch xã Thanh Hương đến 13 năm, và sau 2 lần bị kỷ luật cảnh cáo thì chuyển sang làm… Bí thư Đảng ủy xã thêm 2 năm nữa.
Mười lăm năm, một cán bộ lãnh đạo mấy vạn đầu dân, nhưng chuyên quyền, biến chất, tham nhũng… vẫn khư khư ôm cái ghế. Đó có thể là một dẫn chứng mang tính cá biệt, nhưng đó cũng chính là lỗ hổng đáng sợ mà hệ thống quản lý hành chính nhà nước phải đối mặt.
Ở Đà Nẵng, câu chuyện “nhận 200 triệu để trả ghế” - theo cách nói cô đọng và… dễ hiểu của dân gian - đang thu hút sự quan tâm và chờ đợi diễn biến. Theo đề xuất của Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng, nếu tự nguyện nghỉ hưu sớm, cán bộ có thể được nhận từ 100 đến 200 triệu đồng. Theo dự thảo, đối tượng áp dụng có tuổi đời trên 50 đối với nữ và trên 55 đối với nam.
Chính sách này được xem là chính sách nhằm khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện nghỉ công tác để bố trí cán bộ trẻ.
200 triệu, đủ trả lương một cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh trong khoảng hai năm. Nhận hai năm lương, để trả ghế sớm từ 7 đến 10 năm, với đầy đủ cơ hội thăng tiến tốt hơn - đó là một bài toán mà tính thực tiễn của nó sẽ phải chờ thời gian trả lời.
Nhưng khi bài toán này được đặt ra, cho thấy nhu cầu đổi mới, trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo ở cấp cơ sở đã cấp thiết đến mức nào. Hệ thống quản lý có đầy đủ những công cụ để thanh lọc và đảm bảo chất lượng của cán bộ. Từ bình bầu thi đua, cho đến các kỳ thi tuyển công chức, thi lên ngạch, cả những đợt giảm biên chế nữa. Nhưng cho đến lúc này, thực tiễn chỉ ra rằng việc “đuổi” một ai đó làm việc không hiệu quả khi anh ta là công chức có biên chế, là điều vô cùng khó khăn. Để kỷ luật một công chức đến mức sa thải, thậm chí cần cả sự quả cảm của lãnh đạo khi đối mặt với đơn thư khiếu nại. Không phải tự nhiên mà đại diện chính phủ cũng phải thừa nhận rằng lượng công chức “sáng cắp ô đi” chiếm tỉ lệ cao trong hệ thống.
Nếu Đà Nẵng áp dụng cơ chế này thành công, một mặt khuyến khích những công chức lão làng trả ghế sớm, một mặt chiêu dụ nhân tài trẻ tuổi. Liệu chất lượng cán bộ có nâng lên? Đó là câu hỏi không chỉ của hệ thống quản lý hành chính, mà trước hết, đó là câu hỏi chất chứa hy vọng của nhân dân.
Năm ấy, trong lúc sự giận dữ của người dân xã Thanh Hương đang lên đến đỉnh điểm, tôi đã có mặt ở đó cùng nhóm phóng viên truyền hình, ngồi trong nhà của ông trưởng thôn. Còn chưa uống hết chén nước chè giao đãi, căn nhà nhỏ đã lố nhố những bóng sắc phục - đội dân phòng của xã. Bằng thái độ căng thẳng, họ yêu cầu chúng tôi xuất trình giấy tờ, và đặt những câu hỏi vô lý như “Tại sao không làm việc với chính quyền địa phương trước?”, “Nhận đơn thư của ai?”, “Đã liên hệ qua UBND tỉnh chưa?”…
Có những cái ghế cán bộ kiên cố đến mức người dân dùng cả sự phẫn nộ và phỉ báng cũng không thể chuộc lại được.
Cái ghế, với những cán bộ không liêm chính, là thứ mà họ sẽ giữ bằng mọi giá. Hai trăm triệu, hay thậm chí là cả tỷ đồng, trong một bài toán không liêm chính, không đáng để họ phải mảy may bận tâm đến việc trả ghế.
Chưa biết rồi cái đề xuất “thưởng” 200 triệu cho cán bộ trả ghế sớm của Đà Nẵng sẽ đi vào thực tế ra sao. Nhưng có một điều chắc chắn, là chính những người mà hệ thống hành chính cần tiễn chân ra cửa nhất, lại chính là những người không xi-nhê nhất, trước cái đề nghị rộng rãi của ủy ban.
Và chính sự có mặt của những người như thế, ôm những cái ghế như thế, lại mới là nhân tố quan trọng khiến cho những người trẻ tuổi tài năng không muốn bước chân vào cơ quan Nhà nước.