Thử giải mã Viettel và Thủ lĩnh Nguyễn Mạnh Hùng: Bài 2: Quốc khách của Thủ tướng Hun Sen

Ngày đăng: 02:43 23/07/2018 Lượt xem: 587

Thử giải mã Viettel và Thủ lĩnh Nguyễn Mạnh Hùng:


               Bài 2: Quốc khách của Thủ tướng Hun Sen

                                                                 Nguồn:Báo Điện tử VietTimes 


Metfone là thương hiệu của Viettel tại Campuchia, là thị trường đầu tiên đánh dấu bước chuyển dịch của Viettel với chiến lược đầu tư nước ngoài, vươn mình ra biển lớn. Bắt đầu triển khai kinh doanh từ năm 2006 với dịch vụ VoiP và chính thức khai trương cung cấp dịch vụ viễn thông vào ngày 19/02/2009. Đến nay, Metfone phủ tới 97% lãnh thổ đất nước Chùa Tháp với 5.5 triệu khách hàng. Vì thế không ngạc nhiên khi những người lính Viettel luôn là “thượng khách” của Thủ tướng Hun Sen.


 

Metfone - thương hiệu hàng đầu ở đất nước Chùa Tháp.

Metfone - thương hiệu hàng đầu ở đất nước Chùa Tháp.

Thương hiệu Viettel

Chớm hạ 2009, tôi may mắn được theo dấu chân những người thợ lính Viettel trên đất Campuchia.

Thời điểm ấy, nói Viettel hùng mạnh là một cách nói, là khái niệm. Nhưng cụ thể, năm 2008, tổ chức chuyên đánh giá thương hiệu Intangible BusinessInforma Telecoms and Media thuộc World Cellular Information Service đã công bố 100 nhãn hiệu nhà khai thác di động lớn nhất thế giới.

Trong đó Viettel là nhãn hiệu di động duy nhất của Việt Nam có trong danh sách với giá trị thương hiệu là 536 triệu USD (tổng trị giá nhãn hiệu của 100 mạng di động là 318 tỷ USD).

Về giá trị thương hiệu, Viettel xếp thứ 83 nhưng về doanh thu, thứ hạng của Viettel đứng ở vị trí 94. Chính vì vậy, trong danh sách TOP 10 mạng di động có thương hiệu vượt trên cả “trọng lượng”, Viettel đứng hạng 7.

Năm 2008, Viettel được đánh giá là 1 trong 4 Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tốt nhất ở các quốc gia đang phát triển do tổ chức WCA (World Communication Awards) bình chọn. Ngoài ra, Viettel cũng liên tục thăng hạng trên bảng số liệu xếp hạng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông dựa trên số lượng thuê bao do tổ chức WI (Wireless Intelligence) đưa ra: quý I/2008 xếp thứ 53; quý II/2008 xếp thứ 42 và hiện nay Viettel đứng thứ 41 trên tổng số hơn 650 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn thế giới.

Như vậy, với thương hiệu Viettel, Việt Nam đã trở thành một quốc gia được xếp hạng và có tên tuổi trên bản đồ viễn thông thế giới.

Bài 2: Quốc khách của Thủ tướng Hun Sen - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Viettel phải bảo vệ thương hiệu của mình như bảo vệ tài sản của quốc gia"

Và cái đêm mồng 4-6-2009, khi tôi đang ở thủ đô Phnompênh thì tại  Singapore đang diễn ra một sự kiện quan trọng.

Viettel được trao danh hiệu Nhà cung cấp dịch vụ thị trường mới nổi của năm (Emerging Market Service Provider of the Year). Quan trọng bởi lần đầu tiên, một doanh nghiệp viễn thông Việt Nam được vinh danh trong lĩnh vực di động ở khu vực châu Á-TBD. Hội đồng giám khảo của Frost&Sullivan Asia Pacific ICT Awards 2009 là các chuyên gia của Frost&Sullivan và các giám đốc các hãng thiết bị viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế danh tiếng tại khu vực châu Á-TBD như Huawei Technologies, Nokia Siemens Networks, Oracle, Deutsche Telecom Asia, Tata Communications

Giải thưởng này không chấp nhận các đơn tự ứng cử. Các nhà phân tích của Frost&Sullivan lựa chọn ứng viên theo các tiêu chí đánh giá khắt khe để chọn ra danh sách cuối cùng các công ty hàng đầu của ngành CNTT-TT ở châu Á-TBD. Các công ty được đánh giá dựa trên các chỉ số hoạt động thị trường thực như tăng trưởng doanh thu, thị phần ở một lĩnh vực nhất định; thể hiện vai trò lãnh đạo trong sáng tạo và giới thiệu sản phẩm mới; sự phổ biến của sản phẩm, dịch vụ; số lượng thuê bao…

Thay mặt cho Viettel nhận vinh dự ở Singapore là tướng Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc và Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc.

“Bí quyết” của Metfone trên đất Chùa Tháp

Bài 2: Quốc khách của Thủ tướng Hun Sen - ảnh 2
Metfone - địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng Campuchia. 

Có lẽ ít nguời biết được Tướng Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Viettel khi ấy vốn chưa từng quen biết hay có mối quan hệ nào khác với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, nhưng mỗi lần sang Phnompênh, ông đều là quốc khách của Thủ tướng Hun Sen.

Chuyện một Thủ tướng tiếp một nhà đầu tư nước ngoài là chuyện bình thường. Nhưng người đứng đầu nội các Campuchia giành cho người đứng đầu Viettel mối thiện cảm lẫn những tình cảm này khác thì là một sự hiếm?

Gần 2 năm trước khi đầu tư sang Campuchia, không phải Viettel một mình một chợ ở xứ Chùa Tháp! Trước Viettel đã có những tập đoàn tên tuổi và hùng mạnh. Metfone Camshin (Mfone) Mobitel. Hello. QB. Starcell Excel. Smart phone Camitel (TC) Chhoun vey... Nhiều dịch vụ cùng sóng của họ đã chen ngang len dọc không gian mênh mông của Campuchia làm nên một cái chợ khổng lồ- một thị trường hiện có tới 8 mạng di động và 20% người  Campuchia dùng di động.

Cắt nghĩa sự lạ ấy cũng là việc thử giải mã những bí quyết của Viettel mới gần 2 năm nay đứng chân, không những chắc mà còn đang vươn lên vị trí số 1 thị trường viễn thông ở Campuchia, tôi thử biên ra đây vài chiêu cơ bản mà Viettel từng công khai như thế này: rằng Viettel đã đầu tư một mạng truyền dẫn tại Campuchia  xếp hạng thứ nhất, được đánh giá là tốt nhất (ngay từ đầu, công ty đã đầu tư một mạng cáp quang len lỏi về khắp các tỉnh thành, các huyện của Campuchia. Hiện tại trên đất nước Campuchia  cáp quang đã giăng đến 1493 xã với chiều dài 11.000 km. Hết năm 2009 con số cáp quang sẽ là 19.000 km).

Trong khi các doanh nghiệp viễn thông khác chỉ chủ yếu sử dụng truyền dẫn bằng viba.  Rằng Viettel đang đứng đầu về số lượng các trạm BTS. Tính đến hết năm 2008 đã có được 1000 trạm, hết năm 2009 là 3000 trạm. Rằng Viettel năng động trong chiến lược về giá cả, chiến lược về chất lượng sản phẩm với việc phủ sóng cân bằng ở tất cả các vùng với giá thành tốt nhất. Và cuối cùng là chiêu giảm giá 20-25% vv... và vv...

Bài 2: Quốc khách của Thủ tướng Hun Sen - ảnh 3
 Metfone cũng là nhà mạng có hạ tầng viễn thông tốt nhất Campuchia với hệ thống cáp quang đạt 20.735 km. (Nguồn Metfone) 

Có lẽ cũng phải biên  ra đây một chi tiết khá độc đáo là ngay từ đầu năm 2009, Viettel chính thức cung cấp gói cước mới dành cho cán bộ, nhân viên và học sinh Lào, Campuchia đang công tác và học tập tại Việt Nam. Với đối tượng khác như Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Lào, Campuchia tại Việt Nam, Viettel tặng bộ KIT tomato (số đẹp loại 3) có sẵn 50.000đ trong tài khoản. Mỗi tháng tặng 1.000.000đ vào tài khoản khuyến mãi (tháng liền kể tháng kích hoạt) cho đến khi khách hàng hết thời hạn công tác và về nước.Với cán bộ, nhân viên đại sứ quán, cán bộ thuộc bộ quốc phòng của bạn, Viettel tặng bộ KIT tomato (số đẹp loại 4 - tam quý) và có sẵn 50.000đ trong tài khoản.

Mỗi tháng tặng 500.000đ vào tài khoản khuyến mãi (tháng liền kề tháng kích hoạt) cho đến khi cán bộ hết thời hạn công tác tại Việt Nam. Với toàn bộ sinh viên Lào, Campuchia đang theo học hệ dài hạn thuộc các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam, Viettel tặng bộ KIT tomato có sẵn 50.000đ trong tài khoản. Mỗi tháng tặng 100.000đ vào tài khoản khuyến mãi (tháng liền kề tháng kích hoạt).

Tôi cứ ngờ rằng những thứ mình biên ra liệu có đủ? Có lẽ phải cộng thêm bề dày truyền thống hữu nghị giữa nhân dân và quân đội 2 nước? Thêm nữa phải tính thêm cả  triết lý kinh doanh của Viettel  “kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội” như quỹ người nghèo, ủng hộ các trường học, các bệnh viện của Campuchia (riêng về lĩnh vực này Viettel đã chi nhiều triệu USD).

Khi đem chuông đi đấm nước người, thiên hạ thường trưng thương hiệu quốc gia mình nhưng Viettel đã khôn ngoan lẫn khiêm nhường dùng cụm từ Metfone để gọi tên cho hoạt động kinh doanh của mình trên đất bạn. Mạng Metfone có hẳn khẩu hiệu là mạng của người Campuchia. Metfone, Met tiếng Campuchia nghĩa là bè bạn... Khi xây dựng mạng Metfone thì lực lượng chính để xây dựng mạng này là người dân Campuchia, được xây dựng trên đất nước Campuchia. Khi Viettel cung cấp dịch vụ thì chính những người  Campuchia được hưởng!

Cánh tay của Phnompênh đã với đến cả những vùng sâu vùng xa, đặc biệt là vùng Biển Hồ mênh mông đã được phủ sóng hơn một nửa.

Người dân Campuchia của bốn tỉnh có Biển Hồ đã, đang và sẽ hưởng được tiện ích đa dịch vụ của di động, của điện thoại cố định, internet của Mefone. Đặc biệt, việc phủ sóng khu vực biển đảo Campuchia là một cố gắng rất lớn của Metfone. Bởi mỗi trạm BTS cắm ở khu vực Cô Công chẳng hạn, giá thành phải chi gấp 10 lần trạm BTS xây dựng trên đất liền.

Thời gian ở Trường Sa, tôi đã chứng kiến những trạm BTS do Viettel thiết lập rất công phu để nuôi sóng, giăng sóng mang lại tiện ích to lớn cho các chiến sĩ nơi vị trí tiền tiêu của Tổ quốc. Có lẽ rút được kinh nghiệm giăng sóng ở Trường Sa, tại khu vực biển đảo Campuchia Metfone đã sử dụng hệ thống pin mặt trời để cung cấp điện cho các trạm BTS. Mà không riêng cho khu vực biển đảo, hệ thống pin mặt trời gần như là cứu cánh của Metfone để nuôi các trạm BTS vì đất nước Campuchia hẵng còn rất thiếu điện. Hệ thống cáp quang cùng với hệ thống BTS và nhiều cách làm năng động khác đã khiến Metfone giăng được sóng gần 80% diện tích Campuchia.

Những thợ người Campuchia của Viettel

Bài 2: Quốc khách của Thủ tướng Hun Sen - ảnh 4
Những người thợ Campuchia của Viettel 

Hình như phương tiện giao ban trực tuyến chưa được phổ biến và thông dụng lắm, nếu có chỉ lác đác ở cấp trung ương và một số cơ quan khác có điều kiện. Nhưng sang Campuchia. Đi với Metfone, tôi mới bừng ra lắm cái lạ lẫn tiện ích của thứ phương tiện này!

Tại 24 cơ quan đại diện của Metfone tại 24 tỉnh của Campuchia, hàng ngày đều diễn ra những cuộc giao ban giữa trung tâm Metfone Phnompênh với bộ phận kỹ thuât hoặc kinh doanh của các tỉnh.  Đó là chưa kể cầu truyền hình hàng ngày đều thiết lập như thế với đầu Hà Nội. Mới chỉ ngồi ít phút tại Metfone Compông Thom tôi đã hình dung ra biết bao tiện ích của thiết bị và phương tiện này của thời buổi @. Phnompênh đang mưa ào ạt nhưng Compông Thom trời xanh ngằn ngặt, nắng chang chang.

Từ Thủ đô Nam Vang chất giọng oang oang của Giám đốc Mefone Nguyễn Duy Thọ nhắc các tỉnh tiến độ kéo cáp quang và xây trạm BTS. Xong phần công bố thưởng đột suất lại kèm cả những quyết định kỷ luật.  Tôi nghe loáng thoáng có nhân viên Metfone tỉnh nào đó bị sa thải do đánh bạc, do ăn cắp thiết bị... Một lát đã nghe lẫn thấy Giám đốc Thọ nhắc thêm đại diện Metfone các tỉnh cần chuyển ngay  quà là chiếc máy điện thoại cố định trị giá 32 USD cho mỗi nhân viên Metfone của các tỉnh là người Campuchia...

Metphone gần 2000 nhân viên nhưng chỉ có hơn 300 người Việt. Cơ quan Metfone của mỗi tỉnh mỗi địa phương bình quân 20-30 người tùy từng tỉnh lớn nhỏ và đặc thù kinh doanh. Compông Thom đây có 20 anh chị em nhưng chỉ có 4 người Việt. Trong phòng họp trực tuyến, màn hình sáng xanh hắt lên những gương mặt trẻ trung của những công dân của đất nước Chùa Tháp mới được bập vào thứ công nghệ thông tin tiên tiến này chưa lâu.

Họ là những nhân viên kỹ thuật, kinh doanh hay đơn giản, là những nhân viên bán sim. Trước lúc diễn ra giao ban trực tuyến, tôi làm quen với Chanđi nhân viên kinh doanh. Nói ra thì lại bảo nịnh Metfone thu hút hết người tài lẫn người đẹp của các địa phương, nhưng tôi dám chắc Chanđi có dự thi hoa hậu (nếu Campuchia tổ chức) thể nào cô cũng vào vòng chung kết!

Chanđi là con gái cưng của ngài Ngaoso Phó tỉnh trưởng Compông Thom. Compong Thom là tỉnh lớn nên không thiếu đại diện của những hãng viễn thông lớn quốc tế, đối thủ của Metfone. Nhưng tôi phác một con toán đơn giản, với vị thế và ưu thế, phải có sức hút sự hấp dẫn nào đó chẳng hạn như thu nhập như đào tạo này nọ và gì gì nữa thì Chanđi mới chọn Metfone ?

Trực tuyến. Đã đành là những thông tin cần thiết được thông suốt được thông báo được giải quyết ở mọi tầm cấp từ Trung ương xuống các địa phương và ngược lại. Đã đành anh em chẳng phải mất công đi đi về hàng trăm với hàng ngàn cây số tốn kém nhiêu khê này khác. Nhưng tiện ích của việc trực tuyến ấy có nhiều thứ vô hình khác khó đo khó đếm được. 

Bài 2: Quốc khách của Thủ tướng Hun Sen - ảnh 5
Năm 2015, Metfone trở thành nhà mạng đầu tiên khai trương dịch vụ ví điện tử eMoney và sản phẩm này được vinh danh tại Giải thưởng Kinh doanh Quốc tế 2016 (International Business Awards - IBA Stevie Awards) 

Có một tối tôi ngồi với Nghĩa, một kỹ sư công nghệ trẻ nhưng khá chững chạc bởi gần 2 năm bươn bả ở địa hình lẫn thị trường Campuchia đặc biệt ở Siêm Riệp này. Hiện Nghĩa phụ trách phần kinh doanh của Metfone Xiêm Riệp. Sang Campuchia những ngày đầu Nghĩa có nhiều tâm tư chứ chưa hẳn yên tâm... Nhưng sự an tâm lẫn tự tin bây giờ có được cũng do nhiều lần dự... trực tuyến!

Nghe có vẻ đơn giản và tất nhiên có những duyên do khác nữa nhưng nội cái chuyện Nghĩa tâm sự được trực tiếp (qua màn hình) bàn soạn tranh luận trao đổi này khác với các đồng nghiệp của mình tại nhiều tỉnh, được đôi co cả với Giám đốc Nguyễn Duy Thọ ở Phnompênh chẳng hạn, được trao đổi thẳng thắn với cả những nguời cầm chịch viettel tại Hà Nội như Tướng Hoàng Anh Xuân, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, người được mệnh danh là linh hồn của Viettel đã mang lại cho người kỹ sư trẻ ấy những cảm giác mà trước đây anh nói không có được!

Tôi mạo muội hiểu rằng, có một lứa cán bộ kỹ thuật trẻ hay một lớp trẻ được khơi dậy tình cảm bình đẳng, được tin cậy trao việc. Nói tóm lại, cái tài thì chưa dám bàn nhưng những sở trường lẫn sở đoản của mình đều được tin dùng được sử dụng thì mặt bằng nhân sự xứ mình  hẵng còn thưa vắng lắm!

Bài 2: Quốc khách của Thủ tướng Hun Sen - ảnh 6
Cước Roaming 3 nước Đông Dương tương đương trong nước 

Metfone- sự lựa chọn của dân Campuchia

 Một thị trường trên chiến trường mà máu của hàng vạn Quân Tình Nguyện Việt Nam đã từng đổ xuống có lẽ cũng mang một dư vị riêng, một cảm giác linh thiêng với những người lính Viettel hôm nay. Nhưng họ không thụ động để mà “ăn mày dĩ vãng”. Họ không tận dụng suông mối thiện cảm của nhân dân lẫn lãnh đạo đất nước Chùa Tháp mà biến nó thành lòng tin cùng sức mạnh để chung lưng đấu cật đưa hàng chục ngàn cây số đường cáp quang qua mọi địa hình đồng bằng, thành phố, cảng biển, vùng xa vùng sâu của đất nước Campuchia. Là lòng tin của dân Campuchia khi lựa chọn Metfone bởi chữ tín.

Thị trường là chiến trường. “Cơm áo bỗng xui người hóa quỷ/ Oản xôi nên hóa bụt ra ma” ( thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm). Có chuyện không hiếm những đối thủ không ngại ngần tung tiền để mua sim của Metphone  hoặc mua lại sim với giá cao kèm thưởng áo đi mưa giày dép với mục đích là đem đi... hủy.

Tôi ghé lâu hơn một cửa hàng của Metfone Xiêm Riệp và cùng ngồi lại lâu lâu với anh Thoong Mây một thương gia của thành phố du lịch Xiêm Riệp để chọn số sim đẹp trong hàng chục số sim có in sẵn trên mặt giấy. Tôi liếc bảng giá 14 USD/ một máy của hãng Hơmây giá gốc là 25 USD kèm theo trong tài khoản có 2 USD sử dụng ngoại mạng và  3 USD sử dụng nội mạng. Cuối cùng Thoong Mây quyết định mua hai sim số đẹp (thêm 3 USD nữa) và cho biết giá này là khá mềm tại Xiêm Riệp!   

Bài 2: Quốc khách của Thủ tướng Hun Sen - ảnh 7
Metfone trở thành thương hiệu viễn thông giá trị nhất tại Campuchia năm 2016. 

 Trước khi lên đường đến vùng sâu vùng xa mà có sóng Viettel giăng ở cả khu vực Đền Prech Vihia,  cuộc gặp của chúng tôi với ông Tỉnh trưởng Siêm Riệp Sophirôn và đại tướng Chia Mon, Tư lệnh QK IV của Camphuchia đành tạm ngưng bởi đã đến thời điểm giao ban trực tuyến từ Phnompênh giữa Thủ tướng Hunsen với lãnh đạo 24 tỉnh thành phố của Campuchia. Nếp này mới diễn ra ít tháng nay và là sự kiện hy hữu ở đất nước Chùa Tháp. Được biết thiết bị ấy cũng là do Metfone tặng cho Thủ tướng Hunsen để ông điều hành việc quản trị đất nước. Chúng tôi đang men theo tuyến cáp quang của Metfone gần 300 km từ Xiêm Riệp len lỏi qua những vùng sâu vùng xa để đến được ngôi đền thiêng Prech Vihia. Tuyến cáp quang cùng hàng chục trạm BTS của Metfone đã phủ khắp địa bàn được coi là chiến lược, là điểm nóng về an ninh quốc phòng của đất nước Chùa Tháp!

(Còn nữa)

tin tức liên quan