Thử giải mã Viettel và Thủ lĩnh Nguyễn Mạnh Hùng: Bài 3: Bếp Việt và chuyện của Viettel ở Haiti
Thử giải mã Viettel và Thủ lĩnh Nguyễn Mạnh Hùng:
Bài 3: Bếp Việt và chuyện của Viettel ở Haiti
Nguồn:Báo Điện tử VietTimes
Mới đây, Natcom (thương hiệu của Viettel tại Haiti) đã chính thức ký kết hợp đồng cho dự án “N-Office Quản lý văn bản điện tử cho Bộ Giao thông Công trình Công cộng và Viễn thông Haiti”. Đây là một bước tiến dài của Viettel, đứng đầu là Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, về phát triển viễn thông ở đất nước nghèo khó phía bên kia bán cầu.
Natcom - thương hiệu của Viettel tại Haiti.
Góp phần bình ổn Haiti
Tây Bán Cầu, thuật ngữ địa chính trị để chỉ một nửa bề mặt trái đất nằm ở phía Tây của kinh tuyến gốc gồm Bắc Mỹ, Trung, Nam Mỹ và các đảo vùng Caribe trong đó có quốc đảo Haiti.
Là dằng dặc mấy chục ngàn cây số đường trời từ Nội Bài với nhiều lần trung chuyển những chặng bay. Tôi đã dẫm theo những vết chân Việt để đến xứ ấy...
Tôi đang ngồi trong nhà... bếp của công ty Natcom (Natcom là công ty viễn thông ở Haiti, Viettel chiếm 60% vốn) để ngẫm về những thứ to tát.
Tháng 8/2012, cơn bão Issac đã quét qua Haiiti gây thiệt hại nặng, hầu hết các mạng viễn thông đều bị gián đoạn. Trong tình hình đó, hệ thống cầu truyền hình nội bộ của Chính phủ do Natcom xây dựng là công cụ duy nhất để Tổng thống Michel Martelly liên lạc và điều hành công tác chống bão lũ tới các tỉnh của Haiti.
Ngay sau động đất, cơn bão và nạn dịch tả, Tập đoàn viễn thông Viettel, xa ngái diệu vợi khó khăn là thế mà vẫn không bỏ cuộc, vẫn tiếp tục cuộc chơi hoành tráng ở một đất nước nghèo túng nhất châu Mỹ Latinh. Rồi liên danh Natcom ra đời. Chợt nhớ lời Tổng thống Martelly bộc bạch hôm ấy với chúng tôi, rằng sau thảm họa, Haiti thiếu lương thực nhiên liệu và thông tin liên lạc. Ai có thể chắc chắn rằng sẽ không có một cuộc bạo loạn để lật đổ chính quyền đương nhiệm tại Haiti? Viettel đã cùng với Natcom góp phần bình ổn Haiti đến hôm nay!
Chắc vị Tổng thống nọ là đang nhắc đến phương thức cùng chiến lược hướng đến 80% dân nghèo Haiiti. So với 2 công ty nước ngoài đang kinh doanh tại Haiti thì Natcom có vùng phủ sóng lớn nhất, là công ty cung cấp công nghệ 3G. Người dân Haiti được hưởng giá dịch vụ viễn thông trong nước và quốc tế rẻ nhất. Natcom có hệ thống bán hàng lớn nhất đến hầu hết các thôn xã trong toàn bộ 10 tỉnh của Haiiti, là công ty duy nhất ở Haiti cung cấp miễn phí Internet cho các trường học v.v.
Bên những điều to tát ấy, tôi lại lẩn thẩn nghĩ tiếp, nếu như không có cái việc bé mọn như cái bếp Việt tại Natcom này thì liệu những việc nhớn nhao ấy có thành?
|
Sự hiện diện của Viettel ở Haiti đã góp phần cải thiện cuộc sống tinh thần của người dân ở đất nước nghèo khó này
|
Tô canh cua và đĩa rau muống xào tỏi
... Tò mò lật giở những chiếc lồng bàn (khổ lớn bằng nhựa, bằng tre ở xứ chẳng hiếm thiếu giống ruồi này thì chu toàn quá?) úp trên những mâm ăn bằng đá, bằng nhựa. Trên mâm khuôn giữa là bát nước mắm dầm ớt xanh (anh em khoái khẩu hơn ớt đỏ) một đĩa bắp cải luộc. Một đĩa cá như loại cá suối bên mình nhưng đánh bắt từ biển Haiti, đem chiên (có bữa thì kho). Một đĩa thịt lợn rim. Bát canh bí và nước rau. Tinh những thức thuần Việt.
Một bữa khác, thử ghếch lồng bàn thì, ngạc nhiên chưa! Một đĩa rau muống xào tỏi và một tô canh cua bự. Ngồi vào mâm, cố bỏ ngoài tai âm thanh rộ lên của việc ngon miệng xung quanh, tôi cẩn thận kiêm trịnh trọng chuyền sang bát của mình thứ canh cua nấu từ xứ Tây Bán Cầu. Khẽ khàng đưa bát lên, một, rồi hai ba hớp kế liền như không đừng được... Và ngay lập tức, vị ngọt đậm muôn thuở của thức thuần Việt như đang lừ lừ thấm vào phủ tạng.
Chỉ có thứ cua nấu thuần bằng rau đay lẫn với mồng tơi thì mới dậy, mới bầu nên được cái vị thế này! Cũng xin thưa ngay rằng thứ rau muống xào tỏi với thức canh cua kia là nấu cho ngót hai trăm người ăn, dạo ít cũng tròm trèm trên dưới trăm người Việt của công ty Natcom này chứ không phải dành cho đám khách Việt như chúng tôi mới sang đâu nhá!
Nhớ bữa ngồi với Ban lãnh đạo Viettel, hình như lắm việc cùng xôm thông tin mà tôi hình như đã lảng đi những bộc bạch đại loại, hơn một năm ba tháng, tác chiến (từ tác chiến là nguyên văn, là thói quen của con nhà binh chỉ khái niệm đầu tư ở xứ người) ở một địa bàn xa xôi mới lạ, chúng tôi đã phải khắc phục rất nhiều khó khăn tổ chức tốt khâu hậu cần...
Hóa ra hậu cần ở xứ người là thế này đây. Nghĩa là phải lo việc ăn ở sinh hoạt cho hơn 400 lượt chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của Viettel lần lượt sang Haiti công tác. Sinh hoạt ở khách sạn thì chỉ là tạm bợ, là thời gian ít bữa ban đầu. Phương châm là phải tự túc. “Thực túc binh cường”. Ăn no (nhưng phải ngon) đánh thắng. Phương châm vậy nhưng triển khai cụ thể là cả một kỳ công.
|
Natcom hiện diện ở khắp nơi trên đất nước Haiti
|
Chuyện của Thăng, của Tú và Rau muống Haiti
Ngồi với bếp trưởng Vũ Đức Thăng có một lúc mà thấy nhô ra lắm cái lạ. Phụ trách bếp Natcom, mỗi Thăng và Kiên cùng 5 người Haiti (có 3 phụ nữ). Quên chưa hỏi, bây giờ Thăng đã là quân của Viettel chưa nhưng khi sang đây Thăng đang phụ trách một nhà hàng, kiếm cũng bộn bạc. Phải chọn được người có kinh nghiệm quản lý tổ chức lẫn biết kỹ thuật nấu nướng. Mối quan hệ quen biết nào đó Anh nuôi Thăng đã lọt vào tầm ngắm. Không rõ có những điều khoản hợp đồng này khác hay không nhưng Thăng đã vui vẻ sang xứ Tây Bán Cầu này hầu hạ (từ của Thăng) cơm nước cho anh em Viettel.
Thăng chọn Kiên làm phó. Hai thày trò mặt nhăn như bị không phải mấy ngày giời lử lả trên các chặng bay mà khi thấy đống bát đĩa sứ chuyển bằng đường tàu biển sang vỡ gần hết. Đành phải thay bằng nhựa. Nhưng cái bỏ vào bát vào đĩa mới quan trọng. Thực phẩm chiến lược có lẽ là nước mắm, là mì tôm. Nhưng nước mắm đã đành phải rất dè sẻn nhưng chả lẽ để anh em cứ đánh mãi nước mắm suông?
Nhiều anh em sang đây không quen đồ ăn xứ Haiti lẫn mì tôm nên người người xọp đi. Hậu cần thực phẩm tại chỗ ngoài chợ ra phải trông mong vào dân địa phương. Chợ thì thất thường bữa đực bữa cái nên hướng chiến lược phải khai thác nguồn thực phẩm tại chỗ qua người bản xứ. Lựa mãi mới được 5 người. Ngoài khâu nhân sự Thăng và Kiên phải học thêm tiếng Pháp. Ngặt nỗi, dân đây lại dùng tiếng Cleon (loại tiếng Pháp biến âm).
Lại mày mò học tiếp tiếng Cleon thì mới đủ vốn từ để mà giao dịch với 5 vị phụ tá kia mà triển khai tác chiến từ việc nấu thức Việt đến khâu khai thác thực phẩm tươi sống. May mắn xứ quốc đảo này cũng có vài loại rau quả trong đó có cả mồng tơi rau đay. Cua đồng xứ này không có nhưng qua cách tả của Thăng thì có vẻ hao hao thứ cua biển loại nhỏ hoặc mới lột hoặc thứ như loài dạm? Giã nhỏ lọc kỹ, khử mùi hoi lại có vị rau đay mồng tơi trợ giúp nên cũng bắt miệng.
Dân xứ này nhiều người suy dinh dưỡng nhưng lạ là không quen xài tôm hùm khá sẵn ở biển Haiti. Họ cũng đánh bắt nhưng dùng làm thức ăn cho lợn. Sẵn nhưng việc đánh bắt cũng khó. Thăng bàn với 5 vị phụ tá kia ngày nào cải thiện cho anh em thì trực tiếp gọi cho vài đầu nậu. Có đầu ra nên dân cũng dần dà siêng việc đánh bắt để bán cho bếp Natcom.
Bữa nọ, mấy vị phụ tá của Thăng và Kiên tròn mắt khi thấy ông chủ của mình nâng niu mớ rau gì đó dài ngoằng đã úa vàng xuýt xoa vì bị nẫu úa khá nhiều do vận chuyển từ Việt Nam sang bằng đường biển. Thứ trân quý của người Việt mà họ không biết? Rau muống! Họ reo lên cho biết cách đây hơn trăm cây số có một khu đầm lấy mọc nhiều thứ này lắm.
Vậy nên bữa tôi được thưởng thức món rau muống xào tỏi cọng to của xứ quốc đảo Haiti tại nhà ăn Natcom tuy không mướt mượt như bên xứ mình nhưng cũng đủ dậy lên sự rưng rưng thơm thảo mà anh em nhà bếp đã dành cho khách cũng như sự gắng gỏi của tình hữu nghị Việt - Haiti. Cũng cần biên thêm ở đây, có ý kiến việc phát hiện ra mỏ rau muống này nghe đâu anh em Viettel khi đi công tác xuống các địa phương đã tìm thấy chứ không phải dân Haiti mách?
|
Những kỹ thuật viên Haiti của Viettel
|
Nói đến mạng Natcom phủ sóng diện rộng nhất khắp 10 tỉnh cùng 3000 km cáp quang viễn thông, hơn 1000 cột BTS vươn đến vùng xa vùng sâu phải nói tới công sức của các trạm Natcom do người Việt mình phụ trách. Mười tỉnh đều có đại diện của Natcom thường trung bình 20-25 anh em mình. Bữa cơm trưa ở Natcom tỉnh Sud Est, cách Port-au-Prince gần trăm cây số mãi hơn 2 giờ chiều mới được dọn ra. Món đầu là mỗi người được chia một bát canh các loại rau lẫn lộn. Đủ biết rau cỏ xứ này là của hiếm. Món thứ hai là trứng tráng cùng cân thịt bò nấu vội. Chủ lực vẫn là nước mắm cùng cơm trắng. Vậy là tươm lắm, họ bảo vậy. Có vẻ như hậu cần ở trên thủ đô chỗ Công ty tươm hơn còn ở dưới tỉnh còn tạm bợ đang khắc phục dần dần. Nhớ mãi cái nhăn mặt vì tiếc của Tú - Đội trưởng khi người cùng mâm rớt ra chiếu chút xíu nước mắm. Thứ của hiếm phải hết sức dè xẻn tiết kiệm. Mà khi nãy làm việc, kể ra bao thứ bộn bề khó khăn mà Natcom địa phương đang phải khắc phục có thấy Tú xịu mặt đi chút nào?
Một Haiti nghèo khó
Nam ca sỹ nổi tiếng Haiiti, Michel Martelly thuộc Đảng Sự đáp trả của nông dân đã trở thành Tổng thống thứ 56 của Haiti và là Tổng thống thứ 4 được bầu cử dân chủ tại Haiiti trong vòng nửa thế kỷ qua đã nhậm chức ngày 14.5.2011.
Tiếng rao báo nghe như hát dễ gặp nhất là ở các ngã tư của thủ đô Port-au-prince. Khẽ ngoắc lại đã có trong tay tờ Autivement (tờ báo của cơ quan Phủ Tổng thống) nổi bật với cái tựa chạy dài trên trang nhất Les cent Premiers jours d’une Presidence (bách nhật của một Tổng thống)
Giăng khắp 24 trang toàn hình là hình. Những bức ảnh của Tổng thống Michel Martelly, khi thì đứng với nội các, với các chính khách nước ngoài, khi thì hớn hở, lúc đăm chiêu với các lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, nông nghiệp thể thao văn hóa... của đất nước Haiti. Báo muộn vào dịp chẵn trăm ngày Tổng thống cầm quyền nhưng vẫn bán chạy.
|
Bộ trưởng Giao thông Công trình Công cộng và Viễn thông Haiti và Tổng Giám đốc Natcom
|
Những ngày đầu đến Port-au-Prince, tôi rất thích đứng ở các ngã tư mặc dầu anh em bên này khuyên không nên vì nguy hiểm. Thủ đô Haiti vẫn trong tình trạng bất ổn. Nạn cướp giật thường xảy ra. Lại có chuyện bắt cóc tống tiền nữa... Giá như được chôn chân giờ lâu ở những ngã tư thủ đô mà ngắm ngó thiên hạ. Ấn tượng hơn cả vẫn là những bức ảnh dạng áp phích Tổng thống Martelly với nhiều kích cỡ và vẻ mặt khác nhau được phóng to được đặt ở các ngã ba, ngã tư.
Lần lượt diễu qua tấm hình chân dung Tổng thống đa phần là những người phụ nữ da màu, dáng vẻ lam lũ, thậm chí rách rưới ngất ngểu đội trên đầu (bên này dân có thói quen đội mọi thứ trên đầu như thế) thứ gì đó khi mau khi khoan, thi thoảng lại diễu qua. Động thái ấy cộng với khung cảnh đổ nát nhuôm nham do thảm họa động đất đến nay vẫn chưa được khắc phục cứ như một sự thách thức, như là sự trêu ngươi không chỉ trăm ngày mà gần như suốt cả nhiệm kỳ của ông Michel Martelly!
Ông đang như đối diện với đồng bào cần lao của mình khi bình thản, khi đau khổ, lúc thì đang như khuyến khích họ? Vị ca sĩ - Tổng thống này sẽ giải quyết, sẽ đáp trả như thế nào trước khung cảnh tan hoang của đất nước sau động đất và dịch bệnh? Hơn 8 tỷ USD chỉ phút chốc đi tong. Rồi vấn nạn hơn 50% dân số thất nghiệp và 3 trong 4 người dân Haiti với thu nhập dưới 2 USD/ ngày?
Bây giờ ông đang ngồi đây, trong căn lều dựng trong Dinh Tổng thống. Không phải căn lều quái dị Bedouni của độc tài Kadhafi tha đi khắp thế giới mà là căn lều dựng tạm sau họa động đất làm xô lệch tan nát kiến trúc trong Dinh. Thoạt trông, cái đầu ít tóc gợi lên một cảm giác ngài ngại nhưng bù lại rất chóng gần bởi ông luôn có cái cười thường trực, có lẽ không phải thế mà bản tánh của một ca sĩ trước công chúng vốn như nhiên vi nhiên? Hơn thế, bây giờ ông là một chính khách, vị thuyền trưởng dẫn dắt con tàu đang đầy mình thương tích - quốc đảo Haiti, diện tích chỉ non hai tỉnh Thanh - Nghệ gộp lại nhưng có tới gần 10 triệu dân? Non mười triệu dân nhưng hơn 50% tài sản đất nước nằm trong tay 1% người giàu!
Natcom ở Haiti
Khách của Dinh bữa ấy là ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel mới ở Việt Nam sang để kịp có mặt trong ngày khai trương Natcom. Ông Hùng ngồi ở vị trí trang trọng mà Tổng thống Michel Martelly đã dành cho những Hallary Clinton, Bill Clinton, Tổng thư ký LHQ Ban Kimoon và nhiều quan chức quốc tế khác khi đến Haiti bàn việc tái thiết.
Ông nói trong lúc chờ tái thiết, nội các của ông sẽ không rời, không lánh đi đâu cả. Từ nơi đổ nát này sẽ phát đi các mệnh lệnh cần thiết. Tôi biết không mấy bữa nữa, các thiết bị viễn thông của Tập đoàn Viettel gửi tặng từ căn lều này sẽ kết nối, sẽ trực tuyến với tất cả các quan chức địa phương Haiti bất kể khi nào ông muốn.
Tại Haiiti, Natcom – liên doanh giữa Viettel và Ngân hàng Trung ương Haiti – là công ty đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại sử dụng cáp quang là hệ thống truyền dẫn chính. Tính đến thời điểm hiện tại, Natcom sở hữu 3.500 km cáp quang, phủ tới 95% số huyện trên toàn bộ đất nước Haiti.
Trong triển khai xây dựng mạng cáp quang phải vượt qua rất nhiều khó khăn, nhưng hạ tầng dựa trên cáp quang đã thể hiện sự ưu việt của băng thông rộng, đem lại tốc độ cao, độ ổn định và chất lượng kết nối tốt. Điều đó thể hiện qua việc hỗ trợ Chính phủ Haiti bảo đảm thông tin liên lạc trong và sau cơn bão Issac hồi tháng 8/2012. Hệ thống cầu truyền hình HD nối giữa Phủ Tổng thống đến hơn 20 điểm cầu là Văn phòng Chính phủ và các cơ quan bộ ngành do Natcom thiết kế, xây dựng và cung cấp miễn phí đã phục vụ Tổng thống, Chính phủ điều hành khắc phục hậu quả của cơn bão.
|
Ngay đầu năm 2018, Natcom đã lập "hattrick" với 3 hợp đồng lớn với tổng giá trị gần 400 nghìn USD cho (1) Tổng Cục Hải quan Haiti,
|
|
(2) Đơn hàng 4G phục vụ Văn phòng Tổng thống Haiti
|
|
Và (3) Cung cấp 24 đường truyền internet kết nối các trường thành viên của Đại học Y Haiti
|
Cùng với việc hạ tầng mạng lưới bền vững, băng thông lớn của mạng cáp quang là cơ sở để Natcom trở thành công ty duy nhất có thể đưa toàn bộ dịch vụ của mình tới tất cả mọi miền của Haiti. Lần đầu tiên tại quốc đảo này, dịch vụ Internet di động 3G được triển khai trên toàn quốc, đem lại cơ hội truy cập Internet băng rộng tới từng người dân ở tận những nơi xa xôi nhất. Natcom cũng là công ty viễn thông duy nhất có thể cung cấp dịch vụ cầu truyền hình độ phân giải HD tới tất cả các tỉnh của Haiti.
Song song với hạ tầng bền vững, Natcom là công ty sở hữu 3 cổng kết nối quốc tế với tổng dung lượng 3,5Gbps, nâng tổng dung lượng kết nối quốc tế của Haiti lên gấp 4,5 lần từ mức 1Gbpsvà tháng 9/2011 – thời điểm trước khi Natcom chính thức khai trương cung cấp dịch vụ. Natcom trở thành đầu mối kết nối chính cho những nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) khác tại Haiti, giải quyết cơ bản vấn đề nghẽn băng thông quốc tế, nâng tốc độ truy cập trung bình từ 2 - 3Mbps trước đây lên mức hàng trăm Mbps tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân người dùng.
Cùng với việc xây dựng mạng lưới, Natcom tự xây dựng hệ thống kênh phân phối bán hàng riêng. Đội ngũ nhân viên, cộng tác viên bán hàng lưu động tỏa ra khắp các phố lớn, phố nhỏ, ngõ hẻm, đến từng nhà dân, từng người dân để vừa đóng vai trò bán hàng vừa tư vấn dịch vụ cho người dân Haiti. Phương pháp bán hàng này của Natcom đã đem lại công việc và thu nhập ổn định cho khoảng 7.000 lao động.
Đặc biệt hơn, những công ty viễn thông khác sau một thời gian đánh giá thấp và nghi ngờ hình thức bán hàng này của Natcom thì cũng bắt đầu xây dựng đội ngũ tương tự. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn lao động khác cũng có việc làm và thu nhập từ hình thức kinh doanh mới mẻ này, góp phần ổn định xã hội sau khi đất nước này chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên tai.
(Còn nữa)