Đại chiến lược Donald Trump: Trung Quốc choáng váng, Nga mừng thầm
Đại tá Lê Thế Mẫu / Nguồn:Báo Điện tử VietTimes
Đại chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đưa ra trong một thời khắc có ý nghĩa như một bước ngoặt lịch sử nhằm ngăn chặn đà suy thoái nhanh chóng của Mỹ kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống vào năm 2008 và đưa nước Mỹ trở lại vị thế cường quốc công nghiệp số 1 thế giới...
Ông Trump luôn khiến người khác phải sửng sốt về những quyết định khác người cũng như những kết quả giành được
Kể từ chiến dịch tranh cử năm 2016 tới khi đắc cử và cầm quyền sau gần hai năm, Tổng thống Mỹ D.Trump đã từng đưa ra nhiều tuyên bố được cho là “tiền hậu bất nhất”, “xoay quan điểm như chong chóng”, thậm chí có người ác cảm với D.Trump cho rằng ông có biểu hiện “bệnh lý tâm thần” hoặc “bệnh tự ái ác tính” [1,2].
D.Trump từng có ý tưởng về đại chiến lược trước khi tranh cử tổng thống
Tuy nhiên, ẩn giấu đằng sau vẻ “thô ráp”, có phần “ngang ngạnh” và “coi trời bằng vung” ấy không chỉ là một tỷ phú thành đạt mà còn là một chính khách có tư duy độc đáo, khác lạ, so với tất cả tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm. Minh chứng là, cũng như các tổng thống Mỹ khác, từ trước khi ra tranh cử tổng thống năm 2016, D.Trump đã có ý tưởng về một đại chiến lược (Grand Strategy) mang tên ông để dẫn dắt và làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại” [3,4]. Thậm chí, D.Trump coi đại chiến lược của các tổng thống Mỹ tiền nhiệm là “sai lầm” chỉ làm cho nước Mỹ suy yếu.
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích chính trị, đại chiến lược của Tổng thống Mỹ D.Trump được đưa ra trong một thời khắc có ý nghĩa như một bước ngoặt lịch sử nhằm ngăn chặn đà suy thoái nhanh chóng của Mỹ kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống vào năm 2008 và đưa nước Mỹ trở lại vị thế cường quốc công nghiệp số 1 thế giới [5,6].
Để thực hiện chiến lược này, Donald Trump đem tư duy của một doanh nhân tỷ phú rất thành đạt áp dụng vào phương thức quản trị quốc gia và ông quan niệm lãnh đạo đất nước cũng giống như điều hành một doanh nghiệp. Khi lên cầm quyền, ông đã thể hiện phong cách lãnh đạo này mặc dù cách thức đó phần nào làm đảo lộn những giá trị đã ăn sâu bám rễ trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Những nội dung cơ bản của đại chiến lược của D.Trump
(1) Chia rẽ mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung. D.Trump nhận thấy, Trung Quốc và Nga là hai đối thủ lớn nhất có khả năng ngăn cản Mỹ tiếp tục duy trì vị thế lãnh đạo thế giới. Trong khi chưa thể đánh bại Trung Quốc về kinh tế và đánh bại Nga về quân sự, thì phương sách tốt nhất là chia rẽ mối quan hệ đối tác chiến lược giữa họ với nhau. Quan hệ liên kết Nga-Trung đã từng được hình thành trên cơ sở Tuyên chung về một thế giới đa cực và xây dựng trật tự quốc tế mới, lần đầu tiên được Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Tổng thống Nga Boris Yeltsin đưa ra trong chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Trung Quốc vào năm 1997. Chủ trương này sau đó được các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Tổng thống Nga V.Putin thực hiện [7].
Lúc này, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế số 2 thế giới, đang theo đuổi tham vọng vươn lên vị thế số 1, đẩy lùi vị thế và ảnh hưởng của Mỹ. Còn Nga tuy nền kinh tế còn chưa đủ mạnh nhưng lại sở hữu kho vũ khí chiến lược đủ sức hủy diệt nước Mỹ một khi xẩy ra xung đột quân sự. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ đã từng thành công trong chiến lược chia rẽ quan hệ Xô-Trung Quốc và đó là một trong những yếu tố dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô. Hiện nay, Mỹ không thể tiếp tục đẩy Nga liên kết ngày càng chặt chẽ với Trung Quốc như Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama từng làm. Chính vì thế, D.Trump tuyên bố trong cuộc gặp Tổng thống Nga V.Putin ở Helsinki rằng quan hệ Mỹ-Nga xấu như hiện nay là so “những sai lầm ngu ngốc” của các chính quyền Mỹ trước đây.
(2) Xác định Trung Quốc là “kẻ địch của Mỹ”. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Donald Trump từng tuyên bố:“Tôi không thể gọi Trung Quốc bằng một cách nào khác là kẻ thù của nước Mỹ bởi họ đang đánh cắp tương lai của con em chúng ta”. Nói rộng ra, Trung Quốc đang ráo riết thực hiện tham vọng thay thế vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ trong trật tự thế giới đơn cực do Washington kiểm soát.
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ Christopher Wray mới đây còn khẳng định, xét từ nội hàm cuộc chiến tranh thương mại, Trung Quốc thậm chí còn là mối đe dọa nguy hiểm và lớn hơn nhiều so với mối đe dọa từ Nga. Các đời Tổng thống Mỹ, từ Richard Nixon cho tới Barack Obama, đều ủng hộ sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc, nhưng Donald Trump lại không coi Trung Quốc là một đối tác kinh tế của Mỹ, mà thực chất là “đối thủ chiến lược chính”, thậm chí là một “kẻ thù về kinh tế” của Mỹ [3].
(3) Làm thất bại chủ trương chiến lược của Trung Quốc “Made in China 2025” (“Sản xuất tại Trung Quốc 2025”). Donald Trump cho rằng thách thức lớn nhất đối với chủ trương “Made In America” để làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông chính là chủ trương chiến lược của Trung Quốc “Made in China 2025”-một kế hoạch tổng thể được chính phủ nước này đưa ra vào năm 2015 để đảm bảo địa vị thống trị toàn cầu trong 10 lĩnh vực công nghệ cao, từ robot tới phương tiện giao thông dùng năng lượng thay thế. Vì thế, bằng cách tuyên chiến thương mại với Trung Quốc, D.Trump muốn bảo đảm chắc chắn rằng họ không thể bắt kịp Mỹ trong lĩnh vực công nghệ [8].
(4) Cải thiện quan hệ với Nga. Trong tình thế “lực bất tòng tâm” hiện nay, D.Trump nhận thấy Mỹ không thể thiếu sự hợp tác với Nga để hóa giải các điểm nóng mà Mỹ đang lâm vào như cuộc khủng hoảng Ucraina, cuộc chiến ở Syria, tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và hồ sơ hạt nhân của Iran [9]
(5) Điều chỉnh chiến lược xoay trục tới Châu Á-Thái Bình Dương thời Barack Obama thành chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ-Thái Bình Dương ngày 30/7/2018, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Mike Pompeo công bố chiến lược xoay trục mới của Tổng thống Mỹ D.Trump với tên gọi “Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ (“America’s Indo-Pacific Economic Vision), đã từng được ông lần đầu tiên tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Việt Nam năm 2017.
Theo Tổng thống Mỹ D.Trump, khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trải dài từ bờ phía Tây nước Mỹ cho đến bờ phía Tây của Ấn Độ, giữ một vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Washington do các nước trong khu vực này là một trong những đầu tàu lớn nhất của tương lai thế giới, của nền kinh tế thế giới hiện tại cũng như trong tương lai. Mỹ và toàn thế giới có lợi ích trong nền hòa bình và thịnh vượng của Ấn Độ-Thái Bình Dương và do đó phải nắm vai trò chi phối khu vực này. Hơn nữa, chiến lược này còn nhằm làm phá sản chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
(6) Yêu cầu các đồng minh phải chia sẻ các gánh nặng chi phí quân sự theo một cách thức công bằng, không thể để họ “lợi dụng” hoặc ỷ lại Mỹ. Yêu cầu này xuất phát từ một thực tế là nhiều thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không hoàn thành các cam kết đóng góp vào ngân sách quân sự chung của liên minh và vì thế vô hình trung họ đã đẩy người đóng thuế Mỹ trở thành nguồn bao cấp cho các nhu cầu bảo đảm an ninh cho họ.
Trước khi D.Trump bước vào Nhà Trắng, nhiều chính khách và học giả cho rằng Mỹ cần thực hiện chính sách đối ngoại mới theo hướng thu hẹp đáng kể các cam kết quốc tế và san sẻ gánh nặng quốc phòng cho các đồng minh. Những ý kiến này đã bị chính quyền Mỹ trước đây bỏ qua, nhưng D.Trump thì không.
(7) Thực hiện chính sách đối ngoại nhằm đảo ngược sự suy thoái về ảnh hưởng của Mỹ. D.Trump nỗ lực thuyết phục nhiều nhà lãnh đạo mà giới tinh hoa chính trị ở Washington coi là “độc tài”, từ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến Tổng thống Nga V.Putin, phải chấp nhận nhượng bộ. Bằng cách đó, D.Trump làm cho vị thế của Trung Quốc suy giảm bởi Bắc Kinh gần như bị gạt ra ngoài lề các cuộc tiếp xúc đó. D.Trump đã đúng khi cho rằng việc thay đổi mối quan hệ Mỹ-Triều quan trọng hơn so với việc đảm bảo mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Nếu Mỹ có thể thuyết phục được Triều Tiên-đồng minh quân sự chính thức duy nhất của Trung Quốc, thì bối cảnh địa chính trị Đông Bắc Á chắc chắn sẽ tái định hình theo hướng có lợi cho Mỹ.
(8) Chủ trương thực hiện mục tiêu “hòa bình thông qua sức mạnh”. Sách lược “chiếc gậy và củ cà rốt” luôn luôn là “bảo bối” trong chính sách đối ngoại của Mỹ. D.Trump cũng không thể là ngoại lệ. Chỉ có điều, do “chiếc gậy” của Mỹ đã bị suy yếu từ các đời tổng thống Mỹ trước đây nên D.Trump phải thực hiện chiến lược đầu tư cho sức mạnh quân sự với ngân sách lớn nhất trong toàn bộ lịch sử Hoa Kỳ, thể hiện tầm nhìn chiến lược nhằm đảm bảo cho Mỹ vẫn là quốc gia có sức mạnh quân sự vượt trội so với mọi đối thủ trong tương lai[10,11].
(9) Áp dụng cách tiếp cận thực dụng với các mối quan hệ quốc tế. Một trong những cơ sở nền tảng của đại chiến lược của D.Trump là cách tiếp cận thực dụng đối với các mối quan hệ quốc tế. Cách tiếp cận này xuất phát từ chủ trương làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại”, hay là “nước Mỹ trước tiên” trong khi D.Trump lựa chọn mô hình phát triển mới của nước Mỹ.
Do đó, cách tiếp cận này sẽ còn có sức sống lâu hơn thời gian dự kiến là hai nhiệm kỳ của Donald Trump. Do đó, các đối tác, bè bạn và cả kẻ thù của Mỹ cần phải làm quen với một nước Mỹ vì mình hơn, sẵn sàng làm tất cả trong phạm vi quyền lực để ngăn chặn đà suy thoái, cho dù cái giá phải trả có như thế nào.
Tài liệu tham khảo:
[1] Republicans hit out at 'unethical' psychiatrists who claim Donald Trump has a 'dangerous mental illness'. http://www.dailymail.co.uk/health/article-4433844/Donald-Trump-mental-illness-psychiatrists-warn.html
[2] President Trump exhibits classic signs of mental illness, including 'malignant narcissism,' shrinks say. http://www.nydailynews.com/news/politics/shrinks-break-silence-president-trump-exhibits-traits-m-article-1.2957688
[3] Trump’s Grand Strategy. https://www.project-syndicate.org/commentary/trump-grand-strategy-china-us-decline-by-brahma-chellaney-2018-07
[4] Trump’s Grand Strategy. https://www.counterpunch.org/2018/07/26/trumps-grand-strategy/
[5] Obama’s Grand Strategy. https://foreignpolicy.com/2013/03/04/obamas-grand-strategy/
[6] Donald Trump-sự lựa chọn lịch sử của nước Mỹ. Viện châu Mỹ. Nhà xuất bản chính trị quốc gia. Hà Nội 2017.
[7] Видение многополярности в России и Китае и международные вызовы. http://www.perspektivy.info/rus/gos/videnije_mnogopolarnosti_v_rossii_i_kitaje_i_mezhdunarodnyje_vyzovy_2013-08-31.htm
[8]Made in China 2025. https://www.csis.org/analysis/made-china-2025
[9] Великий президент Трамп против вашингтонского болота. https://topwar.ru/144603-osushit-li-tramp-vashingtonskoe-boloto.html
[10]Trump to focus on 'peace through strength' over Obama's 'soft power' approach. http://www.chicagotribune.com/news/nationworld/ct-donald-trump-foreign-policy-20161229-story.html
[11]Donald Trump’s Peace Through Strength Vision for the Asia-Pacific. https://foreignpolicy.com/2016/11/07/donald-trumps-peace-through-strength-vision-for-the-asia-pacific/