Sao nỡ “làm tiền” trên xương máu người khác?

Ngày đăng: 07:22 05/08/2018 Lượt xem: 527


          Sao nỡ “làm tiền” trên xương máu người khác?

 

                                                                           Nguồn:Báo Điện tử Dân Việt


Phẫn nộ, là cảm giác khi đọc về một kiểu “làm tiền” đầy nhẫn tâm và tàn ác vừa diễn ra ở Bệnh viện Đà Nẵng sau vụ tai nạn thương tâm làm 13 người chết, 4 người bị thương mới xảy ra ở Điện Bàn (Quảng Nam).

   

“Ngay từ đầu tiếp nhận 4 trường hợp may mắn sống sót sau vụ tai nạn thương tâm, lãnh đạo bệnh viện đã thông báo không thu bất kỳ khoản viện phí nào. Tuy nhiên, chúng tôi thực sự sốc khi có người mạo nhận thân nhân người bệnh để kêu gọi sự giúp đỡ ngay tại bệnh viện... Chuyện đã rất buồn còn làm buồn thêm”, bác sĩ Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết.

 sao no “lam tien” tren xuong mau nguoi khac? hinh anh 1

Một lời kêu gọi quyên góp hỗ trợ các nạn nhân vụ tai nạn kinh hoàng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.

Một trong những nội dung kêu gọi quyên góp trên mạng xã hội Facebook được chia sẻ nhiều nhất chỉ 1 ngày sau là “Vụ tai nạn 13 người mất ở Quảng Trị, hiện giờ có một bé đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng nhưng không đủ chi phí, mẹ cháu mất rồi… Mình tha thiết mong mn (mọi người) chia sẻ bớt nỗi lo về tiền bạc cho gia đình cháu bé với...”.

Một tài khoản khác thì đăng lời kêu gọi: “Đây là 4 người còn sống trong vụ tai nạn nhưng hiện tại đều trong tình trạng khó khăn nhất...”, kèm theo đó là thông tin, hình ảnh đáng thương của bé gái 6 tuổi có mẹ mất trong vụ tai nạn.

Các dòng trạng thái kêu gọi hỗ trợ cho các nạn nhân đều đăng kèm số tài khoản để... "mọi người trực tiếp ủng hộ". 

Ngay khi vụ việc giả danh người nhà nạn nhân để trục lợi được phát hiện, Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Đà Nẵng đã hướng dẫn những người muốn hỗ trợ các nạn nhân cách nộp tạm ứng viện phí (có biên lai) để bệnh viện giám sát danh sách và tạm giữ cho bệnh nhân.

“Số viện phí tạm ứng này sẽ được hoàn trả cho người nhà khi có chứng thực lúc làm thủ tục ra viện cho bệnh nhân để tránh thất lạc, tránh bị lợi dụng”, ông Nguyễn Đình Quốc - Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết.

Giám đốc bệnh viện Lê Đức Nhân cũng cho hay bệnh viện đang khuyến cáo các nhà hảo tâm cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo của những kẻ mạo nhận thân nhân của 4 nạn nhân sau vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam.

Trước đó chỉ 1 ngày, lại cũng là cảm giác phẫn nộ, với một kiểu “làm tiền” khác, khi đọc bản tin về ông Chủ tịch UBND xã Quảng Yên (Thanh Hóa) – người vừa bị kỷ luật cảnh cáo vì trực tiếp điện thoại cho dân đòi phải “lót tay” 3 triệu đồng thì ông mới chấp nhận làm thủ tục cho nhận tiền hỗ trợ bão lũ.

Theo như người dân xã Quảng Yên phản ánh, đợt mưa lũ vào tháng 10.2017 đã khiến gần 100 hộ nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt… ở Quảng Yên bị thiệt hại lớn. Và các hộ dân này sẽ được nhận số tiền 248,3 triệu đồng hỗ trợ.

Đến ngày 14.3.2018, UBND xã Quảng Yên tiếp nhận ngân sách và tổ chức chi trả cho người dân số tiền đợt 1 là 137 triệu đồng. Một tuần sau, chính quyền xã chi trả số tiền đợt 2 là 90,4 triệu đồng.

 sao no “lam tien” tren xuong mau nguoi khac? hinh anh 2

Công sở xã Quảng Yên - nơi ông Lê Quang Kỳ công tác.

Và không tin được là trong cả 2 đợt chi trả, ông Lê Quang Kỳ - Chủ tịch UBND xã Quảng Yên đã chỉ đạo cán bộ xã "xin lại" 10% tiền hỗ trợ của mỗi hộ dân để… lo lót đi lại.

Thậm chí, ông Kỳ còn gọi điện thoại cho một hộ dân bị thiệt hại nặng nề đề nghị phải đưa 3 triệu đồng để đi lo thủ tục. Người dân đã ghi âm lại việc làm này của Chủ tịch xã và làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng.

“Người ta ăn của dân không từ thứ gì…” - nhận xét ngày nào của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến giờ vẫn còn nguyên tính thời sự và 3 triệu đồng tiền “lót tay” hay 10% chi phí đi lại của vụ việc vừa dẫn là những ví dụ sinh động.

“Lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”… là truyền thống tốt đẹp và quý báu của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Truyền thống này được trỗi dậy và phát huy mạnh mẽ, mang lại những hiệu ứng tích cực về lòng nhân ái của con người mỗi khi có thiên tai, hoạn nạn. 

“Đục nước béo cò” cũng là “truyền thống”, tất nhiên là không tốt đẹp, của không ít người. Đáng buồn, là số không ít ấy đang ngày càng đông thêm. Gần như cứ mỗi mùa bão lũ đi qua là lại có những câu chuyện ăn chặn, xà xẻo tiền cứu trợ đủ kiểu khiến người ta bức xúc, từ tham ô tiền tỷ đến người nhà cán bộ “đi nhầm” vào hộ nghèo để nhận hỗ trợ tiền triệu, thậm chí cả những gói mỳ tôm vài nghìn đồng cũng bị bớt xén, đi lòng vòng… Sau những vụ tai nạn thảm khốc, những cảnh đời bệnh tật, khốn khó, cũng không thiếu các lời tố cáo, nghi vấn những kẻ nhân danh từ thiện, nhởn nhơ đút túi những đồng tiền hỗ trợ của các nhà hảo tâm.

Nhưng, ngoại trừ một vài vụ tham ô lớn, lên đến tiền trăm triệu, tiền tỷ bị điều tra, khởi tố, nhẹ hơn thì cách chức, còn lại phần lớn các vụ ăn chặn cứu trợ “tẹp nhẹp” vài ba triệu, hay dăm chục cân gạo, thùng mỳ tôm… chỉ bị cảnh cáo, khiển trách, có khi trả lại là “hòa cả làng”.

Nhiều vụ nhân danh từ thiện ăn chặn đến cả vài chục triệu đồng cũng chỉ ầm ĩ tố nhau trên mạng, chẳng mấy khi kiện cáo đến cơ quan năng, nên cũng chẳng mấy kẻ bị xử lý, chỉ âm thầm đóng tài khoản Facebook là “chìm xuồng”.

Những vụ ăn chặn cứu trợ, từ thiện ấy tuy “tẹp nhẹp” nhưng lại rất nhiều, như những con sâu mọt gặm nát lòng tốt của xã hội, làm xói mòn lòng tin vào những đợt vận động ủng hộ đồng bào gặp thiên tai của những nhà hảo tâm.

Những hành vi ấy không chỉ là tham ô, trục lợi mà phải bị coi là tội ác. Vì thế, nếu vẫn chỉ là kỷ luật cảnh cáo, khiển trách, vẫn chỉ là tố cáo, cảnh báo trên mạng xã hội, chưa bị đưa ra pháp luật, thì có lẽ, những câu chuyện đau lòng về những kẻ lợi dụng mất mát và đớn đau ngấp nghé sinh tử của đồng bào mình để “béo cò” sẽ còn nối dài sau mỗi mùa bão lũ, mỗi vụ tai nạn thương tâm.

tin tức liên quan