Sáp nhập, nhất thể hoá và câu chuyện ngăn ngừa tha hoá quyền lực

Ngày đăng: 07:49 12/08/2018 Lượt xem: 495


Sáp nhập, nhất thể hoá và câu chuyện ngăn ngừa tha hoá quyền lực

                                                             Nguồn:Báo Điện tử  


Đổi mới, sắp xếp bộ máy tổ chức liên quan trực tiếp đến tổ chức, con người và thường chưa có tiền lệ, nên càng không thể nóng vội, “một nhát ăn quan”.



Huyện Quan Sơn, vừa là huyện miền núi lại biên giới, với cư dân đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng việc sáp nhập thôn bản và thực hiện nhất thể hoá cán bộ thôn bản lại rất “ngon lành”. Khi nhiều địa phương ở Thanh Hoá còn lướng vướng tìm chọn cán bộ đủ điều kiện “2 trong 1” thì Quan Sơn đã có 100% thôn bản, tổ dân phố có bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng, trưởng thôn. “Cán bộ thôn bản, tổ dân phố đều là những người làm ăn khá, độ tuổi bình quân xấp xỉ 40”- ông Chu Đình Trọng, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho biết.

Ông Chu Đình Trọng nêu một kinh nghiệm rất đáng chú ý: Ngay từ khi sáp nhập thôn, huyện đã có văn bản hướng dẫn mỗi đơn vị thống nhất 3 chức danh: bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn; phó bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận; phó trưởng thôn kiêm công an viên. Khi một thôn nào đó gặp khó trong việc chọn cán bộ, thì huyện, xã cùng xáp vào. Khó mức nào thì dân gỡ cũng xuôi. Tổ chức hội nghị toàn thôn, nêu yêu cầu, tiêu chuẩn để dân giới thiệu, phân tích, lựa chọn. Dân giới thiệu “chụm” rồi, đưa ra bầu, đều trúng với số phiếu cao. Hợp lòng dân, đúng ý Đảng lại mười phần dân chủ.

Vì sao một huyện miền núi biên giới như Quan Sơn lại đạt kết quả mỹ mãn như thế? Một, là do Huyện ủy chú trọng chăm lo công tác phát triển đảng viên trong cộng đồng thôn bản. Huyện có 39.000 dân thì có 3.900 đảng viên, tức 10 người dân có 1 đảng viên. Huyện ủy có nghị quyết, mỗi năm toàn huyện phấn đấu kết nạp khoảng 200 đảng viên. Như thế không lo thiếu nguồn cán bộ cơ sở. Hai, là cán bộ chủ chốt từ huyện đến xã đều là luân chuyển có tư duy mới mẻ, không định kiến, hẹp hòi, thoát khỏi tính cục bộ địa phương, dòng họ nên việc nhìn nhận, đánh giá cán bộ khách quan, theo hướng phát triển. Từ đây có thể nhìn ra sự tác động qua lại rất tích cực giữa công tác luân chuyển cán bộ với việc chọn, bố trí cán bộ vào vị trí nhất thể hoá.

Nhất thể hoá chức danh bí thư - chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn lại có cái khó riêng. Tư tưởng cục bộ làng xã không muốn người từ đâu đến cùng lúc đứng đầu hai vị trí “quyền lực” nhất, dễ nảy sinh đố kỵ, phá bĩnh. Cán bộ ở vị trí nhất thể hoá dễ mắc khuyết điểm hoặc nóng vội dẫn đến độc đoán, chuyên quyền; hoặc e ngại, không dám phát huy quyền lực. Hoá giải cái khó này như thế nào? “Quan tâm khâu chọn cán bộ và nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng cán bộ, nhân dân”- ông Nguyễn Quang Hải, Bí thư Huyện ủy Đông Sơn nêu kinh nghiệm từ thực tế địa phương. Thành phố Thanh Hoá, đến thời điểm này đã có 13/37 xã, phường thực hiện nhất thể hoá. “Giai đoạn đầu nên chọn trong số cán bộ là thành ủy viên, trưởng, phó phòng, ban, đoàn thể thành phố luân chuyển về phường, xã bố trí bí thư - chủ tịch UBND”- ông Đàm Văn Thê, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy nêu. Ông Thê cũng đánh giá: “Các đơn vị thực hiện nhất thể hoá việc hội họp giảm hẳn, bộ máy hoạt động hiệu quả, nhân dân đồng tình ủng hộ”.

Sáp nhập, nhất thể hoá và câu chuyện ngăn ngừa tha hoá quyền lực
Huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Báo Xây dựng

“Thanh Hoá đang nghiên cứu ban hành quy định giảm cán bộ cấp xã, cấp thôn theo hướng giảm mạnh, tới nghiên cứu nhập xã, thị trấn có quy mô nhỏ”- Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên nói. Thực hiện theo Thông tư 09/2017 của Bộ Nội vụ, Thanh Hoá sẽ sáp nhập, giảm từ 5.971 thôn, tổ dân phố xuống còn 4.393, giảm tương ứng 9.468 cán bộ không chuyên trách. Đấy là con số rất có ý nghĩa về nhiều mặt.

Nhập thôn, tổ dân phố, giảm số lượng cán bộ, liệu lương, phụ cấp những người kiêm việc có tăng tương xứng? Câu hỏi này được nhiều cán bộ nơi chúng tôi tới tìm hiểu về vấn đề sáp nhập và nhất thể hoá đặt ra. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên giải đáp: “Chúng tôi đang xây dựng chính sách tương ứng, cuối năm nay ban hành. Vấn đề chính không phải giảm chi ngân sách, mà là tính hiệu quả, hiệu lực sau khi tinh giản, tinh gọn và nhất thể hoá”.

Với hệ thống chính trị cấp tỉnh đến cấp xã, chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được triển khai như thế nào? Đến nay đã có 17/27 huyện, thị, thành phố xây dựng phương án nhập văn phòng HĐND và UBND cấp xã với văn phòng đảng ủy. Tỉnh ủy có văn bản chỉ đạo bố trí Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Trên thực tế, tất cả các huyện trong tỉnh đã thực hiện theo phương án này. Từ năm 2018, Thanh Hoá đã xây dựng các phương án: Hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND cấp huyện; tổ chức lại văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung cho các ban của Tỉnh ủy; xây dựng đề án hợp nhất văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng HĐND, UBND tỉnh thành một văn phòng tham mưu giúp việc chung. Nhiều huyện đã có phương án nhất thể hoá một số chức danh thuộc cấp ủy và UBND: Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Mặt trận; Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra kiêm Chánh thanh tra...Từ phương án, đề án đến triển khai trong thực tế cần thời gian, có thử nghiệm, đánh giá, không thể nóng vội.

Thanh Hoá cũng đang quyết liệt sắp xếp tinh giảm các đơn vị sự nghiệp. Từ 34 Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề trực thuộc UBND huyện giảm xuống còn 24. Hệ thống bệnh viện công lập chuyển mạnh sang tự chủ, giảm dần nguồn chi từ ngân sách. Năm 2017, chi tới 420 tỷ đồng cho các bệnh viện, thì đến năm 2020, chỉ còn 268 tỷ, giảm 152 tỷ. Sau năm 2020, gần 6.000 viên chức làm việc tại các bệnh viện sẽ chuyển hẳn sang nguồn tự chủ, không còn hưởng lương ngân sách, trừ bệnh viện miền núi.

Thu gọn đầu mối, sáp nhập các đơn vị tương đồng chức năng, nhiệm vụ liệu có giảm đáng kể biên chế? Kinh nghiệm từ thực tiễn, từ Trung ương đến địa phương, rất nhiều trường hợp sáp nhập nhưng đầu mối không giảm, biên chế phình thêm. Thực hiện từ dưới lên, như đang thực hiện, rất nên, nhưng còn từ trên xuống? Xử lý tính đặc thù giữa cơ quan thuộc cấp ủy với cơ quan thuộc chính quyền như thế nào? Mô hình tổ chức sau khi sáp nhập, thu gọn sẽ đổi mới theo hướng nào để tăng tính hiệu lực, hiệu quả và không lặp lại hội chứng nhập vào tách ra, tách ra nhập vào? Công cụ đánh giá cán bộ, kiểm tra, giám sát quyền lực, ngăn ngừa tha hoá quyền lực khi quyền lực tập trung vào một cá nhân? Đó là những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện chủ trương lớn của Đảng về đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay, không chỉ Thanh Hoá mà nhiều địa phương khác cần tiếp tục nghiên cứu, tìm lời giải.

Chỉ xin nêu một vài cách làm thực tế liên quan đến công việc hệ trọng là kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa tha hoá quyền lực.

Từ cuốn Sổ tay đảng viên ở Huyện ủy Quan Sơn...

Khi làm việc ở xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn, chúng tôi thấy trên bàn làm việc của Bí thư đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Sinh có cuốn Sổ tay đảng viên do Huyện ủy Quan Sơn phát hành. Lật giở những trang đầu, cuốn sổ này lần lượt in nhiệm vụ, quyền hạn đảng viên trích từ Điều lệ; những lời dạy của Hồ Chủ tịch về tư cách của người đảng viên; quy định về những điều đảng viên không được làm; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự “diễn biến”, tự “chuyển hoá”. Sổ tay còn in nội dung trích từ nghị quyết của Đảng bộ huyện Quan Sơn về những biểu hiện của tư tưởng, tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu và bài thơ “Về với Quan Sơn”. “Chúng tôi cấp cho từng đảng viên để ghi chép nội dung các buổi sinh hoạt đảng, những nghị quyết của chi bộ và nhiệm vụ mà đảng viên phải thực hiện. Mở Sổ tay, mỗi đảng viên thêm một lần được nhắc nhớ về những điều cần ghi nhớ và chấp hành”-ông Chu Đình Trọng, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy giải thích. “Khi kiểm tra công tác đảng, chúng tôi kiểm tra Sổ tay đảng viên”- ông Chủ Đình Trọng cho biết.

... Đến cách đánh giá, xếp loại ở Huyện ủy Đông Sơn...

Bí thư Huyện ủy Đông Sơn Nguyễn Quang Hải giới thiệu cách chấm điểm, xếp loại cán bộ: “Chúng tôi xây dựng tiêu chí, bảng điểm. Cuối năm từng cán bộ lãnh đạo chủ chốt các xã tự đánh giá, tự chấm điểm. Tập thể cấp ủy xã xem xét. Bước tiếp theo là các ban, ngành của huyện, qua theo dõi địa bàn đánh giá, chấm điểm, xếp loại. Ban thường vụ Huyện ủy xem xét và quyết định cuối cùng”.

Đông Sơn có 16 xã, thị trấn. Bảng xếp loại có từ 1 đến 16. Ở đâu đó việc chấm điểm, xếp loại còn mang tính hình thức, cào bằng, chung chung, xếp rồi để đó. Đông Sơn căn cứ vào kết quả chấm điểm xếp loại cuối năm để đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ. Cán bộ nào 2 năm liền kết quả xếp loại thấp sẽ bị điều chuyển sang vị trí khác. Đơn vị nào còn đơn thư khiếu kiện, cán bộ chủ chốt nơi đó sẽ bị xếp loại thấp.

...Và siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm minh sai phạm

Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương khoá XII chiều 12/5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ cán bộ, phân công phân cấp với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm”.

Vấn đề “kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm” ở Thanh Hoá được thực hiện như thế nào?

Mấy năm qua, một vài sở, ngành, địa phương tỉnh Thanh Hoá có biểu hiện lạm phát cấp phó, hoặc lạm dụng ký hợp đồng lao động, hoặc bổ nhiệm cán bộ “thần tốc”...khiến dư luận bàn tán, cán bộ và nhân dân trong tỉnh mệt lòng. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Cách xử lý trong từng trường hợp cụ thể đã đủ độ cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa hay chưa? Ông Trần Quang Đảng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy cung cấp cho chúng tôi những con số: Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy các cấp đã xem xét, kết luận và quyết định thi hành kỷ luật 30 tổ chức đảng có vi phạm, gồm 10 đảng ủy và 20 chi bộ. Đã xem xét, thi hành kỷ luật 1.811 đảng viên, trong đó có 533 cấp ủy viên (có 2 tỉnh ủy viên và 3 nguyên tỉnh ủy viên, 1 bí thư huyện ủy, 1 chủ tịch và 1 nguyên chủ tịch UBND huyện). “Hôm 23/7, chúng tôi đã công bố quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Đảng ủy Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các cá nhân lãnh đạo đương nhiệm và nguyên lãnh đạo giai đoạn 2008-2015 nằm trong đối tượng kiểm tra”- ông Trần Quang Đảng thông tin.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn từng bị dư luận, báo chí nhắc tới vì có tới 8 phó giám đốc. “Chuyện gọi là lạm phát cấp phó này có nguyên nhân khách quan, từ giai đoạn trước, khi nhập 3 sở vào một. Còn chuyện gần đây, với việc đề bạt cán bộ có biểu hiện cấp tốc, vi phạm nguyên tắc, thì đó là chủ quan”- ông Trần Quang Đảng phân tích.

Sáp nhập, nhất thể hoá và câu chuyện ngăn ngừa tha hoá quyền lực

Một góc bản làng của xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Người Lao động

Thực hiện chức trách, Uỷ ban kiểm tra các cấp đã chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm thông qua kết quả phê bình và tự phê bình, kết quả giám sát, thông tin từ báo chí, đơn thư khiếu nại, tố cáo. “Những vụ việc ở Sở Y tế, Xây dựng, Nội vụ...từng được báo chí phát hiện, đều đã được kiểm tra, kết luận, người đứng đầu ở các đơn vị này đều bị xử lý nghiêm khắc”- ông Trần Quang Đảng cho biết. “Chúng tôi thực hiện từng bước, coi trọng chứng lý, phát huy tinh thần phê và tự phê, làm sao để tổ chức và cá nhân vi phạm tự giác nhận khuyết điểm, hình thức kỷ luật. Với Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy, thực sự không có vùng cấm. Huyện Yên Định là đơn vị anh hùng, nhưng đồng chí bí thư Huyện ủy vi phạm, tổ chức vẫn xử lý”- ông Trần Quang Đảng dẫn thêm.

Rõ ràng, điều động, luân chuyển, giao nhiều quyền hơn cho cán bộ chính là tạo môi trường để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Nhưng, không thể lơ là nguyên tắc tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh khi xảy ra sai phạm. Đó chính là biện pháp chủ động cảnh báo, ngăn ngừa bệnh tha hoá quyền lực, căn bệnh dễ phát sinh khi thực hiện sáp nhập, nhất thể hoá.

Nghị quyết lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả” không chỉ là công việc của Đảng, đó còn là yêu cầu của cuộc sống, đòi hỏi của nhân dân. Với Thanh Hoá, bước đầu đã có những chuyển động tích cực, “trên rốt ráo, dưới sáng tạo, chủ động”.

Trước mắt, như chương trình kế hoạch của Tỉnh ủy, để triển khai thực hiện Nghị quyết 26 Ban chấp hành Trung ương khoá XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược,đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” Thanh Hoá còn cả “một núi công việc”, việc nào trước, việc nào sau, phải cân nhắc, tính toán, cần có thời gian, nhưng cũng không được phép chậm trễ. Ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy thông tin một số chỉ tiêu có tính điểm nhấn: “Đến năm 2020, Thanh Hoá bố trí 75% trở lên bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện không là người địa phương; 80% trở lên bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương. Đến năm 2025 hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã không là người địa phương; đồng thời tiếp tục bố trí đối với một số chức danh khác”. Ông Đỗ Trọng Hưng cũng cho hay: “Trong điều động, bố trí cán bộ, Tỉnh ủy có quan điểm chỉ đạo thành nguyên tắc nhất quán: Trong ban thường vụ và thường trực cấp ủy các huyện miền núi phải có cán bộ là người dân tộc kinh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải có cán bộ người dân tộc thiểu số; phấn đấu trong lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh phải có cán bộ người dân tộc thiểu số”. Đó là nguyên tắc được xem là có tính đặc thù, khác biệt của Thanh Hoá.

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy liên quan trực tiếp đến tổ chức, con người, và thường chưa có tiền lệ, nên càng không thể nóng vội, “một nhát ăn quan”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7, khoá XII đã lưu ý: “Tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, thường xuyên đổi mới công tác cán bộ, bảo đảm tính khách quan, đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tiễn”./.

tin tức liên quan