“Ông bà, cha mẹ chúng tôi đã sinh sống, mưu sinh và gắn bó với dòng sông Cầu này hàng trăm năm. Thế nhưng, chưa bao giờ chúng tôi thấy xảy ra tình trạng cứ một thời gian cá lại chết dạt trắng vào hai bên bờ như thế này. Nhìn mà đau lòng, xót xa quá. Đây phải nói là dòng sông đã chết chứ không còn là đang chết nữa. Rồi mai đây, con cháu chúng tôi làm sao mà sinh sống, mưu sinh bên dòng sông này nữa”.
Lời kêu cứu của những người dân bên bờ sông Cầu gửi tới cơ quan báo chí khiến bất cứ ai, dẫu không sinh sống trên địa bàn này cũng phải thấy ghê rợn, hãi hùng.
Thế nhưng, cơ quan quản lý ở đây là Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cũng đang tỏ ra bất lực khi buộc phải “kêu cứu” lên Tổng cục Môi trường. Bởi, nguyên nhân cá chết lại là do hoạt động xả thải từ sông Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh.
Kể từ sau sự cố môi trường biển “rúng động” năm 2016 ở 4 tỉnh miền Trung, tuyên bố “không phát triển kinh tế bằng mọi giá”, “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng”… đã trở thành quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Thế nhưng, dường như vẫn có quá nhiều vụ việc liên quan đến môi trường sống mà người dân đang trở thành những nạn nhân trực tiếp. Trong khi chính quyền địa phương loay hoay, lúng túng thì hàng ngày, hàng giờ, những người dân sinh sống trong khu vực ô nhiễm vẫn phải đánh đổi sức khoẻ của mình để bám trụ lại quê hương. Nếu không thì họ biết đi đâu?
Chỉ điểm lại từ đầu năm đến nay, đã có quá nhiều vụ việc được báo chí điểm danh: Bãi rác thải được chất cao như núi nằm trên tuyến quốc lộ 60 thuộc xã Lương Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh tồn tại cách đây hàng chục năm, bốc mùi hôi thối, mà chỉ cách chưa đầy 500 m là Bệnh viện Phổi Trà Vinh (thông tin trên báo Tri thức trực tuyến ngày 16/6).
Các hộ dân sinh sống tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ phải sống trong cảnh thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường (VOV, ngày 15/5).
Hay như gần đây, Dân trí cũng liên tục đưa tin về các vụ ô nhiễm khác: Nhà máy “nhả” khói đen tra tấn người dân ở Bình Định (ngày 16/7); Tình trạng ô nhiễm nặng của sông Nhuệ - sông Đáy (ngày 8/7); Nước xả thải quá tải tràn ra biển ở Đà Nẵng (ngày 6/8)…
Chưa có báo cáo về những đóng góp của các dự án trên cho địa phương như thế nào, song dù với con số nào đi chăng nữa, việc “chậc lưỡi” cho các dự án kinh tế tồn tại bất chấp môi trường cũng không thể nào chấp nhận được.
Bất cứ một dự án nào khi được phê duyệt và vận hành cũng phải qua khâu đánh giá tác động môi trường, phải được thanh kiểm tra thường xuyên về hệ thống xả thải… Khi các dự án để xảy ra tình trạng ô nhiễm nặng nề với môi trường, đến nỗi người dân phải “kêu cứu”, người viết không hiểu nổi, trách nhiệm của các sở TN&MT và các sở KH&ĐT ở đâu, trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu?
Nghe nói các doanh nghiệp vẫn đang bị “hành” bởi thanh, kiểm tra quá nhiều lần trong năm, vậy sao ở những dự án gây ô nhiễm vẫn không được giải quyết? Liệu có bao nhiêu chủ đầu tư đã phải đền bù cho người dân vì những thiệt hại mà họ đang đánh đổi? Có bao nhiêu chủ đầu tư đã phải trả giá bằng hình phạt thu hồi dự án? Hay là vẫn là câu chuyện uẩn khúc về những cái bắt tay thoả hiệp của chính quyền và doanh nghiệp sai phạm, để bao mất mát vẫn thuộc về người dân?
Còn nhớ hồi năm ngoái khi thị sát Formosa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố: “Thái độ của chúng ta rất rõ ràng, không bao che, dung túng cho những sai trái. Đồng thời cũng yêu cầu các nhà đầu tư phải nghiêm túc bảo vệ môi trường sống cho nhân dân”.
Rất mong những tuyên bố đó của Thủ tướng sẽ được các địa phương thực thi nghiêm túc. Bởi nếu truy đến cùng, người viết tin rằng, chẳng có lãnh đạo địa phương, sở ngành nào có thể “vô can” khi để xảy ra những vụ ô nhiễm tày trời. “Quan thì xa, bản nha thì gần”, thưa các vị!
Bích Diệp
PS st Theo Dân trí