'Đế chế tiền' của Trung Quốc đang định hình lại thương mại toàn cầu thế nào?

Ngày đăng: 07:45 21/08/2018 Lượt xem: 495

'Đế chế tiền' của Trung Quốc đang định hình lại thương mại toàn cầu thế nào?

                                                                                             
                                                       Nguồn:Báo Điện tử VTC


Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc được thiết kế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và mở rộng tầm ảnh hưởng của quốc gia này đang có những tác động khổng lồ có thể vượt ra khỏi phạm vi thương mại, theo Bloomberg. 



Trung Quốc đang xây dựng một "đế chế" theo phong cách thế kỷ 21 – nơi những thứ đóng vai trò dẫn đầu và chi phối không phải vũ khí, quân sự mà là thương mại và nợ nần. Nếu tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình trở thành hiện thực, Bắc Kinh có thể có được vị trí trung tâm của nền kinh tế bao phủ hơn nửa địa cầu, Bloomberg Markets nhận định trong bài phân tích về tác động của dự án khổng lồ Vành đai và Con đường dọc Con đường Tơ lụa của Trung Quốc.

Theo Bloomberg Markets, một trong những dự án nổi bật nhất của ông Tập là “Con đường tơ lụa mới” được đề xuất vào năm 2013. Tháng 11/2014, tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 22 được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc chính thức đưa ra sáng kiến “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”, được gọi tắt là sáng kiến “Vành đai, con đường” - chương trình kết hợp các chính sách đối ngoại, chiến lược kinh tế, tấn công mềm được nuôi dưỡng bằng dòng tài chính của Trung Quốc đang tái cân bằng các mối quan hệ đồng minh kinh tế và chính trị toàn cầu của nước này.

de che tien cua trung quoc dang dinh hinh lai thuong mai toan cau the nao

Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa (gạch liền) và Sáng kiến Con đường Tơ lụa hàng hải (gạch đứt). (Đồ họa: Bryan Christie Design/Bloomberg Markets; Nguồn: Hội đồng Phát triển thương mại Hong Kong, Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc)

Doanh nghiệp thế kỷ

Để đánh giá quy mô thực hiện và thực trạng của sáng kiến Vành đai và Con đường, Bloomberg Markets cử các phóng viên đến 5 thành phố trên 3 lục địa được coi là đi đầu trong kế hoạch lớn của Trung Quốc: Nghĩa Ô, Trung Quốc; Hambantota, Sri Lanka; Gwadar, Pakistan; Mombasa, Kenya và Piraeus, Hy Lạp.

Thứ đầu tiên hiện ra trong bức tranh nghiên cứu tổng thể của các chuyên gia này đó là phần lớn là các quốc gia nằm trong dự án đầu tư trọng điểm của Trung Quốc là những quốc gia nghèo, kinh tế lạc hậu so với sự tăng trưởng toàn cầu trong nửa thế kỷ qua. Dường như họ đã vui mừng trước những dự án Trung Quốc đầu tư đầy hứa hẹn sẽ giúp họ bắt kịp xu thế. Dù vậy, khi một số đối tác lớn trong chương trình do dự và chi phí của quá trình gọi vốn tăng, các bên liên quan hưởng lợi ở Hambatota và Piraeus bắt đầu đặt câu hỏi về cái giá phải trả lâu dài.

Tại Malaysia, một trong những đối tác lớn nhất của đầu tư Trung Quốc tại Đông Nam Á, tân Thủ tướng Mahathir Mohammad cũng tuyên bố ngưng lại các dự án tỷ USD của Trung Quốc đầu tư vào nước này. Ông bày tỏ lo ngại về tình trạng nợ nần của đất nước và việc sử dụng lao động Trung Quốc đã hạn chế lợi ích của nền kinh tế địa phương, từ đó quyết định tạm dừng các dự án đường sắt và ống dẫn khí hàng tỷ USD do Trung Quốc đầu tư.

Theo Bloomberg, Trung Quốc có ý định trở thành doanh nghiệp thế kỷ. Nước này đã chi vượt cả kế hoạch Marshall của Mỹ sau Thế chiến II, tính bằng giá trị đồng USD ngày nay. Trong mười năm, theo ước tính của công ty Morgan Stanley, Trung Quốc và các đối tác địa phương sẽ chi khoảng 1,3 nghìn tỷ USD cho hệ thống đường sắt, đường bộ, cảng và mạng lưới điện. “Sự ảnh hưởng kinh tế cũng có thể xem là một cách ngoại giao” – Nadege Rolland, chuyên gia chính trị và an ninh tại Văn phòng Quốc gia về nghiên cứu châu Á, Washington nói. “Không phải cho hôm nay mà là cho Trung Quốc giữa thế kỷ 21.”

Video: Nhiều nước đổ xô mua đậu nành Mỹ sau khi Trung Quốc tăng thuế

Để thực hiện sáng kiến Vành đai và Con đường, khi các công ty do nhà nước sở hữu đầu tư lớn ở nước ngoài, ông Tập đang khuyến khích các công ty Trung Quốc chi tiêu vào các dự án trong nước hưởng lợi trực tiếp từ nền kinh tế và gián tiếp từ sự “nổi tiếng” mà nhà nước có được. Từ đó các doanh nghiệp trong nước không từ chối mà điều chỉnh kế hoạch của mình cho phù hợp với dự án. Nhiều doanh nghiệp bảo vệ các dự án ở nước ngoài của họ dưới “chiếc ô” các dự án của ông Tập để nhận được bảo trợ từ nhà nước.

Sáng kiến Vành đai và Con đường, như Michael Every, chuyên gia nghiên cứu thị trường tài chính tại tập đoàn Rabobank Hong Kong nói, “là một loại sốt chính trị đặt biệt, bạn rưới nó lên món gì thì nó cũng có vị ngon hơn.”

de che tien cua trung quoc dang dinh hinh lai thuong mai toan cau the nao

Trong 10 năm, theo ước tính của công ty Morgan Stanley, Trung Quốc và các đối tác địa phương sẽ chi khoảng 1,3 nghìn tỷ USD cho đường sắt, đường bộ, cảng và mạng lưới điện. (Ảnh: Asim Hafeez/Bloomberg)

Đối với nước ngoài, loại “nước sốt” này khơi dậy vị giác của nhiều nước đang phát triển ở khắp châu Á và châu Phi. Khi ý tưởng về Con đường Tơ lụa hiện đại đạt được sức hút, Vành đai và Con đường có thể luồn vào những nơi thậm chí chưa từng liên quan đến các đoàn lữ hành cổ đại. Năm 2018, nó đã đến Nam Mỹ, vùng Caribe, thậm chí là Bắc Cực.

Hầu hết các dự án đầu tư nước ngoài lớn bé đều được coi là một phần của sáng kiến: tàu chở hàng mang hạt giống hướng dương Trung Quốc đến Tehran, tòa nhà tòa án mới ở Papua New Guinea, hệ thống thủy lợi ở Philippines...

Những lo ngại

Ông Tập Cận Bình gọi sáng kiến Vành đai và Con đường là “con đường hòa bình”. Dù vậy, một số cường quốc thế giới như Nhật Bản và Mỹ nghi ngờ về cả những mục đích đã tuyên bố và chưa tuyên bố của dự án này, đặc biệt là những mục đích hàm ý đến sự mở rộng quân sự.

Mạng lưới các tuyến thương mại đang phát triển, bao gồm Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa và Sáng kiến Con đường Tơ lụa hàng hải, giờ đã mở rộng đến ít nhất 76 quốc gia, phần lớn là các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh, cùng với một số nước bờ phía Đông châu Âu. Khi phần lớn hệ thống thương mại toàn cầu di chuyển bằng đường biển, không có gì ngạc nhiên khi nhiều địa điểm giành được các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc là các cảng biển cùng hạ tầng đường bộ với các phương tiện liên kết giao thông khác kết nối hoạt động vận chuyển từ Trung Quốc tới thị trường toàn cầu.

de che tien cua trung quoc dang dinh hinh lai thuong mai toan cau the nao

Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa và Sáng kiến Con đường Tơ lụa hàng hải đã mở rộng đến ít nhất 76 quốc gia, phần lớn là các nước đang phát triển. (Ảnh: ImageChina/AP Photo)

Kế hoạch của Trung Quốc trong việc xây dựng hoặc tái xây dựng hàng chục cảng biển, đặc biệt là các cảng quanh Ấn Độ Dương, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại Washington và New Delhi: Bao nhiêu trong số những cảng biển này rồi sẽ trở thành nơi tàu chiến Trung Quốc neo đậu? Giống như việc lực lượng hải quân hùng mạnh và mạng lưới căn cứ quân sự toàn cầu đã hỗ trợ cho đế chế thương mại của Anh vào thế kỷ 19 và Mỹ vào thế kỷ 20, Trung Quốc cũng đang xây dựng hạm đội tàu ngầm, tàu sân bay và tàu chiến có thể trở thành đối thủ của Mỹ.

Trung Quốc cho biết không có ý định sử dụng Vành đai và Con đường để gây ảnh hưởng chính trị hay quân sự trái phép và sáng kiến này chỉ nhằm tăng cường hiểu biết kinh tế và văn hóa giữa các quốc gia. “Khi theo đuổi sáng kiến Vành đai và Con đường, chúng ta nên tập trung vào các vấn đề nền tảng của sự phát triển, giải phóng tiềm năng phát triển của nhiều quốc gia và đạt được hội nhập kinh tế.” - ông Tập Cận Bình nói năm 2015.

Trong trường hợp đó, ông Tập sẽ cần thay đổi cái nhìn của những người sống dọc theo chiều dài và chiều rộng của Con đường Tơ lụa những ngày sau này. Và điều đó chỉ có thể xảy ra ở những thành phố và thị trấn đang thay đổi từng ngày bởi "đế chế tiền tệ" của Trung Quốc.

 
tin tức liên quan