Đại biểu Quốc hội muốn làm rõ có lợi ích nhóm về sách giáo khoa hay không
Đại biểu Quốc hội muốn làm rõ có lợi ích nhóm về sách giáo khoa hay không
Nguồn:Báo Điện tử Thanh Niên
Các đại biểu Quốc hội băn khoăn vấn đề lãng phí trong việc in sách giáo khoa (SGK) dùng một lần và đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo làm rõ có hay không hiện tượng độc quyền, lợi ích nhóm trong phát hành SGK.
Mỗi năm xã hội mất 1.000 tỉ vì SGK dùng một lần
Phát biểu tại phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 sáng 19.9, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho biết rất băn khoăn về SGK và sự lãng phí trong in ấn SGK.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, chỉ rõ trong sách giáo khoa Toán lớp 1 có nhiều bài tập buộc học sinh phải ghi luôn vào sách-ẢNH LÊ HIỆP (CHỤP QUA MÀN HÌNH)
“Nghị quyết 88 nói một chương trình nhiều bộ SGK nhưng thực tiễn có tiết kiệm trong việc in ấn SGK?”, bà Nga đặt câu hỏi, và cho biết hiện có nhiều dư luận, nghi ngại liên quan tới độc quyền trong hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục và đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo làm rõ dư luận này.
Bà Nga cầm cuốn sách giáo khoa môn Toán lớp 1 giơ lên và cho biết, trước đây bài tập có sách riêng, sách giáo khoa có sách riêng, nhưng bây giờ bài tập lại chung với sách giáo khoa và học sinh buộc phải ghi bài tập vào sách. Theo bà Nga, với cách in ấn sách như hiện nay, học sinh khóa sau không thể dùng được nữa.
“Tại sao bây giờ khác thế hệ trước, một bộ sách không dùng được 2 - 3 thế hệ? Tại sao lại phải ghi bài tập vào sách giáo khoa? Tại sao chúng ta lại để phí mỗi năm chúng ta xuất bản hơn 1 triệu cuốn SGK, xã hội mất 1.000 tỉ đồng, nhưng đến năm sau không dùng được nữa?”, bà Nga nói và cũng đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm rõ vấn đề này.
Thí điểm quá lâu mà người dân không biết tốt xấu thế nào
Tiếp ý kiến của bà Nga, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, vấn đề SGK dùng một lần bà đã trực tiếp trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo khóa trước, và nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri cũng đã nói. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục - Đào tạo cứ nói đấy không phải sách giáo khoa, mà chỉ là sách bài tập, sách tham khảo.
“Tôi không muốn đưa ra ở đây nhiều sách như chị Nga vừa đưa ra, nhưng qua tìm hiểu thì nhiều sách có các bài tập, ô trống, các đường nối, đường kéo…”, bà Hải nói và nhấn mạnh giá mỗi cuốn sách chỉ từ 10.000 - 12.000 đồng nhưng lại ảnh hưởng tới muôn nhà, khi hiện nay cả nước có tới 15,6 triệu học sinh.
Từ đó, bà Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo quan tâm tổ chức thanh tra ngay vấn đề này, đặc biệt liên quan tới biểu hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách hay không.
Bên cạnh đó, bà Nga cũng cho biết, hiện nay có dư luận về việc các trường ép học sinh mua sách tham khảo dù không cần thiết. “Có phụ huynh nhắn tin cho tôi nói là sách tham khảo mua từ đầu năm nhưng đến cuối năm vẫn còn mới tinh, không dùng gì cả”, bà Hải nói và đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo phải có tổng kết, đánh giá việc thực hiện việc này.
Một vấn đề khác cũng được Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội đề cập là thí điểm, thí nghiệm trong giáo dục. Bà Hải đề nghị cần có tổng kết, đánh giá các chương trình thí điểm, thí nghiệm và có công bố rõ ràng, tránh để thời gian thí điểm quá lâu mà cử tri không biết thí điểm đó tốt ở điểm nào, xấu ở điểm nào.
“Vì giáo dục thường xuyên liên quan tới cử tri nên đề nghị Bộ trưởng quan tâm hơn tới người phát ngôn của Bộ Giáo dục - Đào tạo để thể hiện rõ chính kiến của Bộ trước các vấn đề nóng, tránh gây hoang mang”, bà Hải nói.