Không phải cứ viết lên trán chữ 'cộng sản' là được dân yêu

Ngày đăng: 07:23 16/10/2018 Lượt xem: 404


   Không phải cứ viết lên trán chữ 'cộng sản' là được dân yêu

                                                             Nguồn:Báo Điện tử


Sẽ không còn những cán bộ lãnh đạo chỉ biết ra rả rao giảng đạo đức mà hành động khác hẳn? Đó là kì vọng lớn của nhân dân.



Tư tưởng nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể gói gọn trong câu nói sau đây của Người: “Một tấm gương sống còn có giá  trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. “Tấm gương sống” theo Người là sự hội tụ trong mỗi cán bộ, đảng viên những phẩm chất đạo đức tư cách và việc làm vì nước vì dân.

Người nhấn mạnh, muốn nêu gương thì phải “thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Người cho rằng “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”.

Nguyên tắc trước hết của việc nêu gương, theo Người, là “nói đi đôi với làm”. Đây là nguyên tắc cực kì quan trọng, bởi gương chỉ sáng và phát huy tác dụng qua hành động, việc làm cụ thể. Người cách mạng không thể “ăn đi trước, lội nước theo sau”.

Hơn ai hết, Hồ Chí Minh luôn tự nêu gương, cũng là cách thực hiện nguyên tắc “nói đi đôi với làm” của Người.

Ở cương vị Chủ tịch nước nhưng Người vẫn sống một cuộc đời thanh bạch, giản dị và gần gũi với nhân dân. “Mong manh áo vải hồn muôn trượng”, nhà thơ Tố Hữu đã viết về Người như thế.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam độc lập ra đời trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, vừa phải đối mặt với “thù trong, giặc ngoài” vừa bị nạn đói hoành hành, ngân khố cạn kiệt. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn ấy, Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi nhân dân cả nước “diệt giặc đói” và Người gương mẫu thực hiện trước: Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa.

Sau ngày hòa bình lập lại, dù là Chủ tịch nước nhưng bữa ăn của Người cũng không khác gì bữa ăn của mọi gia đình Việt Nam: Bát canh, quả cà, con cá, hoặc lát thịt kho.

Những năm cuối đời ở Hà Nội, kinh tế đất nước khó khăn vì chiến tranh, nhân dân lâm cảnh đói kém, Bác đã thực hiện: Chiều thứ 7 hàng tuần ăn cháo để tiết kiệm thêm một chút gạo cho người nghèo. Bác cũng ăn cơm độn ngô, khoai, sắn giống như cán bộ, nhân dân. Khi đi công tác, Bác mang theo cơm nắm với muối vừng vì không muốn phiền hà cơ sở.

Ngôi nhà của Bác ở Hà Nội chỉ là một ngôi nhà sàn gỗ lợp ngói, trên gác có hai phòng mỗi phòng hơn 10m2, vậy mà Người vẫn cho là lãng phí.

Hình ảnh này về Người in đậm trong tâm trí mỗi người dân Việt: Bộ quần áo kaki đã nhuộm màu, trên ngực áo không một tấm huân chương và đôi dép cao su mòn quai gót.

Người không phải là nhà tu hành khổ hạnh. Với Người – dù ở cương vị Chủ tịch nước (đều là công bộc của dân) – không cho phép mình sống xa hoa, lãng phí. Bởi Người tâm niệm: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn khó khăn, một người nào đó muốn sống hưởng ăn ngon, mặc đẹp thì không có đạo đức”.

Nhiều năm qua, Đảng phát động phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Song nếu ngồi lại với nhau mà kiểm điểm một cách nghiêm túc trên tinh thần cách mạng vì dân vì nước, thì không khó để chỉ ra một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trước mặt quần chúng thì gắn hai chữ “cộng sản” lên trán, nhưng tâm tưởng và việc làm thì khác xa. 

Không phải cứ viết lên trán chữ ''cộng sản'' là được dân yêu
“trách nhiệm nêu gương” của cán bộ, đảng viên đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Ảnh minh họa: Phạm Hải

Cứ nhìn vào bản thân và gia đình họ thì biết: nhà lầu, biệt phủ, xe hơi; con cái du học Mỹ, Anh, Pháp,… trong lúc đất nước vẫn còn khó khăn, hàng triệu đồng bào vẫn phải vật lộn với mưu sinh, đói nghèo. Những thứ xa xỉ ấy liệu có thể nào có được từ đồng lương chân chính hay lại là “thành quả” tất yếu của “cơ chế” ngầm trong đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ theo kiểu 5C (con cháu các cụ cả) hay 4 "ệ" (tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ)...

Những cán bộ sinh ra bởi “cơ chế” ấy thì lấy gì để nêu gương? Và cũng thật khó mà mong mỏi họ sẽ trở thành tấm gương sáng, bởi chuỗi năm tháng ngồi trên ghế quyền lực, họ chỉ chăm chắm việc vơ vét và giữ ghế để leo cao hơn.

Tôi rất ấn tượng với câu nói của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân về loại cán bộ sinh ra từ cái cơ chế 5C, 4 “ệ” ấy: “Năng lực không có gì, bằng cấp lởm khởm mà vẫn bổ nhiệm thần tốc... Những người cán bộ như thế có thể gọi là tấm gương không?

Hàng loạt vụ án lớn nhỏ bị phanh phui trong thời gian gần đây đã chứng minh cho sự sa sút, tha hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước hiện nay. Như cách Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng ví von một cách hình tượng là “Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này”.

Nhận thấy đấy là mối đe dọa cho sự tồn vong của chế độ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát động công cuộc “đốt lò” tham nhũng, được nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ.

Hội nghị Trung ương 8 khóa 12 mới đây cũng đã thông qua Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Quy định này là sự tiếp nối Quy định 101/QĐ-TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và Quy định 55/QĐ-TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.

Như vậy đủ thấy “trách nhiệm nêu gương” của cán bộ, đảng viên đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay.

Nhưng nếu chỉ nói nêu gương một cách chung chung thì không có tác dụng, và lại sa vào tệ hô hào suông, đạo đức giả. Điều khiến nhân dân tin tưởng là lần này, Trung ương nêu đích danh cán bộ chủ chốt, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Địa chỉ đã rõ ràng.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư".

Sẽ không còn những cán bộ lãnh đạo chỉ biết ra rả rao giảng đạo đức mà hành động khác hẳn? Đó là kì vọng lớn của nhân dân.

Muốn nêu gương tốt trong con mắt dân, mỗi cán bộ, đảng viên hãy học lại những điều giản dị mà Hồ Chí Minh đã nói và làm để thực sự trong sáng, thực sự “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

tin tức liên quan