Ông Tập Cận Bình vừa hoàn thành cuộc 'thay máu' giới chóp bu ngành công an
Theo SCMP, vụ bắt giữ và điều tra ông Mạnh Hoành Vĩ đã hoàn thành cuộc “thay máu” các quan chức chóp bu của lực lượng 2 triệu người mà ông Tập tiếp quản 5 năm trước.
Các nhà phân tích cho rằng cách thanh lọc và loại bỏ những cái tên máu mặt vi phạm kỷ luật trong lực lượng công an, nơi ông Mạnh từng giữ chức Thứ trưởng cho thấy Đảng cộng sản Trung Quốc đánh giá rất cao tầm quan trọng của lực lượng này.
Theo ông Trần Đạo Ấn, nhà phân tích chính trị tới từ Thượng Hải, một trong những nguyên nhân là do cơ quan này giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong bộ máy chính trị với nhiệm vụ bảo vệ an ninh nội bộ, đặc biệt là sự an toàn của các lãnh đạo Đảng.
Tên và chức danh của ông Mạnh đã bị xóa khỏi trang web của Bộ Công an nước này vào ngày 8/10, một ngày sau khi ông từ chức Chủ tịch Interpol và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) chính thức thông báo ông bị điều tra về hành vi ''vi phạm nghiêm trọng pháp luật nhà nước''.
Bộ Công an Trung Quốc trong một tuyên bố dài hơn vào ngày 8/10 tiết lộ ông Mạnh bị điều tra vì bị nghi ngờ tham nhũng và có hành vi vi phạm pháp luật “hủy hoại nghiêm trọng” uy tín của đảng Cộng sản và ngành công an.
Trong nhiều thập kỷ qua, giới chức lãnh đạo Trung Quốc vẫn luôn đề cao tầm quan trọng đặc biệt của lực lượng công an, quân đội. Họ khẳng định các lực lượng này cùng với các cơ quan chính trị và pháp lý đóng vai trò thiết yếu với chế độ.
Tại một cuộc họp vào năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại rằng việc quản lý lực lượng công an sẽ nằm trong tay đảng và nhân dân.
Khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2013, giới chức lãnh đạo ngành công an choán đầy những cái tên chủ yếu là thân tín của các chính trị gia lão làng đã nghỉ hưu.
Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Công an Quách Thanh Côn, người được nguyên Phó Chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng (nhiệm kỳ 2003-2008) nâng đỡ là người nắm giữ ảnh hưởng chính trị rất lớn.
8 Thứ trưởng vào thời điểm đó là Dương Hoàn Ninh, Lý Đông Sinh, Lưu Kim Quốc, Mạnh Hoành Vĩ, Trương Tân Phong, Thái An Quí, Trần Chí Mẫn và Hoàng Minh. 8 cái tên này cùng 2 trợ lý Bộ Trưởng là Lý Vệ và Lưu Ngạn Bình đều là các nhân vật cốt cán của Đảng ủy Bộ Công an.
Tuy nhiên, sau chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” được ông Tập Cận Bình phát động ngày sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 của Trung Quốc năm 2012 kết thúc, nhiều trong số cái tên này bắt đầu ''rơi rụng'' nhưng cũng có những người được cất nhắc lên các vị trí cao hơn ở các bộ, ban, ngành khác.
Lý Đông Sinh (Li Dongsheng), một cấp dưới thân cận của "hổ lớn'' Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc bị tuyên án chung thân năm 2015 vì tham nhũng và tiết lộ bí mật nhà nước, là nhân vật đầu tiên lọt vào tầm ngắm của ông Tập trong chiến dịch này.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) năm 2013 đã bắt đầu điều tra ông Lý vì nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, 2 năm sau, ông bị kết tội tham nhũng và phạt tù 15 năm.
Kể từ đó, hầu hết các quan chức cấp cao trong ngành công an bắt đầu rời bỏ chức vụ. Một số chuyển sang công tác tại cơ quan đảng khác hoặc các bộ của chính phủ, một số nghỉ hưu hoặc bị giáng chức.
Dương Hoàn Ninh (Yang Huanning), người góp công lớn đưa Lý Đông Sinh lên làm Thứ trưởng Bộ Công an được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo ban quản lý an toàn lao động trước khi bị giáng chức vì vi phạm kỷ luật đảng, nhưng không bị truy tố.
Lưu Kim Quốc (Liu Jinguo), trở thành Phó Bí thư CCDI trong khi Hoàng Minh (Huang Ming) được thăng chức trở thành lãnh đạo Bộ Quản lý Khẩn cấp, một cơ quan mới được thành lập.
Bộ trưởng Quách Thanh Côn (Guo Shengkun) hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ của mình trước khi trở thành một trong 25 Ủy viên của Bộ Chính trị và được bổ nhiệm làm Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) là một trong số ít những người trong cơ cấu năm 2013 còn ở lại Bộ Công an và thăng chức trong nội bộ. Ông được giao trọng trách lãnh đạo lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc đặt dưới sự giám sát của Bộ vào năm 2013. Cuối năm 2016, ông trở thành người Trung Quốc đầu tiên được bầu vào vị trí Chủ tịch Cơ quan cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol).
Theo SCMP, 5 năm qua, lực lượng công an đã chứng kiến nhiều sự thay đổi với những cái tên được bổ nhiệm mới nhưng cũng sớm rời đi. Ông Phó Chính Hoa, cảnh sát trưởng Bắc Kinh, người được cho có liên quan tới vụ Chu Vĩnh Khang ''ngã ngựa'' được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công An năm 2013, được thăng chức trở thành Bộ trưởng Bộ Tư pháp cách đây vài tháng.
Ông Thị Tuấn, người được bổ nhiệm trở thành Thứ trưởng Bộ Công an vào giữa năm 2017 mới đây cũng đã được điều chuyển tới Ban Mặt trận thống nhất trung ương trong vai trò phó trưởng ban vào tháng 8/2018.
Theo SCMP, các vị trí bị bỏ trống đã và đang được lấp đầy bởi những cái tên trung thành với chính quyền trung ương, trong đó phải kể tới ông Vương Tiểu Hồng được cất nhắc lên làm Thứ trưởng vào tháng 5/2016 và ông Đặng Vệ Bình hiện là trưởng ban kiểm tra kỷ luật Bộ Công an tương đương với hàm Thứ trưởng.
Vương và Đặng đều là làm việc dưới trướng Chủ tịch Tập nhiều năm sau khi ông trở thành Bí thư Thành ủy Phúc Châu, thủ phủ tỉnh Phúc Kiến năm 1993.
Ông Steve Tsang, nhà khoa học chính trị và giám đốc Viện Trung Quốc SOAS tại London, Anh cho rằng để củng cố sức mạnh của Đảng cộng sản Trung Quốc và nhất quán tuyên bố từ khi lên nắm quyền, “không có gì lạ khi ông Tập tìm cách thắt chặt quyền kiểm soát bộ máy an ninh và đưa người của mình phụ trách các cơ quan này, có thể là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Bộ Công an hay các bộ máy an ninh khác.