Văn hóa từ chức đã nói nhiều nhưng vẫn ở dạng “chơi chữ”
Nguồn:Báo Điện tử VOV
“Vì “chơi chữ” nên làm người ta tưởng rằng từ chức là một hành vi văn hóa trong khi thực sự nó là nỗi nhục lớn nhất cho một cá nhân trước khi ra tòa”
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII diễn ra từ 2-6/10 đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó Hội nghị đã thống nhất cao với việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo Quy định, cho rằng dự thảo đã được chuẩn bị công phu, vừa có tính khái quát, vừa cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi; đồng thời giao Bộ Chính trị tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp bằng văn bản của Trung ương để hoàn thiện và sớm ban hành quy định này.
“Chỉ mặt” các hành vi đáng lên án - “sự dũng cảm khổng lồ” của Đảng
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt - người sáng lập InvestConsult Group (Công ty tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về đầu tư và kinh doanh) bày tỏ, ông rất hoan nghênh và mong quy định này sẽ sớm được ban hành để trở thành một chế tài xử lý nhanh nhất, kịp thời nhất các yếu tố đã được xã hội nhận dạng về khía cạnh tham nhũng hoặc tiêu cực vẫn còn tồn tại trong hệ thống chính trị, để làm giảm bớt sự thiệt hại chính trị cho Đảng.
Ông Nguyễn Trần Bạt: “Chỉ mặt” các hành vi đáng lên án - “sự dũng cảm khổng lồ” của Đảng
Ông Bạt nhận thấy, trong hai nghị quyết Trung ương 4 của hai kỳ Đại hội gần đây, Đảng ta đã thấy rất rõ sự suy thoái cả về kỷ luật nhà nước lẫn kỷ luật chính trị đạt đến ngưỡng nguy hiểm. Trong khi đó lại chưa đủ chế tài để loại bỏ kịp thời những yếu tố gây tội mà xã hội đã nhận dạng. Sự xuất hiện, tồn tại của một số nhân vật cấp cao mà đến chục năm nay xã hội đã nhận dạng về tính tiêu cực của họ làm cho Đảng ta mất đi rất nhiều uy tín, tạo ra sự ngờ vực rằng không còn kỷ luật, không còn sự trong sáng chính trị và đạo đức ở trong Đảng.
Do vậy “tôi thấy cảm động về dự thảo quy định đã được đưa ra thảo luận ở Hội nghị Trung ương 8 vừa qua. Bởi những đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, gây nguy hiểm khôn lường cho sự nghiệp chính trị của Đảng thì cần phải có ngay các chế tài để loại bỏ ra khỏi đời sống chính trị, dù chưa thể hoàn tất các quá trình pháp lý để biến họ thành tội phạm theo ngôn ngữ tư pháp”, ông Bạt bày tỏ.
Ông Bạt cũng đồng thời nhấn mạnh, qua đây, chúng ta có thể khái quát hóa việc xây dựng những nghị quyết về xây dựng Đảng như là việc thiết lập các công cụ chuyên chính nội bộ. Đảng ta ít kinh nghiệm trong vấn đề này, nên đã có những lúc bỏ qua quá lâu việc xử lý nội bộ, dẫn tới sự tồn tại bất hợp lý, nghênh ngang của một số nhân vật có nhiều vi phạm mà xã hội đã phát hiện về mặt chính trị và văn hóa.
“Chính vì vậy, tôi hoan nghênh dự thảo này và mong nó sớm được ban hành để trở thành một chế tài xử lý nhanh nhất, kịp thời nhất các yếu tố đã được xã hội nhận dạng về khía cạnh tham nhũng hoặc tiêu cực mà vẫn còn tồn tại trong hệ thống chính trị, để làm giảm bớt sự thiệt hại chính trị cho Đảng ta. Tôi cũng cảm ơn VOV và xem đây là một cơ hội quan trọng để nói lên tình cảm của một trong những người luôn cổ vũ cho sự trong sạch của Đảng”, ông Bạt nói.
Có thể thấy, so với quy định 101 của Ban Bí thư, quy định 55 của Bộ Chính trị, dự thảo quy định vừa được Hội nghị Trung ương 8 thảo luận đã đưa ra được những nội dung rất cụ thể, rất đúng và rất trúng. Theo ông Bạt, việc “chỉ mặt đặt tên” các hành vi bị lên án trong các chế tài trừng phạt liên quan tới các đối tượng từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tới Ủy viên Trung ương là một “sự dũng cảm khổng lồ” của những người lãnh đạo Đảng.
“Giá trị khoa học của văn bản này chính là nó đã thống kê được một danh mục các hành vi đáng lên án, dùng con đường chính trị để phân loại nó, từ đó chuẩn bị tiền đề cho sự phân loại kỹ hơn bằng con đường tư pháp. Hoạt động này thực chất là đặt cơ sở chính trị để xử lý tư pháp về lâu dài”, ông Bạt phân tích.
Đừng “chơi chữ” với câu chuyện từ chức
Trong kết luận Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, việc thực hiện các chủ trương, quy định về nêu gương của Đảng đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng bên cạnh đó, một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống..., gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đừng “chơi chữ” với câu chuyện từ chức
Đồng tình với những đánh giá, nhìn nhận thẳng thắn của người đứng đầu Đảng ta, ông Bạt nhấn mạnh, tất cả mọi người đều phải chịu trách nhiệm trong phạm vi các nghĩa vụ của mình. Quy định về tinh thần trách nhiệm chính là yếu tố quan trọng nhất để tạo ra văn minh loài người. Nếu không ai có trách nhiệm với ai, chúng ta sẽ không có văn minh nhân loại. Việc xác lập trách nhiệm là vô cùng cần thiết và quan trọng. Đằng sau trách nhiệm là danh dự.
Và giải pháp cho danh dự ấy theo vị chuyên gia chính là từ chức, một lối thoát danh dự không tự giác, hay một sự bắt buộc thân ái để làm giảm bớt sự khốc liệt của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Từ chức theo cách phân tích của ông, là một biện pháp giúp cho xã hội có điều kiện dàn xếp các quan hệ chính trị - xã hội một cách êm thuận hơn. Đấy là một giải pháp thông minh.
Ông Bạt cũng cho rằng, xưa nay trên nghị trường Quốc hội, câu chuyện từ chức và văn hóa từ chức đã được nhắc đến nhiều, nhưng theo ông vẫn ở trạng thái “chơi chữ”. Vì chơi chữ nên làm người ta tưởng rằng từ chức là một hành vi văn hóa trong khi sự thực nó là nỗi nhục lớn nhất cho một cá nhân trước khi ra tòa.
Theo ông, cần phải thẳng thắn nhìn nhận từ chức là một cách để đưa xã hội ra khỏi những rắc rối mà một cán bộ đã gây ra. Từ chức là cách để cán bộ đó ra khỏi hệ thống chính trị, công vụ để giảm bớt sự tiếp tục gây hại của họ.
“Các cá nhân khi đã bị xã hội nhận dạng có biểu hiện tiêu cực, tha hóa về chính trị và đạo đức rồi thì Đảng ta phải có các công cụ để loại họ ra khỏi bộ máy, tránh gây bất bình cho xã hội”, ông Bạt nêu quan điểm.
“Tự giác nêu gương lâu dần mới thành văn hóa”
Quá trình Hội nghị Trung ương 8 thảo luận về dự thảo quy định, nhiều ý kiến bày tỏ sự kỳ vọng quy định này khi được ban hành sẽ là cơ sở để có thể góp phần xây dựng nền tảng văn hóa của cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao.
Ông Bạt cho rằng đấy là việc cần khuyến khích, nhưng đồng thời cũng là việc bắt buộc phải làm. Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên TW Đảng nếu không có các tiêu chuẩn cơ bản để nêu gương thì không lãnh đạo chính trị được, bởi bản chất của lãnh đạo chính trị là nêu gương. Khi anh thực hiện lâu rồi và tự giác về việc đó rồi thì thành văn hóa. Văn hóa là thói quen. Chính trị khi đã thành thói quen thì mới trở nên dễ dàng hơn cho đời sống.
Giải tỏa băn khoăn của phóng viên về cơ chế để giám sát việc nêu gương của những cán bộ ở vị trí rất cao, ông Bạt quả quyết, ở đâu cũng có giám sát và càng cao thì càng dễ giám sát. Yếu tố nguy hiểm nhất của người làm chính trị là đứng ở trên cao, ai cũng trông thấy.
“Đừng sợ các vị trí cao như vậy thì khó giám sát. Cần phải học bài sử dụng nhân dân làm quan sát viên về mặt văn hóa cho các hành vi tiêu cực trong hệ thống chính trị. Sử dụng quan sát của nhân dân là vô cùng quan trọng”, ông Bạt nêu ý kiến.
Tuy nhiên, điều mà ông Bạt quan tâm hơn cả là làm thế nào để quy định của Đảng đi vào cuộc sống.
Ông cho biết đã nhiều lần trao đổi quan điểm của mình với một số đồng chí ở các cơ quan Trung ương về vấn đề làm thế nào các Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, bởi theo ông Nghị quyết không bao giờ tự đi vào cuộc sống nếu nó không lấy vấn đề từ cuộc sống làm nội dung.
Tuy nhiên với những nội dung Hội nghị lần này thảo luận, ông tin tưởng rằng đó là những nội dung đi ra từ cuộc sống, đáp ứng khát vọng, tình cảm, đòi hỏi của xã hội đối với Đảng ta trong cuộc chống tham nhũng, một cuộc đấu tranh mà theo ông là không hề dễ dàng.
Theo ông, đây là một dự thảo rất căn bản về mặt đạo đức, về mặt chính trị và về mặt quy mô quản lý. Chớ bao giờ xem xét Nghị quyết chính trị bằng cách mô tả nó toàn diện hay không toàn diện, nó có đủ các vấn đề căn bản, đủ thái độ căn bản, đủ nguyên tắc đạo đức căn bản là được. Còn đã đủ cho thực tế chưa thì thực tế sẽ kiểm nghiệm và phát hiện ra sự thiếu hay đủ của nó.
Một điều cần lưu ý cuối cùng theo vị chuyên gia, đó là đừng làm cho xã hội sốc về tính khốc liệt của cuộc đấu tranh hiện nay mà hãy khuyến khích xã hội đi theo Đảng trong cuộc đấu tranh này. Sự đi theo ấy có thể chỉ là để vỗ tay cổ vũ và để cuối cùng nhận thấy các mặt tiêu cực của cuộc sống dần dần được khắc phục một cách thông minh và có bài bản bằng các công cụ giống như Dự thảo quy định đã được được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua./.