Thưa đại biểu, có thật ‘văn hóa xuống cấp’?
Nguồn:Báo Điện tử Vietnamnet
Khi cho rằng “văn hóa xuống cấp”, tôi không biết ông Tuấn có để ý rằng trong 30 năm Đổi mới, văn hóa Việt Nam thực ra có rất nhiều thành tựu đáng khen, mà có lẽ những người làm trong ngành văn hóa có thể thay tôi liệt kê.
Quốc hội mấy ngày hôm nay làm việc sôi nổi hơn bình thường, với phần chất vấn của những ngành luôn là chủ đề dễ gây “tăng xông” cho dư luận xã hội như giáo dục và văn hóa.
Như mọi khi, các vấn đề liên quan tới giáo dục luôn thu hút dư luận. Nhưng riêng tôi có nhiều băn khoăn hơn với vấn đề văn hóa xã hội. Khi đại biểu chất vấn về tình trạng “văn hóa xuống cấp”, và trách nhiệm của ngành, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã cho rằng “đạo đức xã hội xuống cấp xuất phát từ kinh tế'. “Kinh tế là cái gốc,” ông chốt lại phần phản hồi của mình với đại biểu đến từ Hà Nội.
Tôi hơi ngạc nhiên với cả người hỏi và người trả lời. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn có những trăn trở của mình – và có lẽ cũng là trăn trở của nhiều người – về những mối lo suy thoái văn hóa. Tâm tư của ông là đúng, nhưng ngay khi đề cập đến tình trạng văn hóa xuống cấp, có lẽ ông cần phải đưa ra đầy đủ bằng chứng cho lời nói của mình, hơn là cảm xúc phẫn nộ khi đọc tin tức tràn lan trên báo.
Khi cho rằng “văn hóa xuống cấp”, tôi không biết ông Tuấn có để ý rằng trong 30 năm Đổi mới, văn hóa Việt Nam thực ra có rất nhiều thành tựu đáng khen, mà có lẽ những người làm trong ngành văn hóa có thể thay tôi liệt kê.
Về mặt cá nhân, tôi thấy văn hóa ngày càng đa dạng với sự tham gia của tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài trong những lĩnh vực trước đây thuộc độc quyền của nhà nước như xuất bản, nghệ thuật, âm nhạc, phim ảnh. Người dân, nếu muốn, có thể đi xem phim mỗi ngày ở rạp thay vì phải chờ đoàn chiếu phim nhà nước năm thì mười họa mới xuất hiện. Thậm chí ngay cả một công dân bình thường cũng có thể làm việc của ngành “văn hóa” nhờ sự phổ cập của internet và mạng xã hội. Rất nhiều nghệ sĩ “underground” hay nhà văn trẻ trưởng thành từ việc công bố trực tiếp các tác phẩm của mình, thay vì phải trải qua một quá trình gian nan đi tìm những nhà bảo trợ như cách làm cũ.
Bởi thế, nếu xét “văn hóa” theo nghĩa là giá trị vật chất và tinh thần của xã hội, thì văn hóa Việt Nam trong thời gian qua thực chất là tăng lên hơn là “xuống cấp”.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn. Ảnh: Minh Thăng
Nếu đại biểu Hà Nội hiểu “văn hóa xuống cấp” theo nghĩa rộng hơn, bao hàm cả giá trị đạo đức xã hội, thì đó cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Thứ nhất, xã hội luôn biến chuyển, kéo theo đó là các hệ tư tưởng và giá trị của nó. Ví dụ như không thể lấy tiêu chuẩn của xã hội phong kiến là “nam nữ thụ thụ bất thân” để chỉ ra rằng việc các đôi tình nhân cầm tay nhau đi trên phố là biểu hiện của thoái hóa đạo đức. Thứ hai, có thể nền tảng đạo đức không hề thay đổi, nhưng những câu chuyện tiêu cực thời đại này lại có nguy cơ được phóng đại nhiều lần nhờ tiến bộ của công nghệ truyền thông. Thông tin giật gân, tiêu cực thì vẫn luôn bán chạy hơn thông tin tốt, tích cực. Nếu đại biểu muốn khẳng định “văn hóa xuống cấp” và từ đó quy trách nhiệm cho Bộ Văn hóa, thì ít nhất ông phải làm rõ được hai điều trên. Nếu không, việc tranh luận về vấn đề này sẽ đi đến ngõ cụt và không bao giờ có được những giải pháp hữu dụng.
Trong khi đó, Bộ trưởng ngành – có lẽ mang sẵn tâm lý phòng thủ - không do dự, đồng tình luôn với quan điểm của đại biểu về việc văn hóa xuống cấp, cũng không đưa ra bất kì lời giải thích nào cho quan điểm của ông. Nhưng thay vì nhận trách nhiệm văn hóa thấp thuộc về ngành văn hóa, ông xác định ngay cho kinh tế - hay nói đúng hơn, cho kinh tế thị trường. Đây là một cách biện minh dễ dàng, bởi “nền kinh tế thị trường kéo theo nhiều hệ lụy cho đạo đức xã hội” đã thành một tiên đề phổ biến, thậm chí là chân lý không cần chứng minh. Thế nhưng nếu tiên đề đó là đúng, chúng ta sẽ đánh giá thế nào với những nền kinh tế thị trường tiên tiến nhưng vẫn bảo tồn được văn hóa tốt, như Hàn Quốc, Nhật Bản?
Tôi không có ý định chứng minh văn hóa không xuống cấp để phản biện với đại biểu Tuấn, hay bảo vệ kinh tế thị trường để phản bác quan điểm của bộ trưởng Thiện. Nhưng qua ví dụ này, chúng ta có thể thấy các vấn đề tranh luận còn mơ hồ, và dường như cả người hỏi và người đáp chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, hoặc được tham mưu không đầy đủ. Chất vấn bộ trưởng là nhằm giải quyết những thắc mắc chính sách thiết thực, thay đổi quy trình ra quyết định, hay góp ý với cách làm việc của người đứng đầu ngành. Là một người dân, tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến lý giải của Bộ Văn hóa về việc cấm phổ biến rồi lại cho phép một số bài hát, đảm bảo an toàn cho các lễ hội âm nhạc, hay cách xử lý nạn chèo kéo, chặt chém du khách mà qua năm này năm khác không xử lý nổi.
Quốc hội một năm chỉ họp hai lần, nên tôi mong những cuộc tranh luận nghị trường thực sự giải quyết được một vấn đề nào đó, thay vì những thảo luận nhanh chóng đi vào ngõ cụt.