Sinh viên bán dâm bị đuổi học và kiểu làm chính sách 'rỗi việc'
Nguồn:Báo Điện tử Zing.vn
Chúng ta bật cười với quy định sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học, bởi sự tréo ngoe, vô lý rất dễ nhận diện. Câu hỏi lớn hơn là còn bao nhiêu quy định tương tự như thế?
Bộ Y tế định yêu cầu người có vòng ngực nhỏ không được phép điều khiển phương tiện giao thông. Công an đề nghị cấm quay phim chụp ảnh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn buộc đăng ký “chó mèo chính chủ”.
Mới đây, Bộ GD&ĐT lại gây bão khi dự thảo thông tư liên quan quy chế công tác học sinh, sinh viên của ngành sư phạm đề xuất sinh viên bị đuổi học nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ tư. Đây là quy định cũ từ năm 2016 nhưng bây giờ mới được phát hiện trong dự thảo mới.
Các quy định trên khiến nhiều người thấy trái khoáy, bởi nó phi logic, không thực tế với tình hình hiện tại, thậm chí sai quy định, trực tiếp vi phạm các văn bản pháp định, hiến định cao hơn.
Xây dựng chính sách là câu chuyện nghiêm túc, nhưng đôi khi cũng xảy ra những sự cố dở khóc cười.
Không hiệu quả, không khả thi, không được đồng thuận
Dự thảo “ngực lép” của Bộ Y tế bị tuýt còi vì hạn chế quyền công dân theo Hiến pháp. Cấm quay phim chụp ảnh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ vi phạm quyền giám sát của người dân. Còn quy định “chó mèo chính chủ” rõ ràng là không khả thi với điều kiện thực tế.
Đề xuất sinh viên bán dâm bị đuổi học sẽ xung đột các pháp lệnh và nghị định liên quan vấn đề phòng chống tệ nạn mại dâm đã được ban hành. Hơn nữa, nó có lẽ được chú ý nhiều hơn bởi con số 4.
Liệu rằng có sinh viên bán dâm nào ngốc nghếch đến mức để bị bắt và báo về trường đến lần thứ tư? Vì có số 4, có nghĩa 3 lần bán dâm trước sẽ chỉ bị nhắc nhở, còn thực chất hành động đó vẫn có thể chấp nhận được?
Một trong những quốc gia có quy định “hà khắc” và kỳ lạ nhất thế giới là Singapore. Để đảm bảo đường phố sạch sẽ, chính quyền nước này cấm nhập khẩu và bán kẹo cao su. Ai nhả bã kẹo trên đường sẽ bị phạt tiền và đánh bằng gậy hay lao động công ích.
Một quy định, khi được đưa ra, cần phải tính đến ít nhất ba yếu tố: Hiệu quả về mặt chính sách, tính khả thi thực hiện, và sự đồng thuận của người dân. |
Thế nhưng dù kỳ lạ, quy định đó vẫn được tuân thủ, và có lẽ góp phần nào đó biến quốc đảo thành đất nước sạch nhất trong khu vực. Đến nay, quy định này đã thành “nếp sống” và được tự nguyện chấp hành.
Một quy định, khi được đưa ra, cần phải tính đến ít nhất ba yếu tố: Hiệu quả về mặt chính sách, tính khả thi thực hiện, và sự đồng thuận của người dân. Ba yếu tố này bổ trợ cho nhau.
Ví dụ, một chính sách có hiệu quả và khả thi, nhiều khả năng sẽ được người dân ủng hộ, qua đó có thể áp dụng thực tiễn. Đây chính là câu chuyện thành công của chính sách bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi xe gắn máy ở Việt Nam. Sau khi được ban hành năm 2007, trong vòng 10 năm, tỷ lệ người chấp hành lên đến 90%, giảm 29 nghìn trường hợp chấn thương sọ não.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tổn thương não nghiêm trọng giảm từ 21% năm 2007 xuống 13,6% năm 2016, nhờ chính sách này. Quy định ăn sâu vào suy nghĩ người dân đến nỗi khi thấy ai không đội mũ bảo hiểm, người ta có xu hướng đánh giá về tính cách, trình độ giáo dục. Ở đây, quy định của pháp luật dần trở thành văn hóa và được tự nguyện tuân thủ mà không cần nhiều cưỡng ép.
Để ban hành được một chính sách tốt, ban soạn thảo cần làm ít nhất hai quy trình nghiên cứu tính khả thi và hiệu quả của chính sách, sau đó lấy ý kiến rộng rãi của công chúng - bao gồm chuyên gia, tổ chức xã hội, viện nghiên cứu, những người chịu sự điều chỉnh của quy định, và người dân nói chung.
Dù hai điều cơ bản trên đã được cụ thể hóa và quy định chi tiết trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (thông qua năm 2015), thực tế cho thấy mức độ tuân thủ còn thấp.
Bộ Tư pháp - cơ quan giám định các văn bản quy phạm pháp luật - cho biết năm 2017 có gần 6.000 văn bản trái luật được ban hành. Thậm chí, các văn bản “đúng quy trình” cũng nhiều khi không thực chất về... quy trình.
Ví dụ về việc lấy ý kiến của người dân, ai trong số các độc giả biết được những kênh để góp ý kiến, thực sự góp ý kiến, và nhận được những phản hồi về ý kiến của mình trong số hơn 40 nghìn văn bản ban hành năm ngoái?
Nhiều dự thảo nghị định, thông tư thậm chí chỉ đăng tải lên mạng trong vòng 15 ngày với hàng trăm trang giấy, liệu có ai đủ khả năng “vác tù và hàng tổng” nghiên cứu nhiều chi tiết lắt léo với ngôn từ hàn lâm?
Khi "số phận" của chính sách lệ thuộc cá nhân
Có lẽ, nhiều người băn khoăn, nhất là khi đọc các quy định trái khoáy được ban hành, là tại sao ban soạn thảo nghĩ ra được những thứ “kỳ cục” như thế? Tại sao các cơ quan có trách nhiệm lại “rỗi việc” đến mức ban hành những thứ mà gần như ngay lập tức lại phải thu hồi?
Điều này không quá khó hiểu, nếu chúng ta nhìn lại quy trình ra một chính sách, đặc biệt ở cấp thông tư, là văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết.
Khi luật được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ có trách nhiệm nghiên cứu ban hành nghị định để hướng dẫn thi hành một số điều của luật. Tiếp đó, các bộ, ngành liên quan phải nghiên cứu và ban hành thông tư hướng dẫn.
Thông tư ở cấp cuối cùng có ý nghĩa quan trọng liên quan việc thực thi chính xác quy định của luật và nghị định. Tuy vậy, sự ra đời của một thông tư nhiều khi lại mang tính ngẫu nhiên.
Tôi thử lấy một ví dụ. Trong cuộc họp thường kỳ chính phủ, Bộ Giáo dục được yêu cầu rà soát lỗ hổng của quy trình đào tạo giáo viên theo Luật Giáo dục, đặc biệt sau những sự cố vi phạm đạo đức bị dư luận lên án.
Bộ trưởng tất nhiên sẽ không trực tiếp xử lý việc này, mà phân công thứ trưởng phụ trách. Vị thứ trưởng này tiếp tục chỉ đạo xuống cơ quan chuyên môn - ví dụ Vụ Công tác Học sinh Sinh viên - rà soát chỉnh sửa hoặc ban hành quy định mới. Ông vụ trưởng tiếp tục phân công trách nhiệm đến nhóm chuyên viên giúp việc để soạn thảo thông tư.
Quy trình ra chính sách sẽ vô cùng mạo hiểm nếu chỉ dựa vào cá nhân mà không tạo ra được cơ chế giải trình tốt, gồm cả giải trình chéo giữa các bộ, ban, ngành liên quan, và giải trình với người dân. |
Như thế, “số phận” của một chính sách, dù hệ trọng đến đâu, sẽ phụ thuộc năng lực của chuyên viên phụ trách. Chúng ta sẽ phải kỳ vọng rất nhiều vào một chuyên viên giàu kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn sâu, hiểu được hệ thống văn bản pháp luật, đồng thời nhận thức rõ vai trò của mình để có được chính sách tốt.
Chuyên viên này, hơn nữa, lại phải trong sạch để không bị tác động bởi lợi ích nhóm, sự nhờ vả của doanh nghiệp, dù rằng anh ta chỉ nhận được mức lương không đủ sống tính theo thang bậc quy định.
Xây dựng một chính sách tốt là vấn đề đau đầu không chỉ cho nhà nước hiện đại. Minh Thái Tổ, vị hoàng đề khởi đầu triều đại nhà Minh ở Trung Quốc, từng đích thân đọc tất cả văn bản được ban hành mỗi ngày, bởi tính đa nghi khiến ông nghi ngờ tất cả quan lại giúp việc. Việc rà soát đống giấy tờ cao đến cả mét mỗi ngày, dù mang lại hiệu quả, khiến ông kiệt sức.
Hệ quả quan trọng hơn là những vị vua sau cũng làm cách tương tự, khiến chất lượng chính sách phụ thuộc rất nhiều năng lực của vua hơn là được giám sát bởi cả một thể chế. Sự “quan liêu” này khiến nhà Minh dần không kiểm soát nổi đế chế rộng lớn của mình, tạo ra tình trạng cát cứ, và cuối cùng là sụp đổ.
Quy trình ra chính sách, bởi thế, sẽ vô cùng mạo hiểm nếu chỉ dựa vào cá nhân mà không tạo ra được cơ chế giải trình tốt, gồm cả giải trình “chéo” giữa các bộ, ban, ngành liên quan, và giải trình với người dân.
Còn bao nhiêu quy định tréo ngoe?
Rủi ro của những chính sách “trời ơi đất hỡi” luôn đến với bất kỳ ai sống trên một lãnh thổ tồn tại hệ thống chính quyền. Nhưng tất nhiên, ở đâu có hệ thống giám sát đủ mạnh, rủi ro này sẽ thấp hơn và tác động đến đời sống cũng sẽ được cân nhắc cẩn trọng trước khi ra quyết định.
Tại những quốc gia chuyên chế, rủi ro chính sách “tùy hứng” sẽ cao hơn. Vào đầu năm nay, Swaziland, quốc gia theo chế độ quân chủ duy nhất ở châu Phi, đã quyết định đổi tên nước thành eSwatini, sau quyết định bất chợt của nhà vua vào ngày sinh nhật. Lý do của ông đơn giản là sợ người khác nhầm tên nước mình với Switzerland (Thụy Sĩ).
Còn rất nhiều quy định tréo ngoe, vô lý khác, được ẩn kín trong những ngôn từ lắt léo mà không mấy ai hiểu, đang được thi hành và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của mỗi người. |
Quyết định ngẫu hứng của nhà vua không tính đến những hậu quả lớn về mọi mặt như thay đổi hiến pháp, đổi tiền, đổi tên toàn bộ trụ sở làm việc, đổi hộ chiếu... Thậm chí, đồng phục thể thao của các vận động viên tham gia các giải đấu quốc tế cũng cần thay đổi.
Chúng ta bật cười với quy định sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học, là bởi sự tréo ngoe, vô lý rất dễ nhận diện trên lớp vỏ chữ nghĩa của nó. Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 31/10, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Quy định đuổi học sinh viên bán dâm 4 lần do cán bộ năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém đưa lên. Bộ đã xử lý, bỏ khỏi dự thảo thông tư.
Nhưng tôi tin rằng còn rất nhiều quy định tréo ngoe, vô lý khác, được ẩn kín trong những ngôn từ lắt léo mà không mấy ai hiểu, đang được thi hành và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của mỗi người.
Đó mới thực sự là vấn đề lớn.